Chính sách "tái cân bằng hướng tới châu Á" của Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng Mỹ rất coi trọng khu vực này. Động thái đó phần nào làm yên lòng các đồng minh của Mỹ tại khu vực, tuy nhiên lại làm dấy lên lo ngại tại Trung Quốc. Chính sách “xoay trục sang châu Á" của Mỹ chưa đủ để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi các tham vọng đối với khu vực, đối với Đài Loan hay các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông. Tuy nhiên, chính sách này đã giúp các nước ở Đông Á và Đông Nam Á cân nhắc lại cách thức đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Để chính sách “xoay trục” của Mỹ phát huy hiệu quả nhằm duy trì hòa bình và trật tự ở khu vực châu Á, một mặt chính quyền Mỹ trong tương lai cần thể hiện sự rõ ràng và quyết tâm đối với Trung Quốc; mặt khác, cần tăng cường ngoại giao với Trung Quốc và đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không có ý định hành động hung hăng. Bắc Kinh sẽ tiếp tục nghi ngờ chính sách tái cân bằng của Mỹ và cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là vấn đề đối với Washington. Đó là cách Trung Quốc khẳng định mình, đặc biệt bằng việc xác lập ảnh hưởng ở trên biển mới là vấn đề khó giải quyết.

Một trong những vấn đề cơ bản nhất của chính sách đối ngoại mà bất kể chính quyền mới nào của Mỹ cũng cần phải giải quyết là quyết định tầm quan trọng của châu Á đối với Mỹ xét về mặt chiến lược toàn cầu. Chính quyền mới cũng phải quyết định xem cần dành cho khu vực châu Á bao nhiêu nguồn lực và sự quan tâm. 

Brack Obama là “Tổng thống Thái Bình Dương” đầu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, chính sách tái cân bằng hướng tới khu vực châu Á của ông Obama lại không hoàn toàn đáng tin cậy, bởi chính quyền Mỹ dường như đang phải hứng chịu một kiểu “hội chứng hậu Iraq” và luôn bận rộn với những thách thức mang tính cấp bách ở nhiều nơi khác. Về cơ bản, một chính quyền Mỹ mới sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức tương tự. Tuy nhiên, nếu chính quyền mới tiếp tục giữ nguyên quan điểm chiến lược rõ ràng về những ưu tiên toàn cầu thì chính sách châu Á của Mỹ sẽ được nhìn nhận nghiêm túc hơn.

Về tương lai mối quan hệ Mỹ-Trung, sẽ 3 viễn cảnh: 

Viễn cảnh tốt là Trung Quốc trỗi dậy một cách thận trọng, đóng vai trò lãnh đạo phù hợp trong cộng đồng quốc tế mà không nỗ lực tỏ ra "khôn ngoan" hơn Mỹ và đẩy Mỹ lùi lại nửa phía Đông của Thái Bình Dương. Điều này buộc Trung Quốc phải chấp nhận Mỹ có quyền được hoạt động tại toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế dọc theo bờ biển của Trung Quốc.

Viễn cảnh xấu sẽ là Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột, bắt nguồn từ một va chạm cục bộ trên vùng biển châu Á, dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng và nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh thự sự. Có nhiều vấn đề có thể “châm ngòi” khiến căng thẳng dâng cao. Nó có thể bắt nguồn từ những tranh chấp trên biển, và Mỹ bị lôi kéo vào xung đột bởi một đồng minh châu Á của Mỹ không thể đối phó được với Trung Quốc.

Viễn cảnh tồi tệ của quan hệ Trung-Mỹ mà đó là Mỹ và Trung Quốc xảy ra đối đầu phi quân sự hoặc đối đầu quân sự không toàn diện, những nhân viên người Mỹ tại Trung Quốc phải chịu sức ép rất lớn hoặc Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc bị bao vây trong khi hai chính phủ tìm cách ngăn chặn khả năng bùng nổ làn sóng chống Mỹ. Điều này có thể là kết quả của một loạt vụ va chạm gây chết người giữa các tàu chiến hay máy bay của Mỹ di chuyển trong vùng 12 hải lý tính từ cái mà Trung Quốc gọi là “đảo” nhân tạo của họ ở Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do đi lại của Mỹ ở vùng biển này nhưng không may xảy ra va chạm với các tàu chiến hoặc máy bay của Trung Quốc.

Đối với EU, hiện vẫn chưa có một chính sách có tính mạch lạc đối với châu Á - khu vực vốn được nhận nhiều sự trợ giúp của tất cả các thành viên EU, do đó EU không thể có chính sách “chuyển trục hướng tới châu Á”. Tuy nhiên, EU ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

“Chiến lược châu Á” của EU là tận dụng Trung Quốc và các cơ hội ở châu Á để đạt được lợi ích kinh tế. EU gần như phớt lờ những tác động chiến lược của sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Các thành viên EU hiện đang bị Trung Quốc áp dụng chính sách “chia để trị” và họ không thể phát triển một chính sách chung đối với Trung Quốc.

Có một số cách thức để chính quyền Mỹ kế tiếp hợp tác với EU nhằm đối phó với ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc trên khắp châu Á cũng như toàn cầu.

Đầu tiên chính quyền tiếp theo của Mỹ cần cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận về những lợi ích cốt lõi chung của hai bên và trao đổi về những tác động ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nền tảng cơ bản chung sẽ là đảm bảo rằng một Trung Quốc đang trỗi dậy không gây rối loạn trật tự quốc tế hay đẩy lùi những bước tiến cả về vấn đề nhân quyền và chất lượng cuộc sống mà thế giới đã đạt được kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Theo quan điểm của EU, khả năng quân sự tăng lên của Trung Quốc không phải là mối đe dọa. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc có thể làm thay đổi các chuẩn mực quốc tế. Việc Trung Quốc xác lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với những bãi đá và bãi cạn ở Biển Đông không đe dọa tới những lợi ích của châu Âu nhưng lại vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Có thể thuyết phục EU ủng hộ Mỹ nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế, chứ không phải ủng hộ nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tiến sĩ Steve Tsang - người đứng đầu Trường Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại, thuộc Khoa Khoa học Xã hội, và là cựu Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham. Bài phỏng vấn được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)