Khác với một số chính phủ ra sức phê bình Trung Quốc khi mới lên cầm quyền, Chính quyền Obama nhiều lần tuyên bố quan hệ Trung-Mỹ là “một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất toàn cầu”, nêu rõ muốn tăng cường và mở rộng hợp tác song phương, hai nước cũng hết sức sôi nổi trong các cuộc trao đổi ở các cấp độ hồi năm 2009. Nhưng từ năm 2010 tới nay, va chạm giữa hai nước tăng mạnh, từ lĩnh vực kinh tế thương mại thông thường tới an ninh nhạy cảm, hai yếu tố này đan xen nhau, và từng nổi lên xu thế gay gắt hơn. 

Về mặt kinh tế thương mại, Mỹ dồn dập áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ thương mại Trung Quốc, chỉ riêng thượng tuần tháng 10/2010, Mỹ đã khởi xướng 24 vụ hỗ trợ thương mại và các vụ án liên quan đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ còn liên tục yêu cầu nhanh chóng nâng giá đồng nhân dân tệ, nhiều lần đe dọa đưa Trung Quốc vào danh sách “nước thao túng tỉ giá”. Ngày 29/9/2010, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật cải cách tiền tệ thúc đẩy công bằng thương mại”,dự định thu thuế cao về chống bán phá giá đối với sản phẩm của các nước “định giá thấp tỉ giá đồng tiền nước mình”, trong đó một đối tượng “thích hợp” quan trọng chính là Trung Quốc. Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc đã có những tác động rất lớn tới việc xuất khẩu và việc làm của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực hiện tăng giá nhanh đồng nhân dân tệ theo yêu cầu của Mỹ thì sẽ gây những tác động lớn hơn đối với xuất khẩu, việc làm và sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế nước này hiện nay. Trong khi giương cao ngọn cờ bảo hộ thương mại, Mỹ yêu cầu Trung Quốc mở rộng nhu cầu trong nước hơn nữa, giảm bớt sự phụ thuộc đối với xuất khẩu, mở cửa thị trường trong nước, chỉ trích chính sách mua sắm và “đổi mới tự chủ” của Trung Quốc. 

So với sức ép trong lĩnh vực kinh tế thương mại, việc Mỹ gây sức ép với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh càng dễ làm dấy lên sự bất mãn tập thể của dân chúng nước này. Đầu năm 2010, Mỹ vẫn bán vũ khí cho Đài Loan bất chấp việc Trung Quốc phản đối kịch liệt, sau đó lại tùy ý kích động sự bất đồng giữa các nước xung quanh với Trung Quốc, đồng thời lần lượt tổ chức các cuộc tập trận chung các hình thức với Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, lên giọng thể hiện vũ lực và khả năng bao vây đối với Trung Quốc. Trên mức độ rất lớn có thể nói, những va chạm này vừa là sự thể hiện tập trung của những mâu thuẫn cũ mới giữa hai nước vừa là kết quả tất yếu của việc Chính quyền Obama “tái cân bằng” kép đối với Trung Quốc. 

Như trên đã nói, mục đích chủ yếu khiến Mỹ “tái cân bằng” kinh tế đối với Trung Quốc không phải là muốn làm suy yếu sự trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước mà là muốn thay đổi mô hình kinh tế thương mại truyền thống, mở rộng xuất khẩu và đầu tư sang Trung Quốc. Vì vậy, trong khi chính sách này mang lại sức ép kinh tế cho Trung Quốc thì cũng sẽ buộc nước này đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và nâng cấp cơ cấu ngành nghề, tạo những cơ hội hợp tác kinh tế mới giữa hai nước. Trong khi kiên quyết phản đối cách làm theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ, Trung Quốc cần mở rộng nhu cầu trong nước, đẩy nhanh thực hiện mô hình tăng trưởng “đầu tư-xuất khẩu” hướng tới “tiêu dùng-đầu tư-xuất khẩu”. Mô hình kinh tế thương mại Trung-Mỹ truyền thống cũng đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và tích lũy dự trữ, nhưng cùng với tình hình thay đổi, mô hình này không những làm cho Trung Quốc đứng trước những sức ép bên ngoài ngày càng lớn mà đã kiềm chế phúc lợi kinh tế và địa vị quốc tế của nước này nâng lên hơn nữa. Vì vậy, Trung Quốc phải đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu thu nhập trong nước trên cơ sở duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho tầng lớp dân chúng trung lưu và hạ lưu, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, tăng cường cảm giác an ninh kinh tế cho người dân, đặt cơ sở vật chất và chế độ cần thiết cho việc tăng tiêu dùng ở trong nước. Đây vừa là cách duy nhất để Trung Quốc thực hiện vòng tuần hoàn tích cực và chia sẻ tăng trưởng về kinh tế, cũng là con đường cơ bản để làm dịu sức ép “tái cân bằng” kinh tế của Mỹ. Đương nhiên, sự tăng trưởng ổn định về tiêu dùng tất phải dựa trên tiền đề tăng trưởng bền vững về của cải. Vì vậy, Trung Quốc phải đẩy nhanh đổi mới khoa học kỹ thuật, thúc đẩy nâng cấp cơ cấu ngành nghề, tăng cường khả năng tạo ra của cải. Một mặt, phải tích cực cải thiện cơ cấu đầu tư, tăng cường khả năng đổi mới tự chủ; mặt khác, phải lợi dụng triệt để cơ hội mở cửa thị trường trong nước yêu cầu các nước phát triển kể cả Mỹ nới lỏng kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt đối với Trung Quốc. Chính quyền Obama cho rằng hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ hiện nay không những đã lỗi thời mà còn làm tổn hại lợi ích thương mại và đổi mới kỹ thuật của Mỹ, bản thân nó đã dẫn tới một kiểu rủi ro an ninh tiềm tàng. Để đảm bảo an ninh, Mỹ nên nới lỏng việc kiểm tra nghiêm ngặt kỹ thuật sang Trung Quốc. Trong tương lai, tuy các sản phẩm kỹ thuật cao được Mỹ xuất sang Trung Quốc phần lớn không có công dụng quân sự trực tiếp nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nước này, ví dụ như những kỹ thuật giúp thúc đẩy bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng cho phát triển bền vững và năng lượng mới. Việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này cũng là do Chính quyền Obama hết sức coi trọng. Về mặt mở cửa thị trường trong nước đặc biệt là mở cửa thị trường tài chính, Trung Quốc nên tiếp tục kiên trì nguyên tắc tuần tự tiến dần, từng bước thúc đẩy, đảm bảo giám sát quản lý có hiệu quả đối với hoạt động tài chính, và từng bước mở rộng ảnh hưởng quốc tế của đồng nhân dân tệ trong quá trình này. 

Mỹ “tái cân bằng” an ninh với Trung Quốc với mục tiêu chủ yếu là muốn đảm bảo địa vị chủ đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chịu sự thách thức của việc Trung Quốc trỗi dậy. Cần nhận thấy là, mặc dù vẫn thiếu sự thừa nhận cần thiết đối với mô hình phát triển và sự tin tưởng đối với chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn chưa coi Trung Quốc là kẻ thù hiện thực mà là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và có thể giúp Mỹ đối phó với nhiều đối tác quan trọng hay gây hấn. Vì vậy, vừa hợp tác vừa phòng ngừa vẫn sẽ là một đặc điểm cơ bản trong chính sách của Oasinhtơn đối với Bắc Kinh trong thời gian tới. Trong tình hình hiện nay, đối kháng với Trung Quốc vừa không cần thiết vừa không phù hợp với lợi ích tổng thể của Mỹ. Tuy nhiên, việc thông qua giữ cân bằng địa chính trị, duy trì một “trạng thái không ổn định có thể kiểm soát” là phù hợp với nhu cầu chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ. 

Về căn bản, sự phòng ngừa của Mỹ đối với Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ những nhận thức phiến diện đối với việc “dịch chuyển quyền lực”. Xuyên suốt lịch sử thế giới, thực lực của nước lớn tăng lên hay giảm đi là điều không thể tránh khỏi, nhưng sự thay đổi này không hẳn sẽ dẫn tới xung đột mà điểm mấu chốt được quyết định bởi sự phối hợp lợi ích với nhau. Mặc dù sự trỗi dậy của Trung Quốc không tránh khỏi gây tác động nhất định đối với bá quyền của Mỹ, nhưng lợi ích chung không ngừng tăng lên và nhu cầu chung liên kết đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu sẽ giúp làm dịu những mâu thuẫn mang tính cơ cấu giữa hai nước. Tổng thống Obama nhiều lần bày tỏ thế kỷ 21 với các mối liên hệ ngày càng gắn bó, quyền lực không cần trở thành trò chơi một mất một còn, Trung Quốc và Mỹ không chủ định là đối thủ của nhau, hợp tác có thể làm cho hai nước trở nên phồn vinh và an ninh hơn. Phát biểu tại vòng 2 “Đối thoại kinh tế và chiến lược Trung-Mỹ” ngày 24/5/2010, Tổng thống Obama thừa nhận Trung Quốc và Mỹ không thể nhất trí với nhau trong tất cả các vấn đề, nhưng đối thoại có thể làm cho hai bên trao đổi và hiểu nhau. Ngày 23/9, trong khi hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Tổng thống Obama một lần nữa nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ phải tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh vì thế giới đã coi quan hệ Trung-Mỹ là một bộ phận quan trọng trong các chủ đề toàn cầu. 

Xét kinh nghiệm lịch sử, sự phù hợp về lợi ích kinh tế là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự thừa nhận về chính trị. Qua nhiều năm quan hệ qua lại, Trung Quốc và Mỹ đã coi nhau là những đối tác kinh tế thương mại quan trọng. Mối liên hệ kinh tế giữa hai nước đã gắn bó đến như vậy thì sự vận hành ổn định kinh tế của bất cứ bên nào đều không tách rời sự hợp tác của đối phương. Cùng với việc Mỹ và Trung Quốc điều hòa lẫn nhau xoay quanh “tái cân bằng” kinh tế, sự trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước trong tương lai sẽ từ thương mại là chủ yếu hiện nay mở rộng sang cùng coi trọng thương mại và đầu tư, sự lệ thuộc lẫn nhau càng sâu sắc hơn. Về lâu dài, điều này sẽ làm dịu những mâu thuẫn mang tính kết cấu giữa hai nước. Vào lúc ván bài kinh tế thương mại và an ninh Mỹ-Trung đan xen gay gắt, Bộ trưởng tài chính Mỹ Geithner đã nhắc nhở các nghị sỹ Mỹ: quan hệ với Mỹ mang lại những lợi ích kinh tế hết sức to lớn đối với Mỹ, kiểu lợi ích này sẽ không ngừng tăng lên cùng với sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế và mức sống của người dân Trung Quốc liên tục tăng cao. Ông nhiều lần nhấn mạnh “một Trung Quốc hùng mạnh và ngày càng phát triển có lợi cho Mỹ”. 

Hiện nay, sự phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc tuy đã đạt được những thành tích tương đối lớn nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển, tạo môi trường bên ngoài tích cực cho cải cách mở cửa vẫn là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc phải dốc sức ngăn chặn Mỹ thao túng các bất đồng khu vực, làm dấy lên nỗi sợ hãi tập thể của một số nước xung quanh đối với Trung Quốc, từ đó kích hoạt liên minh chống Trung Quốc theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Trong khi duy trì đối thoại chính trị, tăng cường hơn nữa mối trao đổi kinh tế với các nước kể cả Mỹ, là biện pháp quan trọng làm dịu sức ép “tái cân bằng” của Mỹ đối với Trung Quốc, cũng là con đường hiện thực thúc đẩy Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”./. 

Nghiên cứu Biển Đông (giới thiệu)