Ngày 24/6/2015, Quốc hội Mỹ đã trao quyền cho Tổng thống Barack Obama tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại toàn diện với các nước trên vành đai Thái Bình Dương. TPP là một hiệp định khu vực, quản lý, đầu tư và là một sáng kiến quan trọng của Chính quyền Obama nhằm tìm kiếm những lợi ích thương mại và đầu tư của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Hiệp định thương mại đầy tham vọng của Mỹ trong thế kỷ 21 - khía cạnh kinh tế của chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ - đang được đàm phán với 11 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Chính quyền Obama thúc đẩy TPP để tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Mỹ, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm “sản xuất tại Mỹ”, qua đó thúc đẩy tăng trưởng việc làm và tăng lương. Cần lưu ý rằng TPP là một hiệp định thương mại toàn diện cho tất cả các nước thành viên TPP, bao gồm từ tiếp cận thị trường cho hàng hoá và dịch vụ đến đảm bảo các tiêu chuẩn lao động nghiêm ngặt cũng như các cam kết về bảo vệ môi trường được chuẩn hóa. Thông qua TPP, Chính quyền Obama muốn đảm bảo cam kết kinh tế của Mỹ với các đồng minh và các nước đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Sự vắng mặt của Trung Quốc trong nhóm TPP nhấn mạnh sự cần thiết của Mỹ trong việc tạo ra các quy tắc thương mại toàn cầu và thiết lập vị trí trung tâm địa kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, TPP do Mỹ đứng đầu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng khi Trung Quốc gần đây đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Australia (CHAFTA) và Hàn Quốc, đồng thời đang thúc đẩy một hiệp định thương mại châu Á mở rộng - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nhằm tạo thêm sức sống mới cho các cuộc đàm phán TPP, Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ trưởng thương mại từ 11 quốc gia ở Maui, Hawaii để đánh dấu giai đoạn cuối cùng của các cuộc đàm phán TPP - dự kiến sẽ chiếm 40% nền kinh tế thế giới. 

TPP là một mục tiêu kinh tế của Mỹ trong chính sách tái cân bằng châu Á. Vì Ấn Độ là một phần quan trọng trong chính sách châu Á và không phải là một bên tham gia của TPP, đã có nhiều ý kiến phân tích về tác động của TPP đối với Ấn Độ. Trong khi một số nhà nghiên cứu cho rằng không chắc chắn có các tác động tổng thể tại thời điểm này nhưng có rất nhiều khía cạnh khác nhau mà TPP có thể ảnh hưởng lên Ấn Độ. Ví dụ, xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng khi TPP được dự báo sẽ tạo ra sự dịch chuyển đáng kể dòng thương mại và đầu tư nước ngoài tại thị trường Ấn Độ, trong khi phần lớn hàng xuất khẩu của Ấn Độ là ở lĩnh vực dịch vụ. Khi các thành viên TPP giảm các rào cản thương mại về dịch vụ sẽ dẫn đến một số lượng lớn xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ với các quốc gia đó sẽ được thay thế bởi các dịch vụ thương mại giữa các nước thành viên TPP. 

Ngoài ra, TPP sẽ thiết lập một tiền lệ để chuẩn hóa các tiêu chuẩn ở mức cao và trong trường hợp không tạo được sức sống cho ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả, Ấn Độ sẽ ngày càng khó có thể xuất khẩu ngay cả khi New Delhi là một phần của RCEP. 

Mặc dù TPP để ngỏ cho các thành viên mới, nhưng các tiêu chuẩn của TPP là quá cao tới mức Ấn Độ không thể tham gia. Ấn Độ không có khả năng đáp ứng nhiều cam kết, ví dụ như việc quản lý chuỗi cung ứng hoặc quy định liên kết với các thành viên khác. Do không phải là một phần của TPP, Ấn Độ sẽ bị mất lợi thế trong việc tận dụng sự ưu đãi trong tiếp cận thị trường Mỹ - thị trường lớn cho xuất khẩu Ấn Độ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng từ sự dịch chuyển dòng thương mại sẽ phụ thuộc lớn vào sự nhượng bộ cuối cùng đạt được. Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương giữa Ấn Độ với một số thành viên TPP như Nhật Bản, Malaysia, Singapore và các FTA khác đang được tiến hành với Australia, Canada và New Zealand có thể làm giảm ảnh hưởng của sự dịch chuyển dòng thương mại do TPP gây ra ở một vài lĩnh vực. 

Ấn Độ đang đàm phán với Mỹ về một hiệp định đầu tư song phương (BIT) nhưng sự thành công của cuộc đàm phán về BIT sẽ phụ thuộc vào các tiêu chuẩn có liên quan của BIT cho dù nó là ngang bằng hoặc dưới mức TPP. Trong trường hợp các tiêu chuẩn được thiết lập bởi BIT là ngang bằng với mức TPP thì thách thức cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ vẫn tương tự và tiếp đó là yêu cầu cấp thiết cần nâng cao tiêu chuẩn, các thủ tục và quy trình sản xuất của Ấn Độ. 

Khi TPP có hiệu lực, các ngành công nghiệp Ấn Độ có thể sẽ phải đối mặt với các hiệu ứng chuyển dịch thương mại trong một số lĩnh vực quan trọng như dệt may và các ngành công nghiệp quần áo. Khoảng 30-35% hàng may mặc của Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và TPP dự kiến sẽ ảnh hưởng đến ngành dệt may của Ấn Độ theo hai cách: 

Thứ nhất, các nước thành viên TPP sẽ nhận được sự ưu đãi nhiều hơn trong tiếp cận thị trường Mỹ so với các nhà xuất khẩu khác như Ấn Độ. Điều này sẽ gây bất lợi cho Ấn Độ khi Mỹ đánh thuế cao vào các mặt hàng may mặc nhập khẩu. 

Thứ hai, nguyên tắc xuất xứ “Yarn Forward Rule” - một đặc tính quan trọng của TPP - tạo ra tính bắt buộc cho nguồn cung sợi, vải và các sản phẩm đầu vào khác từ bất kỳ quốc gia nào hoặc sự kết hợp của các nước đối tác TPP để tận dụng ưu đãi thuế. Điều này sẽ làm thay đổi động lực của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay trong ngành dệt và may mặc. Đây là một ví dụ của những tác động bất lợi mà TPP gây ra cho Ấn Độ. Tương tự như vậy, việc tiếp cận thị trường cũng có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm khác như ngũ cốc, các cây trồng khác cũng như chế biến thực phẩm. 

Xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phi thuế quan hơn là các biện pháp thuế quan do mức thuế thấp tại các thị trường lớn như Mỹ và EU. Bên cạnh đó, các quy định về lao động và môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR) là một nội dung quan trọng trong các cuộc đàm phán TPP. Các tiêu chuẩn IPR được đòi hỏi trong TPP khắt khe hơn nhiều so với trong WTO. Hầu hết các tiêu chuẩn trong đàm phán TPP là để đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ hoặc các tiêu chuẩn của thị trường phát triển. Các tác động sẽ là đáng kể khi có sự dịch chuyển lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Ấn Độ và khi một lượng lớn hàng xuất khẩu của Ấn Độ là thuộc lĩnh vực dịch vụ. 

Mặc dù đàm phán BIT có thể giúp Ấn Độ tránh được một số ảnh hưởng bất lợi từ TPP nhưng đàm phán BIT là một quá trình lâu dài. Hiện vẫn còn tồn tại những bất đồng lớn liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường mà dường như không được sự ủng hộ của Ấn Độ khi mà TPP làm giảm sự thương lượng của Ấn Độ với Mỹ. 

Cuối cùng, RCEP cũng có các thành viên là một phần của TPP. Do có sự chồng chéo của các thành viên nên dự kiến các tiêu chuẩn của RCEP đến một mức độ nào đó cũng sẽ hội tụ các tiêu chuẩn cao hơn TPP. Điều này sẽ đòi hỏi những nỗ lực đáng kể của Ấn Độ để cải cách chính sách cho phù hợp hoặc bị loại bỏ ra ngoài sự tăng trưởng thương mại toàn cầu hiện đang nhờ vào các thỏa thuận thương mại đa phương. 

Mặc dù mức độ ảnh hưởng của sự dịch chuyển dòng thương mại Ấn Độ khi TPP có hiệu lực cần được thảo luận nhưng chắc chắn sự thay đổi dòng thương mại và đầu tư sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Ấn Độ. Những tác động này có thể được giảm nhẹ do sự kết hợp trong RCEP và các hiệp định song phương khác, bên cạnh đó Ấn Độ cũng nên tái khởi động đàm phán với Mỹ về BIT. Tuy nhiên, một “trật tự thương mại” mới dự kiến sẽ có các tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với TPP. Do đó, đòi hỏi Ấn Độ phải nỗ lực chuẩn bị để tạo được năng lực cạnh tranh toàn cầu cho các ngành công nghiệp trong nước./.

Theo Viện nghiên cứu Nhà quan sát Ấn Độ (ORF)

Thùy Anh (gt)