Vào ngày thứ 75 của nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump đã đánh rơi mặt nạ. Chỉ cần vài hình ảnh những em bé được cho là chết bởi cuộc tấn công bằng khí độc sarin nhằm vào thị trấn Khan Chekhoun, người đứng đầu cường quốc mạnh nhất thế giới đã gây ra một cú sốc lớn. Lò lửa xung đột Syria, nay đã bước vào năm thứ bảy, đã đập vào mắt nhà tỷ phú New York, khiến nhãn quan thế giới của ông cũng thay đổi. Tạm quên khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, những tuyên bố gọi các đồng minh là “bủn xỉn” hay lời khen ngợi các chế độ tại Nga và Ai Cập, Trump, tự tin với “sự linh hoạt”, thực dụng, đã “thay đổi ý kiến” về Bashar al-Assad. Mới trước đó một tuần, Nhà Trắng thừa nhận “thực tế chính trị tại Syria” và không còn coi việc lật đổ Assad là một mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Chỉ trích chính sách “nhát gan” của người tiền nhiệm Barack Obama, tổng thống Mỹ đương nhiệm nhận định Bashar al-Assad “đã nhiều lần vượt giới hạn đỏ” và hứa hẹn ông sẽ không bỏ qua. 

Đoạn tuyệt với Nga 

Bắt đầu thực hiện một cách dò dẫm, chính sách đối ngoại của chính quyền mới tỏ ra chưa mạch lạc, vừa có ý định muốn thay đổi các liên minh quốc tế truyền thống, vừa bóng gió đưa ra các đề nghị với đối thủ của Mỹ, vừa có những hứa hẹn mập mờ tiếp tục “đoàn kết” với các đồng minh truyền thống. 

Tuy nhiên, dường như Trump đã bắt đầu đoạn tuyệt với Nga. Vụ chạm trán trực diện giữa Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley và người đồng cấp Nga Vladimir Safronkov đã khiến Donald Trump thất vọng với Điện Kremlin. Sự ngưỡng mộ Putin mà ông ta bày tỏ trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống đã không thể vượt qua được thực tế của cuộc khủng hoảng Syria, nơi mà Mỹ và Nga đang chơi những lá bài trái ngược nhau hoàn toàn: Một bên ủng hộ người Kurd, lực lượng Hồi giáo Sunni ôn hòa và hô hào chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), còn bên kia củng cố trục Moskva-Damascus-Tehran. Trong mắt của Trump, Putin không còn là “nhà lãnh đạo tài năng và đáng kính trọng”, người mà ông hy vọng sẽ “hòa hợp tuyệt vời”.

Liệu Nga có từ bỏ Damascus? Câu trả lời là không, kể cả ngắn hạn hay dài hạn, do Kremlin có thể mất rất nhiều xét dưới góc độ địa chiến lược nếu rút khỏi cuộc chiến Syria. Vấn đề là Chính quyền Trump sẽ làm thế nào để biến những lời nói mạnh mẽ này thành hiện thực? Nói cách khác, họ sẽ làm gì để có những đòn trả đũa, cả trực tiếp và gián tiếp, chống chế độ Damascus một cách hiệu quả? Richard Haass, Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại, một tổ chức tư vấn chiến lược Mỹ, nhận định đây là một bài toán nhiều rủi ro. “Mỹ có thể kết hợp các đòn tấn công chính xác vào các sân bay của Syria và cung cấp vũ khí, phương tiện cho các nhóm nổi dậy người Sunni ôn hòa đang tham chiến tại Raqqa, thánh địa của IS”. Nhưng như vậy cũng có thể tạo ra một khó khăn cho các chiến lược gia Mỹ trong tương lai: thợ săn chạy theo hai con mồi cùng một lúc – vừa phải tấn công tiêu diệt IS, vừa phải chống lại Chính quyền Assad. Washington sẽ phải can thiệp bằng cách hỗ trợ các ông chủ tương lai của hoang mạc phía Đông Syria, sau khi Raqqa được giải phóng. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chiến lược của Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ phải đau đầu: Nếu như không kích Syria vào năm 2013 để trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào Ghouta tương đối dễ dàng, thì hiện nay, chiến dịch tương tự sẽ phức tạp hơn rất nhiều do sự hiện diện của lực lượng Nga và sự hỗ trợ quyết liệt của họ cho chế độ Assad. Liệu tổng thống Mỹ có sẵn sàng mạo hiểm chấp nhận để xảy ra thiệt hại cho Nga? Trong trường hợp đó, một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn sẽ nổ ra và có thể vượt quá tầm kiểm soát của cả hai bên. 

Nước Nga bi quan về triển vọng quan hệ với Mỹ 

Theo báo Le Monde, Moskva cho rằng vụ không kích vào căn cứ không quân Syria là biểu hiện cho thấy Donald Trump đã rơi vào vòng ảnh hưởng của cỗ máy quân sự truyền thống của Mỹ. Nó cũng dội gáo nước lạnh vào hy vọng của Kremlin tái lập mối quan hệ ưu tiên với Mỹ. Tại cuộc họp báo diễn ra sau phiên họp của Hội đồng an ninh quốc gia Nga chiều ngày 7/4, người phát ngôn Phủ Tổng thống Nga Dmitri Peskov đã cảnh báo “các hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi do hành vi xâm lược này gây ra đối với nỗ lực chung chống khủng bố”. Thất vọng lớn nhất là tổng thống Vladimir Putin trước đó đặt hy vọng lôi kéo Donald Trump tham gia một “liên minh chống khủng bố quốc tế”, ý tưởng mà Putin không ngừng thúc đẩy trong thời gian gần đây. Điện Kremlin coi đó là bước đi đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương và nó sẽ kéo theo những bước đi khác. Việc Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố hồi cuối tháng 3/2017 rằng Mỹ không còn coi việc buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi là một ưu tiên được cho là cử chỉ khiến Nga hài lòng. 

Với việc dội mưa tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat của Syria, Washington đã làm tiêu tan mọi hy vọng này. Không chỉ có vậy, Tổng thống Mỹ còn kêu gọi “tất cả các quốc gia văn minh” đứng về phía Mỹ. Ngoại trưởng Rex Tillerson công khai buộc tội Kremlin: “Dựa trên tất cả các bằng chứng, Nga đã thất bại trong việc thực hiện trách nhiệm buộc các bên tuân thủ thỏa thuận 2013” về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Damascus, điều mà cá nhân Tổng thống Nga đã đứng ra đảm bảo. Ông Tillerson nhấn mạnh “hoặc Nga đồng lõa, hoặc Nga đơn giản là thiếu năng lực”. Nói một cách trực diện, Washington cho rằng Kremlin đã không kiểm soát nổi đồng minh Syria, vốn phải chịu ơn họ đã cứu vãn và hỗ trợ để lấy lại các vùng đất bị quân nổi dậy chiếm đóng hồi cuối tháng 12/2016. 

Việc các đồng minh châu Âu, Arập và Israel đồng thanh ủng hộ hoặc chấp thuận vụ tấn công của Mỹ đã gióng lên hồi chuông báo tử cho các tham vọng vẽ lại bản đồ quan hệ quốc tế của nước Nga. Tiến trình hòa bình Geneva ở Syria, hội nghị Astana, Kazakhstan, do Nga khởi động đang bị đe dọa. Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov nói: “Mỹ đã căn cứ vào các bức ảnh về trẻ em và các nhân chứng là các tổ chức phi chính phủ cung cấp, trong số đó có rất nhiều những kẻ lừa đảo vốn được gọi là ‘mũ trắng’”. Theo ông, hành động quân sự của Mỹ “gợi lại vụ xâm lược Iraq năm 2003”, ám chỉ Mỹ đã phát động tấn công dựa trên những thông tin ngụy tạo. 

Tổng biên tập Đài Nước Nga ngày nay (RT) và Đài Sputnik, hai phương tiện thông tin đại chúng của Chính phủ Nga, bà Margarita Simonian, đã viết: “Thưa các bạn, chúng ta đã có cơ hội, chúng ta đã để tuột mất nó một cách bất ngờ, nhưng không phải lỗi của chúng ta”. Chính nhân vật này, khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được công bố đã không giấu sự phấn khởi của ông trước chiến thắng của Donald Trump. 

Người phát ngôn của quân đội Nga, Igor Konachenkov, nói: “Chính quyền Mỹ thay đổi, nhưng các phương pháp vẫn như trước. Vụ tấn công vào Syria đã được Mỹ chuẩn bị từ lâu”. Còn chuyên gia phân tích của Viện Carnegie tại Moskva, Andreï Kolesnikov, nhận xét hai nước này “lại trở thành kẻ thù của nhau”. Theo ông, “chúng ta [ám chỉ Nga] thậm chí không có thời gian để phá vỡ thành trì bao quanh, mà chỉ đủ sơn phết lại một chút”. Trang web Nga The Insider trích lời Chủ tịch Viện đánh giá chiến lược Moskva, Alexandre Konovalov, nói rằng: “Ngày nay hy vọng được hút điếu thuốc hòa bình đã biến mất”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng nếu Nga và Mỹ nỗ lực tránh các va chạm tại không phận Syria, thì khả năng hai nước rơi vào một cuộc đụng độ trực tiếp là tương đối thấp. 

Thực tế, Nga đã không sử dụng hệ thống tên lửa S-300 và S-400 triển khai tại các căn cứ Hmeymim và Tartus, cho dù trước đó Nga đã mang ra để đe dọa Mỹ. Tháng 10/2016, Bộ tổng tham mưu Nga, trong một thông cáo dài, đã tuyên bố trả đũa nếu Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. Cho tới nay, cả hai bên đều chưa muốn đoạn tuyệt với nhau, mặc dù Moskva đã chỉ trích mạnh mẽ ông chủ Nhà Trắng.

Theo Le Figaro, Pháp

Hương Lan (gt)