Vào tháng 8/2014, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông qua thương vụ mua 22 chiếc trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache và 15 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-47F Chinook trị giá 2,5 tỷ USD. Thượng vụ này vẫn còn một vật cản cuối cùng - sự thông qua của nội các Ấn Độ - nhưng nếu hoàn tất, đây sẽ ví dụ mới nhất cho một sự thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ-Ấn, mà trong 3 năm qua đã chứng kiến Washington trở thành nhà cung cấp thiết bị quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ. Việc thông qua các thỏa thuận mua Apache và Chinook xuất hiện khoảng một tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới New Delhi, hứa hẹn mang lại vô số thỏa thuận quốc phòng: cùng phát triển và sản xuất tại địa phương các trang thiết bị tốt nhất của Mỹ. Thỏa thuận bao gồm việc đồng phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống xe tăng Javelin và lời hứa cho tiếp cận công nghệ phóng điện từ cho thế hệ tàu sân bay tiếp theo của Ấn Độ.  Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng (MoD) cho trang IHS Jane’s biết rằng các công nghệ của Mỹ được đem ra mời chào cho Hải quân Ấn Độ bao gồm thiết kế và sản xuất các phương tiện bay không người lái, các hệ thống dữ liệu lớn, pháo hải quân cỡ nòng 127 mm và trực thăng đa năng.

Trong một bài diễn văn tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, Hagel cho biết: “Chúng ta có thể làm nhiều hơn để hình thành một sự hợp tác về công nghệ quốc phòng - một sự cộng tác sẽ biến đổi hợp tác quốc phòng giữa hai nước từ chỗ chỉ mua và bán chuyển thành cùng sản xuất, cùng phát triển và trao đổi công nghệ tự do hơn”. Đặc biệt nhắc tới khả năng cùng phát triển tên lửa Javelin, Hagel nói: “Đây là một lời đề nghị chưa từng có tiền lệ mà chúng tôi chỉ đưa ra với Ấn Độ”. Vậy là Mỹ đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ. Điều thú vị về việc này là cho tới nay, các thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Ấn đều đi theo lộ trình đã được chứng minh của Chương trình bán vũ khí cho quân đội nước ngoài (FMS): một quy trình giữa các chính phủ tránh được các cạm bẫy đàm phán và nạn tham nhũng có thể xảy ra. Nó cũng giới hạn mức độ mà người mua có thể đưa thêm bất cứ “khoản đút lót” nào, ví dụ như việc chuyển giao công nghệ hay các lựa chọn lắp ráp tại địa phương, những điều có ý nghĩa then chốt cho các thỏa thuận quốc phòng hiện đại giữa các nước phát triển và đang phát triển. Bất chấp sự dè dặt bên phía Washington, nỗ lực tấn công thị trường Ấn Độ của Mỹ đã rất thành công. Theo dữ liệu của HIS Jane’s, năm 2009 Ấn Độ mới chỉ nhập khẩu 200 triệu USD thiết bị quân sự từ Mỹ, nhưng đến năm 2013 con số này đã vọt lên mức 2 tỷ USD.

Điều này đồng nghĩa với việc kể từ năm 2011, Mỹ đã thế chỗ Nga trở thành nhà cung cấp trang thiết bị quân sự chính của New Delhi. Có thể lập luận rằng Mỹ đang “hái quả ở dưới thấp” (và các con số về giá trị các hợp đồng quốc phòng hàng năm có thể gây hiểu nhầm vì chúng thể hiện các giao dịch có giá trị rất lớn, hơn là các xu hướng dài hạn). Tuy vậy, các con số có liên quan không nên bị xem thường: Washington đã chào mời các loại máy bay đã được chứng minh trên chiến trường (Apache, Chinook, C-130 Hercules, C-17 Globemaster) và các phương tiện mới hàng đầu (như máy bay tuần tra hàng hải Boeing P-8I Poseidon) mà phù hợp với yêu cầu địa phương và lực lượng vũ trang Ấn Độ nhiều tiền có thể mua được. Tuy nhiên mọi việc không phải đều diễn ra theo ý muốn của Mỹ: Nga có thể không còn đứng ở vị trí số một nếu xét theo giá trị hợp đồng, nhưng đóng góp của nước này cho các năng lực quân sự của Ấn Độ lại mang tính toàn diện và không thể vượt qua trên cả ba quân chủng. Trong khi đó, các nước như Pháp, Anh, Israel và thậm chí Nhật Bản, nước mới nhập cuộc trong ngành xuất khẩu vũ khí, cũng đang tìm cách mở rộng các mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, quốc gia mà họ trông đợi sẽ vẫn là một bên tham gia quan trọng trên thị trường quốc tế cho tương lai không xa.

Ấn Độ: Mở cửa cho kinh doanh

Phản ứng của Mỹ trước tình hình này - đề nghị của Hagel về việc cùng phát triển và bán các hệ thống như Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) cho tàu sân bay mà thậm chí còn chưa được sử dụng trong quân đội Mỹ - nói lên nhiều điều về hiện trạng của nền công nghiệp quốc phòng toàn cầu và vị trí của Ấn Độ trong đó. Nói một cách đơn giản, Ấn Độ là thị trường quốc phòng “mở” lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 10% thị trường quốc phòng quốc tế có trị giá 63 tỷ USD trong năm 2013. Thị trường này “mở” vì các thị trường lớn khác, như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Nga, có xu hướng mua trong nước khi họ có thể. Ngược lại, ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Ấn Độ đã thất bại một cách bất thường trong việc theo kịp nhu cầu trong nước, buộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ phải hướng ra nước ngoài để hiện đại hóa các lực lượng của mình.

Khi nhìn vào danh sách mua các trang thiết bị của Mỹ, người ta sẽ có được một cái nhìn khá trực tiếp về các ưu tiên chiến lược của Ấn Độ. Máy bay C-17, C-130, Apache và Chinook tạo điều kiện cho nước này tái cung cấp và củng cố các lực lượng ở biên giới với Pakistan và Trung Quốc. Tại biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ muốn tập trung vào việc mua mới do quân đội có kế hoạch thiết lập một quân đoàn vùng núi. Kế hoạch này cũng là động lực thúc đẩy đằng sau các cuộc thảo luận (hiện đã bị hoãn) để mua súng bắn đạn trái phá M777 của Hãng BAE Systems của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, loại súng này được ưa thích vì nó có thể được móc bên dưới một máy bay Chinook và vận chuyển tới biên giới nhanh chóng.

Trên biển, Hải quân Ấn Độ muốn có các tàu sân bay (nhiều khả năng được lắp đặt hệ thống EMALS), máy bay tuần tra biển P-8 và máy bay không người lái, vì Ấn Độ đang lo ngại về các ý đồ của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương. Nhưng như vậy không có nghĩa là Mỹ là bên bán duy nhất, Ấn Độ cũng có một tàu sân bay mới do Nga chế tạo, hỗ trợ kỹ thuật từ Moskva cho tàu ngầm tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân và trang bị vũ khí hạt nhân, và mọi loại trang thiết bị của Israel và Nga trên tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mới lớp Kolkata. 

Trong khi đó, Không quân Ấn Độ lại mua máy bay chiến đấu từ Pháp (máy bay chiến đấu Rafale của Dassault đánh bại F/A-18 của Boeing và F-16 của Lockheed Martin để có trong danh sách sơ tuyển cho nhu cầu mua 128 máy bay) hay Nga (ví dụ như máy bay chiến đấu tàng hình PAK-FA của Moskva). Và cho dù máy bay Chinook và Apache đều đánh bại các đối thủ cạnh tranh từ Nga vì những đòi hỏi của Không quân Ấn Độ, máy bay trực thăng Mi-17 Hip vẫn được tin cậy tại Ấn Độ và các kỹ sư trực tăng Pháp đã đóng vai trò chính trong việc đưa máy bay trực thăng Dhruv tự sản xuất của Ấn Độ vào hoạt động.

Việc New Delhi ưu tiên mua trang thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau có nguy cơ của nó: khả năng trao đổi và sử dụng thông tin, tái cung cấp và hậu cần có thể là một vấn đề (đặc biệt trong các lĩnh vực như vũ khí nhỏ và đạn pháo), trong khi duy trì sự cộng tác với nhiều quốc gia khác nhau có thể là một hành động tung hứng khó khăn. Sự hỗ trợ sau khi mua cũng là một thách thức: một số quốc gia có tiếng xấu trong lĩnh vực dịch vụ và phụ tùng thay thế, cho nên kể cả khi phương tiện được cho là tốt nhất, nó có thể trở thành một cỗ máy liên tục cần sửa chữa do bảo dưỡng kém.

Tuy vậy, những lợi ích địa chính trị lớn của việc đa dạng hóa các nhà cung cấp quân sự đối với nước mua là điều không thể nghi ngờ. Trong trường hợp của Ấn Độ, người ta chỉ cần nhìn vào vai trò biểu tượng của máy bay đổ bộ ShinMaywa US-2i trong “mối quan hệ chiến lược đặc biệt” giữa Ấn Độ với Nhật Bản. Một ví dụ khác là Nga, nước vẫn là một đối tác quan trọng của New Delhi, vì Nga đã giúp chế tạo tàu ngầm hạt nhân, tên lửa hành trình siêu thanh và các hệ thống chiến lược khác. Sự đa dạng hóa này đồng nghĩa với việc cho dù Mỹ sẵn sàng trở nên thân thiết với Ấn Độ, New Delhi vẫn có nhiều phương án khác nếu muốn lựa chọn. Mối quan hệ này cũng bị làm cho phức tạp bởi ký ức của Ấn Độ về các biện pháp trừng phạt của Mỹ sau vụ thử hạt nhân năm 1998, cùng với sự hỗ trợ quân sự lâu năm của Washington cho Pakistan.

Chúng ta cần nói chuyện về Trung Quốc

Câu hỏi lớn được đặt ra là Mỹ tìm kiếm điều gì để đổi lấy việc nước này chuyển giao công nghệ quân sự và Ấn Độ nhận được gì từ mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Câu trả lời cho cả hai câu hỏi này có thể được nối với một vấn đề rất hiển nhiên mà chưa được giải quyết. Như chúng ta đã thấy, Ấn Độ đang sử dụng các trang thiết bị mua từ Mỹ và các nước đồng minh nhằm củng cố vị thế của mình tại khu vực Ấn Độ Dương. Đồng thời, theo chính sách “Hướng Đông” của mình, New Delhi đang xây dựng liên minh với các nước láng giềng Đông Á của Trung Quốc như Nhật Bản và Việt Nam. Ngôn từ mà Mỹ sử dụng để lôi kéo Ấn Độ đều đặn nhấn mạnh những khía cạnh tương đồng phân biệt hai nước Mỹ và Ấn Độ với Trung Quốc, ví dụ như nền dân chủ, tự do hàng hải và tôn trọng các quy tắc quốc tế.

Bên trong Ấn Độ vẫn còn một số nghi ngại rằng Mỹ muốn kéo Ấn Độ vào một kiểu chiến lược kiềm chế chống Trung Quốc, một bước đi sẽ chấm dứt lập trường không liên kết được ấp ủ của New Delhi. Một số nhà phân tích Ấn Độ khác lập luận rằng nếu châu Á trở nên lưỡng cực, vậy việc Ấn Độ đứng về phía Mỹ là điều đương nhiên, khi xét tới “tình bạn vĩnh cửu” của Bắc Kinh với Islamabad và tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở phía Đông Jammu và Kashmir và Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng. Dù thế nào, mối quan hệ này cần phải xem xét. Các lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ có vẻ chân thành, nhưng chúng có thể không tồn tại khi phải làm việc với các nhà thầu quân sự địa phương thuộc sở hữu của nhà nước, vốn có tiếng xấu vì nạn quan liêu và sự chuyên quyền. Tuy nhiên, nếu Washington - và các công ty quốc phòng của Mỹ - có thể tìm được các đối tác Ấn Độ có chung mục tiêu, thì việc này có thể là khởi đầu một điều gì đó lớn lao./.

Theo “National Interest

Hương Trà (gt)