Trong cuộc xung đột Ukraine đã nổ ra vào năm 2014, Đức lần đầu tiên giữ vai trò lãnh đạo đối với một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn. Trung tâm chính của hành động và sự phối hợp ở phương Tây không phải là Washington, Brussels, Paris hay London, mà là Berlin. Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy điểm mạnh trong chính sách ngoại giao của Đức: đó là việc sử dụng khéo léo sức mạnh kinh tế và ngoại giao của nước này. Nhưng cuộc đối đầu này cũng đã bộc lộ điểm yếu của Berlin: sự thiếu hụt một khía cạnh quân sự đối với sức mạnh của Đức.

Đức đã trở thành một nước lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng Ukraine vì ba lý do. Thứ nhất, sức mạnh của Đức đã tăng lên kể từ sự tái thống nhất đất nước vào năm 1990. Đức không những có nền kinh tế lớn nhất và dân số đông nhất trong Liên minh châu Âu (EU) mà về mặt địa lý còn nằm ở trung tâm của liên minh này và được gắn chặt vào các cơ cấu của EU. Thứ hai, cuộc khủng hoảng này có tầm quan trọng sống còn đối với Đức bởi vì toàn bộ trật tự địa chính trị ở miền Đông nước này đang bị đe dọa. Thứ ba, không có nước nào khác giữ cương vị lãnh đạo. Paris đã suy yếu trong những năm gần đây. London ngày càng xa cách khỏi EU. Washington đã lùi lại một bước khỏi các vấn đề của châu Âu. Và Brussels thiếu năng lực để lãnh đạo EU về chính sách đối ngoại.

Khi cuộc xung đột Ukraine tiếp diễn, câu hỏi đặt ra là liệu Đức sẽ có khả năng duy trì vị thế lãnh đạo bằng cách chuyển hẳn cuộc xung đột này từ lĩnh vực đối đầu về quân sự, nơi Nga vốn chiếm ưu thế hơn, sang các lĩnh vực ngoại giao và kinh tế, nơi một EU do Đức dẫn dắt có lợi thế tương đối.

Đức tiến lên

Trong bối cảnh các lợi ích của Đức, đã có khả năng rằng đất nước này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Và tuy vậy, sự kiên quyết và tận tụy mà Thủ tướng Đức Angela Merkel thể hiện khi đảm nhận một vai trò lãnh đạo đối với Ukraine đã gây ngạc nhiên.

Merkel, nhậm chức từ năm 2005, trước đó không cho thấy một khao khát mãnh liệt đối với vai trò lãnh đạo chính sách đối ngoại. Bà đã có khuynh hướng đi theo xu hướng chủ đạo trong hầu hết các hồ sơ về các vấn đề. Vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng duy nhất mà bà đã đóng vai trò lãnh đạo là việc quản lý quá trình hội nhập chậm chạp, khó khăn các nước Tây Balkan vào EU; nhưng bà đã chỉ làm thế một cách kín đáo. Khi Merkel sử dụng sức mạnh đang tăng lên của Đức, trong hầu hết các trường hợp điều đó là nhằm kìm hãm các sáng kiến của các bên khác, chẳng hạn như sự can thiệp quân sự do NATO lãnh đạo tại Libya vào năm 2011 hay những nỗ lực của Pháp nhằm xây dựng một liên minh để ngăn chặn cuộc nội chiến tại Syria. 

Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào tháng 2/2014 với việc hất cẳng tổng thống lúc đó là Viktor Yanukovych, một sự kết hợp các nhân tố đã đặt Berlin vào ghế lái. Một mặt, Merkel đã quen với việc giữ một vị trí lãnh đạo trong EU do vai trò chi phối của Đức trong cuộc khủng hoảng đồng euro. Mặt khác, tình trạng náo động chính trị tại Ukraine đơn giản là quan trọng đến mức Đức không thể đứng ngoài lề. Từ năm 1990, Đức đã biến đổi từ một nước tiền tuyến trở thành một nước được bao quanh tất cả các phía bởi các bạn bè. Nếu Nga định thay đổi đặc điểm của nước này và thách thức nguyên trạng đã đạt được khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thì toàn bộ trật tự địa chính trị ở phía Đông nước Đức sẽ bị đe dọa.

Trong khi Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Đức, thì khu vực láng giềng phía Đông – Trung Âu, Đông Âu và Nga – lại rất trọng yếu đối với an ninh và thịnh vượng của Đức. Nga không chỉ là một nhà cung cấp năng lượng và một thị trường quan trọng đối với các nhà xuất khẩu Đức mà còn là nước có tiềm năng đe dọa an ninh của Đức nhất, như nước này đã làm trong nhiều thập niên trong suốt Chiến tranh Lạnh. Các láng giềng phía Đông của Berlin đã trở nên gắn bó sâu sắc với nền kinh tế Đức. Và Ba Lan trong những năm gần đây đã nổi lên trở thành đối tác quan trọng xếp thứ hai của Đức trong EU sau Pháp, khi Berlin và Vacsava đã xây dựng một mối quan hệ thân thiết dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau đáng kể.

Cũng có một khía cạnh cá nhân đối với vai trò lãnh đạo của Đức: nhân tố Merkel. Vị thủ tướng này trưởng thành ở Đông Đức, một đất nước từng thuộc phe Liên Xô và có một lực lượng Xôviết lớn chiếm đóng. Merkel nói được tiếng Nga nhưng chưa bao giờ chú ý đến kiểu quan hệ chặt chẽ, giống bạn bè thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà người tiền nhiệm của bà, Gerhard Schröder đã trở nên có tiếng. Trong khi bà đã thận trọng làm nguội mối quan hệ giữa Berlin và Moskva đến mức độ nào đó, các thông số trong các chính sách về Nga của Đức mà các thủ tướng trước đó là Helmut Kohl và Schröder đã đưa ra phần lớn vẫn giữ nguyên khi Merkel lên nắm quyền vào năm 2005. Điều đó một phần là bởi Frank-Walter Steinmeier, một phụ tá thân thiết của Schröder, đã giữ chức bộ trưởng ngoại giao trong nhiệm kỳ đầu tiên của Merkel. Đường hướng của Kohl và Schröder là đầu tư nhiều vào mối quan hệ với Moskva với hy vọng rằng Nga sẽ hiện đại hóa về mặt kinh tế và chính trị, và Steinmeier đã tiếp tục theo đường lối giống như vậy khi ông trở thành bộ trưởng ngoại giao vào năm 2005.

Tuy nhiên, chính sách của Đức đối với Nga đã bắt đầu thay đổi dần khi Putin quay trở lại nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2012. Merkel vẫn duy trì các quan hệ thân thiết với Moskva nhưng đã thay đổi giọng điệu.

Lãnh đạo thông qua quan hệ đối tác

Sự lãnh đạo của Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine luôn mang tính đa phương. Những nỗ lực của Berlin nhằm xây dựng một lập trường chung của phương Tây về cuộc khủng hoảng này bao gồm hai thành phần chủ chốt: phối hợp trong tất cả các vấn đề quan trọng với Mỹ, và tranh thủ được một số đông mang tính quyết định bên trong EU nhằm ủng hộ đường hướng của Đức. 
Mỹ đã rất vui mừng khi chứng kiến Đức giữ vai trò lãnh đạo. Từ khi cựu Tổng thống Mỹ George H. W. Bush phát biểu hồi tháng 5/1989 về Đức và Mỹ với tư cách là “các đối tác về lãnh đạo”, có một sự mong đợi của Mỹ rằng Đức vào một ngày nào đó sẽ đảm đương một vai trò lãnh đạo tại châu Âu trong sự hợp tác chặt chẽ với Washington.

Việc Merkel lãnh đạo trong cuộc xung đột Ukraine đã được sự hoan nghênh của chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn đặc biệt thích chia sẻ nhiều gánh nặng về quản lý khủng hoảng toàn cầu hơn với các đối tác của nước này. Một bản báo cáo sâu sắc của nhà báo Mỹ George Packer xác nhận rằng Obama và Merkel “đã tham vấn thường xuyên về việc tính toán thời điểm đưa ra các thông báo và cẩn trọng nhằm giữ các lập trường của Mỹ và châu Âu ở gần nhau”.

Pháp đã trở thành đối tác chủ chốt thứ hai của Đức. Việc được Pháp ủng hộ đối với một chính sách nhất định từ rất sớm thường là yếu tố then chốt để Berlin xây dựng một số đông mang tính quyết định bên trong EU. Nếu hai thủ đô này thống nhất về đường hướng của họ đối với một vấn đề, họ có một cơ hội tốt để thuyết phục 26 thành viên còn lại ủng hộ họ. Ngoài ra, Pháp đại diện cho những nước EU hoài nghi nhiều hơn về một cuộc đối đầu với Nga – hầu hết là các nước Nam Âu – với kết quả là một sự thỏa hiệp giữa Đức-Pháp không khác gì một sự thỏa hiệp giữa hai phe đối lập trong EU.

London cũng đã bật đèn xanh cho sự lãnh đạo của Đức, giúp Berlin đảm bảo đa số quyết định mà nước này cần trong EU. Do cuộc tranh luận đang diễn ra về khả năng Anh rời khỏi liên minh này, ảnh hưởng của Anh trong EU đã giảm một cách đột ngột. London đã không đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình phản ứng của EU hành động của Nga đối với Ukraine, một nhiệm vụ mà Anh lấy làm vui mừng khi Merkel lãnh đạo. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã nói rằng Merkel là một trong “các vũ khí” mà thế giới tự do đang sử dụng chống lại Nga. Theo quan điểm của ông, việc thủ tướng Đức tiếp cận Putin là “cơ hội tốt nhất chúng ta có để đàm phán một giải pháp hiệu quả cho vấn đề tại Ukraine”.

Một ứng cử viên thay thế cho cương vị lãnh đạo về cuộc khủng hoảng Ukraine ngoài Đức là EU được đại diện bởi các thể chế tại Brussels. Nhưng viễn cảnh về một chính sách đối ngoại chung được dẫn dắt bởi những thể chế đó, từng là một trong những động lực thúc đẩy Hiệp ước Lisbon, chưa bao giờ trở thành một thực tế chính trị. Trong khi EU đã tăng cường một ngành ngoại giao và củng cố chức vụ đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại từ năm 2009, các hồ sơ quan hệ đối ngoại quan trọng nhất vẫn nằm trong tay các nước thành viên EU. Hậu quả là, đại diện cấp cao hiện nay không phải là một nhà lãnh đạo mà đúng hơn là một điều phối viên về chính sách đối ngoại.

Sự thiếu vắng một trung tâm sức mạnh khác sẵn sàng nắm quyền đã để cho Đức gần như toàn quyền lãnh đạo phản ứng của EU trước hành động của Nga tại Ukraine. Do vậy, đặc điểm của phản ứng đó đã được định hình bởi đặc điểm của chính sách đối ngoại của Đức. Chính sách đối ngoại đó mạnh về ngoại giao và khía cạnh kinh tế của sức mạnh, nhưng yếu về khía cạnh quân sự của sức mạnh.

Tận dụng sức mạnh ngoại giao và kinh tế

Mục tiêu chính của chiến lược phương Tây do Đức lãnh đạo về Ukraine là chuyển cuộc xung đột này từ cấp độ quân sự sang các cấp độ ngoại giao và kinh tế.

Berlin đã làm mọi việc để thúc đẩy các cuộc đàm phán dưới nhiều dạng khác nhau: nhiều cuộc gặp và điện đàm giữa Merkel và Putin, các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây, và các cuộc đàm phán tương tự ở cấp bộ trưởng ngoại giao do Steinmeier dẫn dắt. Ngoài Nga và Ukraine, hướng đi ngoại giao này kéo theo cả các nước khác ở các giai đoạn khác nhau của cuộc xung đột, chủ yếu là Ba Lan, Pháp, Anh, Italy và Mỹ.

Mục tiêu chính của những nỗ lực này là nhằm đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Chúng đã dẫn tới hai hiệp định tại Minsk vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015. Hiệp định thứ hai, được gọi là Minsk II, hiện đưa ra khuôn khổ chính cho những nỗ lực của phương Tây nhằm kết thúc cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Việc thi hành thỏa thuận này trước cuối năm 2015 là trọng tâm cho các nỗ lực hiện nay của phương Tây. Một trụ cột khác trong chiến lược phương Tây do Đức lãnh đạo là việc sử dụng các biện pháp trừng phạt. Một vòng các biện pháp đầu tiên của EU đã được đưa ra sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, và các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý với cái gọi là các biện pháp trừng phạt ba cấp độ hồi tháng 7/2014. Những biện pháp trừng phạt này có hai mục đích.

Thứ nhất là mang tính nội bộ, nhằm xây dựng một sự đồng thuận bên trong EU. Vào lúc bắt đầu cuộc xung đột này, có sự bất đồng đáng kể giữa 28 nước thành viên EU về đặc điểm của một phản ứng chung. Mỗi lần các nhà lãnh đạo châu Âu tán thành một vòng trừng phạt mới, EU buộc phải đạt được một sự đồng thuận bên trong nhằm phát triển một đường hướng chung. Sự thống nhất của EU trong cuộc khủng hoảng này đã được xây dựng quanh chính sách về các biện pháp trừng phạt.

Quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đã làm rõ lập trường của các nước thành viên EU và EU nói chung – cả bên trong, đối với dân chúng trong EU, cũng như bên ngoài, đối với Nga và thế giới rộng lớn hơn. Điện Kremlin, có lẽ là lấy làm ngạc nhiên, đã phải nhận ra rằng EU thống nhất phản đối vụ sáp nhập Crimea và hành động của Nga vào miền Đông Ukraine, và liên minh này sẵn sàng trả giá cho sự thống nhất đó dưới dạng các biện pháp trừng phạt về kinh tế mà sẽ gây ảnh hưởng cho EU cũng như Nga. Mục tiêu thứ hai của các biện pháp trừng phạt là nhằm hạn chế các phương án lựa chọn của Điện Kremlin tại Ukraine. Kết hợp với giá dầu đang giảm, các biện pháp trừng phạt đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga, điều có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của chế độ hiện hành. Liệu các biện pháp của EU đã đóng một vai trò trong việc ngăn chặn bước tiến của quân đội do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine hay không là điều khó nói. Lãnh đạo phe đối lập của Nga Alexei Navalny đã lập luận rằng nếu không có các biện pháp trừng phạt, Nga hẳn là hành động đến phần phía Nam của Ukraine đến tận Odessa.

Điểm yếu về quân sự

Đức đã thành công trong việc đoàn kết EU đằng sau những biện pháp trừng phạt cứng rắn, hợp tác chặt chẽ với Mỹ, và dẫn dắt ngoại giao của phương Tây với Nga. Người ta có thể kết luận rằng tầm nhìn của Mỹ về quan hệ đối tác lãnh đạo và nâng Đức lên vai trò đối tác chính của Mỹ tại châu Âu, ít nhất trên lục địa này, đã trở thành hiện thực trong cuộc xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, Đức cũng đã cho thấy một số điểm yếu, bộc lộ những hạn chế trong chính sách đối ngoại của EU do Đức lãnh đạo. Berlin đã khá miễn cưỡng về các khía cạnh quân sự của cuộc khủng hoảng này. Dĩ nhiên là, đã có một thỏa thuận rộng lớn tại phương Tây rằng việc phái quân đội tới Ukraine, cung cấp vũ khí hay huấn luyện trên quy mô lớn không phải là một lựa chọn. Nhưng tuy vậy đã có những sắc thái xám xịt quan trọng khi đề cập đến các khía cạnh quân sự khác của việc quản lý cuộc khủng hoảng. Đức thường phát ngôn sớm và công khai chống lại bất cứ điều gì có thể tỏ ra là một đường hướng mạnh mẽ, hiếu chiến hơn.

Khía cạnh quân sự trong phản ứng của phương Tây trước cuộc xung đột Ukraine phần lớn đã bị giới hạn ở một sự định hướng lại trong nội bộ NATO về phòng thủ chung. Vào tháng 4/2014, NATO đã quyết định tăng sự hiện diện của liên minh này ở các biên giới phía Đông của nó thông qua việc đẩy mạnh cảnh vệ vùng trời, triển khai tàu ở vùng biển Baltic và phía Đông Địa Trung Hải, huấn luyện và tập trận trên bộ của NATO.

Và trong nhiều tháng trước Hội nghị cấp cao của NATO hồi tháng 9/2014 tại Wales, một cuộc tranh luận đã nổ ra về khả năng triển khai quân đội NATO thường trực tại Ba Lan, các quốc gia Baltic và Romania. Các nhà lãnh đạo ở các nước đó đã lập luận rằng điều này là cần thiết để liên minh này có được một sự răn đe đáng tin. Tướng Philip Breedlove, Tư lệnh tối cao liên minh NATO tại châu Âu, đã nói rằng tổ chức này đã phải “cân nhắc” một sự triển khai quân đội thường trực tại sườn Đông của nó.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 7, Merkel đã công khai phản đối và bác bỏ một sự triển khai quân thường trực như vậy. Thay vào đó, Berlin đã dùng ảnh hưởng của nước này để ủng hộ một đề xuất thay thế: tăng cường một lực lượng phản ứng nhanh có khả năng triển khai trong thời gian ngắn để chống lại những mối đe dọa đối với các thành viên NATO (như là phần của một Kế hoạch Sẵn sàng Hành động trong dài hạn lớn hơn, mà định hướng lại NATO về phòng thủ chung).

Đối với các láng giềng phía Đông của Đức, “lực lượng mũi nhọn” mới là một sự thay thế yếu kém cho quân đội thường trực. Họ lập luận rằng chỉ khi có một số lượng đáng kể các binh lính Mỹ và Tây Âu đóng quân thường trực tại các nước thành viên phía Đông NATO, thì mới có một sự đảm bảo đáng tin cậy rằng phương Tây sẽ bảo vệ mặt trận phía Đông của NATO trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công của Nga. Cần phải lưu ý rằng đó là một quan điểm mà chính Tây Đức đã cùng chia sẻ khi nó là một nước biên giới trong Chiến tranh Lạnh.

Nhưng Berlin đã lập luận rằng một sự triển khai thường trực các lực lượng NATO trên lãnh thổ các nước thành viên phía Đông sẽ vi phạm Định ước cơ sở Nga-NATO, vốn đã đưa ra một lộ trình cho sự hợp tác giữa hai bên. Berlin đã không sẵn lòng loại bỏ văn bản này. Lập luận phản bác là việc Đức không sẵn lòng sử dụng ảnh hưởng của nước này để ủng hộ một sự triển khai quân thường trực sẽ không thuyết phục Nga tuân thủ các cam kết của nước này mà thay vào đó sẽ khiến Nga thử thách Điều 5 của NATO – rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh là một cuộc tấn công vào tất cả thành viên. Nói cách khác, việc không đóng quân NATO thường trực tại mặt trận phía Đông của liên minh này có thể dẫn tới chính sự leo thang của Nga mà Đức lo sợ là sẽ phát sinh từ một sự triển khai quân như vậy.

Tuy nhiên, từ Hội nghị cấp cao tại Wales, Đức đã cho thấy sự can dự đáng kể hơn trong việc tăng cường lực lượng phản ứng nhanh mới của NATO, và ngay từ đầu nước này đã hoàn toàn sẵn lòng tham gia các biện pháp đảm bảo khác của liên minh. Trong khi người Đức không sẵn lòng cân nhắc việc triển khai quân thường trực ở phía Đông, có một sự đồng thuận rộng rãi tại Đức về nhu cầu thiết yếu phải có NATO làm cơ sở cho an ninh của Đức. Vì Berlin đã làm tiêu tan những hy vọng của các đồng minh NATO của nó ở vùng láng giềng phía Đông, nước này đã phải đưa ra cho họ một số biện pháp thay thế.

Như trong cuộc tranh luận về triển khai quân đội thường trực, Merkel một lần nữa đã xuất hiện sớm và công khai với một tuyên bố vào ngày 2/2 phản đối việc vũ trang cho Ukraine trong cuộc chiến với lực lượng ly khai do Nga kiểm soát ở miền Đông nước này. Khi làm vậy, bà đã tự tước đi một cây gậy tiềm năng trong các cuộc đàm phán hòa bình mà bà sau đó đã tổ chức với Tổng thống Pháp François Hollande, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Putin tại Moskva vào ngày 6/2. Việc nói rằng mọi phương án đều được đưa ra thảo luận, như phía Mỹ đã làm cùng thời điểm đó, hẳn đã mang lại cho bà ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nhiều trong các cuộc đàm phán.

Những nỗ lực ban đầu của Merkel nhằm ngăn cản các đề xuất mà hẳn sẽ buộc Đức phải tham gia các biện pháp chung với một khía cạnh quân sự có thể được bênh vực như là một chính sách hợp lý: một thông điệp rằng hầu như không có điều gì mà phương Tây có thể làm về khía cạnh quân sự của cuộc xung đột này.

Nhưng lập trường của bà về các khía cạnh quân sự của cuộc khủng hoảng này cũng chỉ ra các động cơ khả thi khác. Một trong số đó có vẻ thuộc về trong nước. Số đông người Đức có xu hướng bác bỏ việc sử dụng sức mạnh quân sự như là một công cụ chính sách đối ngoại. Các tuyên bố theo chủ nghĩa hòa bình tạo tiếng vang mạnh mẽ tại Đức, và việc bị quy cho là một người ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt có thể gây ảnh hưởng cho sự nghiệp chính trị, như cá nhân Merkel đã trải qua. Với tư cách là một lãnh đạo phe đối lập, Merkel vào năm 2003 đã lập luận trong một bài xã luận trên tờ Washington Post phản đối sự chỉ trích mang tính dân túy của thủ tướng thời đó Schröder đối với chiến tranh Iraq. Đổi lại, bà đã bị quy là một kẻ hiếu chiến tại Đức và chứng kiến con đường dẫn tới chức thủ tướng của bà bị đe dọa.

Trong bối cảnh đó, Merkel có thể cảm thấy việc bản thân bà ngay từ đầu xa cách với bất cứ điều gì có thể bị công kích là “theo đường lối chủ nghĩa quân phiệt” là một điều kiện tiên quyết quan trọng cho việc duy trì sự ủng hộ trong nước đối với sự can dự của bà trong cuộc xung đột Ukraine. Một đường hướng mạnh mẽ hơn có thể đe dọa phá vỡ liên minh cầm quyền với các đảng viên đảng Dân chủ Xã hội, đảng của Steinmeier, vốn ủng hộ hòa bình với Nga nhiều hơn so với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Merkel. Ngoài việc không thích những sự can dự quân sự, cũng có một yếu tố gây lo sợ đang diễn ra trong sự miễn cưỡng chấp nhận một phản ứng quả quyết hơn với Nga của Đức – nỗi sợ về một sự quay trở lại Chiến tranh Lạnh, khi Đức được lo ngại  trở thành chiến trường chủ chốt trong một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường.

Một lý do lớn và mang tính hệ thống hơn về sự miễn cưỡng của Merkel trong việc can dự nhiều hơn về mặt sức mạnh quân sự là sự phụ thuộc của chính Đức vào những nước khác khi đề cập đến các vấn đề an ninh. Với tư cách là một cường quốc phi hạt nhân có an ninh được đảm bảo cuối cùng bởi sức mạnh quân sự của Mỹ, Đức chỉ có khả năng hạn chế để thay mặt phương Tây lãnh đạo trong một bối cảnh đối đầu với một cường quốc hạt nhân chẳng hạn như Nga. Berlin không nhất trí với Moskva về khía cạnh sức mạnh quân sự.

Đức không thể đe dọa một cách đáng tin được những nước ở phe đối lập của một cuộc xung đột, cũng không thể đưa ra những sự đảm bảo an ninh cho các nước yếu hoặc bị đe dọa. Điểm yếu tương đối của Đức trong lĩnh vực quân sự khiến chính nước này về bản chất dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa và tống tiền – những chiến thuật mà Moskva đã sử dụng trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi Tổng thống Nga có nhiều phương án lựa chọn về quân sự, các nhà lãnh đạo Đức không có bất cứ phương án quân sự nào trong vốn chính sách đối ngoại của họ. Điều họ có thể làm theo chính sáng kiến của họ là ủng hộ các đồng minh của Đức trong các sứ mệnh quân sự của họ – tốt nhất là bằng việc đưa ra sự hỗ trợ không gây sát thương chẳng hạn như huấn luyện, trang bị hay vận tải. Trong tất cả các khía cạnh khác của sức mạnh quân sự, người Đức gần như hoàn toàn dựa dẫm vào liên minh NATO, mà trên thực tế tức là Mỹ, thành viên chủ chốt của liên minh này.

Kết luận

Sự lãnh đạo của Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy cả các điểm mạnh lẫn các hạn chế của sức mạnh Đức. Sức mạnh đó mang tính đa phương, ngoại giao và kinh tế, nhưng phần lớn nó thiếu một khía cạnh quân sự.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Đức đã làm điều trong quá khứ chỉ có Mỹ từng làm: nước này đã thống nhất phương Tây đằng sau một chính sách đơn nhất trong một cuộc khủng hoảng lớn. Berlin đã dẫn dắt các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga và đã thúc đẩy đến cùng các biện pháp trừng phạt đối với Nga trước sự kháng cự của nhiều nước thành viên EU miễn cưỡng. Đó là một thành tựu lớn.

Một điểm mạnh then chốt là ngoại giao của Berlin. Nhiều nước tin tưởng Đức giữ vai trò lãnh đạo vì được nhiều người xem là nước trung dung, hay ít theo phe phái hơn những nước khác. Trong số tất cả các nước phương Tây, Đức có kênh liên lạc tốt nhất với Moskva, và đồng thời, Kiev xem Berlin là một đối tác tin cậy. Không có nước nào khác có cơ hội tốt hơn so với Đức để xây dựng sự đồng thuận bên trong EU; và Merkel là một nhà lãnh đạo rất được xem trọng tại Nhà Trắng. 

Một nguồn liên quan khác của sức mạnh Đức là sức mạnh về kinh tế của nước này. Sức mạnh này là một trong những điều kiện tiên quyết cho vị thế tương đối hùng mạnh của Đức trong EU. Nó mang lại cho Đức đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong nội bộ EU cũng như các cuộc đàm phán song phương bên ngoài EU. Phối hợp với EU, Đức có thể đưa ra cho các nước không thuộc EU những lợi thế chẳng hạn như đầu tư hay sự tiếp cận thị trường hay mang lại cho họ những bất lợi chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt (miễn là nước này có thể tìm kiếm một đa số cho những chính sách của nó bên trong EU).

Tuy nhiên, Đức không có phạm vi đầy đủ sức mạnh để tùy ý sử dụng. Về các vấn đề quân sự, nước này rất yếu. Trong một cuộc xung đột, sức mạnh dân sự của Đức chỉ có thể phát huy nếu được ủng hộ – tái bảo đảm và bổ sung – bởi sức mạnh quân sự của Mỹ.

Sức mạnh của Đức đã phát triển trong bối cảnh hậu hiện đại của EU và liên minh xuyên Đại Tây Dương. Trong môi trường quốc tế đặc trưng đó, sức mạnh quân sự đã mất đi địa vị ưu việt của nó, trong khi sức mạnh ngoại giao và kinh tế đã trở thành những sức mạnh phổ biến quan trọng hơn nhiều. Nhưng sự lãnh đạo về chính sách đối ngoại của Đức sẽ đạt tới những giới hạn nếu một kẻ thù không phản ứng trước những công cụ, thuật ngoại giao hay sức ép về kinh tế của nó – nếu bên kia không có chung những nguyên tắc quản lý hậu hiện đại mà định hình các quan hệ quốc tế giữa các nền dân chủ tự do.

Theo Carnegie Europe

Trần Quang (gt)