Nga đã một lần nữa thể hiện mình là một chiến lược gia máu lạnh. Chiến dịch mới bắt đầu của Điện Kremli ở Syria gây bất ngờ cho không chỉ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mà cả các cơ quan tình báo và các nhà phân tích của phương Tây.

Khả năng thay đổi tình huống chiến lược của Nga chỉ nhờ nỗ lực tối thiểu và ngụy trang tối đa thật đáng khen ngợi. Tuy nhiên, Moskva đang chiến đấu với IS hoàn toàn không phải từ những động cơ cao quý thuần túy. Đây là vấn đề thực tế, liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga.

Quan hệ Nga-Syria trong lĩnh vực an ninh

Nga đã cân nhắc khả năng can thiệp vào cuộc xung đột Syria ít nhất từ năm 2013, khi lần đầu tiên Nga đề xuất thay chân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Áo tại Cao nguyên Golan. Kể từ 2013 Moskva đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thu giữ vũ khí hóa học của Syria - cùng lúc đó lần đầu tiên bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc với Damascus về đấu tranh chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Song song, Nga tiến hành một cuộc đối thoại chiến lược quân sự với Iraq, kết quả là việc ký kết với Baghdad thỏa thuận cung cấp vũ khí trong năm 2012 và cung cấp máy bay Su-25 vào năm 2014 trị giá 4,2 tỷ USD. Trong tháng 7/ 2015, Nga đã thỏa thuận với Iran về việc tham gia cuộc chiến chống IS của Syria. Kể từ đó vấn đề tấn công IS đã không còn là "nếu" mà là "khi nào" và "như thế nào?". Và cuộc khủng hoảng Ukraine đã không làm thay đổi kế hoạch của Nga, chỉ là làm chậm lại một chút.

Cơ sở khiến Nga lo ngại là các lợi ích an ninh. Nếu cho phép IS thiết lập quyền kiểm soát tại Syria và Iraq, thì sau khoảng 5 năm, nhiều kẻ khủng bố được huấn luyện sẽ bắt đầu quay trở lại Bắc Caucasus và Trung Á. Theo ước tính của Nga, trong 70.000 chiến binh IS có ít nhất 5.000 là người nhập cư từ Nga và các nước SNG. Từ quan điểm chiến lược, chiến dịch tiêu diệt lực lượng này tại Trung Đông sẽ mang lại cho Nga lợi ích lâu dài với chi phí tương đối thấp - so với cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố ngay trên lãnh thổ Nga.

Chiến lược tham gia hạn chế

Chiến lược của Nga tại Syria bao gồm hai kịch bản.

Kịch bản thứ nhất về việc tham gia hạn chế vào cuộc xung đột Syria. Lợi thế của nó nằm ở chỗ chỉ cần một nguồn lực tối thiểu và không cần nâng cao tiêu chuẩn, Moskva vẫn nhận được rất nhiều.

Thứ nhất, Nga có thể phá hủy được cơ sở hạ tầng của các nhóm khủng bố và ngăn không cho chúng củng cố ảnh hưởng, đồng thời không cần phải tiêu diệt chúng hoàn toàn. Những tên khủng bố Bắc Caucasus trên lãnh thổ của Nga đã bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng bên trong "khu vực bỏ hoang" ở Syria, chúng có thể xây dựng các trại huấn luyện khủng bố và bắt đầu xuất khẩu những kẻ khủng bố sang Nga, như chúng đã làm ở Afghanistan với Taliban.

Thứ hai, Moskva muốn giữ một chế độ thân thiện ở Syria. Trong trường hợp này Nga sẽ có thể đầu tư vào căn cứ hải quân của mình ở biển Địa Trung Hải và đảm bảo cho mình một vai trò quan trọng trong các dự án khí đốt ở thềm lục địa Syria, Cyprus và Israel.

Thứ ba, Nga đang tìm cách để có một vị trí cường quốc hàng đầu ở Trung Đông, có khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự có hiệu quả. Cho đến nay, không một quốc gia nào ngoại trừ Mỹ có thể triển khai lực lượng ở xa biên giới của mình như vậy. Ở Syria, Nga đã chứng minh khả năng ảnh hưởng đến các sự kiện tại khu vực xa xôi của hành tinh này đã quay trở lại, và vì vậy Nga đã làm thay đổi kế hoạch của các nước Trung Đông. Giáng vào IS tại Syria bằng tên lửa hành trình, phóng từ biển Caspian, Nga đã củng cố được sự hiện diện của mình trong khu vực.

Cuối cùng, chiến dịch tại Syria là cơ hội để thể hiện trên thực tế vũ khí của Nga, thông tin liên lạc vệ tinh và hệ thống định vị GLONASS - hiệu quả chết người, độ chính xác và độ tin cậy cao của chúng. Sự thể hiện này trước hết hướng vào khách hàng tiềm năng tại thị trường vũ khí lớn nhất và đang tiếp tục gia tăng – đó là các quốc gia Trung Đông. Nó cũng khẳng định khả năng của Nga trong duy trì chủ quyền đầy đủ trong trường hợp chiến tranh.

Sự thay đổi trung tâm chú ý từ Ukraine sang Syria không phải là một trong những mục tiêu chính của Moskva, tuy nhiên vì điều đó đã diễn ra sau những sự kiện gần đây, chúng ta có thể coi nó như là thêm một thành tựu của Nga.

Kịch bản tham gia quy mô lớn

Những nhiệm vụ nêu trên là tối thiểu mà Nga có thể mong đợi nếu chiến dịch ném bom của mình diễn ra suôn sẻ. Mức trần của kịch bản thứ hai cao hơn rất nhiều, ngoài ra, cũng nhiều rủi ro hơn.

Với sự hỗ trợ của Syria, Iraq và Iran, Nga có thể hy vọng hoàn toàn tiêu diệt được IS trong khu vực, bao gồm cả các chiến binh từ các nước SNG. Nếu Moskva đạt được mục tiêu này, nó có thể đặt nền móng cho sự phục hồi biên giới truyền thống giữa Syria và Iraq, và biến họ thành những đồng minh trung thành của Nga trong tương lai. Ổn định tình hình ở Syria và Iraq có nghĩa là sự xuất hiện các điều kiện để bình thường hóa cuộc sống ở các quốc gia này. Điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng di cư trong khu vực và trong EU.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này cần phải huy động thêm nhiều nguồn lực và sự tham gia của một liên minh mạnh mẽ hơn, trong đó phải bao gồm các cường quốc phương Tây và các nước Arập vùng Vịnh Persian. Thiếu một liên minh như vậy các định hướng của kịch bản thứ hai sẽ tham vọng hơn so với kế hoạch hiện tại của Moskva.

Quản lý tài nguyên trong cuộc chiến tranh với IS

Liệu Nga có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện kế hoạch của mình tại Syria? 

Moskva đã có được sự ủng hộ hoàn toàn của Syria, Iraq và Iran, vì vậy giờ đây Nga có thể hoạt động độc lập với phương Tây. Đồng minh của Nga rất quan tâm đến chiến thắng trước IS, và họ đã cố gắng làm điều này trước khi có sự can thiệp của Moskva. Nếu chỉ xem xét các con số, sẽ có vẻ rằng Nga đóng góp ít nhất vào cuộc đấu tranh đó trong khuôn khổ liên minh của mình, nhưng trong thực tế đóng góp của Nga lại mang tính chất quyết định.

Tiềm lực quân sự của Nga đủ để duy trì chiến dịch hiệu quả lâu dài ở Syria. Những người chỉ trích quên rằng Nga đã trực tiếp tham gia giải quyết xung đột ở Gruzia, Moldova và Tajikistan trong những năm 1990, khi nền kinh tế Nga còn trải qua thời kỳ đặc biệt khó khăn.

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo của cộng đồng tín đồ dòng Sunni của Nga (khoảng 14 triệu người) ủng hộ sáng kiến của Kremlin và lên án hệ tư tưởng của IS. Tháng 9, Moskva đã mở cửa nhà thờ Hồi giáo Sunni lớn nhất của châu Âu, việc này còn tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của giới giáo sĩ Hồi giáo. Tại lễ khai trương Nhà thờ Hồi giáo, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng rằng nhà thờ sẽ góp phần phổ biến các ý tưởng nhân văn, các giá trị chân chính, đích thực của đạo Hồi ở Nga, và tố cáo cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã làm vấy bẩn tôn giáo lớn nhất của thế giới.

Những rủi ro của sự can thiệp từ bên ngoài

Chiến dịch của Nga tại Syria có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Moskva. Tuy nhiên, rủi ro của nó cũng rất cao. Sự xuất hiện của Nga tại Syria rất ấn tượng, nhưng việc rút lui sau này có thể là một nhiệm vụ khá phức tạp.

Thứ nhất, Nga có nguy cơ làm hỏng quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực – là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara quan tâm đến việc ông Assad phải ra đi, và họ sử dụng cuộc chiến chống IS để đàn áp người Kurd ở biên giới với Syria. Bất chấp những tuyên bố rằng chính trị không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước, dự án đầy tham vọng "Giấc mơ Thổ Nhĩ Kỳ" đã bị hoãn lại cho đến năm 2017. Đây không phải là lần đầu tiên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện bất đồng về các vấn đề khu vực, nhưng trong quá khứ họ đã tránh được đối đầu.

Thứ hai, Nga có thể bị mắc kẹt ở Syria, như Liên Xô ở Afghanistan. Đó là lý do tại sao Moskva chỉ bắt đầu hành động sau khi đã xem xét nghiêm túc, với sự hỗ trợ của các đồng minh tin cậy trong khu vực và một chiến lược rút lui rõ ràng. Sau khi đã học được một bài học vô giá ở Afghanistan và Chechnya, Nga đã chuẩn bị tốt cho chiến tranh với cường độ chiến đấu thấp.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất là Nga có thể bị cuốn vào cuộc xung đột giữa hai dòng Sunni-Shiite. Do trên lãnh thổ Liên bang Nga có rất nhiều tín đồ Sunni sinh sống, Moskva phải đặc biệt thận trọng. Theo các nhà phê bình, đấu tranh chống IS sẽ buộc Nga chống lại tất cả người Sunni trong khu vực. Tuy nhiên, khẳng định đó chỉ đúng khi cho rằng tất cả những người Sunni đều ủng hộ IS, nhưng thực tế không phải như vậy.

Điều này dẫn đến câu hỏi về những gì còn thiếu trong chiến lược Syria của Nga, cụ thể là câu hỏi về tính khả thi của phe Sunni đối lập của IS. Cũng học được bài học kinh nghiệm ở Chechnya, Nga sẽ tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Syria trong đàm phán với các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng của cộng đồng Sunni, những người sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố. Nếu có một nhà lãnh đạo Sunni giành chiến thắng, người đó sẽ lấp đầy khoảng trống mà IS để lại đằng sau, như đã xảy ra với lãnh đạo Ramzan Kadyrov ở Chechnya.

Áp dụng các kịch bản Chechnya vào tình hình ở Syria - đó là một nhiệm vụ khá khó khăn, nhưng là cách duy nhất để đạt được thỏa thuận toàn diện ở đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này. Đó là lý do tại sao Nga xem xét đề nghị của Pháp thống nhất lực lượng chính phủ Syria với “phe đối lập lành mạnh" thành quân đội Syria tự do là một “ý tưởng thú vị", đáng để xem xét.

Theo Военное обозрение (Nga)

Thúy Bình (gt)