Vào tháng 3/2014, châu Âu đã thức tỉnh trong thế giới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một nơi mà ở đó, các đường biên giới có thể bị thay, các thể chế quốc tế bị vô hiệu hóa, sự liên kết kinh tế có thể gây ra tâm trạng bất an, và khả năng có thể dự đoán được không còn là một ưu thế mà là một thiếu sót. Không phải tư tưởng về một trật tự châu Âu hậu hiện đại đã chấm dứt, một tư tưởng đã lan rộng ra toàn châu lục và một ngày nào đó thậm chí có thể ra toàn thế giới. Nói đúng hơn, tư tưởng này sẽ phải rút lui. Cuộc khủng hoảng Crimea đánh đấu sự kết thúc của trật tự châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Việc châu Âu được coi như là hình mẫu cho toàn thế giới không phải là một điều đáng ngạc nhiên, khi mà châu lục này đã đứng ở trung tâm diễn biến toàn cầu trong 300 năm qua. Vào năm 1914, trật tự châu Âu đồng thời cũng là trật tự thế giới. Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng được gọi là Chiến tranh châu Âu. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mọi việc về cơ bản là về câu hỏi ai sẽ kiểm soát châu Âu, và về cuộc cạnh tranh giữa hai hệ tư tưởng của châu Âu: chủ nghĩa tư bản dân chủ và chủ nghĩa cộng sản Xôviết. Tới giai đoạn 1989-1991, một mô hình ứng xử quốc tế theo kiểu châu Âu mới xuất hiện, mô hình dựa trên sự thuyết phục và các thông lệ, điều hoàn toàn khác biệt so với trật tự thế giới đang thống trị.

Các yếu tố cốt lõi cho trật tự châu Âu mới này là một hệ thống phát triển cao của sự can thiệp lẫn nhau trong các vấn đề nội bộ và một nền an ninh được hình thành dựa trên sự cởi mở và minh bạch. Trật tự này và cấu trúc an ninh của nó không phụ thuộc vào thế cân bằng giữa các cường quốc, và trọng tâm của nó không nằm ở việc bảo vệ chủ quyền quốc gia hay sự chia tách giữa chính sách đối nội và đối ngoại. Trật tự này từ bỏ bạo lực như là công cụ giải quyết xung đột và khuyến khích một sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu hơn giữa các quốc gia châu Âu. Trật tự này không nhằm mục tiêu thay đổi biên giới châu Âu hay tạo nên những quốc gia mới. Tham vọng của châu Âu phần nhiều nằm ở việc thay đổi bản chất của đường biên giới và khiến chúng trở nên cởi mở đối với con người, hàng hóa, vốn và ý tưởng.

Trật tự châu Âu mới này khác với tất cả các trật tự hậu chiến trước đây. Chiến tranh Lạnh chấm dứt mà không có hiệp ước hòa bình hay diễu hành mừng chiến thắng. Trật tự mới được tuyên bố như là một chiến thắng chung cho phương Tây và nhân dân Nga, và nó cũng phát triển một sức mạnh mang tính biến đổi – dưới dạng một sự mở rộng các thể chế của phương Tây, phần lớn trong số được thành lập cho một thế giới lưỡng cực. Sự kiện tái thống nhất nước Đức đã trở thành hình mẫu cho sự thống nhất của châu Âu. Và trong khi các nước châu Âu hoàn toàn nhận ra rằng trật tự này là rất độc đáo, họ cũng bị thuyết phục bởi đặc tính phổ quát của nó. Từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tới Nghị định thư Kyoto, từ Tòa án Công lý Quốc tế tới trách nhiệm bảo vệ - các tiêu chuẩn của châu Âu dường như đã được thiết lập. Và châu Âu tin tưởng chắc chắn rằng trong thế giới của tương lai, sự liên kết kinh tế và phong cách sống hội tụ sẽ trở thành nguồn an ninh quan trọng nhất.

Say mê với sự tiến bộ của chính mình, Liên minh châu Âu (EU) ngày càng đánh mất ý thức về các cường quốc khác. Thay vì cố gắng hiểu được nhận thức hoàn toàn khác biệt của mình, EU chỉ tập trung vào việc những nơi nào đang phát triển chậm hơn so với tiêu chuẩn của châu Âu. Điều này đúng với các nước láng giềng của EU, các cường quốc như Trung Quốc và thậm chí cả với đồng minh như Mỹ. Vì vậy EU không thể chấp nhận các dự án hội nhập khác ngay trên chính lục địa của mình.

Với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, có một điều nhanh chóng trở nên rõ ràng là mô hình chính trị của EU tuy đáng ngưỡng mộ, nhưng lại không áp dụng được một cách phổ biến. Nói đúng hơn, trật tự của châu Âu có thể phát triển rất xa và chỉ phù hợp với một môi trường riêng, đặc biệt, nên sự thích ứng đối với những trật tự khác là điều không thể. Trật tự hậu hiện đại của châu Âu xuất hiện trong một hệ sinh thái được bảo vệ, được che chắn trước thế giới “hiện đại” bạo lực hơn nhiều mà phần lớn người dân thế giới sống trong đó. Hiện nay, do chủ nghĩa phổ quát của châu Âu đã trở thành một dạng thức chủ nghĩa ngoại lệ, người ta phải suy nghĩ xem cái gì có thể cấu thành nên một trật tự mới. Liệu có phải đã đến lúc bảo vệ hệ sinh thái chính trị mong manh của châu Âu trước những ảnh hưởng có hại từ bên ngoài, thay vì muốn bằng mọi cách áp dụng nó lên các nước khác?

Pháo đài Nga

Nhà triết học Carl Schmidt từng khẳng định: “Người chiến thắng không có sự tò mò”. Điều này đặc biệt đúng với người chiến thắng, những người tin tưởng rằng không ai bị đánh bại vì họ không sợ bất cứ phong trào đối lập nào theo chủ nghĩa xét lại. Sau năm 1989, châu Âu đã mất đi sự tò mò về việc Nga nhìn nhận thế giới và vị trí của nước này trong đó như thế nào. Châu Âu không hiểu được sự oán giận đối với trật tự châu Âu được phương Tây giới thiệu sâu sắc đến mức nào tại Nga. Họ thích hiểu các mối quan hệ giữa Nga và châu Âu như là một tình huống mà tất cả cùng thắng. Chìm đắm trong thành công của chính mình, EU cũng đã đánh giá sai rằng “cường quốc thân thiện” của họ có thể bị các nước khác coi như là một mối đe dọa. Các chính trị gia châu Âu đã tự lừa dối mình khi cho rằng nỗi lo thực sự của Nga là Trung Quốc và Hồi giáo cực đoan. Những phàn nàn thường xuyên về sự mở rộng của NATO hay hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đơn giản được người ta coi như một dạng trò tiêu khiển cho người dân, dành riêng cho công chúng trong nước. Đó đã là một sai lầm.

Người ta đã hiểu nhầm điểm yếu của Nga trong việc ngăn chặn một trật tự phương Tây mới như là sự chấp thuận và thay đổi thái độ. Sau năm 1989, chính Liên bang Xôviết chứ không phải Nga đã chấp nhận mô hình châu Âu. Đối với ban lãnh đạo Xôviết, sự mở rộng mô hình châu Âu với chủ quyền quốc gia mềm và sự liên kết về kinh tế là con đường duy nhất để bảo vệ đế chế Xôviết trước những lời kêu gọi độc lập từ nhiều nước cộng hòa Xôviết khác nhau. Cũng chính Liên bang Xôviết – một lần nữa không phải Nga – đã lặng lẽ cho phép nước Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây hội nhập vào NATO. Nhưng ngược lại với Liên bang Xôviết, nước Nga hậu Xôviết không tin tưởng bất cứ một sự hội tụ hậu quốc gia nào, vì nước này ủng hộ một khái niệm chủ quyền quốc gia cổ điển, xuất phát từ thế kỷ 19. Điều phân biệt Nga với EU và Liên bang Xôviết của Gorbachev là sự tin tưởng rằng chủ quyền quốc gia không phải là một cơ cấu mang tính luật pháp, mà là một khả năng hành động. Vladislav Surkov, nhà tư tưởng chính của Putin, đã tóm lược quan điểm này: “Chủ quyền quốc gia là từ đồng nghĩa trong chính trị với khả năng cạnh tranh”. Khái niệm này bao gồm sự độc lập về kinh tế, sức mạnh quân sự và bản sắc văn hóa.

Vào năm 1993, nhà triết học chính trị Vadim Tsymbursky đã có một bài viết gây nhiều chú ý trên báo với tiêu đề “Hòn đảo Nga”. Trong đó ông lập luận rằng quyết tâm địa chính trị của Nga là trở thành một hòn đảo, và Nga chỉ có thể sống sót tốt nhất khi nước này tách biệt với châu Âu. Theo ông, Nga phải từ bỏ di sản “3 thế kỷ châu Âu” và hiểu được rằng nỗ lực bắt chước châu Âu hay trở thành một phần của châu lục này chắc chắn sẽ kết thúc trong bi kịch. Và trong một thời đại mà quá trình toàn cầu hóa khiến thế giới trở nên bất ổn, Nga chỉ có một lựa chọn thực sự duy nhất, đó là tập trung vào khu vực Viễn Đông và những phát triển trong chính sách đối nội của mình. Nga quá yếu và bị chia rẽ đến mức không thể đạt được thành công trong một thế giới toàn cầu hóa. Nước này nên nỗ lực xây dựng một “nhà nước văn minh” hoặc xây dựng một “bản sắc pháo đài”, một bản sắc tuy vẫn hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu, nhưng được bảo vệ trước các ảnh hưởng bên ngoài. Việc xây dựng một dạng quốc gia bị cô lập như thế này đã là mục tiêu quan trọng nhất của Putin. Việc hợp tác với phương Tây chưa bao giờ nằm trong mối quan tâm của ông.

Thứ hai, các nước châu Âu đã tin tưởng rằng sự hội nhập của Nga vào nền kinh tế thế giới sẽ dẫn tới một chính sách đối ngoại bảo thủ. Rõ ràng người ta đã bị lừa dối bởi cách miêu tả của giới truyền thông về một tầng lớp tinh hoa Nga tham nhũng và hoài nghi, những người sẽ chống lại một đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích kinh doanh của mình. Hình dung như vậy về một nước Nga như là một công ty cổ phần là sai lầm. Vì bất chấp nạn tham nhũng và lòng tham, một phần giới tinh hoa vẫn mơ về một sự quay trở lại đầy vinh quang của nước Nga trên sân khấu thế giới. Chủ nghĩa xét lại của Putin có sức nặng hơn so với những gì các nước châu Âu nhận thức được. Đối với Putin, sự sụp đổ của Liên bang Xôviết không phải là một sự cần thiết của lịch sử, mà là kết quả của thất bại của ban lãnh đạo Xôviết.

Thứ ba, các nước châu Âu đã đánh giá sai hiệu ứng tâm lý của “các cuộc cách mạng màu” và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Nga. Cuộc cách mạng Cam ở Ukraine là “sự kiện 11/9” đối với Putin. Kể từ đó, Tổng thống Nga coi các cuộc biểu tình đường phố được điều khiển từ xa là mối đe dọa chính cho chế độ của ông – giống như việc Điện Kremlin hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả các cuộc cách mạng màu trong không gian hậu Xôviết, bao gồm cả các cuộc biểu tình ở Nga, đều do Washington kích động, tài trợ và điều khiển. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 một lần nữa khiến Putin tin rằng quá trình toàn cầu hóa đã thất bại và mỗi cường quốc cần phải có một không gian kinh tế của riêng mình sau cuộc khủng hoảng. Hành động của Putin tại Ukraine giống với chính sách đế quốc của Nga vào thế kỷ 19. Nhưng với tư cách là một phần của phản ứng bảo vệ trước quá trình toàn cầu hóa, hành động này là một hiện tượng của thế kỷ 21. Vì trong nhận thức của Putin, bản sắc chính trị của Nga đang gặp nguy cơ lớn hơn so với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Người ta nhận thấy những nỗ lực của phương Tây nhằm thay đổi “chuẩn mực văn hóa” của Nga cũng đáng báo động như viễn cảnh NATO có thể tiếp quản căn cứ hải quân của Nga ở Sevastopol.

Thứ tư, các nước châu Âu đã đánh giá sai ý nghĩa của sức mạnh. Các phân tích của phương Tây thích chứng minh lợi thế của phương Tây về kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật và trong chi tiêu quân sự. Nhưng người ta đã bỏ qua điều mà cuốn sách “Cuộc nổi dậy của những kẻ yếu thế” của David Brooks chỉ ra. Theo một nghiên cứu đáng lưu ý của Đại học Harvard, trong các cuộc chiến tranh không cân xứng giai đoạn 1800-1849, chỉ có 12% số trường hợp có các bên tham gia yếu hơn đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Nhưng trong các cuộc chiến diễn ra trong giai đoạn 1950-1998, các bên tham gia yếu hơn đạt được mục đích tới 55% số trường hợp. Nghiên cứu còn giải thích rõ điều này với thực tế là các bên tham gia yếu hơn không cần phải chiến thắng hay hủy hoại kẻ thủ. Họ chỉ cần cầm cự, phá hủy bộ máy chiến tranh của kẻ thù và chờ đợi đối thủ ưu việt hơn về quân số của mình đánh mất sự ủng hộ chính trị.

Và cuối cùng, các nước châu Âu đã không hiểu được Putin cảm thấy dễ bị tổn thương như thế nào ở trong nước. Khế ước xã hội của Putin dựa trên một lời hứa: ông đảm bảo sự thịnh vượng vật chất gia tăng cho người dân Nga bình thường, đổi lại họ không tham gia chính trị. Trong mùa Đông bất mãn năm 2012 tại Moskva, thỏa thuận đó đã bị phá vỡ. Các cuộc biểu tình đã khiến Putin tin rằng phương Tây muốn một sự thay đổi chế độ. Và trong mùa Đông đó, khi một số đại diện của tầng lớp tinh hoa kêu gọi đàm phán với những người biểu tình, Putin nhận ra rằng sự phụ thuộc về văn hóa và tài chính của tầng lớp tinh hoa Nga vào phương Tây khiến chế độ của ông trở nên dễ bị tổn thương. Kể từ đó, việc “quốc gia hóa” tầng lớp tinh hoa của đất nước có mức độ ưu tiên cao nhất đối với ông. Putin xâm lược bán đảo Crimea, và can thiệp vào Ukraine, để kiểm soát tầng lớp này. Hành động này phần nhiều xuất phát từ chính sách đối nội của Nga hơn là nhu cầu an ninh của Nga, từ nỗi lo sợ trước một sự thay đổi chế độ do phương Tây điều khiển hơn là trước một sự mở rộng của NATO, lý do đứng đằng sau chủ nghĩa xét lại trong chính sách đối ngoại của Moskva. Phương Tây đã tập trung vào nỗi sợ hãi của Putin về một nước Nga tự do và dân chủ. Nhưng Tổng thống Nga lại lo sợ nhiều hơn về một sự chuyển hướng của lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc tại Nga, những người sẽ không tha thứ ông cho thất bại tại Ukraine.

Nga đã có hơn 10 năm tìm kiếm một trật tự châu Âu, điều mà ngay cả theo Putin có thể đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ. Nhưng Putin muốn điều mà phương Tây hoặc sẽ hoặc có thể thất hứa. Vào năm 1943, Joseph Stalin đã giải thể Quốc tế Cộng sản nhằm thuyết phục phe đồng minh rằng chiến thắng trước Đức Quốc xã mới là ưu tiên cao nhất của ông chứ không phải chiến thắng của cuộc cách mạng cộng sản. Gần như song song, Putin cũng hy vọng rằng phương Tây sẽ chấm dứt chính sách thúc đẩy dân chủ của mình. Ông muốn một sự đảm bảo rằng Điện Kremlin không phải sợ bất cứ cuộc biểu tình nào ở Moskva và Minsk và các chính phủ và truyền thông phương Tây sẽ chỉ đánh giá mà không ủng hộ chúng. Điều không may cho Putin là không có “Quốc tế Dân chủ” nào thúc đẩy sự khuyến khích dân chủ như Quốc tế Cộng sản đã làm với cách mạng quốc tế. Cái không tồn tại thì cũng không thể giải tán được. Hành động của Điện Kremlin đối với Ukraine cũng không đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng về trật tự châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, mà đánh dấu giai đoạn cuối của một cuộc khủng hoảng đã kéo dài từ lâu. Câu hỏi được đặt ra là: Châu Âu nên phản ứng như thế nào trước một cuộc tấn công vào các nguyên tắc và mô hình của châu lục này?

Cái bẫy biện pháp trừng phạt

EU đã hành xử đúng khi áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống lại Nga. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và tình hình bất ổn tại miền Đông Ukraine, phương Tây không còn có lựa chọn nào khác hơn là phản ứng một cách mạnh mẽ nhất. Một sự đáp trả dè dặt hơn sẽ khiến Moskva có những hành động quyết đoán hơn và dẫn tới một sự chia rẽ còn sâu sắc hơn trong EU. Nhưng các biện pháp trừng phạt càng hiệu quả trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga, thì chúng càng có thể làm xói mòn các mục tiêu chung của EU. 

Các nguyên thủ quốc gia châu Âu đã phạm sai lầm lớn khi tin rằng họ có thể đối xử với Nga theo cách họ từng làm với Serbia trong những năm 1990. Đa số người dân Nga không nhìn nhận bản thân trong tương lai như là một phần của dự án châu Âu. Các biện pháp trừng phạt phù hợp với ý định của Putin là tách nước Nga khỏi phương Tây. Liên bang Xôviết vẫn có thể chia tách phương Đông với phương Tây nhờ vào một bức tường. Putin không thể đơn giản tách Nga khỏi thế giới. Ông cũng không có một hệ tư tưởng nào để có thể thuyết phục người Nga rằng sự cô lập chứa đựng một tương lai huy hoàng.

Vì vậy, Putin sử dụng một chiến thuật từ môn thể thao ưa thích của mình là Judo và tìm cách tấn công phương Tây với chính vũ khí của khối này. Các quan chức, những người ban đầu phản đối mệnh lệnh của Tổng thống Nga là chuyển tiền của mình từ các ngân hàng phương Tây về Nga, đã làm đúng như vậy do các lệnh trừng phạt. Putin có thể đổ lỗi lên các biện pháp trừng phạt cho những thiếu sót về kinh tế của chính Nga và các biện pháp trừng phạt đem lại cho ông cái cớ để cô lập nước Nga khỏi quá trình toàn cầu hóa với một chính sách muốn quốc hữu hóa Internet, cấm nước ngoài sở hữu cổ phần trong các cơ quan truyền thông và hạn chế tự do du lịch. Các biện pháp trừng phạt, với mục đích gây thiệt hại cho nhóm thân cận với Putin, cũng đã gạt ra bên lề những đại diện thân phương Tây trong giới tinh hoa Nga và chúng giúp Putin định hướng lại các quan hệ thương mại của Nga rời khỏi phương Tây. Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu vào Nga đã giảm 63% trong 3 quý tính từ tháng 3/2014, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc, đã tăng 560% trong quý đầu tiên của năm 2014.

Ngoài ra còn có một nguy cơ khác, đó là Nga có thể cảm thấy bị kích động để cạnh tranh với phương Tây không chỉ về kinh tế, mà còn về quân sự. Một trong số những thành tựu lớn nhất trong chính sách láng giềng của châu Âu là chính sách này đã định nghĩa lại một cách thành công cuộc cạnh tranh địa chính trị tại Đông Âu. EU đã cố gắng biến đổi vùng ngoại vi của mình thông qua hội nhập kinh tế và xã hội. Tuy chính sách của châu Âu không có hiệu ứng biến đổi lên chính sách yếu ớt của các nước láng giềng của khối này, nhưng ban đầu chúng đã làm thay đổi thành công chính sách ngoại giao của Nga. Sau cuộc cách mạng Cam, Nga đã cố gắng cạnh tranh với châu Âu tại Ukraine và các nước từng thuộc Liên Xô, trong đó nước này đưa ra ý tưởng của châu Âu về quyền lực mềm. Tuy nhiên sự biến đổi này đã bắt đầu lung lay. Nga nghĩ ít hơn so với các cường quốc mới nổi khác về vấn đề kinh tế. Việc Nga có một nền kinh tế không có khả năng cạnh tranh và thiếu chiều sâu, nhưng lại có lực lượng quân đội hùng mạnh (quân đội Nga muốn hiện đại hóa 70% số lượng vũ khí của mình tới năm 2020), khiến quốc gia này dễ tham gia các cuộc phiêu lưu chính trị hơn bất cứ cường quốc mới nổi nào khác.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể gây ra sự sụp đổ của chính hệ thống quốc tế mà khối này trên thực tế phải bảo vệ. Trong những thập kỷ qua, các cường quốc phương Tây đã sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình, trong đó họ sử dụng lời đe dọa “loại khỏi” nền kinh tế thế giới. Các thuộc địa trước đây như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil chưa bao giờ thấy chấp nhận được khi phương Tây sử dụng các thể chế toàn cầu để đạt được các lợi ích của riêng mình. Hiện nay, các nước này ngày càng sẵn sàng và có khả năng lảng tránh các thể chế quốc tế với những thỏa thuận thay thế. Tại hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS vào mùa Hè năm 2014, các cường quốc mới nổi đã thống nhất thành lập một ngân hàng phát triển mới và một quỹ tiền tệ có trụ sở tại Thượng Hải như là đối trọng với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Bên trong nhóm G20, nhóm BRICS đã hình thành một phe mới nhằm đạt được một nghị trình chống phương Tây. Nếu phương Tây cố gắng dùng các thể chế này để chống lại Nga, các cường quốc mới nổi có thể liên kết với nhau. Nhằm có được một sự hiểu biết toàn diện về hiệu ứng của các biện pháp trừng phạt, người ta không chỉ phải lưu ý tới những hậu quả đối với nền kinh tế Nga, mà còn phải tìm hiểu chính xác liệu các biện pháp trừng phạt có tạo ra nguy cơ đối với tính hợp pháp toàn cầu của các thể chế do phương Tây thành lập.

Tư duy mới về trật tự châu Âu

Về nhiều mặt, cuộc khủng hoảng trật tự châu Âu là một cuộc khủng hoảng về tưởng tượng chính trị của châu Âu. Các nước châu Âu cảm thấy khó có thể hình dung được việc một quốc gia không mơ về việc tham gia EU hay tận hưởng chế độ điều chỉnh của mình. Vì vậy, thách thức lớn nhất là nghĩ ra một chính sách châu Âu không tạo ra một đất nước theo mô hình châu Âu từ Nga, thay vào đó hình thành các cấu trúc cho một nước Nga mà các nước châu Âu có thể chung sống được. Một cái nhìn về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – được khắc họa bởi sự kết hợp giữa sự tham gia và sự cân bằng – có thể giúp ích trong việc này. Nhà tư vấn chính trị người Mỹ Joshua Cooper Ramo đã đưa ra khái niệm “Cùng phát triển” cho sự kết hợp này. Một khái niệm như vậy thừa nhận rằng Mỹ và Trung Quốc không chỉ phụ thuộc lẫn nhau mà còn cạnh tranh với nhau. Điểm bắt đầu là sự chấp nhận rằng cả hai cường quốc này có thể chấp nhận điểm khác biệt của họ. Nhưng vẫn có những giới hạn đỏ cho hành vi mà cả hai phía coi là mang tính đe dọa đối với sự tồn tại của mình.

EU phải tìm ra một phiên bản châu Âu cho khái niệm “Cùng phát triển” mà cho phép cùng tồn tại với Nga, nhưng cũng đưa ra những giới hạn đỏ hiệu quả. Phiên bản này bao gồm 3 yếu tố cốt lõi: việc ngăn chặn và những đảm bảo an ninh cho sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên châu Âu cũng như khả năng phòng thủ rõ ràng cho sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trên lục địa châu Âu; một sự bảo vệ mô hình hậu hiện đại của EU thông qua việc củng cố các thể chế dựa trên giá trị; và sự giảm căng thẳng nhờ vào một chính sách công nhận và hợp tác với Liên minh kinh tế Á-Âu, đi vào hoạt động vào ngày 1/1/2015.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Wales đã thể hiện rõ yếu tố ngăn chặn trong một chiến lược EU toàn diện. NATO sẽ vẫn là tổ chức đảm bảo an ninh quan trọng nhất cho thế giới châu Âu. Nhưng thách thức lớn nhất sẽ là ngăn chặn Nga can thiệp vào các quốc gia không thuộc NATO. Việc thành lập Liên minh năng lượng châu Âu và việc giảm sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng từ Nga cũng thuộc về chiến lược ngăn chặn của phương Tây. Nhưng hành động của Nga tại Ukraine cho thấy chính sách ngăn chặn truyền thống là chưa đủ.

Một chiến lược của EU có thể bao gồm việc củng cố và bảo vệ trật tự hậu hiện đại trong Liên minh như là một yếu tố thứ hai. Trước hết điều này có nghĩa là phải có sự phân biệt giữa các thể chế đại diện cho những giá trị “cốt lõi” của trật tự hậu hiện đại (như EU và Hội đồng châu Âu), và các thể chế mang tính “cầu nối” (như tổ chức OSCE và Liên hợp quốc) tạo điều kiện cho EU thiết lập quan hệ với các cường quốc khác mà không có chung các giá trị với khối này. Các chính trị gia châu Âu phải củng cố các thể chế cốt lõi, còn các thể chế cầu nối phải trở nên linh hoạt hơn và phù hợp hơn với tất cả các bên.

 

Ví dụ, tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng châu Âu đã không dẫn tới “sự tự do hóa” nước Nga, mà thay vào đó dẫn tới tình trạng tê liệt của Hội đồng châu Âu. EU sẽ phải sớm suy nghĩ về việc liệu khối này tốt hơn có lên loại Nga và Azerbaijan không. Đây là một quyết định không dễ dàng, trước hết vì Tòa án Nhân quyền châu Âu là một trong số ít những thể chế bảo vệ nhân quyền tại Nga. Nhưng EU sẽ phải xem xét việc này trước nguy cơ về một sự xói mòn thường xuyên các nguyên tắc cốt lõi của Hội đồng châu Âu. Chúng ta có thể và nên giữ vững lý tưởng rằng Công ước châu Âu về Nhân quyền một ngày nào đó sẽ hình thành nền tảng luật pháp cho tất cả các nước ở châu Âu – bao gồm cả Nga và khu vực Nam Caucasus. Nhưng sẽ không có lợi ích gì khi hành xử như thể điều này đã trở thành hiện thực. Việc các thể chế dựa trên giá trị phải được củng cố là do sự yêu thích dành cho “nền dân chủ có chủ quyền” của Putin đang tăng lên bên trong EU cũng như do Thủ tướng Hungary Viktor Orban. EU phải thuyết phục Orban rằng mô hình của Putin hoạt động được bên ngoài EU, chứ không phải bên trong, và Hungary sẽ phải ra quyết định theo đuổi mô hình nào.

Việc suy ngẫm về mối quan hệ với Nga trong dài hạn hiện mới chỉ bắt đầu. Người ta giờ nhắc lại nhiều đến “kiềm chế”. Nhưng chiến lược này sẽ được áp dụng như thế nào trong một thế giới được liên kết sâu rộng? Chẳng lẽ các nước châu Âu nên ngừng làm ăn với các công ty Nga hay cấm các du khách Nga? “Kiềm chế” nghe có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng vẫn khó hiểu. Phương Tây sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, như họ đã không công nhận sự chiếm đóng của Liên bang Xôviết tại các nước vùng Baltic. Và phương Tây sẽ phải duy trì các biện pháp trừng phạt đối với tất cả những người hưởng lợi từ việc chiếm đóng. Nhưng việc để cho các biện pháp trừng phạt trên quy mô lớn có hiệu lực với hy vọng rằng Nga một ngày nào đó sẽ thay đổi chính sách của mình và trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine, cũng không phải là một lựa chọn.

Nước Nga quá lớn, quá quan trọng và quá gắn chặt vào cấu trúc quốc tế đến mức châu Âu không thể hy vọng cô lập đất nước này theo các điều kiện của mình. Và một điều còn quan trọng hơn là: Putin không sợ sự cô lập. Ông chào đón chúng, vì chúng có thể làm trầm trọng thêm những khác biệt đang tồn tại giữa các nước thành viên EU, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của EU trên thị trường toàn cầu và khiến Ukraine phải chịu đựng sự bất ổn kéo dài. Các biện pháp trừng phạt là cần thiết như là sự đáp trả đối với với Nga, và chúng đã đem lại ảnh hưởng cho phương Tây. Ảnh hưởng này phải được sử dụng để chuyển cuộc xung đột tại Donbass từ chiến trường sang bàn đàm phán. Nhưng khi EU ngồi vào bàn đàm phán, khối này sẽ cần một chiến lược để khôi phục các mối quan hệ của mình với Nga.

Cuộc khủng hoảng này bắt đầu do một cuộc tranh cãi về câu hỏi liệu Ukraine sẽ gia nhập chương trình Đối tác phương Đông của EU hay Liên minh Á-Âu (EEU) của Nga. Điều nghịch lý trong tình hình hiện nay là: Vì Nga đã sáp nhập được bán đảo Crimea, nhưng lại để mất Ukraine, hy vọng về một chiến lược mới đối với Nga có thể nằm trong các mối quan hệ (tiềm tàng) của EU với EEU. Những khả năng, mà bắt nguồn từ dự án EEU của Putin, không phải chưa được biết tới – đây là cốt lõi của cuộc khủng hoảng hiện nay. Việc thành lập EEU là một bằng chứng mạnh mẽ cho quyền lực mềm của EU, vì liên minh này cũng là một nỗ lực của Moskva để giành được vị thế và sự công nhận, trong đó nước này bắt chước các cấu trúc của EU. EEU có thể trở nên hấp dẫn đối với EU, vì liên minh này là dự án duy nhất mà Nga có thể dùng để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi chính sách dùng áp lực quân sự và lối nói mang tính dân tộc chủ nghĩa của mình.

Nếu EU xem xét viễn cảnh về việc thiết lập các mối quan hệ với EEU, đây sẽ là một tín hiệu rõ ràng tới Moskva, rằng châu Âu tôn trọng quyền của Nga đối với quá trình hội nhập của riêng mình. Điều này sẽ cho thấy trật tự mới ở châu Âu không dựa trên một sự tiếp tục thực hiện quá trình mở rộng EU và NATO. Thay vào đó, trật tự mới sẽ được hình thành với tư cách là sự hợp tác và cạnh tranh giữa 2 dự án hội nhập, tuy 2 dự án này dựa trên 2 thế giới quan khác nhau, nhưng đều cởi mở với tư cách thành viên kép, sự giao thoa và hợp tác. Trật tự mới sẽ chứng minh tính trung lập của nó và cho thấy EU tôn trọng quyền của các nước từng thuộc Liên bang Xôviết được tự lựa chọn dự án hội nhập cho mình. Nếu EU sẵn sàng chấp nhận “quyết định gia nhập EEU” của Armenia, Brussels có thể thúc giục Moskva chấp nhận “quyết định gia nhập châu Âu” của Moldova và Ukraine.

Đương nhiên, EEU trong mắt phần lớn các nước châu Âu là một dự án có nhiều thiếu sót. Vì vậy, dự án này có thể là cơ hội lớn nhất của EU để đưa cuộc cạnh tranh giữa Nga và phương Tây từ lĩnh vực quân sự sang lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, EEU là một điểm đầu vào thú vị, vì nó ít nhất sẽ đem theo mình một sự hạn chế chắc chắn đối với chính sách của Nga và quyền lực của Điện Kremlin.

Nga đã làm tan vỡ giấc mơ của châu Âu về một tương lai mà trong đó hòn đảo EU hậu hiện đại sẽ bao trùm toàn bộ châu lục. Nhưng châu Âu đã không quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc đối đầu trước đây giữa Moskva và phương Tây là về việc ai có thể đem lại một thế giới “tốt đẹp hơn”. Cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và EU là về việc ai đang sống trong thế giới “thực”. Cách đây 25 năm, châu Âu đã rao giảng với một nước Nga cứng đầu và cáo buộc quốc gia này bỏ quên hiện thực. Giờ đây EU phải vượt qua được hiện thực khó khăn. Châu Âu nên tập trung sức mạnh biến đổi của mình vào việc củng cố không gian chính trị của riêng mình, mà hiện bao gồm cả Ukraine và Moldova, và chấp nhận thế giới “thực” phía bên kia biên giới của mình. Hiện nay EU không thể trông đợi vào việc Nga thay đổi. Nhưng liên minh này nên cẩn trọng trước việc cô lập Nga. Đây sẽ là sự rối loạn trong trật tự châu Âu mới.

Theo Tạp chí Chính trị Quốc tế, Đức

Hoàng Sơn (gt)