Trong thời đại những nỗ lực không ngừng và gần thành công của Triều Tiên trở thành một nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân và sự nổi lên của sức mạnh Trung Quốc, cuốn sách “Nhật Bản, Hàn Quốc và cái ô hạt nhân của Mỹ: sự răn đe sau Chiến tranh Lạnh” của Terence Roehrig là một công trình học thuật kịp thời và lý thú. Kết nối lý thuyết, lịch sử và các cuộc tranh luận đương đại lại với nhau, Roehrig nghiên cứu hiệu quả của cam kết an ninh của Mỹ đối với hai đồng minh chính của nước này ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt dưới hình thức răn đe hạt nhân. Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt gần ba thập kỷ trước đây ở cấp độ toàn cầu, nhưng những căng thẳng quân sự vẫn còn ở Đông Bắc Á. Quyết định của Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gây bất ổn thêm tình hình địa chính trị của khu vực, liên tục đòi hỏi việc can dự sâu sắc của sự lãnh đạo Mỹ trong việc quản lý và giải quyết khủng hoảng hạt nhân mới này sau Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh này, cuốn “Nhật Bản, Hàn Quốc và cái ô hạt nhân của Mỹ” đưa ra cho độc giả những giải thích chi tiết và những cái nhìn sâu sắc vô giá về cách thức xem xét vai trò của Mỹ trong việc đối phó với các cuộc đối đầu hạt nhân hiện tại và trong tương lai ở Đông Bắc Á. 

Roehrig cung cấp một phân tích rành mạch về cái ô hạt nhân của Mỹ dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc bằng cách đưa ra lý thuyết, tổng quan lịch sử, chuyển sang phân tích mối đe dọa và nghiên cứu tình huống, và sau đó đánh giá khả năng và giải pháp hạt nhân tổng thể của Mỹ. Tuy nhiên, điều không có trong cuốn sách này là một chương nói về phân tích mang tính so sánh hai liên minh này về phương tiện răn đe hạt nhân. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng được các liên minh chia sẻ trong việc đối phó với răn đe mở rộng của Mỹ, nhưng có một số khác biệt rõ ràng khiến Tokyo và Seoul phản ứng khác nhau với các mối đe dọa ngày càng gia tăng của Bình Nhưỡng và những sự tái bảo đảm của Mỹ. Roehrig đề cập đến các khía cạnh mang tính so sánh này ở nhiều chỗ và trong các chương khác nhau. Ví dụ, ông nhận xét rằng “cái ô hạt nhân của Mỹ vẫn phải kín đáo trong nhiều năm” ở Nhật Bản và “chỉ mang lại sự tái đảm bảo cho các nhà lãnh đạo của nước này”, chủ yếu là do “những nhạy cảm chính trị trong nước” và “sự dị ứng hạt nhân” trong xã hội Nhật Bản. Để so sánh, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Hàn Quốc “được xem như một công cụ chiến tranh thực sự hơn là một biện pháp răn đe” trong những năm đầu. Việc rút những vũ khí hạt nhân chiến thuật đó khỏi Bán đảo Triều Tiên vào năm 1991 và Chiến tranh Lạnh kết thúc dường như không làm thay đổi đáng kể quan điểm của Hàn Quốc về vũ khí hạt nhân. Roehrig lưu ý rằng “đa số người Hàn Quốc tin rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân của chính họ là một phản ứng cần thiết đối với các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”. Một chương hoặc phần độc lập duy nhất so sánh một cách có hệ thống hơn cái ô hạt nhân Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn và suy xét kỹ lưỡng về những ý nghĩa được gợi ý bởi các khía cạnh tương tự hoặc khác nhau sẽ là hữu ích. 

Một trong những điểm bế tắc trong các cuộc tranh luận về cái ô hạt nhân của Mỹ, mà cũng là câu hỏi chính của cuốn sách này, là vấn đề về sự tín nhiệm: “Mỹ thực sự sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ một đồng minh hay không?”. Roehrig kết luận rằng Mỹ rất khó có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đồng minh của mình vì việc làm này “không nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ và nên tránh bằng mọi giá”. Thay vào đó, “cái ô hạt nhân đối với Triều Tiên quan trọng như một thông điệp tái bảo đảm cho các đồng minh Mỹ hơn là một công cụ được đưa thêm vào một tình huống chiến lược vốn đã ổn định” và có “một chức năng đáng kể đối với các nỗ lực của Mỹ ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân” cả ở khu vực lẫn trên toàn cầu. Như Roehrig khẳng định nhiều lần trong cuốn sách, cái ô hạt nhân của Mỹ đưa ra cho Hàn Quốc và Nhật Bản cho đến nay đã thành công trong việc thuyết phục 2 đồng minh này vẫn phi hạt nhân, điều có nghĩa là sự răn đe mở rộng của Mỹ vẫn được Tokyo và Seoul cho là đáng tin cậy. Tuy nhiên, cũng là sự thật rằng môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở Đông Bắc Á, mà bị trầm trọng thêm bởi cuộc thử ICBM của Triều Tiên vào tháng 11/2017 với khả năng có thể phóng tới đất Mỹ, làm phức tạp bất cứ giả thuyết mang tính học thuật nào về tương lai của răn đe hạt nhân mở rộng ở Đông Bắc Á. 

Lập trường chưa quyết định và không thể dự đoán của Chính quyền Trump về một Triều Tiên hạt nhân đã làm cho chính sách của nó cũng ít đáng tin cậy hơn. Một trong những kết luận chính của Roehrig là “Mỹ sẽ phản ứng lại một cuộc tấn công vào Nhật Bản hay Hàn Quốc bằng vũ khí thông thường trong bối cảnh một liên minh đáng tin cậy”, trong khi “một cái ô không chắc chắn vẫn giữ nguyên giá trị là một sự răn đe”. Khả năng thông thường áp đảo của Mỹ không nghi ngờ gì gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Triều Tiên, nhưng vẫn còn nghi ngờ về việc các phương tiện quân sự thông thường có thể ngăn cản được Bình Nhưỡng bao lâu. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên càng tiên tiến hơn, thì càng khó có thể ngăn chặn được nước này thông qua các biện pháp răn đe truyền thống trừ khi các công cụ khác, như ngoại giao, cũng được áp dụng đồng thời. Hơn nữa, bất cứ “tia lửa” nhỏ nào, dù cố ý hay vô ý, đều có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân trong kịch bản trường hợp xấu nhất, dù cho khả năng thông thường và hạt nhân của Mỹ được cho là để ngăn chặn một Triều Tiên hạt nhân có hiệu quả thế nào đi nữa. Thật vậy, trong một thời đại không chắc chắn do Donald Trump và Kim Jong-un lãnh đạo, ngày càng khó có thể hy vọng rằng hiện trạng ở khu vực này sẽ được duy trì chỉ thông qua chính sách răn đe truyền thống. 

Một số điểm nhỏ trong cuốn sách có thể được tiếp tục thảo luận hoặc cập nhật. Trước hết, Roehrig lưu ý rằng “kiềm chế hạt nhân của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên dường như có phần làm tăng thêm đôi chút sự quan ngại của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc”, lập luận rằng “trong những ngày đầu của liên minh này, sự tín nhiệm của cái ô hạt nhân của Mỹ đã bị thay thế bởi các mối quan ngại lớn hơn về toàn bộ liên minh này”. Theo ông Il-kwon Chung, tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, Tổng thống Syngman Rhee muốn Chính phủ Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh này bằng cách để ngỏ một lựa chọn hạt nhân khi các lực lượng Trung Quốc băng qua sông Áp Lục (sông Amnok theo tiếng Hàn Quốc) nằm trên đường biên giới Trung-Hàn vào tháng 10 và tháng 11/1950. Khi Rhee coi một cuộc xung đột với Trung Quốc như một tiến trình hành động không thể tránh được dẫn tới việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, ông đã hoan nghênh việc Chính phủ Mỹ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh bại Trung Quốc. 

Tại thời điểm đó, các cuộc tấn công ồ ạt của Trung Quốc đã khiến các lực lượng Mỹ-Hàn nhanh chóng rút quân về phía Nam, gây sốc cho cả các nhà lãnh đạo Mỹ ở Washington lẫn các sĩ quan chiến trường của Mỹ và mở ra một cuộc đánh giá toàn diện về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Harry Truman đã quyết định không sử dụng vũ khí hạt nhân, mặc dù chỉ huy lực lượng Liên hợp quốc buộc Tướng Douglas MacArthur thúc giục mạnh mẽ phải làm như vậy. Tình tiết này rõ ràng không phải là lý do duy nhất giải thích mối quan hệ đang xấu đi của Rhee với Truman và Chính quyền Eisenhower trong những giai đoạn sau của Chiến tranh Triều Tiên, nhưng nó có thể góp phần làm tăng nghi ngờ của ông về sự tín nhiệm của cam kết an ninh của Mỹ đối với Hàn Quốc. Ít nhất, Rhee đã có thể nhận ra ngay từ thời điểm đầu của cuộc chiến tranh này rằng mục tiêu chính của Washington là khác hẳn và ít tham vọng hơn so với mục tiêu của ông - tái thống nhất bán đảo này dưới sự kiểm soát của ông. Theo nghĩa này, sự kiềm chế hạt nhân của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, được nhấn mạnh bởi việc Truman sa thải Tướng MacArthur, có thể phần nào định hình những mối quan ngại lớn hơn của Hàn Quốc về mối quan hệ liên minh của nước này với Mỹ. 

Tiếp theo, Roehrig lập luận một cách hợp lý rằng “ đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ trở lại bán đảo này sẽ là một ý tồi” vì bốn lý do: thứ nhất, “vũ khí hạt nhân được triển khai về phía trước” có thể tạo ra “hành động đánh chặn của Triều Tiên hoặc một tình huống ‘sử dụng nếu không sẽ thất bại’ nguy hiểm; thứ hai, sự trở lại của vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ “sẽ hầu như không làm được gì để cải thiện sự ổn định chiến lược” và thay vào đó “sẽ khuấy động một cuộc tranh cãi ở Hàn Quốc”; thứ ba, “cái giá và hậu quả chính trị” của việc đưa trở lại chúng sẽ vượt quá lợi ích; và cuối cùng, việc truyền đi tín hiệu cho các nước khác thấy một chính sách “khuyến khích sự phổ biến vũ khí hạt nhân chiến thuật” sẽ không nằm trong lợi ích của Mỹ. Những lý do này là quan trọng và không nên bị bỏ qua. Tuy nhiên Roehrig dường như chỉ tập trung vào hậu quả tiềm tàng của quyết định của Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình đến bán đảo Triều Tiên, trong khi ít chú ý đến khả năng thực sự của Washington trong việc tái triển khai. Đáng chú ý, một số nhà phân tích hoài nghi về khả năng của Mỹ về vấn đề này, lập luận rằng “Mỹ không có kho dự trữ vũ khí hạt nhân sẵn sàng có thể được tái triển khai ở Hàn Quốc”. 

Cuối cùng, ông Roehrig lưu ý rằng áp lực của Mỹ thực sự dẫn đến quyết định của Hàn Quốc thông qua Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và từ đó từ bỏ những tham vọng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, như tác giả đã lập luận ở những phần khác, nghiên cứu lưu trữ mở rộng ở Hàn Quốc, Canada và Mỹ cho thấy Canada, chứ không phải Mỹ, đóng vai trò quyết định trong việc buộc giới lãnh đạo Hàn Quốc thông qua NPT. Ảnh hưởng của Mỹ lên chính sách đối ngoại hoặc an ninh của Hàn Quốc thường có xu hướng được nhấn mạnh quá mức. Mặc dù “cái ô hạt nhân của Mỹ là cần thiết để ngăn cản Hàn Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân của chính mình”, sự răn đe hạt nhân mở rộng của Mỹ trong lịch sử là một điều cần thiết chứ không phải là một điều kiện đủ để Hàn Quốc giữ nguyên phi hạt nhân. Mặc dù các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ liên tục được triển khai trên bán đảo Triều Tiên, các khía cạnh khác của mối quan hệ liên minh đã làm cho Hàn Quốc ít an toàn hơn và sẵn sàng hơn có vũ khí hạt nhân vào những năm 1970. Hơn nữa, các yếu tố ngoài nước Mỹ như các thỏa thuận về lò phản ứng hạt nhân với Canada đôi khi sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến quyết định của Hàn Quốc tiến thêm một bước nữa ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Mặc dù có những nghi ngại nhỏ như vậy, cuốn sách “Nhật Bản, Hàn Quốc, và cái ô hạt nhân của Mỹ” là một nghiên cứu rất kịp thời và hữu ích làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng ta về cam kết an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc giữa lúc mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên đối với Mỹ và các đồng minh của nước này. Đây là một trong số ít các nghiên cứu dày bằng cả cuốn sách đề cập cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc trong chính sách răn đe của Mỹ và do đó đánh dấu một đóng góp to lớn cho lĩnh vực này. Là một nguồn có giá trị kết nối nghiên cứu mang tính học thuật và có liên quan đến chính sách, cuốn sách của Roehrig sẽ giúp ích cho không chỉ các học giả và sinh viên ở các lớp cao mà còn cả các độc giả nói chung quan tâm đến vấn đề này.

Se Young Jang là Học giả không thường trú Chương trình Chính sách Hạt nhân, Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment. Bài viết trích trong Book Review cuốn sách “Nhật Bản, Hàn Quốc và Cái ô Hạt nhân của Mỹ: Sự Răn đe sau Chiến tranh Lạnh” của Terence Roehrig, tr. 143-147.

Trần Quang (gt)