recycling-beijing.jpg

 

Campuchia được ca ngợi về những thành tựu trong việc đáp ứng Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Báo cáo gần đây của Liên hợp quốc đã đánh giá Campuchia là “thành đạt sớm”, đặc biệt trong việc xóa đói giảm nghèo. Nền kinh tế của Campuchia đã tăng trưởng bình quân 7,8% trong giai đoạn 2004-2014, một trong những mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới trong khoảng thời gian này. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Campuchia đã giúp 5 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong thập kỷ qua, và tỷ lệ hộ nghèo của đất nước này đã giảm xuống còn 14%, so với 53,2% năm 2004. Hiện ngày càng có nhiều người Campuchia bước vào tầng lớp trung lưu. Trong năm 2016, Campuchia sẽ được xếp vào danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và chẳng mấy chốc nước này sẽ thoát khỏi “đấu trường của các nước đang phát triển”. Không thể phủ nhận một thực tế là quản lý được cải thiện và các cải cách dân chủ đã góp phần đáng kể vào thành tích này của Campuchia. Đặc biệt, kết quả bầu cử năm 2013 đã kích thích chính phủ Campuchia giải quyết một loạt vấn đề, chẳng hạn như đất đai, lương công nhân và giáo viên, nạn trốn thuế của khu vực doanh nghiệp và giá điện tăng vọt. Tham vọng của Campuchia là trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050. Những thành tựu kinh tế của Campuchia lại tương phản hoàn toàn với lời kêu gọi của nước này muốn các quốc gia tiếp tục cung cấp viện trợ và cho Campuchia vay với lãi suất thấp. Trung Quốc, nhà tài trợ và đầu tư quan trọng nhất của Campuchia, một lần nữa cam kết sẽ nhập khẩu mỗi năm 100.000 tấn gạo từ Campuchia, bắt đầu từ năm 2016; xây dựng một bệnh viện ở tỉnh Tbong Khmum và cung cấp một khoản trợ cấp 157 triệu USD cho Campuchia.

Sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh song phương Campuchia-Nhật Bản vào tháng 11/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết một khoản vay 17 tỷ yên (khoảng 137 triệu USD) để phát triển một tuyến đường quốc lộ. Các hiệp định song phương khác đã được ký kết với Nga và Ấn Độ. Trong khi những thỏa thuận này được đóng khung trong những điều khoản về hợp tác, chúng cũng đánh dấu sự đa dạng hóa trong chiến lược phát triển hướng ngoại của Campuchia. Kể từ năm 1990 của thế kỷ trước, Campuchia đã trở thành nước nhận viện trợ lớn trên thế giới, từ 300 triệu USD năm 1993 lên đến hơn 800 triệu USD năm 2012. Hai thập kỷ viện trợ đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước Campuchia, nhưng dòng chảy liên tục của tiền viện trợ cũng gây ra những vấn đề dai dẳng của đất nước này như tham nhũng, thể chế yếu kém, tình trạng quản lý tồi và “tư duy về quyền được viện trợ”. Tư duy này được minh họa chuẩn xác khi Thủ tướng Hun Sen mới đây kêu gọi các quốc gia phát triển “keo kiệt” cung cấp thêm tiền viện trợ cho thế giới đang phát triển. Ông Hun Sen đưa ra lời kêu gọi sau khi báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng hầu hết các quốc gia châu Âu đã không cung cấp đủ 0,7% GNP của họ để hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu của MDG vào thời điểm kế hoạch này được đưa ra. Tư duy này nhất thiết phải thay đổi. Có một quan điểm rộng rãi cho rằng viện trợ không phải là một chiến lược hiệu quả để tạo ra một nền kinh tế sôi động. Khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái, các nước tài trợ truyền thống của Campuchia, đặc biệt là các nước thành viên EU, phải đối mặt với những thách thức phát triển của họ. Những thách thức này đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Trung Đông leo thang. Tương tự, Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng trì trệ kinh tế và sắp tới buộc phải cắt giảm viện trợ và các khoản vay lãi suất thấp.

Mặt khác, Campuchia dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng trong năm 2016 nhờ giá dầu thấp và xuất khẩu tăng, đặc biệt hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). AEC, với tổng GDP 2,6 nghìn tỷ USD trong năm 2013, dự kiến sẽ trở thành một “khu vực kinh tế quyền lực” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai gần. Do Campuchia được hưởng lợi từ các cơ hội AEC đưa ra nên cần phải có những nỗ lực lâu dài để ngăn chặn tội phạm kinh tế, tham nhũng trong chính phủ và trốn thuế thương mại. Campuchia đang mất hàng tỷ USD do các dòng tài chính bất hợp pháp và rửa tiền qua biên giới. Theo một báo cáo của Tổ chức liêm chính toàn cầu có trụ sở tại Washington, trong khoảng thời gian từ năm 2004-2013, ít nhất 15 tỷ USD đã được bí mật chuyển ra nước ngoài bằng cách sử dụng một kỹ thuật được gọi là gian lận thương mại. Lưu chuyển tiền gian lận thương mại của Campuchia đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ qua, từ 374 triệu USD năm 2004 lên gần 3,9 tỷ USD năm 2013. Nếu số tiền này ở lại trong nước, việc Campuchia kêu gọi các quốc gia khác viện trợ cho mình sẽ không còn cần thiết nữa và có lẽ Campuchia sẽ ở vị trí vai trò lãnh đạo trong AEC. Tháng 2/2016, Thủ tướng Hun Sen sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, thành phố Rancho Mirage (California). Mục đích của hội nghị thượng đỉnh này là tăng cường hợp tác trong quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN mới và thúc đẩy chương trình nghị sự Can dự kinh tế mở rộng (E3) giữa Mỹ và ASEAN. Câu hỏi lớn tại hội nghị thượng đỉnh này là Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ mặc cả tiền tài trợ nhiều hơn hay ông sẽ tuyên bố vị trí lãnh đạo phù hợp với những thành tựu và tham vọng của Campuchia trong AEC?

Tác giả là Giáo sư Heidi Dahles, Trưởng khoa Nghiên cứu Kinh doanh Quốc tế và Châu Á tại Trường Kinh doanh Griffith, Đại học Griffith. Bài viết đăng trên Diễn đàn Đông Á

Anh Thư (gt)