1380902690_00_76a61.jpg 

Tất cả các tuyên bố cứng rắn của Washington trong vài tháng qua đã không thể khiến Bắc Kinh từ bỏ chính sách hung hăng của mình ở Biển Đông. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bất chấp cảnh báo của Mỹ, tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển các căn cứ hải đảo phục vụ cho mục đích quân sự cũng như dân sự của nước này. Có thể thấy kế hoạch của Mỹ nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc rõ ràng không hiệu quả. Vì vậy, Mỹ cần phải có một cách tiếp cận mới.

Bước đầu tiên trong việc xây dựng một kế hoạch tốt hơn là đảm bảo rằng tất cả mọi người đều hiểu được vấn đề. Trong một thời gian dài, hầu hết giới chức chính trị và các nhà hoạch định chính sách ở Washington có xu hướng đánh giá thấp việc Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ như thế nào cũng như việc Bắc Kinh đã sử dụng sức mạnh đó để giành vai trò lãnh đạo lớn hơn ở châu Á. Điều này khiến họ cho rằng Washington có thể dễ dàng ngăn chặn Bắc Kinh tạo ra bất cứ thách thức nghiêm trọng nào đối với sự thống trị của Mỹ ở châu Á chỉ bằng những biện pháp ngoại giao ít rủi ro và không tốn nhiều chi phí như chiến dịch phát ngôn của Mỹ về vấn đề Biển Đông. Giả thiết từ trước đến nay là chỉ cần Mỹ bày tỏ sẽ đưa ra giải pháp thì cũng đủ để buộc Trung Quốc phải xuống thang. Thực tế, đó chính là ý tưởng đằng sau việc Mỹ thực hiện chính sách"xoay trục", vốn có giọng điệu rất mạnh mẽ nhưng lại có ít tác động chiến lược thực sự.

Hiện nay, rõ ràng kế hoạch đối thoại cứng rắn sẽ là không đủ. Trung Quốc không dễ nản lòng. Giành vai trò lãnh đạo lớn hơn ở châu Á là ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình và giới chức lãnh đạo Trung Quốc. Họ không phải là thiếu thận trọng, nhưng họ sẵn sàng thực hiện những hành động không mấy hay ho cũng như chấp nhận chi phí và cả rủi ro để đạt được mục tiêu. Người Mỹ chỉ có thể hạn chế tham vọng thống trị khu vực của Trung Quốc nếu như họ cũng quyết liệt thực hiện mục tiêu này như phía Trung Quốc. Nếu Trung Quốc phản ứng quyết liệt thì Mỹ cũng cần phải phản ứng quyết liệt lại.

Logic này đang thúc đẩy một số nhà chiến lược hàng đầu của Mỹ cân nhắc tới việc làm sống lại những ý tưởng từ thời Chiến tranh Lạnh. Điều hiển nhiên là Mỹ sẽ nỗ lực xây dựng một liên minh các đối tác trong khu vực để đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm không chỉ các đồng minh cũ như Úc, Nhật Bản và Philippines, mà còn cả các quốc gia không phải là đồng minh như Singapore, Việt Nam và Ấn Độ. Tóm lại, nó là một mô hình kiểu như “NATO ở châu Á”. Chúng ta đã có thể thấy ý tưởng này bắt đầu ảnh hưởng đến cách Mỹ đang xây dựng quan hệ với tất cả các quốc gia này.

Tuy nhiên có ba vấn đề với ý tưởng này:

Trước hết, liệu các nước này có thể đứng vững như một liên minh hiệu quả chống lại Trung Quốc không? Liệu những lợi ích mà họ chia sẻ để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc có đủ mạnh để vượt qua những lợi ích riêng mà họ muốn có được trong việc tối đa hóa các mối quan hệ của mình với các nền kinh tế khác trong khu vực hay không? Đặc biệt, cho dù các nước này đều không muốn sống dưới cái bóng của Trung Quốc, nhưng cũng chưa rõ họ có sẵn sàng hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc để phục vụ mục đích duy trì vị trí độc tôn của Mỹ trong khu vực châu Á hay không.

Một trong những lý do mà các mô hình Chiến tranh Lạnh không phù hợp với châu Á hiện nay là so với Liên Xô trước đây, Trung Quốc không phải là mối đe dọa về chính trị và chiến lược lớn mà thực ra lại hấp dẫn hơn rất nhiều về mặt kinh tế đối với các nước láng giềng.

Vấn đề thứ hai là Trung Quốc đã mạnh hơn nhiều so với Liên Xô trước đây trong tương quan so sánh với Mỹ. Trung Quốc không có vũ trang tốt như Liên Xô trước đây song nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc mạnh hơn Liên Xô trước kia và không bao lâu nữa sẽ mạnh hơn cả Mỹ. Thực tế, trên một số phạm vi nhất định, nền kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ. Nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang có kế hoạch để chờ đợi Trung Quốc tự “tan rã” như Liên Xô trước đây, họ có thể phải chờ đợi một thời gian rất dài.

Vấn đề thứ ba là lợi ích của Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc không thiết yếu bằng lợi ích của việc hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quay trở lại những năm 1950, người Mỹ thực sự đã lo sợ rằng Liên Xô có thể thống trị thế giới và đe dọa vị trí của Mỹ ngay ở chính quê hương của mình. Và thật khó khi hình dung Trung Quốc sẽ đem lại một mối đe dọa tương tự. Điều đó có nghĩa rằng chẳng có lý do gì khiến Mỹ thực sự cần hành động để duy trì ưu thế truyền thống của mình ở châu Á, ngoại trừ việc Mỹ đã quá quen với việc đóng vai trò lãnh đạo và không muốn mất đi vị trí này. Điều này trở nên quan trọng khi người Mỹ đặt câu hỏi họ sẽ phải chuẩn bị đối mặt với những rủi ro gì và sẽ phải trả giá ra sao để duy trì vị trí lãnh đạo của họ ở châu Á hay không.

Trung Quốc đang phát triển mạnh hơn, và rõ ràng điều này sẽ khiến Mỹ không thể nuôi hy vọng duy trì vị trí của mình ở châu Á nếu không sẵn sàng chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng hơn cả mức chi trong những năm gần đây, nhằm chuẩn bị để đối mặt với những nguy cơ tấn công hạt nhân nhằm vào các thành phố của Mỹ như cách mà Washington đã làm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mặc dù hầu hết người Mỹ muốn đất nước của họ tiếp tục duy trì quyền lực hàng đầu ở châu Á, song không mấy ai sẵn sàng trả giá để làm như vậy. Điều đó đặc biệt đúng nếu họ thấy rằng việc Mỹ chấm dứt sự thống trị tại khu vực không có nghĩa là Trung Quốc có thể thay thế vị trí của Mỹ và thiết lập sự bá chủ của mình.

Có nhiều lựa chọn cho một trật tự mới tại châu Á mà không phải do Mỹ hoặc Trung Quốc thống trị. Đó sẽ là một trật tự mà trong đó Mỹ và Trung Quốc cùng chia sẻ ảnh hưởng và là đối trọng để cân bằng quyền lực lẫn nhau. Theo mô hình này, Mỹ sẽ không còn giữ vị trí lãnh đạo độc tôn trong khu vực, song Mỹ sẽ vẫn đóng một vai trò mạnh mẽ và quan trọng trong các vấn đề chiến lược và chính trị của châu Á. Trung Quốc sẽ đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn vai trò nước này từng đảm nhận kể từ khi trật tự “dĩ Hoa vi trung” (lấy Trung Quốc làm trung tâm) bị sụp đổ. Tuy nhiên, sức mạnh của Trung Quốc sẽ được cân bằng và hạn chế bởi Mỹ cũng như các cường quốc khác trong khu vực.

Tác giả là Hugh White, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra. Bài viết đăng trên tờ "Straits Times" (ngày 24/6)

Anh Thư (gt)