Nước Mỹ là một cường quốc chi phối thế giới kể từ năm 1945, và các nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã tìm cách bảo toàn vị trí đặc quyền đó. Cũng như phần lớn người Mỹ, họ hiểu rằng địa vị đứng đầu đã đem lại nhiều lợi ích quan trọng. Điều đó khiến các nước khác ít có khả năng hơn đe dọa trực tiếp Mỹ hay những lợi ích sống còn của Mỹ. Bằng việc làm giảm dần sự cạnh tranh nước lớn và đem đến cho Oasinhtơn khả năng định hình các cán cân quyền lực khu vực, địa vị đứng đầu góp phần vào một môi trường quốc tế bình yên hơn. Sự bình yên đó đã thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu; các nhà đầu tư và các thương nhân hoạt động với sự tự tin lớn hơn khi có ít mối đe dọa chiến tranh hơn. Địa vị đứng đầu cũng đã đem đến cho Mỹ khả năng hành động vì những mục đích tích cực: thúc đẩy nhân quyền và làm chậm lại sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Có thể là đơn độc ở đỉnh cao, nhưng người Mỹ đã thấy cảnh tượng đầy sức hấp dẫn. Tuy nhiên, khi một quốc gia đứng một mình trên đỉnh cao quyền lực, không còn nơi nào để đi ngoại trừ xuống dưới. Và vì vậy người Mỹ đã nhiều lần lo lắng về khả năng của sự suy sụp – ngay cả khi viễn cảnh đó còn xa xôi. Trở lại năm 1950, Báo cáo số 68 của Hội đồng an ninh quốc gia đã cảnh báo rằng việc Liên Xô sở hữu vũ khí nguyên tử đã báo trước một sự thay đổi không thể đảo ngược trong động lực địa chính trị có lợi cho Mátxcơva. Một vài năm sau, vụ phóng vệ tinh Sputnik đã khiến nhiều người lo ngại rằng lời cam kết của Chủ tịch Liên Xô Nikita S. Khrushchev “chôn vùi” chủ nghĩa tư bản phương Tây có thể trở thành sự thực. Tổng thống John. F. Kennedy được cho là đã tin rằng Liên Xô cuối cùng sẽ giàu có hơn Mỹ, và Richard Nixon đã có lời phát biểu nổi tiếng rằng Mỹ đang trở thành một “người khổng lồ đáng thương, bất lực”. Trong khoảng thập kỉ tiếp theo, thất bại ở Đông Dương và những vấn đề kinh tế dai dẳng đã dẫn đến việc các học giả nổi tiếng cho ra đời những cuốn sách có tựa đề như “Nước Mỹ với tư cách là một quốc gia bình thường” và “Sau sự bá chủ”. Những nỗi lo cường điệu về sự thống trị của Liên Xô đã giúp đưa Ronald Reagan lên làm tổng thống và được dùng để biện minh cho một cuộc tăng cường lực lượng quân đội lớn đầu những năm 1980. Dường như, nỗi lo ngại về sự suy sụp sắp xảy ra đã đi cùng chúng ta kể từ khi Mỹ đạt đến đỉnh cao của quyền lực toàn cầu. 

Những cuộc tranh luận về sự suy sụp lại được khơi dậy với việc xuất bản cuốn sách bán chạy của Paul Kennedy “Sự thăng trầm của các nước lớn”, cuốn sách đã lập luận một cách nổi tiếng rằng Mỹ đang trong nguy cơ “sự dàn trải quá mức của đế quốc”. Kennedy tin rằng nước Anh đã trở lại đội ngũ tầm thường không tương xứng vì họ chi quá nhiều tiền để bảo vệ những lợi ích xa xôi và lao vào những cuộc chiến hao tiền tốn của, và ông cảnh báo rằng Mỹ đã đi theo một con đường tương tự. Josepth Nye nghi ngờ sự bi quan của Kennedy trong cuốn “Phải dẫn đầu: Bản chất đang thay đổi của sức mạnh Mỹ”, cuốn sách bán được ít bản hơn nhưng đưa ra một dự báo chính xác hơn trong tương lai gần. Nye nhấn mạnh những sức mạnh không thông thường của Mỹ, lập luận rằng nước này chắc chắn sẽ là cường quốc thế giới hàng đầu trong nhiều năm tới. Kể từ đó, một loạt những cuốn sách và bài báo – đơn cử như từ “Khoảnh khắc đơn cực” của Charles Krauthammer, “Kẻ uy quyền tự do” của G. John Ikenberry và “Người khổng lồ” của Niall Ferguson cho đến “Thế giới hậu Mỹ” của Fareed Zakaria – đã tranh luận về sự thống trị của Mỹ có thể tồn tại bao lâu. Ngay cả Osama bin Laden cuối cùng cũng lên tiếng, tuyên bố những cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan giáng những cú đòn chết người vào sức mạnh Mỹ và là một minh chứng cho chiến dịch khủng bố của al-Qaeda. Tuy nhiên mặc dù tốn nhiều giấy mực để viết về sự lâu bền của vị thế đứng đầu của Mỹ, những người tán thành hầu như đã đặt câu hỏi sai. Vấn đề chưa bao giờ là liệu có phải Mỹ đang sắp sửa đi theo Anh rời khỏi đội ngũ những nước lớn hay chịu hình thức suy sụp thê thảm khác. Câu hỏi thật sự luôn là không biết cái gọi là “Kỷ nguyên Mỹ” có phải đang sắp sửa kết thúc không. Cụ thể, phải chăng Mỹ có thể vẫn là cường quốc toàn cầu mạnh nhất nhưng không thể thực thi tầm ảnh hưởng mình từng có? Nếu đúng như vậy thì Oasinhtơn phải đặt ra một chiến lược lớn chấp nhận hiện thực mới này nhưng vẫn sử dụng những tài sản lâu bền của Mỹ để thúc đẩy lợi ích quốc gia. 

Kỷ nguyên Mỹ bắt đầu ngay sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Châu Âu có thể đã là trung tâm của chính trị quốc tế trong hơn ba thế kỉ, nhưng hai cuộc chiến tranh thế giới hủy diệt đã làm hao tổn những cường quốc này. Nhóm hoạch định chính sách của Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố năm 1947 rằng “sức mạnh vượt trội phải là mục tiêu của chính sách của Mỹ”, và sự sẵn sàng công khai thừa nhận mục tiêu này của họ nói lên nhiều điều về sự mất cân bằng quyền lực có lợi cho Mỹ. Các học giả về quan hệ quốc tế thường đề cập đến khoảnh khắc này như một sự chuyển tiếp từ một thế giới đa cực sang một thế giới lưỡng cực, nhưng sự lưỡng cực trong Chiến tranh Lạnh rõ ràng không cân bằng ngay từ đầu. Chẳng hạn, năm 1945 nền kinh tế Mỹ đã sản xuất khoảng một nửa tổng sản phẩm của thế giới, và Mỹ là một nước cho vay lớn với một cán cân thương mại dương. Nước này có lực lượng hải quân và không quân lớn nhất thế giới, một nền tảng công nghiệp đứng đầu, sở hữu độc nhất vũ khí nguyên tử và một loạt những căn cứ quân sự trên toàn cầu. Bằng việc ủng hộ phi thực dân hóa và giúp đỡ tái thiết châu Âu qua Kế hoạch Marshall , Oasinhtơn cũng đã có được thiện chí đáng kể ở hầu hết các nước phát triển và đang phát triển. Quan trọng nhất, Mỹ ở vào một vị trí địa chính trị đặc biệt có lợi. Không có nước lớn nào khác ở Tây bán cầu, do đó Mỹ không phải lo lắng về sự xâm lược từ nước ngoài. Đối thủ cạnh tranh Liên Xô có một nền kinh tế nhỏ hơn và thiếu hiệu quả hơn hẳn. Sức mạnh quân sự của họ tập trung vào các lực lượng trên bộ, chưa bao giờ tiếp cận được tới phạm vi toàn cầu của khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ. Các trung tâm quyền lực lớn khác đều nằm trên hoặc gần vùng đất Á Âu – gần với Liên Xô và xa Mỹ - khiến ngay cả những đối thủ trước đây như Đức và Nhật Bản đều tha thiết với sự bảo vệ của Mỹ khỏi con gấu Nga. Do đó, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, Mỹ đã tập hợp được một loạt các nước đồng minh mạnh và trung thành trong khi Liên Xô dẫn đầu một liên minh của các đối tác tương đối yếu và miễn cưỡng. Tóm lại, ngay cả trước khi Liên Xô sụp đổ, vị trí toàn diện của Mỹ khá thuận lợi giống như bất kì nước lớn nào trong lịch sử hiện đại. 

Mỹ đã làm gì với những lợi thế ấn tượng này? Trong những thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ đã tạo ra và lãnh đạo một trật tự chính trị, an ninh và kinh tế ở hầu như mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ phạm vi được kiểm soát trực tiếp bởi Liên Xô và các chư hầu cộng sản của họ. Mỹ không chỉ đưa hầu hết thế giới vào những thể chế mà phần lớn được thiết lập ở Mỹ (Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch), trong nhiều thập kỉ Mỹ vẫn duy trì ảnh hưởng thống trị trong những dàn xếp này. Ở châu Âu, Kế hoạch Marshall đã tiếp sức sống cho các nền kinh tế địa phương, sự can thiệp ngầm của Mỹ đã giúp bảo đảm các Đảng cộng sản không giành được quyền lực, và NATO đảm bảo hòa bình và ngăn chặn sức ép quân sự của Liên Xô. Vị trí chỉ huy đồng minh tối cao luôn được dành cho một sĩ quan Mỹ, và không một sáng kiến an ninh châu Âu lớn nào được thực hiện mà lại thiếu sự ủng hộ và phê chuẩn của Mỹ. (Ngoại lệ quan trọng nhất, mà chứng minh cho luận điểm chung này, là cuộc tấn công xấu số của Anh-Pháp-Ixraen vào Ai Cập trong cuộc khủng hoảng Suez năm 1956, một cuộc phiêu lưu sụp đổ trước sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ). Mỹ cũng đã xây dựng một trật tự an ninh lâu bền tương tự ở châu Á thông qua các hiệp ước song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Philíppin và một số nước khác, và kết hợp chặt chẽ mỗi quốc gia này vào một nền kinh tế thế giới ngày càng tự do. Ở Trung Đông, Oasinhtơn đã giúp thành lập và bảo vệ Ixraen nhưng cũng đã tạo các mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Arập Xêút, Gioócđani, vua Iran và vài nước nhỏ vùng Vịnh khác. Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò bá chủ ở Tây bán cầu, sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hất cẳng những chính phủ cánh tả ở Goatêmala, Cộng hòa Đôminica, Chilê và Nicaragoa. Ở châu Phi, nơi không được coi là một đấu trường sống còn, Mỹ chỉ hành động vừa đủ để bảo đảm rằng những lợi ích khiêm tốn của mình ở đó được bảo toàn. 

Không nghi ngờ gì, Mỹ đã không kiểm soát được toàn bộ những sự kiện trong các trật tự khu vực khác nhau mà Mỹ tạo ra. Mỹ không thể ngăn cản cách mạng ở Cuba năm 1959 hay ở Iran năm 1979, thất bại trong việc ngăn Pháp rời khỏi cấu trúc chỉ huy quân sự hợp nhất của NATO năm 1966, và không ngăn được Ixraen, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên và Pakixtan sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng Mỹ vẫn giữ được ảnh hưởng lớn ở mỗi khu vực này, đặc biệt trong các vấn đề quan trọng. Hơn nữa, mặc dù vai trò của Mỹ đôi khi bị thách thức – thất bại ở Việt Nam là ví dụ rõ ràng nhất – chỗ đứng toàn diện của Mỹ chưa bao giờ bị đe dọa. Hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Á vẫn giữ vững bất chấp thất bại ở Đông Dương, và trong những năm 1970, Bắc Kinh đã thiết lập một mối quan hệ đối tác ngầm với Oasinhtơn. Ngoài ra, Trung Quốc cuối cùng đã từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin như hệ tư tưởng chủ đạo, nuốt lời với cách mạng thế giới và tự nguyện gia nhập vào cấu trúc của các thể chế mà Mỹ đã tạo ra trước đây. Tương tự, Têhêran đã trở thành một đối thủ một khi chế độ tăng lữ tiếp quản, nhưng vị trí toàn diện của Mỹ ở Trung Đông không bị lay động. Dầu tiếp tục chảy ra khỏi vịnh Ba Tư, Ixraen ngày càng trở nên an toàn và thịnh vượng, và những đồng minh chủ chốt của Liên Xô như Ai Cập cuối cùng đã từ bỏ Mátxcơva và đứng về phía Mỹ. Mặc dù thỉnh thoảng có những thất bại, những đặc trưng chủ yếu của Kỷ nguyên Mỹ vẫn giữ vững. Không cần phải nói, một đất nước chỉ chiếm có 5% dân số thế giới mà có thể tổ chức những trật tự chính trị, kinh tế và an ninh thuận lợi ở hầu như mọi nơi trên trái đất và duy trì chúng trong nhiều thập kỉ thì thật lạ thường. Tuy nhiên đó là thực tế những gì Mỹ đã làm được từ năm 1945 đến năm 1990. Và Mỹ đã làm được như vậy trong khi được hưởng một nửa thế kỉ tăng trưởng kinh tế mà gần như không ai sánh kịp trong lịch sử hiện đại. Và tiếp đó đế chế Liên Xô sụp đổ, khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trong một thế giới đơn cực. Theo cựu cố vẫn an ninh quốc gia Brent Scowcroft, Mỹ thấy mình “đứng một mình trên đỉnh cao quyền lực. Đó đã, đang là một tình thế chưa từng có trong lịch sử, điều cho chúng ta cơ hội hiếm có nhất để định hình thế giới”. Và Mỹ đã cố gắng, đưa hầu hết các thành viên của Hiệp ước Vácxava vào NATO và khuyến khích sự mở rộng của các nền kinh tế thị trường và các thể chế dân chủ ở khắp thế giới Cộng sản trước đây. Đó là một khoảnh khắc chiến thắng – thời cực thịnh của Kỷ nguyên Mỹ - nhưng những tràng pháo hoa ăn mừng đã làm cho chúng ta không thấy được những xu hướng và cạm bẫy mà đã đưa kỷ nguyên đó đến sự kết thúc. 

Hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự nổi lên của những trung tâm quyền lực mới ở một số khu vực quan trọng. Ví dụ rõ ràng nhất là Trung Quốc, nước mà tăng trưởng kinh tế bùng nổ chắc chắn là diễn biến địa chính trị có ý nghĩa nhất trong nhiều thập niên. Mỹ đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới từ khoảng năm 1900, nhưng Trung Quốc có khả năng sẽ vượt Mỹ trong tổng sản lượng kinh tế trước năm 2025. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh đang tăng khoảng 10% mỗi năm, và họ nhiều khả năng sẽ chuyển thậm chí nhiều hơn sự giàu có của mình thành tài sản quân sự trong tương lai. Nếu Trung Quốc giống như tất cả các nước lớn trước đây – gồm cả Mỹ – thì định nghĩa của họ về lợi ích “sống còn” sẽ phát triển khi sức mạnh của họ tăng lên – và họ sẽ cố gắng sử dụng sức mạnh đang tăng lên để bảo vệ khu vực ảnh hưởng ngày càng mở rộng của mình. Do sự phụ thuộc của họ vào nhập khẩu nguyên liệu thô (đặc biệt là năng lượng) và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, các nhà lãnh đạo khôn ngoan của Trung Quốc sẽ muốn bảo đảm rằng không ai ở một vị trí có thể ngăn họ tiếp cận các nguồn tài nguyên và các thị trường mà sự thịnh vượng tương lai và ổn định chính trị của họ phụ thuộc vào đó. Tình hình này sẽ khuyến khích Bắc Kinh thách thức vai trò hiện tại của Mỹ ở châu Á. Những tham vọng như vậy không hẳn khó hiểu đối với người Mỹ, do Mỹ đã tìm cách loại bỏ các cường quốc bên ngoài ra khỏi vùng lân cận của mình kể từ thời Học thuyết Monroe. Theo một lô gíc tương tự, Trung Quốc chắc chắn sẽ cảm thấy lo lắng nếu Oasinhtơn duy trì mạng lưới các liên minh châu Á và một sự hiện diện quân sự cỡ lớn ở Đông Á và Ấn Độ Dương. Qua thời gian, Bắc Kinh sẽ cố gắng thuyết phục các nước châu Á khác từ bỏ quan hệ với Mỹ, và Oasinhtơn gần như chắc chắn sẽ chống lại những nỗ lực này. Một cuộc cạnh tranh an ninh dữ dội sẽ xảy ra. Những dàn xếp an ninh mà đã xác định Kỷ nguyên Mỹ cũng đang bị gây phương hại bởi sự nổi lên của một số cường quốc khu vực chủ chốt, đáng kể nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Braxin. Mỗi nước này đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong thập kỉ vừa qua, và mỗi nước đã trở nên sẵn sàng hơn vạch ra lối đi riêng độc lập với mong muốn của Mỹ. Không nước nào trong số họ sắp trở thành một cường quốc toàn cầu thật sự – GDP của Braxin vẫn dưới 1/6 của Mỹ, và nền kinh tế của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn nhỏ hơn – nhưng mỗi nước đã trở nên có nhiều ảnh hưởng trong khu vực của họ. Sự khuếch tán quyền lực dần dần này cũng được nhận thấy ở việc mở rộng gần đây của G-8 thành cái gọi là G-20, một sự công nhận ngầm rằng các thể chế toàn cầu được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đang ngày càng lỗi thời và cần phải cải cách. 

Mỗi nước trong số các cường quốc khu vực này là một nền dân chủ, có nghĩa là các nhà lãnh đạo của họ quan tâm sâu sắc đến dư luận công chúng. Do đó, Mỹ không còn có thể dựa vào những mối quan hệ thoải mái với giới tinh hoa có đặc quyền hay các giới cầm quyền quân sự. Khi chỉ 10-15% người dân Thổ Nhĩ Kỳ có một cái nhìn “có thiện chí” về Mỹ, dễ hiểu hơn tại sao Ancara từ chối để Oasinhtơn sử dụng lãnh thổ của mình để tấn công Irắc năm 2003 và tại sao Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt bớt mối quan hệ chặt chẽ trước đây với Ixraen bất chấp những nỗ lực liên tục của Mỹ để hàn gắn những rạn nứt. Chủ nghĩa bài Mỹ ít phổ biến hơn ở Braxin và Ấn Độ, nhưng những nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ của họ cũng hầu như không tôn kính Mỹ. Sự nổi lên của những cường quốc mới đang đưa “khoảnh khắc đơn cực” ngắn ngủi tới đoạn kết, và kết quả sẽ là hoặc một cuộc cạnh tranh lưỡng cực Trung-Mỹ hay một hệ thống đa cực bao gồm vài nước lớn không đồng đều. Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn là nước mạnh nhất, nhưng sự lãnh đạo toàn diện của Mỹ đã co lại – và nó vẫn đang co lại hơn nữa. Tất nhiên, thất bại kép ở Irắc và Ápganixtan chỉ có tác dụng đẩy nhanh sự suy tàn của sự thống trị Mỹ và làm nổi bật những giới hạn của sức mạnh Mỹ. Riêng Chiến tranh Irắc sẽ tốn hơn 3 nghìn tỷ USD một khi tất cả chi phí được tính toán, và kết quả cuối cùng có thể sẽ là một nền dân chủ hầu như không ổn định mà lại công khai thù địch với Ixraen và ít nhất liên kết một phần với Iran. Thật vậy, Têhêran đã là người hưởng lợi chính từ cuộc phiêu lưu sai lầm này, mà chắc chắn không phải là điều chính quyền Bush đã cân nhắc khi họ kéo đất nước vào cuộc chiến. Chiến dịch lâu dài ở Ápganixtan thậm chí có nhiều khả năng kết thúc tồi tệ hơn, dù cho các nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng cố gắng thêu dệt nó thành một kiểu chiến thắng nào đó. Chính quyền Obama cuối cùng đã tiêu diệt được Osama bin Laden, nhưng cố gắng lâu dài và tốn kém để tiêu diệt Taliban và xây dựng một nhà nước kiểu phương Tây ở Ápganixtan đã thất bại. Lúc này, câu hỏi đáng chú ý duy nhất là liệu Mỹ sẽ rút ra nhanh hay chậm. Trong bất kì kịch bản nào, vận mệnh của Kabun cuối cùng sẽ được định đoạt bởi người dân Ápganixtan một khi Mỹ và các đồng minh đang thu hẹp lại của họ ra đi. Và nếu thất bại ở Ápganixtan là chưa đủ, sự dính líu của Mỹ ở Trung Á đã phá hoại mối quan hệ với quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Pakixtan và đẩy mạnh chủ nghĩa bài Mỹ độc hại ở đất nước nhiều vấn đề này. Nếu chiến thắng được định nghĩa là đạt được những mục tiêu chủ yếu và kết thúc cuộc chiến với an ninh và thịnh vượng được tăng cường, thì cả hai cuộc xung đột này phải được tính là những thất bại gây tổn thất lớn. 

Nhưng những cuộc chiến Irắc và Ápganixtan không đơn thuần chỉ là những vết thương tự gây ra phải trả giá đắt; đó còn là những minh chứng hùng hồn cho các giới hạn của sức mạnh quân sự. Chưa bao giờ có nhiều nghi ngờ về việc Mỹ có thể lật đổ những chính quyền yếu và/hoặc không hợp lòng dân – như họ đã làm ở Panama, Ápganixtan, Irắc và, gần đây nhất, Libi – nhưng những cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan cho thấy rằng khả năng triển khai sức mạnh vô song không có nhiều tác dụng trong việc xây dựng những trật tự chính trị hiệu quả một khi vai trò lãnh đạo tấn công bị xóa bỏ. Ở những nơi mà các bản sắc địa phương còn duy trì vững chắc và sự can thiệp từ nước ngoài không được chào đón trong lâu dài, ngay cả một siêu cường toàn cầu như Mỹ cũng gặp khó khăn để giành được những kết quả chính trị mong muốn. Không ở đâu rõ ràng hơn vùng đại Trung Đông, trọng tâm chính của chiến lược của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ. Không chỉ cuộc cách mạng Mùa Xuân Arập đã khiến Mỹ bất ngờ, mà phản ứng của Mỹ còn cho thấy rõ hơn khả năng đã suy yếu đi của Mỹ trong việc định hướng các sự kiện có lợi cho mình. Sau khi chống đỡ cho chế độ Mubarak một thời gian ngắn, chính quyền Obama đã liên kết lại với các lực lượng thách thức trật tự khu vực đang tồn tại. Tổng thống đã có một bài phát biểu hùng hồn xác nhận sự thay đổi, nhưng không ai trong khu vực thực sự quan tâm. Thật vậy, với ngoại lệ một phần là Libi, ảnh hưởng của Mỹ đối với toàn bộ tiến trình giỏi lắm cũng chỉ là rất phải chăng. Obama đã không thể ngăn Arập Xêút đưa quân đến Baranh – nơi Riát đã giúp dập tắt những đòi hỏi cải cách – hay thuyết phục nhà lãnh đạo Xyri Bashar al-Assad từ chức. Đòn bảy của Mỹ trong tiến trình chính trị thời hậu Mubarak ở Ai Cập và cuộc xung đột âm ỉ ở Yêmen cũng ngắn ngủi tương tự. Người ta có được một cảm giác sống động về những hoàn cảnh thay đổi của Mỹ bằng cách so sánh phản ứng của Mỹ trước cuộc cách mạng Mùa xuân Arập và hành động của Mỹ trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh. Năm 1948, Kế hoạch Marshall đã phân phối khoảng 13 tỷ USD viện trợ trực tiếp để tái khởi động nền kinh tế châu Âu, một khoản tiền tương đương với khoảng 5% tổng GDP của Mỹ. Con số tương đương hiện nay sẽ là khoảng 700 tỷ USD, và không có cách nào Oasinhtơn có thể dành thậm chí 1/10 khoản tiền đó để giúp Ai Cập, Tuynidi, Libi hay các nước khác. Cũng không cần phải nhìn lại năm 1948. Mỹ đã xóa khoản nợ nước ngoài 7 tỷ USD của Ai Cập sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991; năm 2011, tất cả những gì Mỹ có thể đem đến cho chính phủ mới của Cairô là khoản bảo lãnh cho vay trị giá 1 tỷ USD (không phải các khoản vay thực sự) và xóa khoản nợ 1 tỷ USD. 

Tầm ảnh hưởng đi xuống của Mỹ cũng được thể hiện bằng thất bại liên tiếp của Mỹ trong việc giải quyết cuộc tranh chấp Ixraen-Palextin. Đã gần 20 năm kể từ khi hiệp ước Ôxlô được kí kết vào tháng 9 năm 1993, và Mỹ đã có một sự độc quyền trong “tiến trình hòa bình” kể từ cái ngày đầy hứa hẹn đó. Tuy vậy những nỗ lực của Mỹ là một thất bại toàn diện, chứng minh một cách chắc chắn rằng Oasinhtơn không có khả năng đóng vai trò là một nhà hòa giải hiệu quả và công bằng. Lời kêu gọi của Obama về “hai nhà nước cho hai dân tộc” trong bài phát biểu của ông trước thế giới Arập vào tháng 6 năm 2009 đã cho thấy một khoảnh khắc ngắn ngủi của hy vọng được nối lại, nhưng sự rút lui dần dần của ông trước thái độ không khoan nhượng của Ixraen và sức ép chính trị trong nước đã đẩy uy tín của Mỹ xuống tới những mức thấp mới. Cùng nhau, những sự kiện này đã báo trước một sự sa sút rõ ràng trong khả năng định hình trật tự toàn cầu của Mỹ. Và một loạt những thất bại kinh tế gần đây sẽ gây ra những hạn chế thậm chí còn đáng kể hơn nhiều đối với khả năng duy trì một vai trò toàn cầu đầy tham vọng của Mỹ. Chính quyền Bush đã thừa hưởng một ngân sách thặng dư hiếm có năm 2001 nhưng đã bắt đầu cắt đáng kể các khoản thuế liên bang và lao vào hai cuộc chiến tốn kém. Kết quả đoán trước là một sự thâm hụt ngân sách tăng vọt và nợ liên bang tăng nhanh, các vấn đề bị làm tồi tệ thêm bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009. Vấn đề sau đã phải cần đến một sự trợ giúp liên bang to lớn từ ngành công nghiệp tài chính và một gói kích cầu lớn, dẫn tới một sự thâm hụt ngân sách ngắn hạn vào khoảng 1,6 nghìn tỷ USD trong năm 2009 (khoảng 13% GDP). Mỹ đã ở trong tình trạng trì trệ kinh tế kể từ đó, và không có nhiều hy vọng cho việc trở lại nhanh chóng sự tăng trưởng mạnh mẽ. Những yếu tố này giúp giải thích việc Standard & Poor hạ mức xếp hạng tín dụng của Chính phủ Mỹ vào tháng 8 giữa những lo ngại mới về một cuộc suy thoái “kép”. Văn phòng ngân sách Quốc hội dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ liên tục trong 25 năm tiếp theo – ngay cả trong kịch bản “ranh giới” lạc quan của họ - và họ cảnh báo về những lựa chọn thay thế hợp lý khác mà trong đó tổng nợ liên bang sẽ vượt quá 100% GDP vào năm 2023 và 190% GDP vào năm 2035. Các chính quyền bang và địa phương cũng gặp khó khăn, nghĩa là sẽ có ít tiền hơn dành cho xây đường, cầu, trường học, thực thi luật pháp và các dịch vụ công khác để giúp duy trì một xã hội lành mạnh. 

Sự tan chảy tài chính cũng đã làm suy yếu một yếu tố quan trọng của “sức mạnh mềm” Mỹ, cụ thể là danh tiếng của họ về khả năng và sự tin cậy trong chính sách kinh tế. Trong những năm 1990, một nền kinh tế có vẻ khỏe mạnh đã đem đến cho các quan chức Mỹ những quyền khoe khoang và khiến “Đồng thuận Oasinhtơn” về chính sách kinh tế dường như là sự lựa chọn duy nhất. Thomas Friedman (và các tác giả nổi tiếng khác) đã lập luận rằng phần còn lại của thế giới cần phải tiếp nhận mô hình “DOScapital 6.0” kiểu Mỹ hoặc vấp ngã. Tuy vậy giờ đây rõ ràng là bản thân hệ thống tài chính Mỹ đã rất mục nát và phần lớn sự tăng trưởng kinh tế của nước này là một bong bóng hão huyền. Các nước khác có lí do để coi nhẹ lời khuyên của Oasinhtơn và theo đuổi những chiến lược kinh tế riêng của họ. Những ngày khi Mỹ có thể thúc đẩy điều khiển chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu đã qua đi, điều lí giải tại sao đã 17 năm kể từ Vòng đàm phán Urugoay, cuộc đàm phán thương mại đa phương thành công gần đây nhất. Điểm mấu chốt là rõ ràng và không thể tránh khỏi: Mỹ đơn giản là sẽ không có những nguồn tài lực để dành cho các vấn đề quốc tế mà Mỹ đã từng có trong quá khứ. Khi Chủ tịch của Hội đồng quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa quốc tế kiên định đang soạn thảo những bài viết chỉ trích “Sự hoang phí Mỹ” và kêu gọi hạn chế chi tiêu, người ta biết rằng vai trò toàn cầu của Mỹ đang bất ổn. Mỹ cũng không thể mong chờ các đồng minh truyền thống của mình tự nguyện tiếp tục hành động, do tình hình kinh tế ở châu Âu và Nhật Bản thậm chí còn tồi tệ hơn. 

Kỷ nguyên khi Mỹ có thể tạo lập và lãnh đạo một trật tự chính trị, kinh tế và an ninh ở hầu như khắp nơi trên thế giới đang đi đến hồi kết. Điều này làm nảy sinh một câu hỏi rõ ràng: Chúng ta nên làm gì về vấn đề đó? Thời kỳ thoái trào của Kỷ nguyên Mỹ đã tới sớm hơn lúc nó đáng lẽ tới vì các nhà lãnh đạo Mỹ đã mắc một loạt sai lầm đắt giá. Nhưng những sai lầm trong quá khứ không nhất thiết dẫn tới sự xói mòn hơn nữa vị trí của Mỹ nếu Mỹ tiếp thu những bài học đúng đắn và điều chỉnh kịp thời. Trên hết, Oasinhtơn cần phải đặt ra những ưu tiên rõ ràng và áp dụng một cách tiếp cận không khoan nhượng và không cảm tính để bảo vệ những lợi ích quan trọng nhất của chúng ta. Khi ưu thế của Mỹ đang ở đỉnh cao của nó, các nhà lãnh đạo Mỹ có thể chiều theo những ý thích bất chợt rộng lượng. Họ đã không phải suy nghĩ rõ ràng về chiến lược vì đã có một biên độ rộng lớn cho sai lầm; mọi việc đều có khả năng được giải quyết dù cho Mỹ có mắc rất nhiều sai lầm. Nhưng khi ngân sách thắt chặt, các vấn đề nhân lên nhiều lần và các cường quốc khác bớt tôn trọng hơn, đầu tư sức mạnh của Mỹ một cách khôn ngoan là rất quan trọng. Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã nói: “Chúng ta cần phải trung thực với Tổng thống, với Quốc hội, với người dân Mỹ… một quân đội nhỏ hơn, bất kể xuất sắc ra sao, sẽ có thể tới được ít nơi hơn và làm được ít việc hơn”. Bài học chủ yếu, ông nhấn mạnh, là sự cần thiết phải có “những lựa chọn có ý thức” về các sứ mệnh và phương thức thực hiện. Thay vì cố gắng làm một “quốc gia không thể thiếu” ở gần như khắp mọi nơi, Mỹ sẽ phải tìm ra cách để làm một cường quốc mang tính quyết định ở những nơi quan trọng. 

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ quân đội Mỹ hữu ích cho việc gì và giỏi làm việc gì. Các lực lượng Mỹ rất giỏi trong việc ngăn chặn sự xâm lược thông thường nghiêm trọng, hoặc đảo ngược nó khi điều đó xảy ra. Mỹ đã ngăn chặn thành công những tham vọng của Liên Xô suốt cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài, và dễ dàng đảo ngược cuộc xâm lược Côoét của Irắc năm 1991. Sự hiện diện của hải quân và không quân Mỹ ở châu Á vẫn có những hiệu quả tạo ổn định tương tự, và không nên đánh giá thấp giá trị của vai trò lập lại hòa bình này. Ngược lại, quân đội Mỹ không giỏi điều hành các nước khác, đặc biệt ở những nền văn hóa hoàn toàn khác biệt với của Mỹ, những nơi lịch sử đã khiến họ thù ghét gay gắt sự can thiệp từ nước ngoài, và khi có những sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc và không có nhiều truyền thống dân chủ. Mỹ vẫn có thể lật đổ những nhà độc tài ở đẳng cấp thấp, nhưng Mỹ không có khả năng tạo nên những trật tự chính trị ổn định và hiệu quả sau đó. Do đó Mỹ nên tránh sự say mê hiện tại của mình với việc xây dựng quốc gia và chống nổi loạn và trở lại một đại chiến lược mà nhiều người (gồm cả người viết) đã đặt tên là cân bằng bên ngoài. Cân bằng bên ngoài tìm cách duy trì sự bá quyền nhân từ ở Tây bán cầu và duy trì một sự cân bằng quyền lực giữa các nước mạnh của đại lục Á Âu và vùng Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ. Hiện tại, đây là những vùng duy nhất đáng để gửi quân Mỹ đến chiến đấu và hy sinh tại đó. Tuy nhiên, thay vì tìm cách thống trị những khu vực này một cách trực tiếp, trước tiên Mỹ nên dựa vào những đồng minh ở địa phương để duy trì sự cân bằng quyền lực, vì chính lợi ích của họ. Thay vì để họ ỷ lại Mỹ, Mỹ nên dựa vào họ nhiều nhất có thể, can thiệp với các lực lượng trên bộ và trên không chỉ khi có một cường quốc duy nhất đe dọa thống trị một khu vực then chốt nào đó. Đối với một nhà cân bằng bên ngoài, thành công lớn nhất nằm ở chỗ để người khác giải quyết những vấn đề nan giải, chứ không phải là hăng hái tự lên vai mình gánh nặng đó. Cụ thể hơn: cân bằng bên ngoài sẽ đòi hỏi rút hầu như toàn bộ quân Mỹ khỏi châu Âu, trong khi vẫn cam kết một cách chính thức với NATO. Châu Âu là giàu có, an toàn, dân chủ và hòa bình, và họ không phải đối mặt với vấn các vấn đề an ninh mà họ không thể tự giải quyết (Chi tiêu quốc phòng kết hợp của các thành viên châu Âu của NATO lớn hơn khoảng 5 lần so với của Nga, là mối đe dọa quân sự thông thường duy nhất có thể nhận thấy mà lục địa này có thể phải đối mặt). Buộc các thành viên châu Âu của NATO lãnh đạo cuộc chiến Libi gần đây là một bước đi thành công đầu tiên, vì Mỹ sẽ không bao giờ khiến được các đồng minh trong lục địa của mình mang nhiều gánh nặng hơn nếu Mỹ khăng khăng tự thực hiện phần lớn công việc. Thật vậy, bằng cách đôi khi giả vờ không quan tâm, Oasinhtơn sẽ khuyến khích các nước khác hành động nhiều hơn để giành được sự ủng hộ của Mỹ, thay vì căm thù hay nổi loạn chống lại một quốc gia tự phong là “quốc gia không thể thiếu”. Trong những thập niên tới, Mỹ nên chuyển sự chú ý chiến lược chính của mình sang châu Á, cả vì tầm quan trọng kinh tế của khu vực này đang tăng lên nhanh chóng và vì Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh ngang hàng tiềm tàng duy nhất mà Mỹ phải đối phó. Tin xấu là Trung Quốc có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh dữ dội hơn cả Liên Xô: nền kinh tế của họ nhiều khả năng sẽ lớn hơn Mỹ (một tình huống mà Mỹ chưa phải đối mặt từ thế kỷ 19); và, không như đất nước Liên Xô già cỗi, chủ yếu tự cung tự cấp, Trung Quốc hiện đại phụ thuộc nhiều vào thương mại và các nguồn tài nguyên nước ngoài và sẽ có xu hướng triển khai sức mạnh ra nước ngoài nhiều hơn. 

Tin tốt là vị thế đang lên của Trung Quốc đang rung lên những hồi chuông báo động ở châu Á. Bắc Kinh càng tìm cách gây ảnh hưởng khắp xung quanh, các nước châu Á khác sẽ càng hướng về Mỹ để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, do những khoảng cách liên quan và sự tiến thoái lưỡng nan quen thuộc của hành động tập thể, việc lãnh đạo một liên minh cân bằng ở châu Á sẽ khó hơn nhiều ở châu Âu thời Chiến tranh Lạnh. Các nhà chức trách Mỹ sẽ phải khéo léo bước trên một con đường hẹp giữa làm quá nhiều (cho phép các đồng minh ỷ lại) và làm quá ít (điều có thể khiến một số nước ngả về phía Trung Quốc). Để thành công, Oasinhtơn sẽ phải duy trì triển khai các lực lượng trên không và trên biển trong khu vực, chú ý sát sao tới môi trường quân sự và chính trị đang phát triển ở đó, và dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn để quản lý một liên minh lớn và có khả năng bị chia rẽ của các đối tác châu Á. Có lẽ quan trọng nhất, cân bằng bên ngoài đưa ra một đường hướng rất khác với đại Trung Đông. Và trên thực tế, trước năm 1991 đó chính xác là những gì Mỹ đã làm. Mỹ có một lợi ích chiến lược về dầu mỏ ở đó và một cam kết về tinh thần với việc bảo vệ Ixraen, nhưng tới năm 1968 Mỹ phần lớn đã đẩy trách nhiệm cho Luân Đôn. Sau khi Anh rút lui, Oasinhtơn dựa vào các đồng minh trong khu vực như Iran, Arập Xêút và Ixraen để chống lại các chưa hầu của Liên Xô như Ai Cập và Xyri. Khi vua Iran bị hạ bệ, Mỹ đã lập ra Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp triển khai nhanh (RDJTF) nhưng không triển khai nó đến khu vực; thay vào đó, Mỹ giữ RDJTF ở ngoài cho tới khi cần đến. Oasinhtơn đã ủng hộ Irắc chống lại Iran trong suốt những năm 1980, và Hải quân Mỹ hộ tống các tàu chở dầu trong cuộc chiến tranh Iran-Irắc, nhưng Mỹ triển khai các lực lượng trên bộ và trên không chỉ khi cân bằng quyền lực đổ vỡ hoàn toàn, như Mỹ đã làm khi Irắc chiếm Côoét. Có lẽ chiến lược này không hoàn hảo, nhưng nó đã bảo vệ được những lợi ích chủ chốt của Mỹ với phí tổn tối thiểu trong hơn 4 thập kỉ.

Không may, Mỹ đã từ bỏ cân bằng bên ngoài sau năm 1991. Mỹ lần đầu tiên đã thử “chính sách ngăn chặn kép”, trên thực tế đối đầu với hai nước – Iran và Irắc – những nước căm thù nhau, thay vì dùng một nước để kiểm soát nước kia như Mỹ đã làm trong quá khứ. Chiến lược này – như Trita Parsi thuộc Hội đồng quốc gia người Mỹ gốc Iran và Kenneth Pollack thuộc Viện Brookings gợi ý, được thực hiện một phần là làm yên lòng Ixraen – đã buộc Mỹ phải giữ hàng nghìn quân ở Arập Xêút, châm ngòi cho cơn tức giận của Osama bin Laden và giúp khích động sự nổi lên của al-Qaeda. Chính quyền Bush đã làm tồi tệ thêm sai lầm này sau vụ 11/9 bằng việc áp dụng chiến lược “biến đổi khu vực” thậm chí còn ngu ngốc hơn. Cùng với “quan hệ đặc biệt” với Ixraen, những cách tiếp cận sai lầm này đã làm tăng thêm Chủ nghĩa bài Mỹ ở Trung Đông và đem lại cho những nước như Iran có thêm lí do để xem xét việc có một sự răn đe hạt nhân. Không phải là bí mật gì lớn khi tại sao những bài phát biểu hùng hồn của Obama không có tác dụng gì để khôi phục lại hình ảnh của Mỹ trong khu vực; người dân ở đó muốn những chính sách mới của Mỹ, không chỉ là lời nói khoa trương rỗng tuếch thêm nữa. Có thể tưởng tượng được các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh thích thú như thế nào khi thấy Mỹ tự sa vào những vũng lầy tốn kém này. May mắn là, có một giải pháp rõ ràng: trở lại với cân bằng bên ngoài. Mỹ nên ra khỏi Irắc và Ápganixtan nhanh nhất có thể, đối xử với Ixraen như một nước bình thường thay vì hỗ trợ họ vô điều kiện, và dựa vào các đồng minh địa phương ở Trung Đông, châu Âu và châu Á để gìn giữ hoà bình – với sự giúp đỡ của Mỹ khi cần. Đừng hiểu lầm. Mỹ vẫn chưa kết thúc với tư cách là một cường quốc chủ chốt. Cũng không có việc Mỹ trở thành chỉ là một trong vài cường quốc ngang hàng trong một thế giới đa cực trong tương lai. Trái lại, Mỹ vẫn có quân đội mạnh nhất thế giới, và nền kinh tế Mỹ vẫn đa dạng và tiến bộ về kỹ thuật. Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ sớm lớn hơn trong các chỉ số tuyệt đối, nhưng thu nhập đầu người của họ sẽ vẫn thấp hơn nhiều, có nghĩa là chính phủ của họ sẽ có ít thặng dư hơn để dành cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của mình (bao gồm cả đa dạng quân sự). Chi tiêu của Mỹ vào giáo dục bậc cao cũng như nghiên cứu và phát triển công nghiệp vẫn lớn hơn nhiều các nước khác, đồng đô la Mỹ vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới và nhiều nước tiếp tục lớn tiếng yêu cầu sự bảo vệ của Mỹ. Hơn nữa, những dự đoán dài hạn về sức mạnh tiềm tàng của Mỹ là khả quan. Dân số ở Nga, Nhật Bản và hầu hết các nước châu Âu đang giảm sút và già đi, điều sẽ giới hạn tiềm năng kinh tế của họ trong những thập niên phía trước. Độ tuổi trung bình của Trung Quốc cũng đang tăng nhanh (một hậu quả không lường trước của chính sách một con), và điều này sẽ là một trở ngại lớn cho sức sống của nền kinh tế của họ. Ngược lại, dân số Mỹ tăng trưởng cao so với phần còn lại của các nước phát triển, và độ tuổi trung bình của Mỹ sẽ thấp hơn bất kỳ quốc gia quan trọng nào khác. 

Thật vậy, ở một mức độ nào đó vị trí chiến lược của Mỹ thực ra thuận lợi hơn trước đây, điều lý giải tại sao ngân sách quân sự phình to của Mỹ vẫn còn là điều bí ẩn. Chẳng hạn, năm 1986 Mỹ và các đồng minh mình kiểm soát khoảng 49% chi tiêu quân sự toàn cầu trong khi các đối thủ khác của Mỹ cộng lại được khoảng 42%. Ngày nay, Mỹ và các đồng minh chiếm gần 70% chi tiêu quân sự; tất cả các đối thủ khác tổng cộng lại chưa đầy 15%. Ngoại trừ tự gây ra thêm những vết thương, Mỹ sẽ không rời khỏi hàng ngũ các nước lớn tại bất kì thời điểm nào trong vài thập kỷ nữa. Bất kể thế giới tương lai là đơn cực, lưỡng cực hay đa cực, Oasinhtơn sẽ là một trong những cực đó – và gần như chắc chắn là mạnh nhất trong số này. Và như vậy, thách thức lớn nhất mà Mỹ đối mặt hiện nay không phải là một đối thủ nước lớn đang hiện ra rõ rệt; đó là bộ ba trở ngại nợ tích lũy, cơ sở hạ tầng xuống cấp và một nền kinh tế trì trệ. Cách duy nhất để có được những lực lượng quân sự giỏi nhất cả hiện nay và trong tương lai là phải có một nền kinh tế phát triển nhất thế giới, và điều đó có nghĩa là phải có các trường học tốt hơn, những trường đại học xuất sắc nhất, một lực lượng khoa học bậc nhất, và một cơ sở hạ tầng quốc gia mà nâng cao được năng suất và làm lóa mắt khách thăm đến từ nước ngoài. Tất nhiên, những điều này đều tốn kém, nhưng chúng bảo vệ được an ninh lâu dài của Mỹ hơn nhiều so với việc đổ máu và tài sản để định đoạt ai nên điều hành Ápganixtan, Côxôvô, Nam Xuđăng, Libi, Yêmen hay bất kì nơi trì trệ chiến lược nào khác. Thời kỳ thoái trào của Kỷ nguyên Mỹ không phải là một dịp để than khóc hay một thời điểm để đổ lỗi. Thời kì khi Mỹ có thể kiểm soát các hoạt động chính trị, kinh tế và các dàn xếp an ninh đối với gần như toàn cầu chưa bao giờ được định sẵn là sẽ kéo dài mãi mãi, và sự kết thúc của nó không nhất thiết báo trước một thời đại mới của những mối đe dọa đang nổi lên và sự khó khăn kinh tế nếu Mỹ có những điều chỉnh khôn ngoan. Thay vì nhìn lại phía sau với nỗi luyến tiếc quá khứ, người Mỹ nên nhìn nhận sự kết thúc của Kỷ nguyên Mỹ là một cơ hội để tái cân bằng các gánh nặng quốc tế của Mỹ và tập trung vào các nhu cầu trong nước của mình. Thay vì xây dựng những căn cứ không quân mới ở những nơi xa xôi có ít hiệu quả, đã đến lúc dành nhiều sự quan tâm hơn cho “thành phố tỏa sáng trên đồi” kia mà các nhà lãnh đạo Mỹ thường nói đến, nhưng vẫn còn phải được xây dựng./.

 Theo The National Interest – Tháng10/2011

Viết Tuấn (gt)