Niu Đêli rất lo ngại việc Bắc Kinh có thể sử dụng mọi thủ đoạn để tăng sức ép với giới lãnh đạo, thâm nhập các lĩnh vực chính trị, kinh tế và chiến lược của Nêpan, đồng thời kiểm soát hoạt động của gần 20.000 người tị nạn Tây Tạng đang sống lưu vong tại Nêpan. Mối lo ngại này buộc Ấn Độ phải liên tục cử các phái đoàn cấp cao đến Nêpan để củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa hai nước và chỉ định một nhà ngoại giao cấp cao làm đại sứ tại Nêpan. Niu Đêli đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng của người Trung Quốc nhằm ngăn chặn Nêpan biến thành sân sau của Bắc Kinh. Thực tế, việc thâm nhập lớn hơn tại thủ đô Cátmanđu có thể cho phép Trung Quốc nắm được khu đệm lịch sử và địa lý mà Nêpan đã trao cho Ấn Độ. 

Những thay đổi địa chính trị: Nêpan nhận thấy rõ cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ và như nhà Vua Nêpan Prithvi Narayan trong thế kỷ 18 tuyên bố: "Nêpan là một củ khoai nằm giữa hai tảng đá". Cátmanđu đang bị xô đẩy bởi hai người khổng lồ châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng chính trị-chiến lược. Trước kia, chế độ quân chủ của người Nêpan đã sử dụng "con bài Trung Quốc" bằng cách dựa vào Trung Quốc, nhưng giới lãnh đạo chính trị hiện nay dường như đang lợi dụng các ưu thế của cả Trung Quốc và Ấn Độ. Trong lịch sử, bất cứ Thủ tướng mới nào của Nêpan cũng chọn Ấn Độ là địa chỉ đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Nhưng những năm gần đây có hai trường hợp ngoại lệ. Năm 2008, Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal Prachanda, nhà lãnh đạo theo tư tưởng Maoít uy tín có quan hệ rất thân thiện với Trung Quốc, chọn Trung Quốc cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi lên nắm quyền. Tiếp đó, ngay sau cuộc bầu cử tháng 2/2011, tân Thủ tướng Jhala Nath Khanal tuyên bố: "Chính phủ của tôi sẽ thúc đẩy mối quan hệ với cả hai nước Ấn Độ và Trung Quốc...Tôi chưa quyết định sẽ đến thăm nước nào đầu tiên". Thay vào đó, ông Khanal đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự một hội nghị quan trọng của Các nước kém phát triển nhất (LDC). Dư luận Nêpan dự đoán, nhiều khả năng Thủ tướng Khanal có thể sẽ đến thăm Trung Quốc và tiếp tục đường lối của Thủ tướng tiền nhiệm Dahal. 

Can dự quân sự của Trung Quốc tại Nêpan: Quân đội Trung Quốc và quân đội Nêpan đã thiết lập một chương trình trao đổi quân sự rộng rãi, kể cả cung cấp các loại vũ khí hạng nặng, huấn luyện, phát triển cơ sở hạ tầng và trao đổi các phái đoàn cấp cao, bất chấp trước đây quân đội Nêpan chủ yếu dựa vào Ấn Độ. Các kế hoạch cung cấp vũ khí hạng nặng của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh sau khi Ấn Độ từ chối cung cấp các loại vũ khí cho quân đội Nêpan năm 2005, ngay sau khi nhà Vua Gyanendra giành được chính quyền và giải tán chính phủ. Gần đây, quân đội Nêpan đã nhận được các loại vũ khí trang bị của Trung Quốc, kể cả các trang thiết bị phi quân sự như các máy móc xây dựng và cơ khí. Năm 2005, Tư lệnh quân đội Nêpan đến thăm Trung Quốc để tìm kiếm viện trợ quân sự. Cũng năm 2005, Nêpan đưa Trung Quốc vào Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC), bất chấp thực tế là Ấn Độ đã bày tỏ nguyện vọng tham gia trước. Năm 2008, Trung tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), loan báo khoản viện trợ phi quân sự trị giá 2,6 triệu USD cho Nêpan và năm 2009 Trung Quốc cam kết khoản viện trợ quân sự trị giá 3 triệu USD để quân đội Nêpan xây dựng một bệnh viện và phục vụ huấn luyện. Trong chuyến thăm Cátmanđu tháng 3/2011, Tổng Tham mưu trưởng Trần Bính Đức đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Nêpan như: Tổng thống Ram Baran Yadav, Thủ tướng Khanal, Tư lệnh quân đội Nêpan Chatra Man Singh Gurung. Tướng Trần Bính Đức đã loan báo khoản viện trợ cả gói trị giá 20 triệu USD cho Nêpan. 

Phát triển cơ sở hạ tầng: Trung Quốc có khả năng lớn về công nghệ để phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng ở độ cao so với mặt biển, đặc biệt ở dãy núi Himalaya . Thực tế, Trung Quốc đã xây dựng các mạng lưới đường sắt, đường quốc lộ và đường không liên kết một số khu vực tự trị và các tỉnh của Trung Quốc như Tây Tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Tân Cương và Vân Nam. Các mạng lưới này đã tạo thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế của nội địa. Mạng lưới giao thông vận tải cũng làm tăng tính cơ động chiến thuật và triển khai chiến lược của PLA ở dãy núi Himalaya về việc di chuyển binh sĩ và tiếp tế hậu cần, triển khai máy bay ở tuyến trước, thành lập các trận địa tên lửa, xây dựng các trung tâm giám sát và theo dõi hiện đại. Đáng chú ý, mạng lưới cơ sở hạ tầng còn giúp PLA phái lực lượng đến Tây Tạng để chấm dứt bạo loạn, tiếp tế cho các lực lượng triển khai ở đó và tăng cường kiểm soát Tây Tạng. Năm 2008, Trung Quốc và Nêpan đã công bố các kế hoạch kết nối Khu Tự trị Tây Tạng (TAR) với Nêpan bằng một tuyến đường sắt dài 770 km nối liền Lhasa với thị trấn biên giới Nêpan Khasa. Dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2013. Đại sứ Trung Quốc tại Nêpan Khưu Quốc Hồng nói: "Việc kéo dài tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng đến biên giới Trung Quốc-Nêpan sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng các tuyến đường mới nối liền Trung Quốc với Nêpan". Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị nối 6 tuyến đường cao tốc với Nêpan và phát triển các đường ống dẫn dầu qua biên giới. Năm 2008, Trung Quốc thiết lập một hệ thống cáp quang hiện đại giữa Chương Mộc và Cátmanđu. Hệ thống đường sắt Lhasa-Khasa sẽ giúp Nêpan tận dụng lợi thế địa lý và giảm sự lệ thuộc vào Ấn Độ để trao đổi thương mại với khu vực và quốc tế. Nhưng việc mở rộng các hệ thống đường sắt ở phía Nam Trung Quốc khiến cho Ấn Độ lo ngại. Các quan chức an ninh Ấn Độ khẳng định các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đều nhằm 2 mục đích: quân sự và dân sự. Chính phủ Ấn Độ cũng nhận thức rõ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Nêpan và cấm các dự án kết nối đường sắt trong khu vực Terai dọc biên giới Ấn Độ-Nêpan, kể cả tuyến đường sắt dài 80 km nối liền thành phố Birganj ở Ấn Độ đến Cátmanđu. 

Người tị nạn Tây Tạng ở Nêpan: Nêpan và Khu Tự trị Tây Tạng có chung biên giới dài 1.400 km và có 34 đèo đi qua biên giới này từ đó tạo thuận lợi cho việc buôn bán và đi lại của người dân. Những người tị nạn Tây Tạng đi qua Nêpan đến Dharamshala ở Ấn Độ để thăm hỏi lãnh tụ tinh thần Dalai Lama. Trước kia, cảnh sát và các quan chức Chính phủ Nêpan hợp tác chặt chẽ với Cao ủy LHQ về Người Tị nạn (UNHCR) và nhất trí kéo dài một thỏa thuận không chính thức được thiết lập năm 1989 nhằm bảo đảm an toàn cho người tị nạn Tây Tạng đi qua Nêpan đến Ấn Độ. Thỏa thuận này được thực hiện hiệu quả trước khi các đảng Mao-ít và Cộng sản giành được ưu thế chính trị năm 2008. Từ đó số lượng người tị nạn Tây Tạng đi qua Nêpan giảm mạnh tại các trung tâm tiếp nhận ở Cátmanđu. Một cựu đại sứ Nêpan tại Trung Quốc nhận xét: "Mối quan tâm của Trung Quốc đối với Nêpan ngày càng tăng. Chuyến thăm của Tướng Trần Bính Đức cho thấy Trung Quốc muốn được quân đội Nêpan hỗ trợ của để kiểm soát các hoạt động chống Trung Quốc sau khi Dalai Lama từ chức". Trung Quốc còn bí mật tạo ra động cơ tài chính và trả lương cho các quan chức Nêpan bắt giữ và trục xuất người Tây Tạng ở Nêpan. Ngày 10/3, cảnh sát Nêpan bắt giữ 34 người biểu tình sau khi hàng nghìn người tị nạn Tây Tạng biểu tình qua các đường phố của Cátmanđu để tố cáo Trung Quốc xâm lược Tây Tạng năm 1951. Ngày hôm sau, cảnh sát Nêpan ngăn chặn một lễ tụng kinh tại đền Phật giáo ở Cátmanđu và ngày 13/2, cảnh sát tấn công và tịch thu tất cả các phương tiện ở các điểm bỏ phiếu của cộng đồng người Tây Tạng chuẩn bị bầu chọn một chính phủ Tây Tạng lưu vong mới. Rõ ràng Trung Quốc có thể thuyết phục Chính phủ Nêpan bảo đảm rằng những hoạt động chống Trung Quốc của những người tị nạn Tây Tạng sẽ được giải quyết. 

Tăng cường sức mạnh mềm: Nêpan có mối quan hệ tôn giáo, văn hóa và xã hội tốt đẹp với Ấn Độ. Thực tế Ấn Độ có rất nhiều ảnh hưởng tại Nêpan và phần lớn người Nêpan có anh em và họ hàng ở Ấn Độ. Ngoài ra, hàng nghìn người Nêpan đang phục vụ trong các tiểu đoàn Gurkha của quân đội Ấn Độ. Trung Quốc nhận thức rõ ảnh hưởng văn hóa sâu sắc của Ấn Độ tại Nêpan và đang mưu toan xóa bỏ ảnh hưởng đó bằng cách thành lập 33 trung tâm nghiên cứu Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc trao đổi ngôn ngữ cũng như văn hóa trong nhân dân Nêpan. Năm 2007, Trung Quốc còn thành lập Viện Nghiên cứu Khổng tử tại Trường Đại học Tổng hợp Cátmanđu-nơi có 1.000 sinh viên Nêpan đang học tiếng Trung Quốc. Bên cạnh đó các bộ du lịch của Trung Quốc và Nêpan đang phối hợp chặt chẽ với nhau để thúc đẩy du lịch ở Nêpan bằng cách cấp thị thực miễn phí cho khách du lịch người Trung Quốc. Năm 2010, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đã thành lập một chi nhánh ở Cátmanđu và bắt đầu phát tiếng Nêpan để dạy tiếng Trung Quốc. Ấn Độ coi những phát triển đó của Trung Quốc là nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của người Ấn Độ. Ấn Độ cũng lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng các trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thành các trung tâm theo dõi các hoạt động của Ấn Độ tại Nêpan. 

Lợi thế chiến lược: Trung Quốc đang ve vãn Nêpan và sử dụng cả sức mạnh mềm lẫn cứng để đạt được một số ưu thế chiến lược. 

Thứ nhất, Bắc Kinh nhận được sự bảo đảm của giới lãnh đạo Nêpan không cho phép người tị nạn Tây Tạng ở Nêpan sử dụng lãnh thổ nước này để chống Trung Quốc. Vấn đề này đặc biệt quan trọng khi phong trào "Tây Tạng Tự do" phát triển trên toàn cầu và Trung Quốc đang bị quốc tế chỉ trích về các vấn đề nhân quyền, đặc biệt chống lại người Tây Tạng. 

Thứ hai, Trung Quốc âm mưu xóa bỏ ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ ở Nêpan thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đưa các lợi ích kinh tế đến những người Nêpan ở khu vực trung tâm. Điều này giúp Trung Quốc đạt được lợi thế kinh tế và chiến lược to lớn và tạo nhiều cơ hội để Trung Quốc kiềm chế Nêpan. 

Thứ ba, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Nêpan là những vị trí đặc biệt chống Ấn Độ và tăng thêm nỗi lo ngại của Ấn Độ. Hiện nay PLA có thể nhanh chóng triển khai lực lượng nếu xảy ra một cuộc xung đột với Ấn Độ. 

Cuối cùng, Trung Quốc có thể tách Nêpan khỏi ảnh hưởng của Ấn Độ mặc dù Nêpan có các mối quan hệ tôn giáo, văn hóa, xã hội và lịch sử lâu đời với Ấn Độ./. 

Nghiên cứu Biển Đông (giới thiệu)