Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực kể từ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2012. Năm 2016, Tập Cận Bình được ca ngợi là “nòng cốt” trong ban lãnh đạo ĐCSTQ. Năm 2017, tư tưởng Tập Cận Bình đã chính thức được đưa vào điều lệ ĐCSTQ. Năm 2018, Tập Cận Bình đã sắp đặt việc sửa đổi hiến pháp cho phép ông tiếp tục giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2023. Những diễn biến này khiến nhiều người tin rằng sự lãnh đạo của Tập Cận Bình có thể sánh ngang sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, phá vỡ mô hình lãnh đạo tập thể mà Đặng Tiểu Bình ủng hộ. Tuy nhiên, năm 2018 có thể là thời điểm đánh dấu đỉnh cao quyền lực của Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình đã gặp phải những thách thức nghiêm trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Kinh tế Trung Quốc trì trệ khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nổ ra. Năm 2019, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Hong Kong, đe dọa sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chính quyền này và góp phần vào chiến thắng bất ngờ của Đảng Dân tiến trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2020.

Sự bùng phát dịch Covid-19 ở Vũ Hán là một thách thức thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với Tập Cận Bình. Đối với tiêu dùng trong nước, sự bùng nổ cuộc chiến thương mại có thể là do chính sách kiềm chế mới của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, còn các cuộc biểu tình ở Hong Kong bị quy kết là hành động của các cơ quan mật vụ Mỹ và Anh - cho dù nhận định này thiếu căn cứ hơn nhiều. Tuy nhiên khó có thể đổ lỗi cho Mỹ hoặc bất kỳ thế lực phản động bên ngoài nào khác về cuộc khủng hoảng y tế, cho dù Trung Quốc đã nỗ lực hết sức. Cũng khó có thể quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương ở Vũ Hán vì Tập Cận Bình độc chiếm quyền lực. Theo Victor Shih, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc thuộc Đại học California ở San Diego, khi mọi việc xấu đi hoặc có nguy cơ xấu đi, lãnh đạo tối cao cũng phải chịu mọi trách nhiệm. Quả thật, việc nhà nước Trung Quốc không thể kiềm chế và xử lý cuộc khủng hoảng này đã cho thấy việc tập trung quyền lực trong tay Tập Cận Bình đã tạo ra một bộ máy quan liêu sợ rủi ro, kém cỏi và thiếu năng lực hành động.

Dịch Covid-19 ở Vũ Hán: cuộc khủng hoảng y tế và nhà nước

Các ca viêm phổi bí ẩn đã được ghi nhận đầu tiên ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 12/12/2019. Ban đầu, các quan chức địa phương đã cố gắng che đậy sự bùng phát của dịch, hy vọng rằng nó sẽ tự biến mất. Bác sĩ Lý Văn Lượng nhắn tin cho các đồng nghiệp cảnh báo về một căn bệnh viêm phổi bất thường vào tháng 12/2019. Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát yêu cầu ngừng tung tin sai lệch và bị điều tra vì phát tán tin đồn. Ngày 11/1/2020, ca tử vong đầu tiên do nhiễm SARS-CoV-2 đã được ghi nhận. Virus này không phải là một chủ đề thảo luận chính trong các phiên họp toàn thể thường niên của Chính hiệp (tương đương Mặt trận tổ quốc) và Nhân đại (tương đương Hội đồng nhân dân) tỉnh Hồ Bắc diễn ra từ ngày 11-17/1. Cuộc họp của Bộ Chính trị ở Bắc Kinh vào ngày 16/1 cũng không thảo luận về dịch Covid-19 ở Vũ Hán, cho dù số ca nhiễm bệnh vẫn tăng đều đặn.

Ngày 21/1, Chính quyền thành phố Vũ Hán đã tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng Tết Nguyên đán. Các quan chức hàng đầu của tỉnh Hồ Bắc đã khen ngợi các nghệ sĩ tham gia biểu diễn là đã “đánh bại chứng hoang tưởng về căn bệnh viêm phổi” bằng cách thực hiện một màn trình diễn tuyệt vời cho dù nhiều người trong số họ mắc bệnh. Nhà nước Trung Quốc đã không cách ly Vũ Hán cho đến ngày 23/1, khi 5 triệu người đã rời khỏi thành phố để về quê ăn Tết. Cuối cùng, ngày 26/1, Tập Cân Bình đã chủ trì một cuộc họp Ban thường vụ Bộ chính trị để thảo luận về cách thức ngăn chặn dịch Covid-19 ở Vũ Hán, mà khi đó đã gây ra một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng. Đến ngày 13/2, Trung Quốc xác nhận đã có 59.895 ca nhiễm bệnh và 1.380 ca tử vong.

Nhà nước Trung Quốc đã đợi gần 2 tháng mới thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để chống lại dịch bệnh, chứng tỏ mức độ xơ cứng của bộ máy quan liêu. Cuộc chiến chống tham nhũng không khoan nhượng của Tập Cận Bình gây lo lắng cho nhiều quan chức. Các cán bộ thuộc các cơ quan chức năng của chính phủ vì lo sợ bị buộc tội tham nhũng đã đối phó bằng cách không làm gì cả và tránh gây chú ý để khỏi vướng vào rắc rối thay vì quản lý và thúc đẩy các sáng kiến chính sách tốt, từng là con đường để thăng tiến trong sự nghiệp. Chiến dịch chống tham nhũng đã khiến đội ngũ cán bộ ĐCSTQ không còn giữ tư tưởng dám nghĩ dám làm. Những người trụ lại được sau chiến dịch này tin rằng cứ thụ động là sẽ an toàn.

Tập Cận Bình đã xây dựng đội ngũ cán bộ dựa trên lòng trung thành với ông, thay vì dựa vào năng lực. Và các cán bộ, những người từng quan tâm đến việc thăng tiến trong sự nghiệp, hiểu rằng lòng trung thành có nghĩa là không nói sự thật nếu nó không hợp ý vị lãnh đạo tối cao.

Việc mọi quyền lực tập trung trong tay Tập Cận Bình đã đặt ông vào tình thế khó khăn. Để lãnh đạo Trung Quốc, ông phải dựa vào bộ máy quan liêu trì trệ và hay giấu diếm. Điều quan trọng là sự bùng phát dịch Covid-19, chứ không phải cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và các cuộc biểu tình ở Hong Kong, là thử thách thực sự đối với khả năng lãnh đạo của Chính quyền Tập Cận Bình. Ngay cả Tập Cận Bình cũng nhận ra thực tế đó. Bắc Kinh có thể xuống thang cuộc chiến thương mại bằng các đơn đặt hàng nông sản đủ lớn để loại bỏ phần lớn thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm xoa dịu Tổng thống Donald Trump. Bắc Kinh cũng có thể dập tắt các cuộc biểu tình ở Hong Kong bằng vũ lực nếu như người biểu tình không tự giải tán. Tuy nhiên, cả “cây gậy” hay “củ cà rốt” mà Tập Cận Bình tùy ý sử dụng đều không loại bỏ được Covid-19. Thứ mà Tập Cận Bình cần trong lúc này là một bộ máy hành chính có khả năng làm việc với các chuyên gia y tế để ngăn chặn sự lan tràn của dịch bệnh.

Khuyến khích những người chỉ trích Tập Cận Bình

Việc Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước năm 2018 chứng tỏ ông đã nắm chắc quyền lực trong tay. Tuy nhiên, động thái chính trị này cũng vấp phải sự chỉ trích trong nội bộ đảng. Năm 2018, Phàn Lập Cần - bạn thân của Đặng Phác Phương, con trai cả của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - đã công khai chỉ trích Tập Cận Bình bằng một tấm áp phích lớn viết tay. Bằng việc đề cập đến các cuộc tranh luận lịch sử của ĐCSTQ về những nguy hiểm của sự sùng bái cá nhân, Phàn Lập Cần đã chỉ trích Tập Cận Bình với tham vọng trở thành hoàng đế và vị cứu tinh của dân tộc Trung Hoa. Phàn Lập Cần đặt ra câu hỏi nếu một người xuất chúng như Mao Trạch Đông có thể trở nên kiêu ngạo và phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi nắm mọi quyền lực, thì tại sao Tập Cận Bình lại không bị ảnh hưởng trước tác động tương tự của quyền lực.

Có những dấu hiệu cho thấy những chỉ trích của Phàn Lập Cần có thể nhận được sự ủng hộ vì một số người tin rằng Tập Cận Bình đã xử lý kém cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và các cuộc biểu tình ở Hong Kong, cho dù chính quyền đã cố hết sức đổ lỗi cho các thế lực phản động nước ngoài về những diễn biến này. Tờ Cầu Thị, cơ quan ngôn luận hàng đầu của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, đã cho đăng một bài báo đặc sắc nhưng gần như không gây được sự chú ý của phương Tây hôm 15/9/2019. Dựa vào một bài phát biểu của Tập Cận Bình năm 2014, bài báo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc đảm bảo “tính trật tự trong việc kế thừa ban lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ”. Chương trình tin tức buổi tối của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), một trong những chương trình truyền hình được xem nhiều nhất ở Trung Quốc, sau đó đã đưa tin về việc xuất bản bài báo này ngay ở đầu chương trình. Điều quan trọng là quan điểm của bài viết nói giảm mong muốn theo đuổi nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba của Tập Cận Bình, điều chưa từng có trong lịch sử. Do đó, bài báo này chính là sự nhắc nhở đối với Tập Cận Bình về việc cần phải xoa dịu những người chỉ trích trong nội bộ đảng, vốn không hài lòng với việc quyền lực tập trung trong tay ông.

Ngày 18/8/1980, Đặng Tiểu Bình đã có bài phát biểu mang tính bước ngoặt, đặt nền móng cho việc thiết lập hệ thống lãnh đạo tập thể ở Trung Quốc. “Một hệ thống tốt sẽ ngăn chặn kẻ xấu lạm dụng quyền lực, trong khi đó một hệ thống tồi sẽ ngăn cản người tốt làm việc tốt, nếu không muốn nói là buộc họ phải làm những việc xấu”. Đây là nền tảng lý luận mà những người chỉ trích trong nội bộ đảng dựa vào để công kích Tập Cận Bình. Do đó, Tập Cận Bình không thể im lặng và loại bỏ những người chỉ trích mình, bởi việc làm này sẽ dẫn tới một cuộc tấn công trực diện vào di sản chính trị của Đặng Tiểu Bình.

Tuy nhiên, những chỉ trích trong nội bộ đảng về việc quyền lực tập trung trong tay Tập Cận Bình hầu như không gây phiền toái về mặt chính trị đối với ông, vì chúng tập trung vào những tuyên bố mang tính lý thuyết rằng việc tập trung quyền lực là xấu xa. Tuy nhiên, việc xử lý kém cuộc khủng hoảng y tế ở Vũ Hán đã chứng tỏ những cảnh báo của Đặng Tiểu Bình là đúng, vì nó cho thấy các cán bộ đã sợ Tập Cận Bình đến mức độ nào khi không có hành động, tỏ ra bất lực và thiếu trung thực.

Ngày 12/2, Bắc Kinh đã thay thế các quan chức cấp cao ở tỉnh Hồ Bắc. Đây không nhất thiết là nỗ lực nhằm đổ lỗi cho các quan chức địa phương. Trên thực tế, việc loại bỏ các quan chức này cho thấy rõ sai lầm từ đầu của Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm nhân sự cho Hồ Bắc. Hơn nữa, Tập Cận Bình không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay thế các lãnh đạo hàng đầu của đảng ở Hồ Bắc bằng những người được ông nâng đỡ, một động thái có thể làm suy yếu hơn nữa quyền lực của Tập Cận Bình nếu họ không nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng y tế. Chiến lược an toàn nhất mà Tập Cận Bình có thể áp dụng ở Hồ Bắc là buộc ban lãnh đạo cũ của tỉnh phải chịu trách nhiệm và giải quyết cuộc khủng hoảng mà nguyên nhân chủ yếu là do sự kém cỏi của họ.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã không chọn giải pháp an toàn này. Điều này cho thấy ông có thể phải đối mặt với sức ép từ trong nội bộ đảng buộc ông phải nhanh chóng kiềm chế cuộc khủng hoảng hiện tại - tương lai chính trị của ông phụ thuộc vào hiệu quả của chính quyền trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không thể trông mong các nhà lãnh đạo đảng từ Hồ Bắc, những người giám sát sự bùng phát của dịch bệnh ngay từ đầu, sẽ có những bước đi hiệu quả. Sự nghiệp chính trị của họ dù sao cũng đã hết, và họ không có động lực chính trị để làm việc tốt. Có thể thấy cuộc khủng hoảng y tế ở Vũ Hán đã phủ bóng đen lên tương lai chính trị của Tập Cận Bình khi số ca nhiễm bệnh và tử vong tiếp tục tăng lên.

Các tác giả Pin Ho là nhà báo kỳ cựu và nhà bình luận chính trị, CEO của Mirror Media Group và George Yin là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Harvard Fairbanks. Bài viết được đăng trên The National Interest

Minh Anh (gt)