Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình vào điều lệ đảng tại Đại hội XIX hồi tháng 10/2017. Động thái này cho thấy chiều sâu cam kết của Trung Quốc đối với kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn của nước này và có vẻ như đã thúc đẩy cuộc họp 4 bên mới đây giữa các quan chức cấp cao từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc về tương lai của một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Việc Ấn Độ tham gia cuộc đối thoại là một tín hiệu nữa cho thấy phương thức thực hiện BRI của Trung Quốc đang gây chia rẽ giữa các nước láng giềng này, và tạo ra một cơ hội cho Mỹ củng cố các mối quan hệ với New Delhi. 

Sáng kiến 

Việc công khai BRI vào năm 2013 cho thấy một chiều hướng mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Sáng kiến này có từ thời xa xưa khi các lái buôn đi theo “Con đường tơ lụa” để trao đổi hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Phiên bản hiện đại là một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng liên Âu-Á do Trung Quốc lãnh đạo được tạo ra để tăng cường sự kết nối giữa Trung Quốc và các thị trường thế giới. Một sáng kiến thành công mang lại cho Trung Quốc cơ hội đáng kể để chứng tỏ vai trò lãnh đạo trên vũ đài thế giới và thu được những lợi ích dưới hình thức sức mạnh kinh tế và ngoại giao gia tăng. Việc Trung Quốc lựa chọn sử dụng những công cụ này như thế nào sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với các nước láng giềng – đặc biệt là với một Ấn Độ đang trỗi dậy. 

Sự gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc khu vực này không phải là một kết quả mà Trung Quốc quảng bá cho BRI. Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến này như một sự hợp tác “đôi bên cùng có lợi” giữa các nhà nước và liệt kê 5 mục tiêu của họ là “phối hợp chính sách, kết nối các cơ sở, thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính và các mối quan hệ giữa nhân dân các nước”. Sự tài trợ của Trung Quốc, sử dụng nguồn dự trữ tiền tệ lớn của Trung Quốc, sẽ giúp bù đắp những nhu cầu cơ sở hạ tầng đáng kể của châu Á, mà Ngân hàng phát triển châu Á ước tính là 1.700 tỷ USD/năm. Các nước tham gia sẽ nhận được tài trợ, chủ yếu dưới dạng các khoản cho vay từ các thể chế tài chính do Trung Quốc kiểm soát, và Trung Quốc sẽ cải thiện được sự kết nối với các thị trường thế giới. Sự dàn xếp này có thể tạo ra những lợi ích chung vốn là nền tảng để quảng bá cho BRI. 

BRI: Những động lực kinh tế của Trung Quốc 

Một BRI thành công có thể giúp Trung Quốc giải quyết các thách thức kinh tế đáng kể. Trung Quốc có nguồn dự trữ tài chính lớn mà nước này có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lực xây dựng dư thừa có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc. Cho các nước khác vay tài chính dự trữ dư thừa đổi lại việc các nước đó thuê lại năng lực xây dựng dư thừa của Trung Quốc là một động thái “đôi bên cùng có lợi” đối với Trung Quốc. Thêm vào đó, việc cải thiện sự kết nối với các nước láng giềng kém phát triển hơn có thể cho phép Trung Quốc đưa công ăn việc làm giá rẻ ra nước ngoài và tiến lên trong chuỗi giá trị. Sự tiến triển này sẽ là một bước then chốt giúp Trung Quốc tránh được “cái bẫy thu nhập trung bình”. Theo đó, BRI là một công cụ để Trung Quốc phục hồi nền kinh tế của họ trong khi giải quyết các áp lực kinh tế trong cả hiện nay lẫn tương lai. Nếu nước này có thể thực hiện được tầm nhìn của mình về BRI và thu được những phần thưởng này, Trung Quốc sẽ nổi lên thành một thế lực ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ hơn trên vũ đài thế giới. 

Những căng thẳng khu vực: Những câu hỏi về chủ quyền 

Trung Quốc sẽ cần sự hợp tác của các nước láng giềng của họ để thu được những phần thưởng này; tuy nhiên, việc Bắc Kinh giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong kỷ nguyên BRI đã làm gia tăng những căng thẳng trong khu vực. Tuyên bố về tầm nhìn BRI đưa ra “Các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” mà bao gồm trong đó “sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền của mỗi nước”. Ngược lại với nguyên tắc này, Trung Quốc đã làm leo thang các tranh chấp chủ quyền bằng việc nhấn mạnh các tuyên bố lãnh thổ chống lại các nước láng giềng của họ. Ở Biển Đông, Trung Quốc đã thách thức những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam bằng cách đưa một giàn khoan dầu thuộc sở hữu nhà nước vào lãnh hải tranh chấp và xây dựng các đường băng phù hợp cho máy bay quân sự hạ cánh trên các cấu trúc địa hình tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Trên cao nguyên Doklam vào năm 2017, Trung Quốc đã thách thức chủ quyền của Bhutan bằng cách nỗ lực mở rộng một con đường đến lãnh thổ tranh chấp này dẫn đến sự đối đầu quân sự với Ấn Độ, nhà bảo trợ an ninh của Bhutan. Những hành động này trực tiếp phủ nhận tuyên bố về tầm nhìn BRI và gửi tín hiệu đến các nước láng giềng của Trung Quốc rằng nước này sẽ hung hăng sử dụng các công cụ sức mạnh của mình nhằm khẳng định những tuyên bố về các vùng lãnh thổ tranh chấp. Các nước láng giềng giờ đây buộc phải xem xét làm thế nào các đầu tư cho BRI của Trung Quốc có thể trở thành đòn bẩy để củng cố lập trường của nước này về các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau. 

Ấn Độ: Chủ quyền, bao vây và hoài nghi 

Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ có trước khi BRI được đưa ra. New Delhi và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền vùng đất mà Ấn Độ coi là một phần của Kashmir ở phía Bắc và Arunachal Pradesh ở phía Đông nước này. Việc Trung Quốc xâm lược vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát vào năm 1962 đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa 2 cường quốc châu Á này, nhưng những tranh chấp lãnh thổ đó vẫn chưa được giải quyết. Không may là BRI đang làm gia tăng những căng thẳng Trung-Ấn đã tồn tại từ trước như đã thấy qua việc Ấn Độ từ chối lời mời của Trung Quốc đến tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” diễn ra vào tháng 5/2017 viện dẫn những quan ngại về chủ quyền, trách nhiệm tài chính và sự minh bạch. 

Ngoài những tranh chấp lãnh thổ nổi bật trước đây, các khoản đầu tư cho BRI đang thách thức những tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ ở Kashmir. Trung Quốc đã tài trợ cho sự phát triển dọc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) xuyên qua lãnh thổ ở Kashmir mà Pakistan kiểm soát và Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Theo quan điểm của Ấn Độ, Trung Quốc đã từ bỏ lập trường trung lập về tranh chấp này để đứng về phía Pakistan và tài trợ cho một sáng kiến vi phạm chủ quyền của Ấn Độ. Thất bại của Trung Quốc trong việc giải quyết các mối quan ngại của Ấn Độ là nguyên nhân ban đầu khiến New Delhi không sẵn sàng tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Việc Trung Quốc đơn phương thực hiện tầm nhìn của nước này về BRI trước sự phản đối của Ấn Độ đã làm gia tăng những căng thẳng song phương. 

Thêm vào những căng thẳng này, Ấn Độ có các mối quan ngại về những ý định của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và việc những khoản đầu tư cho BRI có thể tác động như thế nào đến cán cân sức mạnh trên biển. Như một phần trong những đầu tư liên quan đến CPEC và Con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc đã đầu tư vào các cảng biển ở các nước xung quanh Ấn Độ bao gồm Pakistan, Myanmar và Sri Lanka. Việc đầu tư vào các cảng biển này đã làm xuất hiện thuyết “chuỗi ngọc trai” cho rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy các cơ sở này vì mục đích quân sự. Khi nhìn trên bản đồ, những đầu tư trên biển này cho thấy sự bao vây Ấn Độ trên biển. Việc các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc cập bến tại một cảng biển do Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka gây lầm tưởng về một động thái quân sự hóa những đầu tư liên quan đến BRI ở quốc đảo láng giềng của Ấn Độ. Sự bao vây bằng hải quân là một mối quan ngại an ninh đáng kể do Ấn Độ phụ thuộc vào giao thông vận tải trên biển để thực hiện 90% hoạt động thương mại quốc tế của mình. 

Ấn Độ cũng quan ngại về những mối liên kết an ninh khu vực đang thay đổi bởi những đầu tư của Trung Quốc ở các nước láng giềng trên đất liền và trên biển của họ. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã bình luận về những quan ngại của New Delhi về những hậu quả tiềm tàng của BRI vào tháng 3/2016: “Động lực tương tác giữa những lợi ích chiến lược và các sáng kiến kết nối … được thể hiện rõ ràng trên lục địa của chúng ta… Chúng ta không thể làm ngơ trước thực tế là các nước khác có thể xem sự kết nối là một hành động theo bản năng ảnh hưởng đến các lựa chọn”. 

Các nhà bình luận Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại rằng các nước nhỏ hơn sẽ trở nên quá phụ thuộc vào các khoản cho vay của Trung Quốc và mắc kẹt trong sự phụ thuộc về nợ vào Bắc Kinh. Một ví dụ đáng lo ngại đối với những người chỉ trích BRI này đã xuất hiện vào tháng 7 khi Sri Lanka trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát cảng nước sâu Hambantota được Trung Quốc miễn nợ. Trong sự trao đổi này, Trung Quốc đã thực sự đạt được “viên ngọc” tiềm tàng để đưa thêm vào chuỗi ngọc của mình. Điều thú vị là trong những tháng gần đây, Sri Lanka thực sự làm mới lại các mối quan hệ với Ấn Độ do những quan ngại về ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có được từ khoản nợ của nước này. Nếu những xu hướng tương lai đúng với dự đoán của những người chỉ trích BRI, thì Trung Quốc có thể tận dụng sự đầu tư kinh tế vào các nhà nước bù nhìn bao quanh Ấn Độ trên đất liền và trên biển. Không may là nếu các nhà nước bù nhìn tiềm tàng khác thay vào đó lại quay sang Ấn Độ, thì điều đó vẫn có thể dẫn đến những căng thẳng gia tăng khi các con nợ của Trung Quốc trở nên bị dính líu nhiều hơn với Ấn Độ. 

Hợp tác an ninh và kinh tế của Ấn Độ 

Dưới bóng một cấu trúc an ninh không chắc chắn và những căng thẳng gia tăng do việc thực hiện BRI, Ấn Độ đã tìm cách tăng cường sự hợp tác an ninh và kinh tế với các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Để cải thiện địa vị an ninh của mình, Ấn Độ đã ký một bản ghi nhớ thỏa thuận trao đổi hậu cần song phương (LEMOA) với Mỹ vào năm 2016 công nhận quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau về mặt hậu cần. Cùng với Nhật Bản, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác an ninh bằng việc lựa chọn Nhật Bản làm bên tham gia thường trực trong cuộc tập trận an ninh truyền thống Malabar giữa Mỹ và Ấn Độ vào năm 2015. Những hành động này cho thấy một nỗ lực tích cực của New Delhi nhằm giải quyết những yếu kém về an ninh so với Trung Quốc bằng cách duy trì sự can dự của các cường quốc quân sự thân thiện vào khu vực này. 

Ấn Độ cũng tìm cách làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế với các cường quốc dân chủ trong khu vực nhằm thúc đẩy tầm nhìn của riêng họ về phát triển kết nối. Ngay sau khi Diễn đàn “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc kết thúc vào tháng 5, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tiết lộ Hành lang tăng trưởng Á-Phi (AAGC), một sáng kiến kết nối do Ấn Độ và Nhật Bản đưa ra và được xem là một đối trọng tiềm tàng với BRI. Sau Đại hội XIX củng cố sức mạnh của Tập Cận Bình và đưa BRI vào điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đại biểu Ấn Độ đã tham dự cuộc đối thoại 4 bên mới đây nhằm thảo luận về cả các sáng kiến kết nối lẫn sự hợp tác an ninh giữa các cường quốc dân chủ. Việc Ấn Độ theo đuổi các mối quan hệ đối tác an ninh và kinh tế ngày càng tăng cho thấy New Delhi không sẵn sàng chấp nhận địa vị số một của Trung Quốc ở châu Á và các nỗ lực của nước này nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu Ấn Độ lựa chọn sự hợp tác sâu sắc hơn với các cường quốc sau cuộc gặp “4 bên” bước đầu, thì đó sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy những căng thẳng đang gia tăng hơn bao giờ hết giữa New Delhi và Bắc Kinh do BRI. Rắc rối hơn, cuộc gặp “4 bên” báo hiệu một xu hướng hướng tới sự phân cực về quân sự và kinh tế ở châu Á. 

Lý do hợp tác với Trung Quốc 

Một lựa chọn thay thế cho môi trường với những căng thẳng Trung-Ấn gia tăng và sự phân cực mang tính khu vực này là một môi trường tăng cường hợp tác và phát triển song phương. Kịch bản này sẽ mang lại lợi ích kinh tế chung và có thể xây dựng dựa trên sự hợp tác của hai nước trong khuôn khổ BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Đối với Ấn Độ, những đòi hỏi về cơ sở hạ tầng ước tính 1.500 tỷ USD trong thập kỷ tới. Những đầu tư theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể mang lại nguồn tài chính đáng kể cho sự phát triển của Ấn Độ. Đối với Trung Quốc, Ấn Độ là một mục tiêu lớn đối với năng lực xây dựng dư thừa của nước này. Một nhà bình luận đã tiến xa đến mức khăng khăng rằng Ấn Độ là nước duy nhất có khả năng hấp thu toàn bộ năng lực dư thừa của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có ý định theo đuổi một sự dàn xếp như vậy, thì các phương thức của nước này tỏ ra là lạc hậu. Sự phát triển của Trung Quốc dọc CPEC bất chấp những quan ngại về chủ quyền của Ấn Độ nhầm tưởng về khía cạnh đơn phương trong sự phát triển BRI khiến cho giới lãnh đạo Ấn Độ lo lắng. Những bình luận của Ngoại trưởng Jaishankar từ năm 2015 phản ánh những quan điểm của New Delhi: “Điều chúng tôi quan ngại là đây là một sáng kiến quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc đã nghĩ ra nó, và tạo ra một bản kế hoạch chi tiết. Đó không phải là một sáng kiến quốc tế mà họ thảo luận với thế giới… Một sáng kiến quốc gia được tạo ra với những lợi ích quốc gia, các nước khác không có nghĩa vụ phải mua nó”. 

Hơn nữa, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc giải quyết các tranh chấp với người Bhutan và trên Biển Đông làm tăng thêm nhận thức rằng Trung Quốc không sẵn sàng ưu tiên vấn đề hòa hợp khu vực hơn là các mục tiêu dân tộc chủ nghĩa của họ. Nếu Trung Quốc không sẵn sàng tôn trọng các mối quan ngại về chủ quyền của Ấn Độ và cho thấy một cách tiếp cận đa phương hơn đối với việc lên kế hoạch cho BRI nhằm giảm bớt những mối quan ngại về an ninh của nước láng giềng của họ thì những căng thẳng song phương hiện nay không thể lắng xuống. 

Kết luận 

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một dự án tham vọng có thể làm thay đổi đáng kể những mối liên kết an ninh khu vực và toàn cầu; tuy nhiên, tầm nhìn của Trung Quốc về BRI như một cơ chế để đạt được “sự hợp tác khu vực sâu sắc hơn… mang lại lợi ích cho tất cả các bên” đang gặp nguy hiểm. Bằng việc xử lý mạnh tay các tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc tin vào những người chỉ trích BRI vốn xem nó là một nỗ lực dân tộc chủ nghĩa hơn là một chương trình hợp tác quốc tế. Hơn nữa, việc Trung Quốc thực hiện CPEC đã khiến một đối tác tiềm năng ở Ấn Độ xa lánh. Bị kích động bởi những hoài nghi về các động cơ phía sau của Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với các cường quốc khác nhằm đối trọng với một Trung Quốc đang nổi lên và đã tuyên bố một tầm nhìn cạnh tranh về việc phát triển cơ sở hạ tầng. Các hành động của New Delhi gây lầm tưởng về một xu hướng hướng tới sự phân cực mà có thể tiếp diễn trừ khi Trung Quốc hoặc Ấn Độ thay đổi tiến trình. Những nỗ lực của Ấn Độ nhằm đối trọng với Trung Quốc mang lại cho Mỹ một cơ hội để tiếp tục làm sâu sắc thêm các mối quan hệ an ninh và kinh tế với New Delhi; tuy nhiên, Washington phải bước đi một cách thận trọng để không quân sự hóa chính sách đối ngoại của mình với Trung Quốc. Đổi lại việc ủng hộ các mục tiêu phát triển và an ninh của Ấn Độ, Mỹ có thể có một đối tác mà có thể định hình sự nổi lên của châu Á từ bên trong và thúc đẩy sự trung thành của khu vực với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc của khu vực.

Mitchell J. Hays là thiếu tá phục vụ trong hải quân Mỹ, phi công thực nghiệm và là sinh viên Học viện Hải chiến Mỹ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và được dăng trên The National Interest.

Văn Cường (gt)