2012-10-15_153859.jpg

Đầu tháng 5/2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ủng hộ một kế hoạch đầu tư 7,5 tỷ USD nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 5 năm tới. Kế hoạch có tên "Sáng kiến Ổn định châu Á-Thái Bình Dương" được Thượng nghị sỹ John McCain đề xuất năm nay và được các nghị sỹ Mỹ ủng hộ. Theo ông McCain, Quốc hội Mỹ cần dành một khoản ngân sách tương xứng cho sáng kiến này để tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ và khôi phục vị thế của Mỹ trong khu vực. Số tiền đó sẽ dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung ngân quỹ cho các hoạt động diễn tập quân sự, tái trang bị các trang thiết bị và xây dựng năng lực quân sự cho đồng minh, đối tác của Mỹ. Nếu đề xuất này được chấp thuận, ngân sách quân sự của Mỹ sẽ được bổ sung 1,5 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022.

Dễ dàng hiểu vì sao đề xuất này lại được nhiều người trong giới nghiên cứu chính sách biết đến. Trước lễ nhậm chức, người ta đã lo ngại về sự thiếu ưu tiên của Trump đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cho rằng cam kết của Mỹ với các đồng minh châu Á, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể đàm phán lại, trừ khi các đồng minh này sẵn sàng gánh vác nhiều hơn những gánh nặng tài chính. Những diễn biến sau lễ nhậm chức của ông có vẻ như đã khẳng định điều này. Kể từ khi Trump nhậm chức, các chiến dịch của Mỹ ở châu Á- vốn nằm trong khuôn khổ của chiến lược "tái cân bằng" với châu Á được triển khai dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama - đã gần như biến mất khỏi các tuyên bố của Mỹ. Về mặt kinh tế, Chính quyền Trump đã chính thức rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong bối cảnh có nhiều phản ứng giận dữ sâu sắc đối với chính sách châu Á của Trump thì sáng kiến này mang lại một thông điệp đầy phấn khích rằng Mỹ vẫn dành thời gian và tiền bạc cho khu vực này.

Hai mối bận tâm lớn về an ninh của Mỹ gồm Trung Quốc đang trỗi dậy và chương trình hạt nhân của Triều Tiên là các yếu tố đánh giá hiệu quả của sáng kiến này. Thượng nghị sỹ McCain đã chỉ ra rằng Mỹ cần chấp nhận những thách thức do Trung Quốc mang lại và giải quyết vấn đề lòng tin đối với những cam kết của Mỹ để chống lại những hành vi hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên ngày càng gia tăng cũng khiến cho sáng kiến này trở nên quan trọng và đúng thời điểm hơn.

Mặc dù nhận được phản ứng tích cực từ chính giới và giới học giả Mỹ nhưng sáng kiến này vẫn cần được xem xét xem có phù hợp với chính sách và vị thế quân sự của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương hay không. Đến nay, Chính quyền Trump đã cố gắng tái khẳng định cam kết với đồng minh và khu vực thông qua các chuyến thăm cấp cao, các phát biểu. Cả Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đều đã đến thăm châu Á để chuyển tải thông điệp này.

Phản ứng của Trung Quốc đối với sáng kiến này khá khiêm tốn, có thể do đến nay vẫn chưa rõ làm thế nào để có ngân sách cho sáng kiến này và nó vẫn còn chưa được hiện thực hóa. Quan trọng hơn, Trung Quốc thấy khá tự tin trong tình hình quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. Mặc dù trước và sau khi bắt đầu thời điểm Tổng thống Trump nhậm chức, đã có sự dao động về mối quan hệ Mỹ-Trung nhưng có vẻ như mối quan hệ này đã có bước ngoặt tích cực, đặc biệt sau cuộc gặp tại Mar-a-Lago giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4/2017. Theo đề nghị của Mỹ, Trung Quốc đã gây áp lực nhiều hơn đối với Triều Tiên và hai bên đã đạt được những thỏa thuận thương mại ngay sau cuộc gặp với tốc độ chưa từng có.

Nếu Trung Quốc cho rằng Chính quyền Trump thực sự muốn một mối quan hệ với Bắc Kinh thì Trung Quốc sẽ tin rằng đó là quan hệ phối hợp hơn là đối đầu. Trong trường hợp đó, một đề xuất như "Sáng kiến Ổn định châu Á-Thái Bình Dương" có thể tạo ra sự không thoải mái nhưng sẽ không dẫn tới hậu quả đối với quan hệ song phương Mỹ-Trung. Trung Quốc đã chuẩn bị để nhân nhượng Trump trong một vài vấn đề quan trọng để đổi lại sự phối hợp của Mỹ trên một số vấn đề khác. Ví dụ, Trung Quốc nhận thức rõ khả năng và nhu cầu cần phải có FONOP dưới thời Trump nhưng Bắc Kinh lại tập trung vào việc liệu những hoạt động này sẽ được thực hiện theo cách gây khiêu khích và làm mất mặt Trung Quốc hay không.

Câu hỏi lớn nhất về "Sáng kiến Ổn định châu Á-Thái Bình Dương", thậm chí ở Washington, không phải ở định hướng hay nội dung chi tiết, mà là liệu chi tiêu quân sự nhiều hơn có thể củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á hay không. Mặc dù ngân sách quốc phòng lớn hơn dành cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cần thiết và đáng hoan nghênh nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là những cam kết của Mỹ đối với đồng minh, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, sự tin tưởng của Mỹ đối với hệ thống tự do thương mại trong khu vực và sự quyết đoán trong duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ khi cần thiết.

Người ta vẫn chỉ trích Trump vì sự ngây thơ của ông khi nghĩ rằng các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết được thông qua những giao dịch đơn giản, trong khi thách thức cơ bản mà Trung Quốc đặt ra đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ không thể giải quyết được bằng các thỏa thuận. Nếu vậy, "Sáng kiến Ổn định châu Á-Thái Bình Dương" có thể là bước đi đầu tiên nhằm dẫn dắt chính sách của Mỹ đi đúng hướng.

Tác giả là bà Yun Sun, chuyên gia nghiên cứu về Đông Á thuộc Viện nghiên cứu Stimson. Bài viết đăng trên Tạp chí "China-US Focus".

Hương Trà (gt)