Kế hoạch Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đang thực sự thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, kế hoạch này đang ngày càng trở nên phức tạp và khó hiểu, đặc biệt là đối với những người không tìm hiểu nghiên cứu.

Mới đầu, cái mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập tới là con đường tơ lụa cổ xưa, sau đó là con đường tơ lụa trên biển, và hiện nay chủ yếu nhắc đến “Một vành đai, một con đường”. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra Quỹ con đường tơ lụa và gần đây nhất là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Điều khiến cho sự việc càng trở nên khó hiểu đó là không phải tất cả các kế hoạch con đường tơ lụa mới này đều là của Trung Quốc, một số nước khác cũng từng đề ra các dự án “Con đường tơ lụa” mới của riêng mình.

Tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại một trường đại học của Kazakhstan đã kêu gọi khôi phục lại con đường tơ lụa cổ đại, xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”. Cùng tháng 10 năm đó, khi phát biểu trước Quốc hội Indonesia, ông Tập Cận Bình cũng chủ động đề xuất xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” mới.

Con đường tơ lụa trên bộ cổ xưa có thể bắt đầu xuất hiện từ triều đại nhà Hán vào năm 200 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, Hán Vũ Đế đã phái Trương Khiên đến các thành phố phía Tây, cuộc hành trình bắt đầu từ Trường An, qua Trung Á đến giáp biên giới của Đế chế La Mã. Chuyến đi lịch sử này đã mở ra “Con đường tơ lụa” có ý nghĩa lịch sử, bởi vì các hoạt động thương mại và giao lưu văn hóa sau đó đã phát triển mạnh mẽ theo tuyến đường mà Trương Khiên đã đi qua.

Con đường tơ lụa trên biển thường được mọi người liên tưởng đến chuyến đi của Trịnh Hòa, xuất phát từ bờ biển Trung Quốc qua Biển Đông, đến Ấn Độ Dương, thậm chí xa hơn. Tuy nhiên, trước các chuyến đi của Trịnh Hòa, Trung Quốc cũng đã có các hoạt động hàng hải tấp nập, một số nước Đông Nam Á cũng đã thiết lập quan hệ triều cống với Trung Quốc.

Do tơ lụa có nguồn gốc từ Trung Quốc nên dẫn đến quan niệm sai lầm là tất cả các hoạt động của con đường tơ lụa đều phải bắt đầu từ Trung Quốc. Trong lịch sử, các hoạt động buôn bán quy mô nhỏ giữa các quốc gia Trung Á và các bộ lạc đã tạo thành nhiều "con đường tơ lụa" nhỏ. Trong thực tế, Đế chế Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với một số nước ở Trung Á cũng đã xây dựng mối liên kết thông qua các con đường tơ lụa trên bộ.

Ngày nay, ngoài Trung Quốc thì một số nước nằm ở biên giới giữa hai châu lục Á-Âu cũng đã cho khởi động con đường tơ lụa mới của mình. Trước khi Tập Cận Bình tuyên bố xây dựng con đường tơ lụa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu thực hiện dự án "Con đường tơ lụa" mới của họ để khôi phục mối liên hệ với các nước Trung Á cũ. Trong khi đó, một trong những trọng tâm của Nga đối với con đường tơ lụa mới là kết nối các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á như Kazakhstan và Kyrgyzstan, nhằm thiết lập lại mối quan hệ chính trị và kinh tế với các nước này.

Điều quan trọng nhất là một số nước Trung Á cũng đưa ra các “hoạt động con đường tơ lụa” để tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế lẫn nhau. Có thể nói đơn giản rằng không phải tất cả các hoạt động của các con đường tơ lụa này đều là của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, có một thực tế rằng kế hoạch con đường tơ lụa mới của Trung Quốc có quy mô, phạm vi, chức năng lớn nhất. Sau khi ông Tập Cận Bình đưa ra khái niệm về con đường tơ lụa mới, không lâu sau đó tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Bắc Kinh tháng 11/2014, Trung Quốc đã cho công bố thành lập Quỹ con đường tơ lụa với số vốn lên tới 40 tỷ USD. Tiếp theo rất nhiều cơ quan liên quan của Trung Quốc đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể, và cuối cùng hình thành chiến lược “Một vành đai, một con đường”, mà tâm điểm tập trung vào các hoạt động về con đường tơ lụa chính thức của Trung Quốc hiện nay.

Có thể nói rằng con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển đều là “lộ trình chiến lược mang tính khái niệm” của Trung Quốc trong khu vực và toàn cầu sau này, song “Một vành đai, một con đường” về cơ bản là chiến lược hoán đổi hành động, giống như dự án phát triển quy mô lớn của Ngân hàng Thế giới. Điều quan tâm hơn cả là đánh giá về hạng mục đầu tư, vốn và quản lý rủi ro.

Trên thực tế, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tham gia sâu vào việc đề ra phương án “Một vành đai, một con đường”, cũng như mời hai ngân hàng chính sách của nhà nước Trung Quốc (Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc), Cục Quản lý nhà nước về ngoại hối, Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc và một số doanh nghiệp nhà nước tham gia.

Để thu hút được nhiều tiền hơn, “Một vành đai, một con đường” trong tương lai có thể sẽ bắt tay hợp tác với AIIB. Nó cũng có kế hoạch sẽ hợp tác vốn với Công ty Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới, để có được các khoản vay bổ sung. Cuối cùng, Trung Quốc hiện có một số kế hoạch hỗ trợ kinh tế bên ngoài, ví dụ như Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc-ASEAN (10 tỷ USD), Quỹ cho vay ASEAN (20 tỷ USD) cũng có thể được mang ra sử dụng. Vì vậy, “Một vành đai, một con đường” hiện có được sự hỗ trợ tài chính rất mạnh.

Hầu hết các dự án phát triển trong giai đoạn đầu của kế hoạch “Một vành đai, một con đường” sẽ có xu hướng xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện mạng lưới giao thông cơ bản. Không nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể cung cấp các công nghệ kỹ thuật cần thiết và những kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cơ sở mà họ có được trong quá trình đưa ngành xây dựng đạt tới đẳng cấp thế giới. Trung Quốc cũng có thể cung cấp các máy móc và thiết bị cần thiết, cũng như các sản phẩm bê tông và sắt thép, những thứ đều đang trở nên dư thừa ở Trung Quốc. Xem xét từ góc độ vốn và kỹ thuật, “Một vành đai, một con đường” sẽ là dự án phát triển lớn nhất của các nước đang phát triển.

Khởi động lại vành đai trung tâm Á-Âu

Từ những nỗ lực của Trung Quốc để mở rộng không gian quốc tế, con đường tơ lụa trên biển và trên bộ đều có thể được xem như là mục tiêu chiến lược dài hạn. Song những tính toán ưu tiên cho chiến lược trong ngắn hạn cũng rất rõ ràng: đầu tiên phát triển con đường tơ lụa trên bộ, điều này cho phép Trung Quốc hưởng lợi thế lớn hơn.

Về mặt lịch sử và địa lý, Trung Quốc thực sự là trung tâm của con đường tơ lụa trên bộ. Trong hơn một thế kỷ qua, về cơ bản Trung Quốc là quốc gia lục địa lớn, từng có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó và xử lý mối quan hệ với các nước và bộ lạc ở Trung Á. Ngoại trừ một số khoảng thời gian ngắn, Trung Quốc trong lịch sử chưa bao giờ được xem là một quốc gia hướng ra biển. Có thể nói rằng các chuyến đi ra biển của Trịnh Hòa dường như là một sự ngẫu nhiên.

Ngày nay, không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc quyết tâm xây dựng sức mạnh trên biển cùng với một lực lượng hải quân to lớn. Tuy nhiên, tham vọng này của Trung Quốc cần phải có thời gian, để xây dựng và phát triển tư duy cơ bản về biển cần phải mất nhiều thời gian nữa. Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đang tồn tại những căng thẳng do liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, điều này khiến cho con đường tơ lụa trên biển gặp phải rất nhiều trở ngại.

Như vậy, có thể dự báo rằng kế hoạch “Một vành đai, một con đường” trong khoảng thời gian tương đối dài hiện nay chủ yếu sẽ chỉ tập trung vào các lĩnh vực có liên quan đến con đường tơ lụa trên bộ. Trong thực tế, hạng mục lớn đầu tiên của dự án “Một vành đai, một con đường” chính là việc khởi động hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan hồi tháng 4 vừa qua, trong đó Trung Quốc cung cấp vốn 45 tỷ USD cho Pakistan để xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản của nước này.

Hơn một thế kỷ trước, nhà địa lý học nổi tiếng người Anh Halford Mackinder trong cuốn tài liệu “The Pivot Geographical of History” đã đưa ra học thuyết “Heartland Theory” (tạm dịch: Học thuyết Vùng đất Trung tâm) bao gồm Trung Á và các nước khác nằm trên biên giới giữa hai châu lục rộng lớn Á-Âu. Đối với ông Mackinder, vành đai trung tâm Á-Âu là “đảo thế giới”, mà “ai khống chế được đảo thế giới này sẽ là người thống trị thế giới”.

Tuy nhiên, đối với các cường quốc như Anh, Mỹ vốn có ưu thế về hải quân, lý thuyết này không phải là quá quan trọng. Họ sử dụng hải quân hùng mạnh để chinh phục thế giới. Có thể lý giải rằng nếu xem xét địa chính trị trong thế kỷ 21, lý thuyết cũ này càng không có ý nghĩa. Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi chính trị, vấn đề về địa lý luôn không thay đổi. Trung Quốc (và cả Nga) vẫn là trung tâm của khu vực Á-Âu. Về mặt chiến lược, do nguyên nhân an ninh (khủng bố) và kinh tế (dầu khí), “vùng đất trung tâm” này ngày càng trở nên quan trọng đối với Trung Quốc. Do đó, càng chú trọng đến các nước đang phát triển ở Trung Á chính là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Trung Á là khu vực kéo dài từ Biển Caspian ở phía Tây đến Tân Cương, Trung Quốc từ phía Đông; phía Bắc là Nga; phía Nam là Iran, Afghanistan và Trung Quốc. Khu vực này có năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, cụ thể là Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan. Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, các nước này đã trải qua những thay đổi to lớn về chính trị và kinh tế. 

Trong những năm gần đây, giá dầu quốc tế tăng vọt, do đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên để đưa nền kinh tế của họ đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, ngoài Kazakhstan và Turkmenistan, nền kinh tế của ba nước còn lại vẫn còn khá lạc hậu.

Tất cả các nước này phải đối mặt với hai vấn đề phát triển chủ yếu. Thứ nhất, về mặt địa lý, họ là nền kinh tế đóng, hoàn toàn nằm trong lục địa, cách xa biển và các tuyến đường thương mại quốc tế lớn. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế của họ quá phụ thuộc vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt được coi là "nguồn thu nhập không cần lao động”, vì vậy họ dễ mắc phải "căn bệnh Hà Lan" (hiện tượng do một lĩnh vực phát triển quá thịnh vượng khiến các lĩnh vực khác không có cơ hội phát triển - ND). Hơn nữa, trong thời gian dài, quá phụ thuộc vào xuất khẩu các sản phẩm thô sơ là không có lợi cho công nghiệp hóa.

Do đó, kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc có thể giúp các nước Trung Á này phá vỡ những trở ngại ngăn cản sự phát triển của họ. Tất cả các kế hoạch về con đường tơ lụa, cả cũ và mới, đều tập trung vào tạo ra “sự liên kết trao đổi lẫn nhau”. “Một vành đai, một con đường” có thể cung cấp nguồn vốn và kỹ thuật quan trọng cho các nước này, giúp họ xây dựng hệ thống giao thông cơ bản phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế lâu dài. Như vậy, kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc ở Trung Á cuối cùng có thể trở thành chiếc “cầu nối kinh tế” lớn liên kết giữa Trung Á và Đông Á. Có thể nói đây là một kết quả cùng thắng đối với cả hai khu vực. Một Trung Á với nền tảng là tài nguyên thiên nhiên và một Đông Á (bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản) có thể phát huy vai trò bổ trợ ngang nhau.

Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á. Bài viết được đăng trên Liên Hợp Buổi sáng.

Hoàng Lan (gt)