Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã và đang tiếp tục bành trướng trên biển thông qua sức mạnh quân sự và không ngừng dấy lên những hành động khiêu khích đối với các nước láng giềng, do đó gây ra cảm giác lo lắng. Trước diễn biến này, Sách Trắng Quốc phòng tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia khác có liên quan. Đặc biệt là, những động thái đe dọa gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Đông được coi là nguyên nhân chủ yếu gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Nhật Bản và điều đó được phản ánh trong Sách Trắng Quốc phòng năm nay.

Vào tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông bao trùm cả Senkaku, quần đảo không có người ở do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền, nơi mà họ gọi là Điếu Ngư. Sách Trắng cho rằng điều đó là nguy hiểm, bổ sung thêm rằng động thái này của Trung Quốc có thể dẫn đến “những hậu quả không lường trước được” và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự. Có thể hiểu được khi Nhật Bản quan ngại rằng ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo Senkaku, “cứ như thể chúng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”, và chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả thích đáng khi cần thiết.

Sách Trắng nhận thấy rằng Bắc Kinh “đã vi phạm một cách không thể chối cãi được nguyên tắc tự do bay trong không phận phía trên các vùng biển khơi” bởi vì các máy bay nước ngoài khi đi qua khu vực này buộc phải tuân thủ các quy tắc của Bắc Kinh và phải tự khai báo. Quả thực, các hành động của Trung Quốc đang gây bất ổn tới môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản. Sách Trắng bày tỏ mối quan ngại rằng những hành động bành trướng nhanh chóng trên biển và trên không của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột không mong muốn.

Sự quyết đoán của Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền trên biển là trái ngược với trật tự hiện tại của luật pháp quốc tế. Vào tháng 5-6/2014, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay sát các máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản một cách bất thường trong khu vực mà ADIZ của Nhật Bản và Trung Quốc chồng lấn với nhau. Các máy bay thuộc Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đã xác nhận lần đầu tiên một máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc vào tháng 7/2013 và các máy bay ném bom của nước này trong tháng 9/2013 đã bay qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyakojima và qua Thái Bình Dương. Theo Sách Trắng, Lực lượng phòng vệ trên không đã cho các máy bay chiến đấu cất cánh 810 lần trong năm tài chính 2013 nhằm ứng phó với hành động đang gia tăng của quân đội Nga và Trung Quốc, và với mối đe dọa xâm nhập không phận Nhật Bản, kể cả việc triển khai máy bay của họ. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1989, các máy bay của Lực lượng phòng vệ trên không cất cánh hơn 800 lần. Gần 95% các trường hợp cất cánh này là nhằm ứng phó với các máy bay của Trung Quốc và Nga.

Đưa ra lưu ý một cách lo ngại, Sách Trắng nhận thấy rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên bốn lần trong thập kỷ trước, đạt 808,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12.900 tỷ yên) cho năm tài chính 2014, tăng 12% so với năm trước đó, trong khi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản ở mức 4.780 tỷ yên trong năm tài chính 2014, tăng từ mức 4.680 tỷ yên năm tài chính trước đó. Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa trang thiết bị theo giả định về các cuộc xung đột quân sự trên biển. Trung Quốc được cho rằng sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên được sản xuất trong nước vào đầu những năm 2020 và tăng cường một cách đáng kể hạm đội tàu chiến hạng nhẹ mới của nước này. Đây đều là những điều khiến Nhật Bản lo lắng.

Ngoài hành vi quyết đoán của Trung Quốc, các hành động của Triều Tiên cũng gây lo lắng. Trong đầu năm 2014, Bình Nhưỡng đã phóng thành công các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Mức độ tự tin của nước này cũng đã gia tăng đáng kể sau “màn trình diễn” các tên lửa, với chủng loại cũng đa dạng. Do đó, Sách Trắng đã dấy lên mối quan ngại rằng Triều Tiên có thể thực hiện nhiều hành động khiêu khích quân sự hơn nữa, xuất phát từ sự tự tin quá mức và nhận thức sai lầm về sức mạnh quân sự của mình, do đó làm cho tình hình trở nên trầm trọng thêm và tạo ra một tình huống hỗn loạn. Sự tự tin của nước này về sức mạnh răn đe của mình sẽ được củng cố hơn nữa nếu nó thành công trong việc phát triển các đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ, và từ đó đẩy mạnh các hành động khiêu khích quân sự. Lần đầu tiên, Sách Trắng đề cập tới những sự cố trong “khu vực chưa phân rõ trắng đen”. Nó định nghĩa những tình huống trong khu vực chưa phân rõ trắng đen mà cả Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản lẫn cảnh sát không thể xử lý một cách thích đáng mặc dù những tình huống như vậy chưa đạt tới mức một cuộc chiến tranh toàn lực. Những sự cố trong khu vực chưa phân rõ trắng đen đề cập tới những sự xâm phạm không liên quan đến việc sử dụng vũ lực. Đây rõ ràng là đề cập tới Trung Quốc khi nước này nhiều lần âm mưu làm thay đổi trật tự hiện tại với ý định đạt được các lợi ích kinh tế, với những mầm mống tiềm tàng châm ngòi cho các sự cố trong khu vực chưa phân rõ trắng đen.

Các tình huống trong khu vực chưa phân rõ trắng đen bao gồm một loạt các sự kiện không bình thường nhưng cũng không phải là một tình huống khẩn cấp về quân sự. Sách Trắng lo ngại rằng những tình huống trong khu vực chưa phân rõ trắng đen như vậy có khả năng sẽ gia tăng trong tương lai. Đề cập đến quyết định của chính phủ vào ngày 1/7 về việc diễn giải lại Hiến pháp cho phép nước này thực thi có giới hạn quyền phòng vệ tập thể, Sách Trắng gọi điều đó là “mang tính lịch sử” vì động thái của Chính quyền Abe là nhằm tăng cường hơn nữa hòa bình và an ninh của Nhật Bản.

Mặc dù Sách Trắng xác định rõ Trung Quốc là mối quan ngại then chốt bởi những hành động “nguy hiểm” trên biển và trên không của nước này khi nước này tìm cách áp dụng quyền kiểm soát các vùng biển xung quanh Nhật Bản và những nơi khác trong khu vực, nó cũng liệt kê Triều Tiên và Nga vào danh sách vì góp phần làm cho môi trường an ninh của khu vực “ngày càng trở nên nghiêm trọng”. Bên cạnh việc cảnh báo rằng tên lửa và các chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một nhân tố gây bất ổn nghiêm trọng, Sách Trắng cũng lưu ý rằng Nhật Bản đang “để mắt” đến sự can dự của Nga ở Ukraine. Theo Nhật Bản, Nga cũng đang cho thấy các dấu hiệu của việc mở rộng các hoạt động quân sự của mình trong những tháng gần đây và tiến hành các hoạt động tác chiến quy mô lớn cùng với lực lượng hải quân và không quân trong khu vực.

Mặc dù các báo cáo quốc phòng hàng năm của Nhật Bản trong những năm gần đây đã trở thành phương tiện thông thường để Tokyo lên tiếng về các mối quan ngại an ninh của nước này, nhưng phần nói về quân đội Trung Quốc lại chiếm một phần lớn hơn đáng kể bởi vì điều mà Tokyo nói là sự xâm nhập gia tăng của Trung Quốc vào vùng lãnh thổ Nhật Bản ở cả trên không và trên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận xét: “Báo cáo này chỉ đang tìm cách tuyên bố những sự thật về các hành động của Trung Quốc và rằng Nhật Bản không phải là nước duy nhất quan ngại về việc đơn phương thiết lập một vùng Nhận dạng phòng không. Mỹ và cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại”. Bản báo cáo cảnh báo Trung Quốc về những nỗ lực của nước này nhằm làm thay đổi nguyên trạng, và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ những chuẩn mực quốc tế.

Sách Trắng cũng kêu gọi quân đội Trung Quốc minh bạch hơn, cả về vũ khí lẫn và các ý định của nó trong khu vực, vì Nhật Bản lo ngại rằng các nước láng giềng có xu hướng tăng cường vũ trang và hiện đại hóa để đáp lại những nhận thức của họ về mối đe dọa từ Trung Quốc.

Đặt tên cho 5 hòn đảo nhỏ gần Senkaku

Trước khi ban hành Sách Trắng ngày 5/8 vừa qua, vào ngày 1/8, Nhật Bản đã đặt tên cho 5 hòn đảo nhỏ gần quần đảo tranh chấp Senkaku. Điều này lập tức gây ra sự phản đối từ phía Bắc Kinh. Cơ quan chỉ huy Chính sách Biển trong Văn phòng Nội các tuyên bố rằng 158 đảo không có người ở nằm gần rìa ngoài các vùng lãnh thổ biển của Nhật Bản đều đã được đặt tên mới và sẽ xuất hiện trong các bản đồ chính thức. Vì phần lớn các tên mới đều là những tên phổ biến vốn đã được người dân địa phương sử dụng, nên 5 hòn đảo gần Senkaku được đặt những cái tên thiết thực. Ba hòn đảo nhỏ ở vùng lân cận Kubashima được đặt tên là Higashi-Kojima (hòn đảo nhỏ phía Đông), Nanto-Kojima (hòn đảo nhỏ phía Đông Nam) và Seihokusei-Kojima (hòn đảo nhỏ phía Tây-Tây Bắc). Hai hòn đảo gần Minami-Kojima được đặt tên là Nanto-Kojima (hòn đảo nhỏ phía Đông Nam và Nansei-Kojima (hòn đảo nhỏ phía Tây Nam).

Điều không rõ ràng là ai thực sự sở hữu những hòn đảo này. Để cho chính xác thì các vùng lãnh thổ biển được xác định là khu vực 12 hải lý (khoảng 22 km) tính từ đất liền, trong khi đó vùng Đặc quyền kinh tế của một quốc gia được xác định là khu vực 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ đất liền. Theo văn kiện chính sách này, Tokyo sẽ san bớt gánh nặng về nơi đóng quân cho phần lớn các lực lượng của Mỹ ở Nhật Bản sang cho tỉnh đảo Okinawa ở miền Nam Nhật Bản. Nhật Bản ngày càng tập trung vào việc bảo vệ các hòn đảo xa xôi, đặc biệt là quần đảo không người ở Senkaku. Nước này có kế hoạch bố trí một đơn vị giám sát bờ biển trên hòn đảo Yonaguni nằm ở cực Tây của nước này và thành lập một lực lượng đổ bộ tương tự như Lính thủy đánh bộ của Mỹ. Những động thái này đã khiến Trung Quốc lo lắng.

Phản ứng của Trung Quốc

Như thường lệ, phản ứng từ Bắc Kinh là theo cách đã được tiên liệu. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhanh chóng buộc tội Nhật Bản chủ tâm thổi phồng mối đe dọa mà quân đội Trung Quốc gây ra nhằm điều chỉnh lại các chính sách quân sự và an ninh của nước này. Các nhà phân tích an ninh người Trung Quốc coi bản báo cáo này là một dấu hiệu khác cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm biến Nhật Bản trở thành một cường quốc quân sự khu vực.

Việc Nhật Bản đặt tên cho 5 hòn đảo nhỏ đã làm mếch lòng Trung Quốc. Tờ Nhân dân Nhật Báo lên án động thái này của Nhật Bản, nói rằng với tư cách là một nước ngoài, Nhật Bản không có quyền “đặt tên” cho những hòn đảo nhỏ vốn là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, và bất kỳ động thái đơn phương nào của Tokyo cũng không bao giờ có thể thay đổi được chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo này. Tờ báo nói thêm rằng động thái đơn phương đặt tên cho 5 hòn đảo nhỏ này của Nhật Bản là bất hợp pháp và không có giá trị cả về mặt thực tế lịch sử lẫn luật pháp quốc tế.

Theo Trung Quốc, ghi chép lịch sử trước đây về các tên Đảo Điếu Ngư, Đảo Xích Vĩ và các nơi khác có thể được tìm thấy trong cuốn sách Hàng hải “Thuận Phong Tương Tống” được xuất bản năm 1403 (năm đầu tiên trong triều đại Hoàng đế Vĩnh Lạc thời nhà Minh). Trung Quốc tuyên bố rằng nước này đã phát hiện và đặt tên đảo Điếu Ngư vào thế kỷ 14 và 15. Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản đã “cướp” quần đảo Điếu Ngư năm 1895 trong cuộc chiến với Trung Quốc và sau đó buộc triều đình nhà Thanh ký kết Hiệp ước Shimonoseki bất bình đẳng và nhượng lại cho Nhật Bản đảo Đài Loan, cũng như quần đảo Điếu Ngư và tất các các đảo khác có liên quan hoặc thuộc về Đài Loan. Trung Quốc quả quyết rằng Tuyên bố Cairo ngày 1/12/1943 do Trung Quốc, Mỹ và Anh đưa ra, đã tuyên bố bằng những lời lẽ rõ ràng rằng “tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm lấy từ Trung Quốc, chẳng hạn như Mãn Châu, Formosa (Đài Loan), và Pescadores” phải được trao trả lại cho Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc lập luận rằng theo luật pháp quốc tế, đảo Điếu Ngư và các hòn đảo có liên kết với nó đã được trả lại cho Trung Quốc kể từ khi đó. Nước này lặp lại thêm nữa lập trường của mình bằng cách lập luận rằng Điều 8 của Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945 tái xác nhận rằng “các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực thi”. 

Khi Nhật Bản có hành động đơn phương “mua” và “quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thì Trung Quốc coi động thái này của Nhật Bản là một nỗ lực nhằm hợp pháp hóa hành động “ăn cướp” của nước này vi phạm trắng trợn cả Tuyên bố Cairo lẫn Tuyên bố Potsdam. Nhìn từ quan điểm tương tự, việc Nhật Bản đặt tên cho 5 hòn đảo nhỏ cho đến nay vẫn bị Bắc Kinh coi là một nỗ lực khác nhằm phá vỡ trật tự thế giới được thiết lập bởi pháp luật quốc tế, và “thể hiện thái độ không ăn năn hối lỗi của Tokyo đối với các vấn đề lịch sử”.

Phản ứng của Hàn Quốc

Trung Quốc không phải là nước duy nhất dấy lên mối quan ngại về Nhật Bản trong khu vực và các tuyên bố lãnh thổ của nước này. Ngay sau khi Sách Trắng Quốc phòng được công bố, Hàn Quốc đã triệu tập tùy viên quân sự Nhật Bản tại Seoul và cảnh báo trước việc đề cập đến Takeshima/Dokdo là một phần lãnh thổ Nhật Bản. Nhật Bản gọi quần đảo Dokdo do Hàn Quốc quản lý là Takeshima, mà một cuộc tranh chấp về nó vẫn còn tồn tại giữa hai nước này.

Nga

Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ từ lâu với Nga về quần đảo do Nga nắm giữ Kurile nằm ngoài khơi Hokkaido, được biết đến là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Cho đến nay vẫn chưa có sự khai thông nào. Abe đang có bước đi thận trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin và đang bị buộc phải đạt được sự cân bằng giữa hành động phối hợp với Mỹ và châu Âu về cuộc khủng hoảng Ukraine, và duy trì mối quan hệ cá nhân với Putin với hy vọng đi đến một sự khai thông về vấn đề tranh chấp đảo này.

Tuy nhiên, điều này không ngăn được việc Nhật Bản chỉ trích Nga sáp nhập Crimea vì điều đó phá hoại chủ quyền và lãnh thổ của Ukraine, ngoài việc vi phạm luật pháp quốc tế ra. Nhật Bản có mối lo ngại chính đáng rằng nỗ lực như vậy của Nga nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực sẽ gây ra thách thức toàn cầu vì chúng có tác động trở lại châu Á và các khu vực khác.

Kết luận

Trong khi Trung Quốc tự do diễn giải chính sách của Nhật Bản theo cách mà họ thích, thì điều này rõ ràng không phải là như vậy trong mắt của một nhà quan sát trung lập. Điều không may là các mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng một cách nghiêm trọng kể từ sau khi Abe trở lại cầm quyền vào tháng 12/2012. Bóng tối của lịch sử, di sản về sự xâm lược trong thời chiến của Nhật Bản, các cuộc viếng thăm đền Yasukuni của các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản, vấn đề “phụ nữ bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục”, và tranh chấp về một nhóm đảo trên biển Hoa Đông tiếp tục khiến cho các mối quan hệ trở nên gay gắt.

Không dưới một lần, Abe đã bày tỏ mong muốn được gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Người ta tin rằng ông đã gửi một lời nhắn cá nhân tới cho ông Tập, nói rằng hai nhà lãnh đạo cần phải gặp gỡ để khôi phục các mối quan hệ song phương. Với những ý định chân thành nhằm cải thiện các mối quan hệ với Trung Quốc, Abe đã truyền tải thông điệp này thông qua cựu Thủ tướng Yasuo Fukuda, người có cuộc gặp bí mật với Tập Cận Bình vào cuối tháng Bảy vừa qua với tư cách là chủ tịch của Diễn đàn châu Á Bác Ngao mang tính phi chính phủ. Điều vẫn chưa rõ ràng là liệu ông Tập Cận Bình có đồng ý gặp ông Abe theo đề xuất của Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Bắc Kinh vào tháng 11 này hay không.

Trong khi ở Brazil, Abe đã nhấn mạnh rằng đối thoại giữa Nhật Bản và Trung Quốc là cần thiết để giải quyết những sự khác biệt giữa hai nước. Người ta cũng có thể nhận thấy sự chân thành của Abe về một cuộc gặp thượng đỉnh sớm với Tập Cận Bình từ cuộc gặp gỡ hồi tháng 5/2014 của Masahiko Komura, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, với Trương Đức Giang, đứng thứ ba trong Thường vụ Bộ Chính trị quyền lực gồm 7 ủy viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó Komura đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cuộc gặp thượng đỉnh.

Do cả hai nước có xung đột với nhau về lãnh thổ và các quan điểm về lịch sử, Trung Quốc nói rằng sẽ không có cuộc gặp hội nghị thượng đỉnh song phương nào nếu Nhật Bản không thừa nhận tranh chấp lãnh thổ về nhóm đảo Senkaku ở biển Hoa Đông và ông Abe hứa không tới thăm ngôi đền có liên quan tới chiến tranh Yasukuni ở Tokyo. Nhật Bản nhấn mạnh rằng hai nhà lãnh đạo cần phải gặp gỡ mà không cần có các điều kiện tiên quyết. Với việc cả hai bên đều khăng khăng lập trường của mình, một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh ngay cả vào tháng 11 dường như cũng không có khả năng. Vì những lợi ích lớn hơn của hòa bình trong khu vực, điều đáng mong ước là cả hai bên đều cho thấy sự linh hoạt nào đó với một tinh thần thỏa hiệp và cố gắng tìm ra một con đường trung gian mà cũng có thể thuyết phục người dân hai nước.

Mối nguy hiểm thực sự là cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều coi nhau và buộc tội lẫn nhau là có dính líu đến các hành động khiêu khích quân sự “chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng”. Một báo cáo gần đây về sức mạnh quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố lưu ý rằng Trung Quốc đã đặt trọng tâm căn bản của mình vào việc đạt được khả năng chiến đấu và giành chiến thắng để chuẩn bị cho “các cuộc xung đột khu vực tiềm tàng, bao gồm cả những cuộc xung đột có liên quan tới Đài Loan… [và] bảo vệ các tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Theo như kế hoạch, Trung Quốc được cho rằng sẽ chế tạo các tàu tấn công đổ bộ vào khoảng năm 2020. Với sức mạnh này, Trung Quốc sẽ có khả năng tấn công và chiếm các hòn đảo xa xôi hẻo lánh. Việc chế tạo những con tàu như vậy là nguyên nhân khiến Nhật Bản và các quốc gia láng giềng khác thấy quan ngại. Các sáng kiến an ninh mới do Chính quyền Abe khởi xướng có thể được nhìn nhận từ bối cảnh này.

Với việc không có bên nào sẵn sàng nhượng bộ một bước, tình huống này có thể gây ra một cuộc xung đột khu vực lớn. Thậm chí một động thái ngẫu nhiên hoặc vô tình của mỗi bên cũng có thể dẫn tới một sự leo thang đáng kể, lôi kéo các cường quốc khác tham gia tiến trình này. Nếu cả Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục đưa ra những tuyên bố riêng của họ dựa trên lịch sử và theo cách thức mà họ diễn giải, thì việc sửa lại những sai lầm lịch sử dường như là không thể tưởng tượng được. Cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp là tìm đến sự phân xử của trọng tài quốc tế./.

Theo “Ipris

Nhật Linh (gt)