Với quyết tâm khôi phục vị thế cường quốc của Nga trên thế giới, Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định triển khai quân tới Syria để hậu thuẫn chính quyền Assad.

Bên lề các cuộc họp hồi tháng 9 vừa qua tại New York của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Nga đã tiến hành một cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama để tạo cái cớ rằng chính quyền Moskva đang gánh vác trách nhiệm chặn đứng sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Trên thực tế, bên cạnh các cơ sở của IS, chiến dịch không kích mà Nga tiến hành tại Syria còn nhằm vào lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn đang chiến đấu chống lại chính quyền Assad. Về cơ bản, Syria đã trở thành một cuộc chiến “mượn tay người” cực kỳ đẫm máu trong lòng Trung Đông, với một bên là Nga, Iraq, Iran, lực lượng Hezbollah và phía bên kia chiến tuyến là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi cùng Ai Cập. Cuộc chiến này đã kéo theo không ít xung đột, tranh cãi và là nguyên nhân sâu xa gây ra làn sóng di cư ồ ạt tới châu Âu. Những hành động của ông Putin kéo theo rất nhiều rủi ro và Nga, xét từ tình hình thực tế, khó có thể trụ vững nếu tiếp tục sa lầy vào một cuộc chiến khốc liệt.

Tổng thống Nga Putin đang tìm cách tái định hình bức tranh Trung Đông bằng cách can thiệp quân sự. Những hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự và chiến dịch không kích phủ đầu mà Moskva tiến hành tại Syria đã đánh dấu sự quay trở lại của Nga trong vai trò một nhân tố chiến lược, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Yom Kippur 1973 khi các nước Arập cùng chống lại Israel.

Có thể nói Tổng thống Nga Putin là nhân vật gây nhiều chú ý nhất tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua. Ông đã buộc người đồng cấp Mỹ Barack Obama phải tham dự cuộc họp song phương về vấn đề Syria và Ukraine, ngầm “chế nhạo” các nỗ lực kéo dài suốt 18 tháng qua của Mỹ nhằm cô lập Moskva về mặt chính trị. Đối lập với những dự đoán trước đó, ông Putin đã không hề bị giới truyền thông chỉ trích gay gắt về cách hành xử tại Ukraine. Trên thực tế, cho dù có nhiều người gọi ông là “quỷ dữ”, song các nhà bình luận phương Tây vẫn cho rằng ông dường như là người quyết định sự ổn định ở Trung Đông và hòa bình cho Ukraine. Nói ngắn gọn, Nga là một nhân tố quan trọng và điều này phụ thuộc vào chính ông Putin.

Điều đáng chú ý là Nga hiện đang đi đầu trong các sáng kiến tại Syria. Mục tiêu trước mắt mà Moskva nhắm tới là củng cố sức mạnh cho chính quyền Assad, chế độ mà ông Putin coi là bức tường thành chống lại các lực lượng cực đoan – và rõ ràng ông đã đúng khi người có thể thay thế ông Assad ở thời điểm này sẽ chỉ là những nhân vật cực đoan. Ông Putin đã xây dựng một liên minh với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Iran, Iraq và lực lượng Hezbollah tại Liban để tiến hành chiến dịch không kích đầu tiên nhằm vào quân nổi dậy chống chính quyền Assad – lực lượng mà Moskva coi là những kẻ khủng bố và không thể là đối tác trong các cuộc chuyển giao quyền lực chính trị. Nga cũng nhằm vào các cơ sở của IS tại Iraq và Syria song với cường độ tấn công thấp hơn.

Nga nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh nhịp độ các cuộc tấn công trong thời gian tới để chặn đứng mối đe dọa từ IS. Trên thực tế, hiện đã có hơn 2.000 công dân Nga gia nhập lực lượng IS tại Syria, và những kẻ ủng hộ IS đang sinh sống trên khắp cả nước Nga. Các nhóm khủng bố tại phía Bắc Caucasus tuyên bố trung thành với IS, để đổi lại việc được lực lượng này coi khu vực này là một “awilayat”, nghĩa là một tỉnh của “caliphate” - Vương quốc Hồi giáo do chúng tự dựng lên. Bên cạnh đó, IS còn vươn tới tận cả các quốc gia Trung Á theo đạo Hồi giáp khu vực phía Nam nước Nga.

Những gì Nga làm không đơn giản chỉ liên quan tới Assad và IS, mà quan trọng hơn, còn nhằm tái định hình bối cảnh địa chính trị Trung Đông. Những hoạt động quân sự rõ ràng là để duy trì và củng cố tầm ảnh hưởng của Nga tại phía Đông Địa Trung Hải, nơi có căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân mới tại Latakia. Điều này cũng sẽ đảm bảo cho Nga có được một chỗ trong cuộc đàm phán về tương lai địa chính trị ở Trung Đông.

Cùng lúc, sự hiện diện quân sự có phần chủ động của Moskva dường như đang làm lu mờ ảnh hưởng của Washington. Tổng thống Putin đã có những tuyên bố mạnh mẽ tại Liên hợp quốc với lời kêu gọi thành lập “một liên minh chống khủng bố quốc tế hiệu quả”, đồng thời chỉ trích nhiều hành động trong những năm gần đây của Mỹ, điều mà ông cho là chỉ góp phần kích động sự trỗi dậy của những tổ chức cực đoan như IS. Hơn thế nữa, sự ủng hộ của ông Putin giành cho đồng minh Assad là điều khó có thể phủ nhận và lãng quên, nhất là trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Đông không khỏi hoài nghi về các cam kết đảm bảo an ninh mà Mỹ đưa ra sau khi hậu thuẫn các cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo độc tài của Ai Cập Hosni Murbarak - đồng thời cũng từng là một đồng minh của Mỹ; rút dần khỏi Iraq; và tiến hành một chiến dịch không kích IS kém hiệu quả cho tới nay. Các đối tác và đồng minh chủ chốt trong khu vực của Mỹ - như Ai Cập, Israel, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ - giờ đây sẽ phải điều chỉnh và có các đối sách phù hợp trước bối cảnh mà Nga đang định hình. Hàng loạt hoạt động ngoại giao diễn ra liên tục trong các tuần gần đây phản ánh rằng Moskva đang rất tích cực vươn tới tất cả những nước này và tìm cách qua mặt Mỹ.

Tuy nhiên, sự cương quyết của Tổng thống Putin cũng đi kèm với không ít nguy cơ. Sự ủng hộ của dư luận trong nước không hề bền vững, bất chấp những nỗ lực định hướng dư luận của điện Kremlin. Người Nga có thể muốn quốc gia mình có một vị thế vững mạnh trên trường quốc tế song một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 2/3 số người được hỏi phản đối triển khai bộ binh tới Syria để hỗ trợ ông Assad. Điện Kremlin cũng đã loại trừ khả năng này ở thời điểm hiện tại, song kết quả thăm dò nói trên cho thấy những giới hạn đối với Moskva khi theo đuổi các mục tiêu của mình, nhất là nếu phản ứng trái chiều của dư luận mạnh mẽ hơn những gì được dự đoán.

Hơn thế nữa, chưa có gì đảm bảo sự can thiệp về mặt quân sự có thể đem lại chiến thắng như mong muốn. Chiến dịch này – tương tự mọi chiến dịch quân sự khác – phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là các cuộc tranh cãi của người dân về tính chính đáng của nó. Các tranh cãi sẽ càng gay gắt khi Nga phải dồn lực quá nhiều cho lĩnh vực quân sự, trong khi nền kinh tế trì trệ, và đất nước phải đối mặt với những vấn trong cuộc chiến tại Ukraine, mâu thuẫn với các nước NATO, yêu cầu tăng cường hiện diện tại Bắc Cực hay thậm chí là các nguy cơ khủng bố từ Trung Á. Đây hoàn toàn không phải là những viễn cảnh xa vời.

Nguy hiểm hơn, ông Putin lại không phải là người có thể kiểm soát tất cả các diễn biến hiện nay. Rõ ràng, ông đã lôi nước Nga vào một cuộc xung đột nghiêm trọng chưa có hồi kết.

Nguy cơ chiến tranh lan rộng hoặc Nga sa lầy đang ngày càng hiện hữu. Nếu chiến dịch quân sự của Nga tại Syria thiếu hiệu quả, Israel, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ có cớ để làm bẽ mặt Moskva và liên minh của người Shi’ite, tăng cường hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống Assad hoặc nguy hiểm hơn là có những hành động quân sự cứng rắn, như thiết lập vùng cấm bay, các hành lang nhân đạo và tị nạn ở bên trong Syria. Bên cạnh đó, nguy cơ va chạm giữa các lực lượng cùng tham chiến là điều hoàn toàn có thể, và nếu các bên không thể dàn xếp một cách hiệu quả, xung đột chắc chắn sẽ nổ ra và kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Thomas Graham, chuyên gia về Nga và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các Vấn đề Toàn cầu Jackson thuộc Đại học Yale. Bài viết được đăng trên Yale Global Online.

Trần Quang (gt)