Tập Cận Bình nói về một “giải pháp Trung Quốc” mà không làm rõ ý nghĩa của nó. 

Khi Donald Trump chuẩn bị chào đón Tập Cận Bình trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai ông vào ngày 6/4, cả hai nước đang đánh giá lại vị trí của họ trên thế giới. Họ đang nhìn về những hướng trái ngược nhau: Mỹ rút khỏi việc phải gánh vác trách nhiệm toàn cầu, còn Trung Quốc hướng tới nó. Và họ đang xác định lại vị thế của mình theo những cách rất khác nhau. Giống như thỏ, Chính quyền Trump đang vội vã chuyển từ chính sách này sang chính sách khác, đôi khi mâu thuẫn với chính mình và sẵn sàng công kích bất kì đối thủ nào họ nhìn thấy. Trung Quốc, giống như rùa, vươn đầu thận trọng ra khỏi mai, đi những bước chậm chạp, chịu khó. Nhà văn Aesop biết cuộc đấu này có thể kết thúc như thế nào. 

Nguyên tắc chính sách đối ngoại chỉ đạo của Trung Quốc từng là lời nhắc nhở của Đặng Tiểu Bình năm 1992 rằng nước này nên "giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu... và tạo sự khác biệt". Điều này đã thay đổi đôi chút vào năm 2010 khi các quan chức bắt đầu nói Trung Quốc nên "tích cực" tạo sự khác biệt. Nó đã thay đổi hơn nữa vào tháng 1/2017 khi ông Tập Cận Bình tới Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, và phát biểu với cử tọa rằng Trung Quốc nên "dẫn dắt toàn cầu hóa kinh tế". Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đồn rằng bản nháp đầu tiên bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tập trung vào nền kinh tế trong nước, một chủ đề không gây tranh cãi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường thích nói đến khi ở nước ngoài. Ông Tập Cận Bình được cho là đã không chấp nhận bản này, và đưa các cố vấn nước ngoài vào để viết một bài phát biểu khác nhấn mạnh hơn lập trường của Trung Quốc về thế giới. Bất kể câu chuyện này có thật hay không, bài phát biểu đó vẫn có tinh thần chung và chủ đề mang tính toàn cầu đầy ấn tượng. 

Một ngày sau, ông Tập Cận Bình tỏ rõ ông muốn nhắm tới ai. Tại Liên hợp quốc ở Geneva, ông nói về một "nước bá quyền áp đặt ý muốn của mình lên người khác" và cảnh báo Mỹ về một cái "bẫy Thucydides" - thảm họa đã xảy đến với Hy Lạp cổ đại khi thế lực đương quyền Sparta không thể đáp ứng được thế lực đang lên Athens. Hồi tháng 2/2017, ông Tập Cận Bình phát biểu trước một hội nghị về an ninh ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc nên "dẫn dắt xã hội quốc tế" đến một "trật tự thế giới mới công bằng và hợp lý hơn". Trước đó ông mới chỉ dám nói rằng Trung Quốc nên đóng một vai trò xây dựng một thế giới như vậy. 

Sự đồng thuận của anh là vô nghĩa 

Đã có lúc Mỹ hối thúc Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chơi toàn cầu của mình. Năm 2005, Thứ tưởng Ngoại giao Mỹ khi đó là Robert Zoellick đã hối thúc Trung Quốc trở thành một "bên tham gia có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế. Nhưng hầu như đã không có gì xảy ra. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ở Trung Quốc và phương Tây người ta đã thảo luận sôi nổi về một "mô hình Trung Quốc" hoặc "đồng thuận Bắc Kinh". Đây được cho là một giải pháp thay thế cho cái gọi là đồng thuận Washington, một đơn thuốc cho các chính sách kinh tế thị trường tự do cho các nước đang phát triển. Nhưng những người quảng bá mô hình Trung Quốc không nói rằng nó nên được các nước khác áp dụng, họ chỉ nói việc các nước bác bỏ cái họ coi là một đồng thuận Washington “phù hợp cho tất cả” là điều đúng đắn. Liệu lần này có gì phức tạp hơn thế? Liệu Trung Quốc có đang thách thức Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu? 

Để trả lời, cần bắt đầu với cách thức hoạt động của hệ thống chính trị Trung Quốc. Các chính sách hiếm khi xuất hiện dưới dạng đầy đủ trong một bài phát biểu của chủ tịch. Các quan chức thường thích gửi đi những tín hiệu tế nhị về những thay đổi dự định sẵn, theo một cách giúp chính phủ có không gian để thoái lui nếu đường hướng mới thất bại. Các tín hiệu này được khuếch đại bởi những tín hiệu tương tự ở cấp dưới của hệ thống và được bổ sung bằng các thảo luận có kiểm soát trên truyền thông nhà nước. Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, tất cả điều đó đang xảy ra. 

Không lâu sau bình luận của ông Tập Cận Bình ở Davos và Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đọc "báo cáo công tác" hàng năm của ông - một kiểu bài phát biểu thông điệp quốc gia. Nó có một đoạn dài bất thường về chính sách đối ngoại và đề cập tới toàn cầu hoặc toàn cầu hóa đến 13 lần. Năm trước, chỉ có 5 lần chúng được nhắc đến. 

Như một thói quen, truyền thông nhà nước đã chắt lọc tư duy mới này thành những cách nói dễ nhớ bằng số. Họ gọi những phát biểu của ông Tập Cận Bình về toàn cầu hóa và một trật tự thế giới mới một cách đầy nhiệt tình là "hai đường lối chỉ đạo". Và họ đã bắt đầu thảo luận yếu tố của một ý tưởng mà, không giống với ý tưởng cũ về một mô hình Trung Quốc, nước này muốn quảng cáo cho các nước khác. Đây là cái gọi là "giải pháp Trung Quốc". Cụm từ này lần đầu tiên được đề cập vào tháng 7/2016, trong dịp kỉ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài phát biểu kỉ niệm của ông Tập Cận Bình khẳng định rằng người Trung Quốc "hoàn toàn tự tin rằng họ có thể đem lại một giải pháp Trung Quốc cho công cuộc tìm kiếm những thể chế xã hội tốt đẹp hơn của loài người". Thuật ngữ này đã trở nên nổi tiếng. Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc, đếm được 22 triệu lần tìm kiếm cụm từ này bằng tiếng Trung: phương án Trung Quốc. 

Chưa ai định nghĩa được giải pháp Trung Quốc là gì. Nhưng bất kể nó có nghĩa gì, luôn có một điều gì đó. Tăng cường sự quản lý toàn cầu? Hồi tháng 3 theo tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính của đảng, có một giải pháp Trung Quốc cho việc đó. Biến đổi khí hậu? Trong một tờ báo khác, tờ Nam phương đô thị, đặc phái viên về khí hậu của chính phủ Giới Chấn Hoa nói: "Bước tiếp theo là chúng ta phải đưa ra giải pháp của riêng Trung Quốc". Theo một bài viết trên Học tập thời báo, một tuần báo cho các quan chức, hồi tháng 1, thậm chí có cả một giải pháp Trung Quốc cho vấn đề củng cố pháp quyền. Các khoản đầu tư nhiều tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở Trung Á là giải pháp của Trung Quốc cho đói nghèo và bất ổn tại đó. Và còn nhiều hơn nữa. Không giống mô hình Trung Quốc, điều những người thúc đẩy nó nói rằng được nhằm tới các nước đang phát triển, theo chuyên gia David Kelly thuộc nhà tư vấn China Policy, giải pháp Trung Quốc dành cho tất cả mọi người - kể cả các nước phương Tây. 

Điều này đánh dấu một sự thay đổi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ ca ngợi mô hình Trung Quốc; người hâm mộ nó chủ yếu là các học giả Trung Quốc và những người ủng hộ nước này ở phương Tây. (Từ lâu trước khi thuật ngữ này trở nên thời thượng, Đặng Tiểu Bình đã khuyên Tổng thống Ghana: "Đừng theo đuổi mô hình Trung Quốc".) Phần lớn các quan chức thận trọng với nó vì thuật ngữ này có thể được hiểu là Trung Quốc đặt ra luật cho các nước khác, mâu thuẫn với chính sách của nước này là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Ngược lại, chính ông Tập Cận Bình là người đã khởi đầu ý tưởng giải pháp Trung Quốc. Thủ tướng của ông đã đưa nó vào báo cáo công tác của mình. Trung Quốc giờ đây dường như thoải mái hơn khi ra lệnh cho nước khác. 

Điều này phản ánh không chỉ quyết tâm của ban lãnh đạo đóng một vai trò lớn hơn, mà cả một sự tự tin đang gia tăng rằng Trung Quốc có thể làm được. Sự tự tin của Trung Quốc đã được củng cố bởi cái nước này coi là những thành công chính sách đối ngoại gần đây. Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng thuyết phục Philippine, nước khởi kiện, ngầm từ bỏ chiến thắng pháp lý của mình, lảng tránh mối quan hệ từng gần gũi với Mỹ và ký kết một thỏa thuận chấp nhận rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc. Ngay sau đó Malaysia, một quốc gia khác cho đến nay vẫn nghiêng về phía Mỹ với các tuyên bố chủ quyền trên biển chồng lấn với các tuyên bố của Trung Quốc, cũng đạt được một thỏa thuận tương tự. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận rằng bất chấp phán quyết của tòa, 2016 là một năm tốt đối với họ trong vấn đề Biển Đông.

Cái chắc chắn là đáng chú ý đối với chính sách đối ngoại tham vọng nhất của Tập Cận Bình được gọi là “Sáng kiến Một vành đai, một con đường”. Kế hoạch này bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng dọc theo Con đường Tơ lụa cổ xưa giữa Trung Quốc và châu Âu. Giá trị của những hợp đồng được ký kết theo kế hoạch này đã lên tới gần 1 nghìn tỷ USD trong năm ngoái – không hề tệ đối với một dự án mới chỉ được khởi động năm 2013. Xuất khẩu của Trung Quốc tới khoảng 60 quốc gia trong sáng kiến này đã vượt qua xuất khẩu của nước này sang Mỹ và Liên minh châu Âu. Vào tháng 5/2017, Tập Cận Bình theo kế hoạch sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lớn gồm nhiều quốc gia để chào mừng và quảng bá một dự án mà một ngày nào đó có thể cạnh tranh với thương mại xuyên Đại Tây Dương về tầm quan trọng. 

Nhưng lời nói về việc “dẫn đường cho toàn cầu hóa” và một “giải pháp Trung Quốc” không có nghĩa là Trung Quốc đang quay lưng lại với trật tự toàn cầu hiện nay hay thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với trật tự toàn cầu trên mọi khía cạnh. Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, muốn mở rộng ảnh hưởng bên trong hệ thống. Nước này không phải là một cường quốc nổi loạn có xu hướng đạp đổ mọi thứ, cũng không phải là một nước tiếm quyền, có ý đồ giành quyền kiểm soát toàn cầu. 

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ 3 cho ngân sách của Liên hợp quốc sau Mỹ và Nhật Bản, và là bên đóng góp lớn thứ 2 sau Mỹ cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất – nước này có thành tích trên mức trung bình trong việc tuân thủ các quyết định của G20. Mới đây, Trung Quốc đã tăng cường các cam kết đa phương của mình. Năm 2015, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được chấp thuận trở thành 1 trong 5 đồng tiền dự trữ của IMF. Nước này đã thành lập 2 thể chế tài chính, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát triển mới, bắt chước mô hình của các thể chế truyền thống như Ngân hàng Thế giới. Các quy định toàn cầu về thương mại và tài chính dường như quá quan trọng tới mức Tập Cận Bình không thể không bảo vệ. 

Trung Quốc đang trở thành một bên tham gia chủ động hơn trong Liên hợp quốc, nhưng nước này không cố gắng thống trị cơ quan này. Nước này phản ứng, hơn là khởi xướng, chính sách trừng phạt đối với Triều Tiên. Và bất chấp các chiến dịch chống khủng bố toàn diện ở trong nước, Trung Quốc tỏ ra rất ít quan tâm tới việc tham gia, chứ chưa nói tới lãnh đạo, các chiến dịch chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Có những sự kiềm chế ở trong nước đối với các tham vọng của Tập Cận Bình. Bộ máy quan liêu khổng lồ của Trung Quốc đang kháng cự trước thay đổi trong chính sách đối ngoại, như trong mọi lĩnh vực khác. Trong một chuyến thăm gần đây tới Úc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng Trung Quốc “không có ý định lãnh đạo bất cứ ai”. Lời nói của ông không mâu thuẫn với lời nói của Tập Cận Bình, nhưng ông cũng không lặp lại mong muốn của chủ tịch Trung Quốc về việc dẫn dắt một trật tự thế giới mới. Đinh Nhất Phàm thuộc Viện nghiên cứu Phát triển thế giới, một tổ chức nghiên cứu chiến lược tại Bắc Kinh, cũng tỏ ra thận trọng tương tự về giải pháp Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi không có những ý tưởng phổ quát. Chúng tôi không tham vọng đến thế”. 

Toàn cầu hóa với đặc trưng Trung Quốc 

Vậy sự quyết đoán mới và khiêm tốn của Trung Quốc có thể có ý nghĩa gì trên thực tế? Một khuôn mẫu có thể được tìm thấy trong chính sách về biến đổi khí hậu. Trung Quốc từng là một trong các rào cản chính đối với một thỏa thuận khí hậu toàn cầu năm 2008, nhưng giờ đây lời nói của nước này là ngôn ngữ chung cho ngoại giao liên quan tới khí hậu. Nhiều phần trong thỏa thuận về khí thải carbon giữa Tập Cận Bình và Barack Obama đã được đưa hàng loạt vào hiệp ước khí hậu Paris năm 2016. Trung Quốc đã giúp xác định cách thức hiệp định đó định nghĩa cái được biết đến là “các trách nhiệm chung và khác biệt”, cụ thể là mỗi quốc gia nên có trách nhiệm ở mức nào đối với việc cắt giảm khí thải. 

Với tư cách chủ tịch G20 năm ngoái, Tập Cận Bình đã đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành một ưu tiên cho nhóm. Nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc vào thời điểm đó được củng cố bởi hiệp định của nước này với Mỹ. Giờ đây, Trump đang bắt đầu phá bỏ các chính sách khí hậu của người tiền nhiệm. Li Shou thuộc tổ chức Hòa bình xanh nói rằng Trung Quốc vì vậy đang chuẩn bị để hành động một mình, trong khi Giới Chấn Hoa, đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc, đã nói vào tháng 1 rằng nước này đã chuẩn bị để làm vậy. Có thể một “giải pháp Trung Quốc” cho biến đổi khí hậu sẽ là sự áp dụng trên thực tế đầu tiên của thuật ngữ này. 

Ngay sau bài diễn văn của Tập Cận Bình tại Davos, Trương Quân, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, đã xác định vị trí đang thay đổi của Trung Quốc trên thế giới. Ông nói với một tờ báo tại Hong Kong: “Tôi sẽ nói rằng không phải Trung Quốc đang vội vã lao tới tuyến đầu, mà là những nước đi đầu đã lùi lại, để lại vị trí cho Trung Quốc. Nhưng các quan chức có ít mối e ngại hơn Đặng Tiểu Bình về việc ở tuyến đầu. Ông nói tiếp: “Nếu Trung Quốc được yêu cầu đóng vai trò lãnh đạo, nước này sẽ đảm nhận các trách nhiệm của mình”.

Theo The Economist

Trần Quang (gt)