Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam ngay lập tức đã phản đối việc thông qua Luật Đường cơ sở mới của Philipin – đây chính là một trong những nhân tố trong khu vực làm gia tăng một cách đột ngột các căng thẳng an ninh tại Biển Đông. Những nhân tố đó bao gồm bất đồng giữa Trung Quốc - Việt Nam tại đảo Tam Sa  hồi tháng 12 năm 2007[4]; tranh chấp giữa Trung Quốc – Philipin về Dự án thăm dò địa chất hải dương chung JMSU đầu năm 2008[5], việc phát hiện ra căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc tại đảo Hải Nam giữa năm 2008[6] và vụ đụng độ trên biển giữa tàu khảo sát Impeccable của Mỹ và 5 tàu lớn của Trung Quốc tại đảo Hải Nam hồi tháng 3/2009[7].

 

Theo tác giả của bài tham luận này, những căng thẳng an ninh liên quan tới các đảo có tranh chấp ở quần đảo đã gia tăng trong vòng hai năm qua, mặc dù Tuyên bố Ứng xử của các bên tại khu vực Biển Đông (DOC) đã được thông qua năm 2002. Trong khi căng thẳng tại Biển Đông có chiều hướng dịu đi trong và sau khi ký kết DOC[8], những nhân tố gây bất ổn an ninh tăng lên, khi các bên đưa ra yêu sách tiếp tục tăng cường cơ sở dân sự và quân sự tại các vùng đảo lớn, đảo nhỏ, bãi đá ngầm và bãi đá ngầm chiếm đóng. Đài Loan thậm chí đã phản đối việc ký kết DOC vì DOC chỉ bao gồm Brunei, Trung Quốc, Malaixia, Philipin và Việt Nam. Người ta tin rằng việc loại Đài Loan ra khỏi DOC đã khiến cho tuyên bố này không hiệu quả trong việc giải quyết căng thẳng tại Biển Đông.

 

Mặc dù DOC tạm thời xoa dịu căng thẳng trên biển Đông khi Tuyên bố ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển nhưng tính chất “không ràng buộc” đã khiến DOC trở nên mong manh và kém hiệu quả. Chính vì thế, các tranh chấp tại Biển Đông tiếp tục là nguyên nhân chủ đạo gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh biển tại Châu Á. Trong những năm gần đây, sự lớn mạnh của lực lượng hải quân Trung Quốc càng khoét sâu thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh biển trong khu vực, từ đó khiến các bên ra yêu sách khác nâng cấp cơ sở hải quân và hiện đại hoá tiềm lực quân sự. Thế tiến thoái lưỡng nan của an ninh tại biển Đông làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang tại quần đảo Trường Sa - một điều mà các bên ra yêu sách và các bên trung gian đều muốn tránh.

 

II.               Tăng cường chiếm đóng thực tế tại quần đảo Trường Sa

 

Biển Đông bao gồm có hai chuỗi đảo lớn: Trường Sa và Hoàng Sa. Hoàng Sa hiện đang ở diện tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong khi Trường Sa là đối tượng tranh chấp toàn bộ hoặc một phần của các nước như Brunei, Trung Quốc, Malaixia, Đài Loan và Việt Nam. Bài tham luận này tập trung chủ yếu vào tranh chấp tại quần đảo Trường Sa.

 

Theo nghiên cứu tại chỗ kéo dài 10 ngày (từ 6 – 15/5/2009[9]) của tác giả ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Philipin chiếm đóng, tất cả các bên ra yêu sách liên quan trong tranh chấp, ngoại trừ Brunei, hiện đang tăng cường chiếm đóng hữu hiệu ở các khu vực mà các bên coi là lãnh thổ của mình tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc, Malaixia, Philipin, Đài Loan và Việt Nam đã và đang tăng cường một cách nghiêm túc sự hiện diện vật chất tại Biển Đông kể từ khi thông qua DOC.

 

Những bằng chứng về hình ảnh cho thấy các bên đã tham gia vào nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự và dân sự tại các đảo, đảo nhỏ, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm mà các bên chiếm đóng, với ý định chiến lược là chứng minh phương thức chiếm cứ trên thực tế của họ tại các khu vực này, từ đó củng cố được yêu sách chủ quyền của các bên. Việc chứng minh quyền sở hữu tại các khu vực đó có tác động to lớn tới việc xác định đường cơ sở và tới việc quản lý cũng như là khai thác đặc quyền các nguồn tài nguyên biển giàu có tại Biển Đông.

 

Hình 1 cho thấy các yêu sách chồng lấn tại khu vực Biển Đông như chúng ta đã biết. Trong khi đó, hình 2 cho thấy các đường cơ sở chồng lấn của các bên ra yêu sách. Hình 3 minh hoạ những hoạt động đánh cá chồng lấn trên toàn khu vực bởi tranh chấp đường cơ sở giữa các bên đưa ra yêu sách tại Biển Đông vẫn chưa được giải quyết.

 

Các hoạt động đánh cá tại Biển Đông từ lâu đã là nguồn gốc chính gây căng thẳng giữa các bên đưa ra yêu sách vì các bên cáo buộc nhau đã tiến hành các hoạt động đánh cá và săn bắt bất hợp pháp tại những khu vực mà các bên coi là nội thuỷ của mình. Để chứng minh cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nơi đã chiếm đóng, các bên yêu sách thậm chí còn gọi các cơ sở xây dựng đó là “nơi ẩn náu của ngư dân”. Một số bên thậm chí đã dựng một số cột đèn và đài quan sát tại các điểm đang bị chiếm đóng nhằm mục đích hỗ trợ giao thông đường biển. Chúng ta đã biết rằng tại Biển Đông giao thông hàng hải tấp nập và đây là một trong những đường vận tải biển lớn nhất trên thế giới. Hình thứ 4 miêu tả số lượng lớn các tàu và tàu tiếp dầu đi qua Biển Đông (chiếm hơn 50% hoạt động vận tải biển hàng năm toàn thế giới).


Hình  1: Các yêu sách chồng lấn tại Biển Đông

 

 

Nguồn: Ban Quản lý thông tin Năng lượng, 2009


Hình 2: Các đường cơ sở chồng lấn tại Biển Đông

 

 

 

Hình 3: Các hoạt động đánh cá chồng lấn tại Biển Đông

 

 

Nguồn: Hải quân Philipin 2009

 

Hình 4: Hoạt động vận tải tại Biển Đông

 

 

Nguồn: Chương trình quản lý nước tại khu đá ballast toàn cầu, 2005

 

Vì Biển Đông có giá trị chiến lược và kinh tế, nên tất cả các bên yêu sách (ngoại trừ Brunei) đã đầu tư nguồn lực tại các lãnh thổ mà họ chiếm đóng, nhằm duy trì và củng cố sự hiện diện về mặt vật chất và chứng minh việc chiếm đóng hữu hiệu của họ. Hình 5 miêu tả số lượng lãnh thổ do các bên yêu sách chiếm đóng và số lượng quân đội của các bên đã được thống kê. Kể từ năm 2002, các bên đã tham gia vào rất nhiều các hoạt động xây dựng nhằm mục đích thúc đẩy và tăng cường hiện diện về mặt quân sự và dân sự tại các khu vực chiếm đóng.

 

Hình 5: Các khu vực hiện nay đang bị chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa và số lượng thống kê về quân đội

CÁC BÊN RA YÊU SÁCH

CÁC ĐẢO HIỆN ĐANG BỊ CHIẾM ĐÓNG

SỐ LƯỢNG QUÂN ĐƯỢC TRIỂN KHAI TẠI CÁC ĐIỂM CHIẾM ĐÓNG

Việt Nam

21

900-1000

Trung Quốc

7

900-1000

Đài Loan

1

500-600

Malaixia

5

230-330

Philipin

9

60-70

Brunây

0

0

Nguồn: Viện Nghiên cứu Hoà bình, Xung đột và Khủng bố Philipin, Trung tâm Nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia Philipin, 2009

 

1.                 Việt Nam

 

Hiện nay Việt Nam đang chiếm đóng 21 đảo, bãi đá ngầm và đảo chìm tại Trường Sa. Việt Nam có các công trình xây dựng lớn tại khu vực quần đảo Trường Sa. Đảo lớn nhất  do phía Việt Nam chiếm đóng- là đảo Trường Sa (Philipin còn gọi là đảo Lagos) được xây dựng vững chắc nhất với một đường băng, một cầu tàu, ít nhất là 35 công trình nhà cửa, khoảng 20 két dự trữ, ít nhất là 20 ụ súng ít nhất là 5 xe tăng chiến đấu, nhiều ăng-ten dạng chảo parabol và 1 trạm rađa. Tháng 4 năm 2009, lực lượng giám sát không quân Philipin đã phát hiện ra một toà nhà hai tầng mới được xây dựng tại đảo Trường Sa với 12 cột đèn mới và 12 cối xay gió. Hình 6 cho thấy tình trạng hiện tại của đảo Trường Sa, theo quan sát giống như một cộng đồng nhỏ ở giữa đại dương bao la.


Hình 6: Đảo Trường Sa (Philipin gọi là đảo Lagos)

 

 

Nguồn: Lực lượng không quân Philipin, 2009

 

Bên cạnh đảo Trường Sa, Việt Nam cũng duy trì công trình tại đảo Song Tử Tây (Philipin gọi là đảo Pugad), cách hòn đảo do phía Philipin chiếm đóng là Song Tử Đông, phía Philipin còn gọi là đảo Parola) chưa tới 2 hải lý. Đảo Song Tử Tây hiện có một vài ụ súng, lỗ châu mai, nhiều nhà dân, doanh trại quân đội, các ăng-ten dạng chảo parabol, boong-ke bê tông, một ngọn hải đăng, một sân bóng đá, sân bay dành cho trực thăng, và vài cột đèn. Tháng 4 năm 2009, lực lượng Không quân Philipin phát hiện ra một tàu tiếp tế tại khu vực lân cận của đảo Song Tử Tây mang theo các cột đèn mới, một ăng-ten lưỡng cực và một phương tiện băng thông rộng. Đảo Song Tử Tây cũng có một phá hiện đang trong tình trạng tốt dành cho các khách du lịch. Các vùng nước lân cận của đảo Song Tử Tây cũng thuận lợi cho hình thức lặn có bình khí và một số môn thể thao dưới nước khác.


Hình 7: Đảo Song Tử Tây (Philipin gọi là đảo Pugad)

 

 

Nguồn: Lực lượng Không quân Philipin, 2009

 

Một số cơ sở khác của Việt Nam tại ít nhất 14 bãi đá do Việt Nam chiếm đóng đáp ứng được các tiêu chuẩn trong xây dựng. Thật vậy, tại các bãi đá ngầm như Đá Nam, Đô Thị, Đá Lớn, Cô Lin, Phan Vinh (hay tên cũ là Hòn Sập, Hòa Sập), Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa Đông (hay Đảo Đá Giữa), Đá Đông, Núi Le, Tiên Nữ, Tốc Tan và Thuyền Chài, người ta quan sát có những kiến trúc tương tự nhau, nổi bật là tòa nhà  xây bằng bêtông cao ba tầng quét sơn vàng có gắn hải đăng và có bố trí các ụ pháo hai bên, một cầu tàu dạng chữ T, các pin mặt trời, nhiều ăng-ten dạng chảo parabol và nhiều mảnhvườn. Hình 8 cho thấy đảo Đô Thị, nơi có những công trình kiến trúc giống như các công trình khác do Việt Nam xây dựng ở các đảo đá khác đã được đề cập phía trên.


Hình 8: Đảo Đô Thị (Việt Nam)

 

 

 

 

Nguồn: Phi đội chiến thuật hỗn hợp số 570, Lực lượng Hải quân Philipin, 2009

 

2.                 Philipin

 

Philipin xếp thứ hai về số lượng điểm chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa. Hiện nay, nước này kiểm soát 9 cơ sở trực thuộc về Tỉnh đảo Trường Sa (Philipin gọi là Tỉnh Kalayaan). Đảo lớn nhất mà Philipin chiếm đóng hiện nay là đảo Thị Tứ (phía Philipin gọi là Đảo Pag-Asa) – là đảo gần nhất với bãi đá Su-bi do Trung Quốc chiếm giữ. Đảo Thị Tứ hiện đang có một đường băng đang xuống cấp, hiện đường bay này do Phi đội chiến thuật hỗn hợp số 570 của Philipin duy trì. Tại đó còn có một biệt đội hải quân do Lực lượng hải quân phía Tây của Quân đội Philipin quản lý. Đảo Thị Tứ hiện cũng có một tòa thị chính (Phía Philipin gọi là Tòa thị chính Kalayaan), có một thôn (phía Philipin gọi là Barangay Pag-Asa), một trạm cảnh sát do Lực lượng cảnh sát quốc gia Philipin (PNP) quản lý, các công trình thể thao, tháp quan sát, trạm phát sóng điện thoại di động và một số nhà dân và nhiều doanh trại quân đội.

 

Đảo Thị Tứ là đảo duy nhất mà Philipin chiếm đóng có dân cư sinh sống. Có ít nhất là 5 hộ gia đình định cư tại đảo. Đảo là thủ phủ của Tỉnh Kalayaan thành lập theo Sắc lệnh Tổng thống số 1596 do Tổng thống Ferdinand Marcos ban hành ngày 11 tháng 6 năm 1978. Các cử tri đăng ký tại Tỉnh Kalayaan đã bỏ phiếu tại đảo Thị Tứ trong suốt các cuộc bầu cử ở cấp địa phương cũng như ớ cấp trung ương. Ủy ban bầu cử (COMELEC) hiện duy trì một văn phòng tại đảo Thị Tứ. Thị trưởng tỉnh Kalayaan mới công bố Kế hoạch phát triển trung hạn Trường Sa (Kalayaan) 2006-2010 nhằm mục đích dân sự hóa việc quản lý quần đảo Trường Sa (mà Philipin gọi là KIG, nhóm đảo Kalayaan). Hình dưới cho thấy hiện trạng của đảo Thị Tứ (Pag Asa).

 

Hình 9: Đảo Thị Tứ (Philipin gọi là đảo Pag-Asa)

Nguồn: Phi đội Chiến thuật hỗn hợp số 570, Lực lượng Không quân Philipin, 2009

 

Hiện nay, Philipin cũng duy trì cơ sở dành cho biệt đội hải quân lâm thời tại 5 đảo khác, một bãi đá ngầm và một bãi cát ngầm khác. Các cơ sở của Philipin tại Bãi Đá Công Đo (hay còn gọi là Rizal hoăc Commodore) chủ yếu làm bằng chất liệu gỗ và hai công trình bê tông hình lục giác một tầng do 4 quân nhân của Hải quân Philipin. Philipin hiện vẫn duy trì một biệt đội hải quân tại Bãi Cỏ Mây, được thành lập từ trên tàu đổ bộ LST – 57 đã hỏng. Bãi Cỏ Mây là khu vực chiếm đóng của Philipin có vị trí gần nhất với đảo Vành Khăn do phía Trung Quốc chiếm đóng.

 

Hình 10: Công trình xây dựng tại Đảo Đá Công Đo (Philipin gọi là Đảo Rizal, hiện do Philipin chiếm đóng)

 


 

 Nguồn: Phi đội chiến thuật hỗn hợp số 570, Lực lượng Hải quân Philipin, 2009


Hình 11: Tàu đổ bộ LST 57 đóng tại Bãi Cỏ Mây (Philipin gọi là Bãi Ayunging)

 

 

Nguồn: Lực lượng Hải quân phía Tây, Hải quân Philippin, 2009

 

3.                 Trung Quốc

 

Mặc dù Trung Quốc không chiếm đóng bất cứ một đảo nào tại Trường Sa nhưng nước này lại có những cơ sở vững chắc tại 7 bãi đá ngầm và bãi cát ngầm với sân bay trực thăng bằng bêtông và các công trình quân sự. Căn cứ được biết tới rộng rãi nhất là bãi đá Vành Khăn. Hiện nay, tại bãi đá Vành Khăn, có một tòa nhà ba tầng bằng bêtông và 5 công trình mười cạnh khác ở khu vực lân cận. Tòa nhà ba tầng có một sân bóng rổ, một chảo ăng-ten lưỡng cực có dạng parabol, đèn dò tìm, pin mặt trời và một trạm rađa. Tháng 4 năm 2009, Không quân Philipin đã phát hiện ra ba tàu hải quân lớn tại khu vực lân cận của bãi đá Vành Khăn, đó là: các tàu thăm dò Fulin, Shijian và Yannan. Ngoài ra, không quân Philipin cũng phát hiện ra ba tàu đánh cá tại đá Vành Khăn.


Hình  12: Bãi đá Vành Khăn

 

 

Nguồn: Sở chỉ huy phía Tây, Quân đội Philipin, 2009

 

Hiện nay, Trung Quốc có một sân bay dành cho trực thăng lớn  tại bãi đá Gạc Ma. Bãi đá này hiện có một công trình bêtông ba tầng được trang bị vũ khí với hệ thống súng máy siêu hiện đại và súng hải quân. Bãi đá Gạc Ma có các cơ sở xây dựng giống như tại đá Ken nan và đá Gaven. Tháng 4 năm 2009, Không quân Philipin phát hiện, tại Bãi Đá Gạc Ma, tàu chiến Huainan Jiangwei với thân tàu 560. Người ta cho rằng chiến hạm này được trang bị tối tân với tên lửa đất đối đất, tên lửa đất đối không, súng 100 ly, súng 32 ly, thiết bị chống tàu ngầm và Trực thăng Harbin Z9A Dauphin. Hình 13 minh họa cơ sở xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma.


Hình 13: Bãi đá Gạc Ma (hiện đang do Trung Quốc chiếm đóng)

 

 

Nguồn: Sở chỉ huy phía Tây, Quân đội Philipin, 2009

 

4.                 Malaixia

 

Hiện nay Malaixia chiếm đóng 5 điểm tại quần đảo Trường Sa, có các cơ sở đều đang trong tình trạng tốt tại khu vực Đá Hoa Lau. Bãi đá này có một trung tâm lặn mang tên là “Layang-Layang”. Bãi đá Hoa Lau có một khách sạn dạng resort, bể bơi, cối xay gió, ăng-ten truyền thông, tháp điều khiển liên lạc, nhà dân, doanh trại quân đội và một sân bay trực thăng.

 

Malaixia cũng có một cơ sở kiên cố tại bãi đá Kiệu Ngựa với một sân bay trực thăng tối tân, một sân chơi cầu mây, các ụ pháo, một tháp điều khiển. Các cơ sở tại đá Kiệu Ngựa gần giống như các cơ sở mà Malaixia triển khai tại các bãi đá như En ca, Kỳ Vân và bãi cát ngầm Én ca. Hiện Malaixia cũng đang duy trì một cột tháp chiếu sáng tượng trưng tại bãi đá ngầm Louisa.


Hình  14: Đá Hoa Lau (do Malaixia chiếm đóng)

 

 

Nguồn: Bộ tư lệnh phía Tây, Quân đội Philipin, 2009


Hình  15: Đá Kiệu Ngựa (hiện do Malaixia chiếm đóng)

 

 

Nguồn: Bộ tư lệnh phía Tây, Quân đội Philipin, 2009

 

5.                 Đài Loan

 

Hiện tại, Đài Loan chỉ chiếm đóng một đảo duy nhất là đảo Ba Bình. Đây là đảo lớn nhất và được gia cố vững chắc nhất trong số các hòn đảo chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa. Tại đây có 50 công trình được sử dụng với mục đích dân sự và quân sự. Đảo Ba Bình có một sân bay tối tân và một đường bay dài do Tổng thống Trần Thủy Biển khánh thành vào tháng 3/2008. Toàn bộ hòn đảo được nằm dưới sự bảo vệ của 500 quân lính được trang bị 20 khẩu pháo dọc bờ biển, 20 ụ pháo và các tháp liên lạc. Cũng giống như các đảo bị chiếm đóng khác tại quần đảo Trường Sa, đảo Ba Bình cũng có các ăng-ten dạng chảo parabol, rađa, pin mặt trời và các boong-ke bê tông. Đảo Ba Bình cũng có trường bắn và các khu vực dành cho thể thao. Tháng 4 năm 2009, nhóm khảo sát trên không của Không quân Philipin phát hiện ra đảo Ba Bình có thêm một tòa nhà ba tầng mới, một đường vào mới và một trường bắn mới. Hình 14 cho thấy hiện trạng cơ sở tại đảo Ba Bình.

 

Hình 16: Đảo Ba Bình (Đài Loan chiếm đóng)

 

 

Nguồn: Bộ tư lệnh phía Tây, Quân đội Philipin, 2009

 

Tóm lại, Trung Quốc, Malaixia, Đài Loan và Việt Nam đã đầu tư các nguồn lực để xây dựng cơ sở ngày càng vững chắc và kiên cố hơn tại những khu  vực mà các bên chiếm đóng. Các cơ sở do Philipin xây dựng tại 9 điểm chiếm đóng vẫn còn khiêm tốn và đang trong giai đoạn xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng. Tuy nhiên, Philipin lại chiếm đóng được nhiều đảo nhất (Loại Ta, Vĩnh Viễn, Thị Tứ, Song Tử Tây, Song Tử Đông). Hiện nay,  các đảo này vẫn chưa có hoạt động của con người và rất thích hợp cho người dân an cư lạc nghiệp  nếu nơi đây được chú trọng phát triển. Tất cả khu vực mà Trung Quốc chiếm đóng hầu hết là các bãi đá ngầm nhưng đều có các công trình bêtông gia cố vững chãi. Phần lớn các khu vực mà phía Việt Nam chiếm đóng cũng là bãi đá ngầm. Nhưng giống như Trung Quốc, các bãi đá ngầm đều có các tòa nhà ba tầng vững chắc. Mặc dù Đài Loan chỉ chiếm đóng một hòn đảo nhưng đây lại là đảo lớn nhất tại khu vực Trường Sa. Malaixia không chiếm đóng bất cứ đảo nào giống như Trung Quốc. Nhưng tất cả các bãi đá ngầm do Malaixia chiếm đóng lại nằm trong khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên khổng lồ. Tuy nhiên, bãi đá Hoa Lau (Malaixia gọi là Layang-layang) lại là bãi đá phát triển nhất tại quần đảo Trường Sa nhờ các hoạt động du lịch.

 

Hình 17: Các mỏ dầu và khí tự nhiên tại Biển Đông

 

 

Nguồn: “Các nguồn dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông”, tại trang web: http://community.middlebury.edu/~scs/maps/EEZ%20Claims,%20Oil%20and%20Gas%20Resources.jpg

 

III.           Kết luận

Dựa vào các bằng chứng hình ảnh mà tác giả thu thập từ các nguồn tài liệu công khai chính thức lẫn không chính thức, tất cả các bên ra yêu sách, trừ Brunây, đã và đang củng cố sự hiện diện về mặt dân sự và quân sự tại quần đảo Trường Sa nhằm chứng minh cho những yêu sách lãnh thổ do các bên đưa ra. 

Mặc dù dường như hiện nay xung đột đang xuống thang tại Biển Đông với việc thông qua DOC năm 2002, những căng thẳng an ninh mới lại vừa xuất hiện cuối năm 2007, điều này cho thấy những hạn chế của DOC trong việc dàn xếp các tranh chấp lãnh thổ và tiếp tục duy trì thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh trên biển tại một trong những vùng biển của Châu Á Thái Bình Dương.

 

Chắc chắn, các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông tiếp tục là nhân tố gây bất ổn định cho an ninh của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chính vì thế, cần phải tăng cường tính minh bạch và thúc đẩy việc xây dựng lòng tin giữa các bên ra yêu sách và các bên hòa giải trung gian trong tranh chấp nhằm vượt qua một cách hiệu quả thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh tại Biển Đông và đồng thời quyết tâm thành lập một cơ chế quản lý mang tính hợp tác vốn rất cần thiết cho hòa  bình và an ninh khu vực./.

Rommel C. Banlaoi[10], Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu về Hòa bình, Xung đột và Khủng bố Phi-lip-pin (PIPVTR), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo và An ninh quốc gia (CINSS), Phi-lip-pin


 
Download bản PDF

 



[1] Bài tham luận này được sử dụng tại Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật Gia Việt Nam tại Hà Nội đồng tổ chức vào ngày 27 tháng 11 năm 2009. Phiên bản trước có tên “Những căng thẳng mới tại Biển Đông: quan điểm của Philipin” đã được giới thiệu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapo vào ngày 4 tháng 11 năm 2009. Một phiên bản khác mang tên “Bất đồng về đường cơ sở và thế tiến thoái lưỡng nan an ninh biển tại Biển Đông” đã được giới thiệu tại Viện Phân tích Quốc phòng của Hàn Quốc vào ngày 29 tháng 10 năm 2009. Tất cả các bài trình bày trên đều được tác giả thu thập từ một dự án nghiên cứu lớn của tác giả mang tựa đề “Bất đồng về đường cơ sở và các căng thẳng mới tại Biển Đông: Thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh biển tại châu Á”. Đây chỉ là bản thảo nháp nhằm mục đích tham gia hội thảo. Làm ơn không viện dẫn, trích nguồn khi chưa được tác giả cho phép.

[2] Trước đây, ông là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Trường Quốc phòng của Philipin (NDCP) và là cố vấn cho nhiều dự án và chương trình của Bộ Quốc phòng (DND) và của một số cơ quan khác thuộc Chính phủ Philipin. Hiện nay, ông đang giảng dạy về quan hệ quốc tế và an ninh khu vực tại Trường đào tạo Sĩ quan của Quân đội Philipin (AFP), đồng thời cũng là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Yuchengo của Đại học De la Sale, Manila. Email: rbanlaoi@pipvtr.com.

[3] Tham khảo bản mềm Luật Đường cơ sở mới của Philipin hay còn gọi là Sắc Luật Tổng thống số 9222 tại trang web: http://www.lawphil.net/statutes/repacts/ra2009/ra_9522_2009.html

 

[4] Tham khảo phân tích về xung đột này, xem Ian Storey : “Trouble and Strife in the South China Sea: Vietnam and China”, China Brief, vol. 8, no. 8 (14 April 2008).

 

[5] Tham khảo bài báo mở đầu cho tranh cãi này, đọc Barry Wain: “Manial’s Bungle in the South China Sea”, Far Eastern Economic Review (January – February 2008). Để có phân tích sâu hơn, đọc Ian Storey, “Trouble and Strife in the South China Sea: Vietnam and China”, China Brief, vol. 8, no. 8 (14 April 2008).

 

[6] Đọc David Lague, “Dangerous Waters: Playing Cat and Mouse in the South China Sea”, Global Asia, Vol.4, no.2 (Summer 2009), pp.56-61.

[7] Đế có một phân tích sâu hơn, đọc Ian Storey: “Impeccable Affair and Renewed Rivalry in the South China Sea”, China Brief, vol.9, no.9 (30 April 2009)

[8] Để có nghiên cứu về việc xuống thang các xung đột tại Biển Đông, đọc Ralf Emmers, “The De-escalation of the Spratly Disputes in Sino-Southeast Asian Relations”, S.Rajaratnam School of International Studies Working Paper Series, No.129 (6 June 2007)

[9] Tác giả đã thực hiện một chuyến thăm ngay sau đó (23-25 tháng 9 năm 2009) tại BộTư Lệnh Phía Tây của Quân đội Philipin có trụ sở tại Puerto Princessa Palawan, tại đây, tác giả đã được tiếp cận với một bản báo cáo an ninh lưu hành nội bộ.

[10] Trước đây, ông là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Trường Quốc phòng của Philipin (NDCP) và là cố vấn cho nhiều dự án và chương trình của Bộ Quốc phòng (DND) và của một số cơ quan khác thuộc Chính phủ Philipin. Hiện nay, ông đang giảng dạy về quan hệ quốc tế và an ninh khu vực tại Trường đào tạo Sĩ quan của Quân đội Philipin (AFP), đồng thời cũng là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Yuchengo của Đại học De la Sale, Manila. Email: rbanlaoi@pipvtr.com.