Hình 18: Toàn bộ khu vực biển Đông 

 

 

  Nguồn : South China Sea-Reference Map-Us CIA; available from http://community.middlebury.edu/~scs/maps/South%20China%20Sea-reference%20map-US%20CIA.jpg.

 

Khu vực biển Đông bao gồm những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất của thế giới, nối khu vực Đông Bắc Á và Tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Trung Đông. Trung bình một năm có khoảng hơn 41.000 lượt tàu biển qua lại khu vực này[1]. Các tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca (nằm ở cuối phía Tây Nam của biển Đông) nhiều gấp ba lần so với lượng tàu chở dầu đi qua kênh đào Suez, và nhiều gấp năm lần so với lượng tàu qua kênh đào Panama[2]. Hơn 80% lượng dầu khí nhập khẩu của Nhật từ Trung Đông, Brunei, Malaysia, Indonesia phải đi ngang vùng biển này[3].Vùng biển này còn là khu vực cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho các đội tàu đánh cá của Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore và Thái Lan.

 

Ngoài việc đây là con đường hàng hải quan trọng thì biển Đông cũng là một khu vực giàu tài nguyên gồm cả nguồn hải sản và tiềm năng dầu khí. Các chuyên gia Trung Quốc ước tính là khu vực này chứa khoảng 225 tỷ barrels dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên[4].

 

Hiện nay cả Brunei, Malaysia và Việt Nam cùng là những quốc gia xuất khẩu dầu khí, còn Trung Quốc từ năm 1993 đã trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu dầu khí lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trung Quốc tiêu thụ khoảng 7,85 triệu barrels dầu mỏ[5]. Dự đoán tới 2010 Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 10 đến 12 triệu barrels dầu mỗi ngày, trong số đó, Trung Quốc phải nhập khẩu trên 53 %. Cho tới tháng 5 năm 2008, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Hiện nay, Trung Quốc mua 46% lượng dầu nhập khẩu của họ từ Trung Đông, 32% từ châu Phi và 5% từ Đông Á. Trên 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển Mallaca[6]. Với công nghệ khai thác dầu khí như hiện nay, với những tiềm năng rất lớn về dầu khí trên các thềm lục địa (continental shelf) và các khu vực biển khác thì biển Đông sẽ thực sự là một khu vực chiến lược quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào trong khu vực và đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, một quốc gia đầy tham vọng muốn gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. Thậm chí, nếu các yêu sách trên của Trung Quốc vùng biển này được các nước khác chấp nhận thì “quyền tài phán của Trung Quốc sẽ được kéo dài ra đại dương 1000 hải lý từ đất liền, tương đương diện tích Địa Trung Hải, và họ sẽ chế ngự được vùng biển trung tâm của khu vực Đông Nam Á”[7] . Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại khu vực này sẽ đe dọa đến không chỉ Philippines hay Việt Nam, mà còn đe dọa cả Brunei, Indonesia, Malaysia nữa. Thêm nữa, kiểm soát được khu vực biển chiến lược này, còn đe dọa đến cả an ninh của Nhật Bản, Hoa Kỳ hay bất cứ cường quốc nào nếu đi qua khu vực này.

 

Mặc dù Hải quân Trung Quốc chưa thực sự là mạnh, Hải quân Trung Quốc chưa thể thống trị biển Đông, nhưng họ không dấu giếm tham vọng đó. Hiện nay Trung Quốc vẫn chưa có tàu sân bay nào, nhưng họ đã có kế hoạch xây dựng hai tàu sân bay trong thời gian sắp tới. Tháng 2 năm 2009, Trung Quốc đã gửi một số tàu chiến tới vịnh Aden, Trung Quốc cũng đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam. Trung Quốc cũng công khai bộc lộ ý định triển khai theo học thuyết Mahan, với ý định biến Trung Quốc thành một cường quốc biển, từ đó có thể thống trị thế giới[8]. Và trong ý đồ đó, biển Đông có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Với tham vọng vươn ra đại dương, Trung Quốc đã hình dung ra hai chuỗi đảo chính[9], trong đó biển Đông nằm trong chuỗi đảo số 1, như là cửa ngõ để Trung Quốc có thể vươn ra chuỗi đảo số 2, dần dần thống trị Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, từ đó có thể thỏa mãn giấc mộng siêu cường.

 

Hình 19: Chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai trong chiến lược vươn ra đại dương của Trung Quốc. 

Nguồn: Annual report to congress, Military Power of the People’s Republic of China, 2009, Office of the Secretary of Defense, Department of Defence, United of States of America.

 

II.               Các yêu sách chồng lấn trên biển Đông

 

Các tranh chấp trên biển Đông đã ảnh hưởng đến một loạt các quan hệ song phương giữa các quốc gia trong khu vực và nó cũng gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đối với khối ASEAN.

 

Hiện nay, ngoài quần đảo Hoàng Sa (Paracel Archipelago) đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), quần đảo này đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ từ năm 1974, thì quần đảo Trường Sa (Spratly Archipelago) cùng là đối tượng tranh chấp của Brunei, Trung quốc (bao gồm cả Đài Loan), Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các tranh chấp này bị chi phối rất nhiều bởi các yếu tố kinh tế, luật pháp, ngoại giao chiến lược và các lợi ích địa - chính trị khác nhau cùng đan xen.

 

Cuộc tranh chấp Biển Đông diễn ra trong bối cảnh của Hội nghị Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc lần thứ III (UNCLOS III). Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc được thông qua ngày 30 tháng 4 năm 1982 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16 tháng 11 năm 1994. Cho đến nay, tất cả các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc đã trở thành thành viên của Công ước này.

 

Công ước này đã quy định về thẩm quyền pháp lý đối với các vùng biển của các quốc gia ven biển. Theo đó, các quy chế pháp lý đối với các vùng biển được Công ước quy định như vùng nội thủy (internal water), vùng nước quần đảo (archipelagic water), lãnh hải (territorial sea), vùng tiếp giáp lãnh hải (contiguos zone), vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone), thềm lục địa (continental shelves) và biển cả (high seas). Theo quy định tại Công ước này thì lãnh thổ của các quốc gia ven biển (coastal states) có thể mở rộng lãnh hải tới 12 hải lý tính từ đường cơ sở (base line), vùng tiếp giáp lãnh hải kéo dài 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Và như vậy, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển tại vùng đặc quyền kinh tế không chỉ được kéo dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên biển (bao gồm cả các tài nguyên sinh vật và các tài nguyên không sinh vật),  mà theo Công ước, thềm lục địa của các quốc gia ven biển còn có thể kéo dài tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được giới hạn ở việc thăm dò và khai thác các tài nguyên không sinh vật.

 

Từ đó, đã dẫn đến những tranh cãi là hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể có những vùng biển riêng theo các quy định của Công ước hay không? Điều (1)121 của Công ước Luật biển (UNCLOS) xác định rằng “một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. Một đảo phải có những điều kiện tự nhiên tối thiểu để đảm bảo cho đời sống của con người. “Những đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”[10]. Các đảo đá nào mà không thích hợp cho con người tới ở, hoặc là đảo nhân tạo thì chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý và 500 mét cho vùng an toàn mà thôi. Như vậy, hầu hết các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa đều chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà thôi.

 

Các yêu sách của các quốc gia liên quan trong cuộc tranh chấp Biển Đông có thể được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là các yêu sách về chủ quyền các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Loại thứ hai là sự kéo dài của các quyền của các quốc gia ven biển được diễn giải dưới các quy định của Công ước Luật biển năm 1982.

 

Quan điểm của Trung Quốc cho rằng Biển Đông là biển đặc quyền của Trung Quốc và họ yêu sách chủ quyền đối với gần 80% Biển Đông thông qua “đường lưỡi bò”[11]. Yêu sách của họ dựa trên thuyết khám phá và chiếm hữu lãnh thổ. Sau khi phê chuẩn Công ước (UNCLOS) vào tháng 5 năm 1996, Trung Quốc đã tuyên bố một đường cơ sở thẳng (straight base line) xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mặc dù theo Công ước, chỉ những quốc gia quần đảo mới có thể thực hiện đường cơ sở thẳng như vậy, và trong khu vực chỉ có Indonesia và Philippines mới là quốc gia quần đảo.

 

Dựa trên các luận điểm pháp lý tương tự như Trung Quốc , Đài Loan cũng yêu sách chủ quyền của họ giống như Trung Quốc đang yêu sách. Từ năm 1956, Đài Loan đã chiếm giữ đảo Ba Bình (Itu Aba) – đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Trung Quốc tỏ thái độ hỗ trợ Đài Loan trong cuộc tranh chấp này[12].

 

Các yêu sách của Việt Nam (bao gồm cả yêu sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa) chủ yếu dựa trên sự khám phá và chiếm hữu lãnh thổ[13].

 

Các thành viên sáng lập ASEAN[14] có liên quan đến tranh chấp này chủ yếu đưa ra yêu sách dựa trên thuyết kéo dài thềm lục địa hơn là các yêu sách về chủ quyền dựa trên các bằng chứng lịch sử. Philippines yêu sách hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (ngoại trừ đảo Trường Sa) và cho rằng khu vực này là Kalayan (vùng đất tự do theo tiếng Philippines). Chính thức tuyên bố yêu sách năm 1971, năm 1978 một đạo luật của Tổng thống Philippines đã tuyên bố vùng Kalayan này là một phần thuộc lãnh thổ Philippines[15]. Philippines cũng đã tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Sau đó ít lâu, năm 1979, Malaysia tuyên bố quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của họ dựa trên sự kéo dài của thềm lục địa[16]. Brunei tuyên bố thiết lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ kéo dài tới phía nam của quần đảo Trường Sa, bao gồm bãi đá ngầm Louisa[17]. Indonesia không liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng vùng mỏ khí Natuna của Indonesia lại nằm trong yêu sách chủ quyền biển với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc[18].

 

III.           Các xung đột vũ trang và tình trạng status quo trên biển Đông

 

Với sự lớn mạnh và bộc lộ những tham  vọng chi phối khu vực này của Hải quân Trung Quốc, đã đặt khối ASEAN trước những thử thách to lớn. Tuy nhiên, ngoại trừ Philippines và Việt Nam, các nước ASEAN khác đều chưa cảm thấy sự đe dọa trực tiếp từ các hành động của Trung Quốc đến an ninh của nước mình[19]. Dường như các quốc gia đang để mặc cho diễn biến cuộc tranh chấp theo hướng giữ nguyên hiện trạng (status quo) vì ai cũng có những toan tính riêng. Trung Quốc và các nước ASEAN đã thương lượng trong nhiều năm để đi đến một Bộ luật về ứng xử trên biển Đông (a Code of conduct for the South China Sea) tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều trở ngại. Bắc kinh tỏ ra không muốn bị ràng buộc bởi một cam kết pháp lý đa phương mà trong đó giới hạn tham vọng của họ trong tranh chấp tại quần đảo Trường Sa thông qua các cuộc đối thoại. Thêm nữa, tình trạng chia rẽ của ASEAN vẫn luôn diễn ra, cụ thể là quan điểm khác biệt giữa một bên là Malaysia và bên kia là Philippines và Việt Nam trong việc đưa ra Bộ luật ứng xử tại biển Đông.

 

Trung Quốc đã luôn biết sử dụng ưu thế của sức mạnh quân sự của mình để đặt chân lên các vị trí cần thiết trên trên biển Đông. Vào tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã thành công trong việc dùng lực lượng quân sự để đánh bật các lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, và họ đã nhanh chóng kiểm soát quần đảo này. Hành động quân sự này là một phần của sự căng thẳng Xô – Trung nhưng cuối cùng kết thúc vẫn là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại biển Đông. Trung Quốc vẫn chưa có sự hiện diện của họ ở bất cứ đảo, đá nào ở Trường Sa cho đến năm 1988. Trung Quốc đã yêu sách toàn bộ quần đảo Trường Sa, cho nên họ đã gấp rút phải có mặt ở Trường Sa trên một số đảo đá, qua biện pháp vũ lực. Hầu hết các quốc gia yêu sách đã duy trì các lực lượng của họ trên một số đảo đá tại Trường Sa. Sau một cuộc đụng độ trên biển với Việt Nam vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đã thành công với việc đặt sự hiện diện của họ trên một số đảo đá ở Trường Sa. Những xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam lúc đó đã không thu hút được sự chú ý của các nước thành viên ASEAN, bởi vì họ đang tập trung vào cuộc xung đột ở Campuchia. Và thêm nữa, Trung Quốc đã không gây hấn với bất cứ một thành viên nào của ASEAN lúc đó[20].

 

Sau khi cuộc xung đột ở Campuchia (Campuchia Conflic) được giải quyết với Hiệp định Paris được ký vào tháng 10 năm 1991, lúc này các tranh chấp trên biển Đông lại trở nên thu hút nhiều sự quan tâm hơn. Tháng 2 năm 1992, Trung Quốc đã thông qua Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, theo đó Trung Quốc đã nhắc lại các yêu sách của họ trên biển Đông, và cho rằng họ có quyền sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các đảo (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) và các vùng nước xung quanh các đảo đó[21]. Đạo luật này của Trung Quốc đã ngang nhiên thách thức tới các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình đã được nêu trong Hiến chương LHQ, và đó cũng là sự khiêu khích quân sự trực tiếp đối với khối ASEAN.

 

Vào ngày 8 tháng 2 năm 1995, Philippines đã phát hiện ra sự xâm nhập của lực lượng quân sự Trung Quốc trên bãi Vành Khăn (Mischief Reef), mà Philippines cho là thuộc khu vực Kalayan, một bộ phận lãnh thổ của Philippines. Và xung đột giữa hai bên đã nổ ra, đây có lẽ là lần đầu tiên Trung Quốc trực tiếp xung đột với một thành viên ASEAN về vấn đề lãnh thổ biển.

 

Sự kiện bãi Vành Khăn được diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, lúc này các lực lượng quân sự Mỹ vừa rút khỏi hai căn cứ quân sự ở Philippines là Subic và Clark năm 1992, để biển Đông ở vào trong tình trạng “chân không quyền lực”, đây là cơ hội để Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự hiện diện về quân sự của mình trên Trường Sa, tiếp theo sau sự kiện 1988. Sau khi Tổng thống Philippines Fidel Ramos cực lực lên án hành động xâm chiếm của Trung Quốc, Manila đã phản ứng lại hành động xâm chiếm của Trung Quốc bằng việc tìm kiếm một sự hỗ trợ đa phương và đưa ra biện pháp trả đũa bằng cách phá hủy các dấu mốc của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn, rồi bắt một số ngư dân của Trung Quốc vào tháng 3 năm 1995[22]. Cùng lúc đó, Philippines tuyên bố một kế hoạch hiện đại hóa quân sự. Sau đó, Trung Quốc và Philippines đã cùng nhau ký một thỏa thuận song phương, thỏa thuận này không cho phép sử dụng sức mạnh quân sự trong giải quyết tranh chấp và kêu gọi đưa ra các biện pháp hòa bình theo các quy định trong Công ước Luật biển.

 

Kể từ sau sự kiện bãi Vành Khăn, chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như sau khi thực hiện “những việc đã rồi” (status quo) thì tỏ ra tôn trọng quy phạm tiêu chuẩn quốc tế hơn là đưa ra các biện pháp chống đối lại trật tự quốc tế. Một học giả cho rằng: “chính sách đối ngoại của Bắc Kinh rất khôn ngoan và sắc sảo, luôn tìm kiếm sự ủng hộ của toàn khu vực”[23]. quan điểm này đã được chứng minh bằng các hành động của họ trên biển Đông cũng như họ đã tìm cách mở rộng sự có mặt của họ trên bãi Vành Khăn. Thậm chí với việc họ đã xây dựng bãi Vành Khăn thành một căn cứ kiên cố hơn vào năm 1998, thì chính sách của Bắc Kinh đối với biển Đông đã được tiếp tục phát triển hơn trong những năm gần đây trong việc chia rẽ các nước ASEAN. Sự sẵn lòng giúp đỡ về kinh tế của Trung Quốc đối với các nước ASEAN để tìm sự ủng hộ thay thế cho các quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và cũng liên quan tới việc quay trở lại các căn cứ quân sự trên khu vực Đông Nam Á của Mỹ, sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001.

 

Trong khi các quốc gia tranh chấp tăng cường việc sử dụng lực lượng quân sự để kiểm soát các đảo đá (reefs), điều đó đã dẫn tới các va chạm thường xuyên diễn ra. Tình trạng căng thẳng giữa Malaysia và Philippines, Malaysia và Việt Nam, và giữa Việt Nam và Philippines. Tháng 3 năm 1999, Malaysia chiếm giữ đá Thám Hiểm (Navigator Reef), bị cả Việt Nam, Malaysia và Brunei cùng lên án, còn quan hệ giữa Malaysia và Philippines trở nên hết sức căng thẳng. Tháng 8 năm 2002, quân đội Việt Nam đồn trú trên một số đảo đá ở Trường Sa đã bắn đạn pháo để cảnh cáo máy bay quân sự của Philippines hoạt động trên bầu trời của vùng biển này[24]. Bên cạnh các biện pháp quân sự, các bên tranh chấp còn gia tăng các biện pháp phi quân sự để giúp tạo thêm ưu thế cho các yêu sách của họ. Vào tháng 5 năm 2004, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một đường băng trên đảo Trường Sa lớn (Big Spratly) với mục đích đưa du khách ra tham quan khu vực này. Trung Quốc đã kịch liệt phản đối hành động này và lên tiếng yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố về các quy tắc ứng xử trên biển Đông.

 

Hầu hết các đảo đá thuộc Trường Sa đều rất nhỏ để có thể xây dựng các căn cứ quân sự và thực hiện các hoạt động quân sự trên đó. Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa có đủ những điều kiện cần thiết để kiểm soát toàn bộ quần đảo Trường Sa bằng những biện pháp quân sự. Tuy nhiên, hiện nay hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa và mạnh hơn bất kỳ hải quân của nước nào trong khu vực.

 

Sự lớn mạnh cũng như các hành động quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa đã làm các quốc gia tranh chấp lo ngại, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Việt Nam đã lĩnh hội sâu sắc mối quan hệ đối kháng giữa Việt Nam và Trung Quốc từ sâu xa lịch sử, mà xung đột tại Trường Sa chỉ là một điểm nối tiếp trong một chuỗi các sự kiện liên quan đến quan hệ lâu đời của hai nước.

 

Tuy nhiên, Việt Nam lại không đủ sức mạnh quân sự để chống lại các hành động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên biển Đông. Để chống lại ảnh hưởng lớn mạnh của hải quân Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam cần tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài, thế nhưng, lúc này Việt Nam vẫn không có mối liên hệ quân sự nào với Hoa Kỳ cho dù hai bên đã thiết lập mối quan hệ chính thức vào ngày 11 tháng 7 năm 1995. Thêm nữa, Hoa Kỳ tỏ thái độ rõ ràng là họ sẽ không can dự vào tranh chấp biển Đông.

 

Trong sự kiện bãi Vành Khăn, cũng cho thấy sự yếu thế của Philippines trong cuộc tranh chấp do không có lực lượng quân sự đủ mạnh. Thêm nữa, Philippines đã không lôi kéo được Hoa Kỳ vào tranh chấp này, ngoại trừ một tuyên bố về việc duy trì quyền tự do lưu thông cho các tuyến hàng hải quốc tế. Hoa Kỳ còn nhắc Philippines là tranh chấp này nằm ngoài phạm vi mà Hiệp ước Quân sự giữa Philippines và Hoa Kỳ ký ngày 30 tháng 8 năm 1951[25]. Hoa Kỳ không muốn can dự sâu vào tranh chấp này bởi vì không muốn gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, Philippines đã chấp thuận ký kết Hiệp ước thăm viếng quân sự với Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1998[26] để có thể nâng cao mức độ răn đe về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

 

Cả Philippines và Việt Nam đều không thể dựa vào ASEAN như một chỗ dựa về an ninh truyền thống được. Tổ chức này không thể đưa ra những hỗ trợ nào đối với những hoạt động quân sự trên biển Đông.  ASEAN không có bất kỳ các thỏa thuận quân sự nào cũng như không có khả năng để xây dựng các lực lượng quân sự liên kết, vì vậy các thành viên ASEAN đành chấp nhận đối đầu với một mối đe dọa thường trực. Tất cả các thành viên ASEAN đều lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, nhưng giữa họ với Trung Quốc có nhiều mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau từ chủng tộc, kinh tế và cả các quan hệ đối ngoại. Thêm nữa, các nước ASEAN cảm thấy họ không có lợi ích gì khi đối đầu về mặt quân sự trên biển Đông với Trung Quốc. Như vậy “ASEAN không có khả năng triển khai các hoạt động quân sự bởi vì không có đội quân thường trực nào của khối, cũng như không có thành viên nào sẵn sàng liên kết thành một liên minh quân sự”[27].

 

IV.            Ý tưởng về một Bộ luật ứng xử trên biển Đông 

 

Sự kiện bãi Vành Khăn đã khiến ASEAN lo ngại và đòi hỏi ASEAN phải hành động ngay. Philippines và Việt Nam với sự yếu kém về tiềm năng quân sự, đặc biệt là hải quân, đã phải tìm kiếm một sự hỗ trợ khác. Họ không thể dựa vào ASEAN như là một khối quân sự hoặc một liên minh quân sự, nhưng họ đã tranh thủ ASEAN thông qua biện pháp ngoại giao, thể hiện qua các cuộc thương lượng đa phương, từ đó có thể đưa ra một Bộ luật về ứng xử trên biển Đông, giúp duy trì vị trí của họ trên biển Đông trước một đối thủ mạnh hơn họ. Cho tới trước sự kiện năm 1995 này, ASEAN vẫn chưa có một tuyên bố công khai nào liên quan đến các thành viên khác ngoài khối về vấn đề biển Đông, nhưng ASEAN hy vọng Trung Quốc sẽ cùng ASEAN chấp thuận một Bộ luật về ứng xử trên biển Đông từ đó có thể kìm chế Trung Quốc trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp biển này.

 

Một cuộc đối thoại đa phương về giải quyết tranh chấp biển giữa Trung Quốc và ASEAN được thiết lập lần đầu tiên thông qua một Hội thảo mang tên “Kiểm soát xung đột tiềm tàng ở biển Đông” (Managing Potential Conflicts in the South China Sea). Hội thảo này được tiến hành tại Indonesia với sự bảo trợ tài chính của Canada, Hội thảo đã tập trung vào việc xây dựng lòng tin giữa các bên trước khi giải quyết tranh chấp này. Hội thảo đã tránh đụng chạm đến vấn đề chủ quyền và tập trung vào việc cùng hợp tác. Các cuộc hội thảo diễn ra trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã luôn khuyến khích thực hiện các cuộc đối thoại đa phương để kiểm soát các xung đột cũng như sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột. Tháng 1 năm 1990, một hội thảo nhỏ đã diễn ra tại Bali để làm tiền đề cho một cuộc gặp gỡ sơ bộ giữa sáu nước thành viên ASEAN. Hội thảo tiếp theo được tổ chức vào tháng 7 năm 1991 tại Bandung bao gồm các thành viên ASEAN và cả Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Lào. Trong bài diễn văn khai mạc, Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas đã tuyên bố: “quan điểm của chúng tôi là tiếp tục tìm kiếm một khuôn khổ hợp tác chung thay cho các xung đột tiềm tàng, mà trong đó tất cả các bên tham gia đều có lợi”[28]. Tuy vậy, hội thảo đã kết thúc với kết quả không như mong đợi.

 

Tháng 7 năm 1992, các Ngoại trưởng của các nước ASEAN đã cùng nhau ký Tuyên bố biển Đông (Declaration on the South China Sea) tại Manila – thủ đô Philippines, nối tiếp ý tưởng của Hội thảo Bandung trước đó. Tuyên bố Manila chính là sự thể hiện thái độ một cách công khai đầu tiên của ASEAN, tuy nhiên, Tuyên bố này không nhằm vào vấn đề giải quyết chủ quyền mà tập trung vào chính sách ngoại giao phòng ngừa (self – restrain), các biện pháp giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Tất cả các quy định này đều dựa trên những quy phạm và nguyên tắc cơ bản được đề cập trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN năm 1976. Đây chính là tiền thân của ý tưởng về một bộ luật ứng xử trên biển Đông chủ yếu dựa trên phòng ngừa các xung đột xảy ra hơn là giải quyết các xung đột. Cho dù vẫn còn tồn tại những yêu sách chồng lấn khác biệt nhau, nhưng các quốc gia thành viên vẫn cùng nhau chia sẻ quan điểm là duy trì sự ổn định trong khu vực và tránh đối đầu với Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, thành công của Tuyên bố Manila bị giảm bớt rất nhiều bởi thiếu sự ủng hộ từ các quốc gia trực tiếp liên quan. Trong khi Việt Nam sẵn sàng ủng hộ thì Trung Quốc kiên quyết không thừa nhận Tuyên bố Manila và không chấp nhận các nguyên tắc trong Tuyên bố này. Bắc kinh luôn nhắc rằng họ muốn các cuộc gặp gỡ song phương hơn là một giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp biển Đông. Còn Hoa Kỳ thì không tỏ vẻ gì là ủng hộ cho Tuyên bố và luôn giữ vai trò trung lập, không để bị lôi kéo vào tranh chấp.

 

Tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) gặp gỡ lần thứ nhất vào tháng 7 năm 1994, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen) đã nhắc lại quyết tâm hòa bình loại bỏ biện pháp sử dụng sức mạnh để giải quyết tranh chấp của Bắc kinh[29]. Tuy nhiên, Trung Quốc lại từ chối tranh luận về vấn đề chủ quyền trong một diễn đàn đa phương. Trung Quốc muốn hướng tới việc sẽ đóng vai trò chi phối trong những cuộc đối thoại với các quốc gia tham gia tranh chấp thông qua những cuộc đàm phán song phương. Trải qua các cuộc thỏa thuận đầy trắc trở như vậy, ý tưởng về bộ luật ứng xử trên biển Đông ngày càng được tiến triển. Trước cuộc gặp của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN lần 2 diễn ra vào tháng 8 năm 1995, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham tỏ ra nhượng bộ đối với các thành viên ASEAN. Ông ta tuyên bố rằng Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ đa phương về vấn đề quần đảo Trường Sa thay vì tổ chức các cuộc đối thoại song phương, và ông ta cũng chấp nhận việc dựa theo Công ước Luật biển năm 1982 để làm cơ sở cho các thương lượng[30]. Việc nhượng bộ này của Trung Quốc là kết quả của việc đoàn kết giữa các thành viên ASEAN trước sự kiện bãi Vành Khăn cũng như các quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng nó cũng không làm thay đổi mục tiêu của Trung Quốc đối với biển Đông, điều này thể hiện ở chỗ Bắc Kinh vẫn luôn từ chối giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ biển, và liên tục lặp lại các yêu sách về lãnh thổ chiếm gần trọn khu vực biển Đông.

 

Trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm 1999, Philippines, với sự ủng hộ của Việt Nam, đã trình bày ra một bản dự thảo cho bộ luật ứng xử trên biển Đông. Đây chính các quy định dựa trên ý tưởng về các thỏa thuận nhằm kiểm soát hòa bình các tranh chấp thông qua việc ngăn ngừa các tình huống xấu. Cụ thể, nó nhằm vào việc ngăn ngừa các hành động chiếm đóng của các bên tranh chấp và duy trì sự hiện diện quân sự trên các đảo nhỏ không có người ở. Dự thảo này có vẻ khả thi hơn là Tuyên bố năm 1992. Nó cố gắng bỏ qua việc khẳng định các nguyên tắc như là những điều kiện tiên quyết, và cung cấp một khuôn khổ hợp tác phát triển chung cho khu vực quần đảo Trường Sa. Đề xuất của Philippines đã bị Trung Quốc và Malaysia phản đối[31]. Malaysia cho đến những năm 1990 của thế kỷ XX vẫn còn chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Trường Sa nhưng lập trường đối ngoại trong vấn đề biển Đông của họ đã dần thay đổi theo năm tháng và trở nên gần gũi với quan điểm của Trung Quốc. Malaysia cũng từ chối việc giải quyết vấn đề chủ quyền, Malaysia dường như thích việc thương lượng song phương với Trung Quốc hơn là ràng buộc pháp lý vào một bộ luật của khu vực hay là một một dàn xếp đến từ bên ngoài. Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 1999, vị chủ tọa của hội nghị đã nói rằng “các lãnh đạo của các quốc gia thành viên cùng với chính phủ của họ sẽ gửi một bức Công hàm đến các Ngoại trưởng một bản sơ thảo của bộ luật, các ý kiến đóng góp cũng sẽ được tiếp nhận để cho bộ luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi”[32].

 

Malaysia đã đề xuất một ý tưởng về giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa tại cuộc gặp gỡ của các Ngoại trưởng ASEAN tổ chức vào tháng 7 năm 2002 tại Brunei. Tuy nhiên, đây chỉ là một văn bản không có tính ràng buộc pháp lý, thậm chí còn thất bại trong việc đề cập đến tên gọi Trường Sa theo tiếng Anh (Spratlys). Theo văn bản này, các tuyên bố của các bên tham gia được xác định một cách mập mờ, trong khi theo tinh thần bộ luật là các tuyên bố phải được các bên tham gia công bố công khai. Hầu hết các thành viên ASEAN đã từ chối ủng hộ đề xuất này của Malaysia, riêng Philippines và Việt Nam thì muốn có một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên tham gia tranh chấp biển Đông. Không đủ khả năng để quyết định vấn đề, các Ngoại trưởng đã đưa ra thông cáo chung rằng quyết định của họ đưa ra trong vấn đề này là các thành viên cùng với Trung Quốc đưa ra một Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông[33].

 

Các Ngoại trưởng các nước ASEAN và Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Wang Yi cuối cùng đã cùng nhau ký kết Tuyên bố chung về các quy tắc ứng xử trên biển Đông bên lề cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tháng 11 năm 2002 tại Phnom Penh, Cambodia. Tuyên bố này được đưa ra với ý định ngăn ngừa sự căng thẳng của các tranh chấp biển và nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra các xung đột quân sự trên vùng biển tranh chấp này. Các thành viên cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước luật biển, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN năm 1976, và năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Một lần nữa các thành viên tham gia nhắc lại cam kết tôn trọng “quyền tự do hàng hải và tự do thực hiện các chuyến bay trên bầu trời của biển Đông”[34]. Họ đã đồng ý với nhau việc giải quyết các tranh chấp biển bằng biện pháp hòa bình “không sử dụng sự đe dọa hay các hành động vũ lực mà thông qua các cuộc trao đổi thân thiện và các cuộc thương lượng giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”[35]. Các thành viên đã trịnh trọng cam kết thực hiện nguyên tắc phòng ngừa để có thể dập tắt các tranh chấp, gia tăng các nỗ lực “nhằm xây dựng lòng tin và các cơ chế đối thoại giữa các bên liên quan”[36].

 

Như vậy, việc ký kết Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên biển Đông giữa các bên liên quan năm 2002 (DOC) là bước đầu tiên cho một khuôn mẫu áp dụng cho việc giảm thiểu các căng thẳng đối với những tranh chấp liên quan đến Trường Sa. Tiến trình ngoại giao đã được bắt đầu rất nhanh sau sự kiện Trung Quốc đổ bộ lên bãi Vành Khăn. Tuyên bố (DOC) cho thấy mong muốn của các bên liên quan trong tranh chấp Trường Sa là sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng. Nó đưa ra cảnh báo về việc sử dụng vũ lực trên biển Đông và gửi một tín hiệu rằng các bên liên quan sẵn sàng hợp tác với nhau trong việc cùng nhau giải quyết vấn đề này. Nó góp phần làm giảm thiểu các xung đột giữa các bên liên quan. Tuyên bố này “xác nhận một cách dứt khoát rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở biển Đông sẽ không gây nguy hại cho nền hòa bình của khu vực”[37]. Điều đó cho thấy, mặc dù với tính chất quan trọng là cam kết đa phương mở đường cho việc hợp tác trong khu vực tranh chấp, nhưng Tuyên bố này không được coi là một bước tiến quan trọng cho việc kiểm soát các xung đột và cung cấp các giải pháp. Nó không giúp ngăn chặn các va chạm hay các nguồn hiện hữu của xung đột, như việc bắt giữ các ngư dân bởi các lực lượng hải quân của các nước khác vẫn luôn diễn ra, hay như việc tiếp tục bành trướng các thế lực quân sự trên các đảo nhỏ. Hay nói như Tonesson, Tuyên bố này “không thiết lập một cơ chế ràng buộc pháp lý các bên tham gia như một bộ luật, mà nó chỉ đơn giản là một tuyên bố chính trị”[38].

 

Sự thất bại của việc đưa ra một bộ luật là do tất cả các bên liên quan. Trong đó, Trung Quốc luôn nhắc đi nhắc lại rằng chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là không thể tranh cãi. Trung Quốc luôn không muốn bị ràng buộc đối với một bộ luật có tính chất đa phương quy định về cách ứng xử trên biển Đông. Hơn nữa, bộ luật này giới hạn các vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng cách đưa vào khuôn khổ thông qua các cuộc đối thoại hơn là giải quyết vấn đề chủ quyền. Chưa kể tới việc lập trường các bên trong ASEAN cũng không đồng nhất. Sự đoàn kết giữa các quốc gia trong khối ASEAN vẫn còn thiếu vắng, cụ thể là Malaysia luôn đưa ra một lập trường riêng biệt, không tương đồng với lập trường của Việt Nam và Philippines. Các quốc gia tham gia trong tranh chấp biển Đông là thành viên của khối ASEAN chưa sẵn sàng gác lại những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ trong tranh chấp để cùng nhau đi đến một giải pháp mà tất cả các bên cùng tham gia hợp tác. Cuối cùng, sự hợp tác trên biển Đông bị cản trở bởi sự không tin tưởng lẫn nhau ngay cả giữa các bên tranh chấp là thành viên ASEAN. Các bất đồng giữa các thành viên ASEAN vẫn luôn tồn tại, vì thế vẫn khó mà đi đến việc xây dựng một bộ luật về hành xử trên biển Đông được[39].

 

V.               Kết luận

 

Các tranh chấp trên biển Đông vẫn còn ở trạng thái để mặc cho nó tồn tại (status quo). Các biện pháp ngoại giao nhằm mục đích kiểm soát các xung đột, hay các giải pháp đưa ra cũng bị giới hạn rất nhiều. Tuyên bố biển Đông năm 1992 chỉ giới hạn được trong phạm vi các thành viên trong khối ASEAN, còn Tuyên bố về các quy tắc ứng xử trên biển Đông năm 2002 dựa trên lập trường đa phương nhằm giải quyết xung đột bằng những phương pháp hòa bình, tuy vậy, trong khi vẫn chờ đợi để giải quyết một cách trực tiếp các tranh chấp thì Tuyên bố năm 2002 vẫn chỉ giới hạn như là một thỏa thuận chính trị. Mặc dù việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc cũng như các bên tham gia tranh chấp khác nhằm kiểm soát các đảo không người ở vẫn tiếp tục diễn ra, thì trên biển Đông đến nay vẫn chỉ có thể duy trì các biện pháp mang tính chính trị hơn là quân sự. Cho đến nay Trung Quốc vẫn thành công trong việc chia rẽ và đe dọa về mặt quân sự đối với các thành viên ASEAN[40].

 

Trong thời gian tới, một cuộc xung đột vũ trang lớn dẫn đến tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc và ASEAN khó có thể xảy ra, thế nhưng những va chạm quân sự vẫn luôn có thể xuất hiện. Trong tương lai xa hơn, các tranh chấp trên biển Đông có thể trở thành mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với cả Trung Quốc, ASEAN và các quốc gia khác có liên quan nếu các bên cứ tiếp tục chạy đua trang bị sức mạnh quân sự. Trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới luôn tăng, đặc biệt ở những năm gần đây, thì môi trường chiến lược ở biển Đông còn có thể có những diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Môi trường chiến lược biển Đông có thể tốt hơn hoặc xấu hơn tùy thuộc vào các điều kiện địa chính trị trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt môi trường này sẽ tùy thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa Trung Quốc với khối ASEAN. Có nhiều lý do để chúng ta có thể lạc quan hơn khi xem xét lại những xung đột cũng như các biện pháp giải quyết trước đây.

 

Có lẽ trong tương lai gần, các quốc gia tham gia trong tranh chấp biển Đông vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề chủ quyền, vốn là vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm khi chủ quyền đối với các bên là thiêng liêng và hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể trông chờ vào việc các bên liên quan có thể đưa ra một giải pháp có tính chất dung hòa là tất cả các bên cùng nhau hợp tác khai thác và phát triển chung trên những vùng biển tranh chấp này./.

  Hoàng Việt, Giảng viên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam 

 Download bản PDF

 


[1] Ji Guoxing, “Rough Water in the South China Sea: Navigation Issues and Confidence – building Measure”, East – West Center, 2001.

[2] Christopher C. Joyner, Toward a Spratly Resource Development Authority: Procursor Agreements and Confidence Building Measures, ed. Myron H. Norquist and John Norton Moroe, Security Flashpoints: Oil,

Islands, Sea Access and Military Confrontation (1997).

[3] Scott Snyder, Brad Glosserman and Ralph A. Cossa, “Confidence Building Measures in the SCS”, (2001), No.2, Issue and Insights, at 10.

[4] Bruce and Jean Blanche, Oil and Regional Stability in the South China Sea, Jane’s Intelligence Review, No. 1995, at 511 – 514.

[5] Annual report to congress, Military Power of the People’s Republic of China, 2009, Office of the Secretary of Defense, Department of Defence, United of States of America, p. 3

[6] Annual report to congress, Military Power of the People’s Republic of China, 2009, Office of the Secretary of Defense, Department of Defence, United of States of America, p. 4.

[7] M. Leifer, Chinese economic reform: The impact on policy in the South China Sea, in G. Segal and R. H.  Yang (eds) Chinese Economic Reform: The impact on Security, London: Routledge, 1996, p. 142.

[8] James Holmes , Toshi Yoshihara , A Chinese turn to Mahan? In China Brief, http://www.jamestown.org/programs/chinabrief/single/?tx_ttnews%5Btt_news%5D=35172&tx_ttnews%5BbackPid%5D=414&no_cache=1

[9] Chuỗi đảo thứ nhất (first island chain): Năm 1985, Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đề ra chiến lược phòng thủ trên biển, trong đó đề cập tới khả năng hoạt động và thống trị ngoài khơi trong khu vực “hai chuỗi đảo”: Chuỗi đảo thứ nhất được mô tả như một đường nối qua các đảo Kurile, Nhật Bản, đảo Ryukyu, Đài Loan, Philippines Indonesia (từ Borneo tới Natuna Besar). Chuỗi đảo thứ hai chạy từ đường Bắc – Nam từ Kuriles qua Nhật Bản, các đảo Bonin, các đảo Mariana, các đảo Caroline và Indonesia. Hai chuỗi đảo này vẽ thành một khu vực biển rộng khoảng 1800 dặm biển tính từ bờ biển Trung Quốc, bao gồm phần lớn Biển Hoa Đông và các tuyến đường giao thông biển tại Đông Á. Xem thêm: http://www.globalsecurity.org/milita...e-offshore.htm


[10] UNCLOS, điều ( 3) 121

[11] Daniel Dzurek, The Spatly Islands Dispute: Who’s on first?, International Boundary Reseach Unit, Maritime Brief, Volume 2, Number 1, p. 12

[12] Mark J. Valencia, John M. Van Dyke,  and Noel A. Ludwig, Sharing the resouces of the South China Sea, Martinus Nijhoff Publishers, 1997,  p. 30

[13] Ministry Of Foreign Affairs, Socialist Republic Of Vietnam,  The Hoang sa (Paracel) and Truong sa (Spratly) Archipelagoes and international law,  Hanoi, 1988.

[14] Các thành viên đầu tiên của ASEAN bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand, Singapore và năm 1984 có thêm Brunei.

[15] Greg Austin, China's Ocean Frontier: International Law, Military Force, and National Development, Allen & Unwin, 1998

[16] Greg Austin, cited

[17] Daniel Dzurek,  cited, p.22

[18] Greg Austin, cited.

[19] Ralf Emmers,Maritime disputes in the South China Sea Strategic and diplomatic status quo”, in Maritime Security in Southeast Asia, Routlege Security in Asia Series, 2007, pp 49 – 61.

[20] ASEAN lúc này mới chỉ có các thành viên là Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thailand và Brunei. Việt Nam gia nhập vào ASEAN năm 1995.

[21] Jing-dong Yuan, China-asean relations: Perspectives, prospects and Implications for u.s. interests, October 2006, http://www.StrategicStudiesInstitute.army.mil/, p. 9.

[22]Daniel Dzurek, The Spatly Islands Dispute: Who’s on first?, International Boundary Reseach Unit, Maritime Brief, Volume 2, Number 1, p. 39

[23] D. Shambaugh, China egages Asia: Reshaping the regional order, International Security, Vol. 29, No. 3, Winter 2004/05, p. 64.

[24] Chin Yoon Chin, Potential for conflict in the Spratly islands, Naval Postgraduate School, Monterey California, 2003, p. 53

[25] Ralf Emmers, The De- Escalation of the Spratly Dispute in Sino – Southeast Asian Relations, S. Rajaratnam School of International Studies, Singapore, 6 June 2007, p. 16

[26]Jing-dong Yuan, China-asean relations: Perspectives, prospects and Implications for u.s. interests, October 2006, http://www.StrategicStudiesInstitute.army.mil/, p. 11

[27] M. Leifer, ASEAN as a model of a  security community, in H. Soesastro (ed) ASEAN in a changed regional and international Political Economy, Jakarta: Center for Strategic and International Studies, 1995, p. 141.

[28] Ali Alatas, Address Opening The Second Workshop on “Managing Potential Conflicts in the South China Sea”, Bandung, Indonesia, 15 July 1991.

[29] Ralf Emmers, Maritime disputes in the South China Sea Strategic and diplomatic status quo”, in Maritime Security in Southeast Asia, Routlege Security in Asia Series, 2007, pp 49 – 61, cited, p. 55

[30] S. W. Simon, ASEAN Regional Forum, in W. M Carpenter and D. G. Wiencek (eds) ASIAN Security Hanbook: An Asessment of Political – Security Issues in the Asia – Pacific Region, New york: Me Sharpe, 1996, p. 47.

[31] Wu Shicun, Ren Huaifeng, More than a Declaration: A Commentary on the Background and the Significance of the Declaration on the Conduct of the Parties in the South China Sea, Chinese Journal of International Law, 2003, 311.

[32] Chairman’s Press Statement, Third Infomal Summit of the ASEAN Heads of State Government, Manila, Philippines, 28 November, 1999.

[33] Joint Communique of the 35th ASEAN Ministerial Meeting, Bandar Seri Begawan, Brunei, 29 – 30 July, 2002.

[34] Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea. Phnom penh, Cambodia, 4 November 2002.

[35] Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea. Phnom penh, Cambodia, 4 November 2002.

[36] Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea. Phnom penh, Cambodia, 4 November 2002.

[37] Liselotte Odgaard, “The South China Sea: ASEAN’s Security Concerns about China” in Security Dialogue, Vol. 34, No. 1, March 2003, p. 22

[38] Stein Tonesson, “Sino – Vietnamese Rapprochement and the South China Sea Irritant” in Security Dialogue, Vol. 34, No. 1, March 2003, pp. 55 – 56.

[39]Trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Huahin (Thailand) mới đây, các quốc gia ASEAN vẫn đồng ý tiếp tục việc đàm phán song phương với Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông , điều này cho thấy sự việc vẫn đang tiến triển theo hướng này.

[40] Các sự kiện mới đây như Philippines phản đối Báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia ngày 04/ 08/09 cho thấy có lẽ Philippines đã chịu nhiều áp lực từ phía Trung Quốc.