171315618.jpg

Tháng 3/2018, Indonesia hứng chịu những tác động không mong muốn từ tranh cãi ngoại giao giữa Nga và Mỹ sau khi Jakarta quyết định mua 11 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Thương vụ này đã làm khuấy động những nghi ngờ về việc liệu Moskva đang chơi "trò" gì ở Indonesia, và cuộc chơi này phù hợp với vị thế quốc phòng của Indonesia hiện nay như thế nào. Giá trị và quy mô của thương vụ này không lớn, con số ước tính chỉ khoảng 1,1 tỷ USD và chủ yếu được đổi chác bằng mặt hàng dầu cọ và cà phê của Indonesia. Tuy nhiên, động thái mua bán vũ khí này lại thổi một luồng gió mới cho mối quan hệ Indonesia-Nga.

Có hội tụ lợi ích lớn giữa Nga và Indonesia, vốn được củng cố bởi các xu hướng hiện tại trong khu vực Đông Á. Đối với Indonesia, một chiến lược phòng thủ mang tầm nhìn dài hạn đã và đang là mục tiêu chiến lược quan trọng của quốc gia này. Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã nỗ lực xây dựng một chính sách đối ngoại và quốc phòng chủ động hơn để nâng tầm vị trí chiến lược của Indonesia trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ngay từ trước khi Jokowi lên nắm quyền, Indonesia đã bắt đầu xây dựng quân đội nước này trở thành một “Lực lượng thiết yếu tối thiểu”, trong đó, yếu tố quan trọng là tiến hành hiện đại hóa hệ thống vũ khí đã lỗi thời. Jakarta còn ấp ủ tham vọng to lớn hơn là tiến tới một nền công nghiệp quốc phòng "tự cung tự cấp". Để đạt được mục tiêu này, Tổng thống Jokowi cam kết đưa các điều khoản về chuyển giao công nghệ trong các thương vụ vũ khí, đồng thời tăng cấp vốn cho hoạt động sản xuất vũ khí trong nước.

Đối với Nga, Indonesia lâu nay là một địa bàn tiềm năng nhưng không được chú trọng trong chính sách Hướng Đông của Nga. Tuy nhiên, từ năm 2012, Nga đã rất quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia châu Á, trong đó có Indonesia. Điều này càng được Nga đẩy mạnh khi quan hệ giữa Moskva và phương Tây ngày càng xấu đi. Nga đang tìm cách đa dạng hóa chiến lược của mình ở châu Á để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn với các nước Đông Nam Á và khối ASEAN. Tuy nhiên, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Moskva lại chỉ có mối quan hệ đặc biệt sâu sắc với Việt Nam, vốn được hun đúc bởi lịch sử lâu dài có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, không thuận lợi như những gì hiện có với Việt Nam, Indonesia là một địa bàn khó xâm nhập đối với Nga. Quan hệ thương mại Nga-Indoensia không có gì nổi trội, với kim ngạch thương mại song phương trong năm 2017 chỉ ở mức 3,2 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Indonesia chiếm đến 2,4 tỷ USD. Các công ty Nga đã nỗ lực tìm cách hợp tác với Indonesia để xây dựng nhà máy lọc dầu, nhà máy điện và tuyến đường sắt, nhưng mọi cuộc đối thoại cấp cao chỉ dừng lại ở việc ký kết các biên bản ghi nhớ mà không có bước tiến xa hơn.

Hợp tác quốc phòng lại là một trong những lĩnh vực có những diễn biến "thú vị" hơn cả. Các nước Đông Nam Á là thị trường hấp dẫn mà các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga hướng tới. Tháng 12/2017, một phi đội máy bay ném bom Tu-95 Bear của Nga đã đáp xuống một đường băng của Indonesia để tiếp nhiên liệu trước khi tiếp tục hành trình tuần tra khu vực Nam Thái Bình Dương.

Moskva đang mong muốn có sự hiện diện rõ rệt tại khu vực Đông Nam Á, và Indonesia là một cửa ngõ quan trọng để Nga thực hiện ý đồ này. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có kế hoạch đến thăm Indonesia trong năm 2018 và rất có thể hai bên sẽ nâng mức quan hệ lên đối tác chiến lược, một động thái chủ yếu mang tính tượng trưng nhưng vẫn có ý nghĩa to lớn. Mặc dù đang rất nỗ lực để xích lại gần Jakarta và thâm nhập khu vực Đông Nam Á nhưng Nga đang đối mặt với ba vấn đề lớn, cản trở bước tiến của Moskva trong việc tăng cường quan hệ chiến lược với Indonesia.

Thứ nhất, Trung Quốc ngày càng hành động quyết đoán hơn tại khu vực Biển Đông, đẩy các quốc gia Đông Nam Á vào tình thế khó xử, thậm chí một số quốc gia còn cảm thấy đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó, Nga đang được biết đến là đối tác gần gũi nhất của Bắc Kinh hiện nay. Và chính điều này có thể sẽ gây ra những trở ngại cho Nga khi tiếp cận Indonesia nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.

Thứ hai, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tái định hình chính sách châu Á của Mỹ với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Trong khi đó, cách tiếp cận của Indonesia với chính sách trên của Trump lại mang tính truyền thống hơn khi nhấn mạnh vào vai trò của các thể chế đa phương hiện tại mà ASEAN đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, Jakarta đồng thời lại chấp nhận các cơ chế mới, miễn là không hủy hoại những cơ chế cũ. Điều này đồng nghĩa với việc Indonesia có thể thích nghi với các sáng kiến an ninh do Mỹ và Nhật Bản đưa ra trong khu vực. Một thái độ chào đón quá mức các sáng kiến này có thể khiến Moskva khó chịu bởi Nga luôn nghi ngờ những chính sách do Mỹ dẫn đầu. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" của Mỹ mang "động cơ địa chính trị", gây hại đến an ninh khu vực.

Thứ ba, trong tương lai gần, do các bất đồng hay những mâu thuẫn đỉnh điểm, nếu Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga thì điều này có thể sẽ gây vấn đề lớn đối với những quốc gia mua vũ khí của Nga. Luật pháp Mỹ cho phép trừng phạt bất kỳ quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân nào giao dịch với các thực thể Nga trong danh sách trừng phạt (bao gồm cả giao dịch mua bán vũ khí) và Indonesia không phải là ngoại lệ.

Thương vụ mua bán máy bay Su-35 cho thấy quan hệ của Nga với Indonesia và các nước Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Nga và Mỹ có giải quyết được những bất đồng khác biệt căn bản trong các vấn đề quốc tế hay không. Nếu cả Nga và Mỹ lựa chọn cách đối đầu thay cho đối thoại bất kỳ khi nào lợi ích của họ bị xâm phạm để rồi đẩy cuộc đối đầu này lên mức quy mô toàn cầu, khi ấy đương nhiên các quốc gia khác, không chỉ Nga và Mỹ, sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Tác giả là chuyên gia Anton Tsvetov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSR), Nga. Bài viết đăng trên trang mạng “Diễn đàn Đông Á”.

Mỹ Anh (gt)