1_9_2.jpg

 

Các nhà lãnh đạo của ASEAN đang lo ngại về tương lai của Đông Nam Á trong bối cảnh ASEAN bước vào thời điểm quan trọng trong lịch sử khối này, đó là thành lập Cộng đồng Kinh tế, Chính trị-An ninh và Xã hội vào tháng 12/2015. Tạp chí “the National Interest” (Mỹ) cho rằng các nhà lãnh đạo trong khối đang viện dẫn các sự kiện u tối trong lịch sử để ám chỉ hiện tại.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã khuấy động báo chí khi so sánh Trung Quốc với Đức Quốc xã thời Hitler. Trong phép ẩn dụ này, Philippines được hiểu là Tiệp Khắc. Ông Aquino đã phát biểu quan điểm này trên tờ “Thời báo New York” hồi năm ngoái và trong chuyến thăm mới đây tới Nhật Bản. Mấu chốt trong cách so sánh của ông Aquino không chỉ là ở sự tương đồng giữa Đức Quốc xã và Trung Quốc, mà còn ám chỉ Mỹ hiện nay giống như Anh/Pháp thời bấy giờ - các cường quốc đã im lặng khi nước nhỏ (Philippines trong tình thế của Tiệp Khắc lúc đó) bị “bắt nạt”.

Một sự kiện lịch sử khác cũng gây ảnh hưởng là quan điểm của sử gia Hy Lạp Thucydides về cuộc chiến Peloponnesian ở Hy Lạp giữa Athens và Sparta khoảng 2.500 năm trước. Theo ông, khi một cường quốc đang trỗi dậy, chắc chắc nó sẽ xung đột với cường quốc đang tại vị do “sự phát triển” và “nỗi lo sợ” của mỗi bên. Tuy nhiên, cái bẫy Thucydides mà ASEAN nhìn nhận khác với cái bẫy Thucydides mà giới quan sát dự tính về tương lai quan hệ Mỹ-Trung.

Quan điểm của Giáo sư Graham Allison về cái bẫy Thucydides là: Khi một cường quốc đang trỗi dậy đối đầu với một cường quốc đang tại vị, nó sẽ làm nảy sinh nhiều nguy cơ. Theo ông Allison, mấu chốt là ở câu: “Chính sự trỗi dậy của Athens làm Sparta sợ hãi và từ đó làm nảy sinh chiến tranh”. Áp dụng vào ngày nay, "cái bẫy Thucydides" là: sự trỗi dậy của Trung Quốc, nỗi lo sợ của Mỹ và cuộc xung đột khó tránh khỏi. Ông nói: “Chưa bao giờ có một quốc gia [ám chỉ Trung Quốc] lại phát triển nhanh và mạnh như vậy, họ trỗi dậy trên tất cả các lĩnh vực trên trường quốc tế. Một quốc gia từng có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn cả Tây Ban Nha giờ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dựa trên nền tảng lịch sử, câu trả lời cho câu hỏi về cái bẫy Thucydides dường như trở nên rõ ràng. Kể từ năm 1500, có tới 11 trong số 15 trường hợp mà ở đó một quốc gia mới trỗi dậy thách thức cường quốc tại vị”.

Quan điểm về "cái bẫy Thucydides" cũng thu hút sự quan tâm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu với Viện Berggruen, ông nói: “Quan điểm cho rằng các quốc gia đang nổi chắc chắn sẽ tìm cách trở thành bá chủ không áp dụng trong trường hợp Trung Quốc. Xét trong bối cảnh lịch sử và văn hóa lâu đời của Trung Quốc, đặc tính này không nằm trong ADN của chúng tôi. Chúng tôi nhận thức rõ rằng chúng tôi cần một môi trường hòa bình và ổn định cả trong và ngoài nước để phát triển. Chúng ta phải cùng nhau hợp tác để tranh cái bẫy Thucydides - vốn làm gia tăng căng thẳng giữa cường quốc đang trỗi dậy và cường quốc tại vị, hoặc giữa các cường quốc đang tại vị”.

Tuy nhiên, khi bàn về "cái bẫy Thucydides", các nhà lãnh đạo ASEAN lại quan tâm đến một vấn đề khác - các cường quốc có thể làm gì cho các nước nhỏ? Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đề cập đến "cái bẫy Thucydides" tại Hội nghị Bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương năm 2014. Ông nói: “Hãy thử tưởng tượng một thế giới mà ở đó các thể chế, luật lệ và quy tắc bị phớt lờ, coi thường hoặc gạt sang một bên; ở đó các quốc gia có nền kinh tế lớn và quân đội mạnh sẽ thống trị và buộc các nước còn lại phải chấp nhận hậu quả. Đó sẽ là một thế giới mà ở đó - theo lời của sử gia Hy Lạp Thucydides - ‘kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải gánh chịu những gì họ phải chịu đựng’”.

Vài tuần trước, Thủ tướng Singapore cũng bày tỏ lo ngại về cùng vấn đề này khi ám chỉ cuộc chiến Peloponnesian. Ông nói: “Không nên tồn tại một thế giới mà ở đó lẽ phải thuộc về kẻ mạnh, nơi mà kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải gánh chịu những gì họ phải chịu đựng. Chúng ta nên xây dựng một thế giới mà ở đó tính hợp pháp và cam kết mang tính xây dựng trở thành quy chuẩn quốc tế, và tất cả quốc gia, dù lớn hay nhỏ, có thể cạnh tranh hòa bình để tìm kiếm cơ hội phát triển thịnh vượng”.

"Kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải gánh chịu những gì họ phải chịu đựng" là điều mà Athens đã nói với quốc gia nhỏ bé Melos, và yêu cầu họ phải đầu hàng và cống nạp. Người Melos đã từ chối đầu hàng và đòi hỏi quyền được giữ trung lập (hoặc nghiêng về Sparta) trên cơ sở công lý và sự tôn trọng. Sau khi tiến hành bao vây, Athens đã hiện thực hóa lời đe dọa giết chết tất cả những người đàn ông Melos trong tuổi tòng quân và bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ.

Sự kiện lịch sử này dường như ảnh hưởng đến mục tiêu cốt lõi của ASEAN đó là giữ vai trò trung tâm và trung lập. Sự trung lập của mỗi quốc gia ASEAN ở đây đó là quyền được tách biệt hoặc ngả về Trung Quốc hay Mỹ, tùy thuộc vào vấn đề. Lo ngại của ASEAN hiện nay là khối này không thể đóng vai trò trung tâm trong các quyết định và bị buộc phải lựa chọn một bên dưới sức ép.

Suy ngẫm về triển vọng của các lựa chọn khó khăn là điều mà ASEAN vẫn thường làm và được ASEAN cho là một phần trong phương thức hoạt động của họ. Theo Giáo sư Coral Bell, NATO đang rơi vào khủng hoảng và tương tự như vậy, ASEAN đang “dày vò” bởi những mối lo ngại hiện tại. Và các bài học lịch sử lại càng “nuôi dưỡng” mối lo ngại đó.

Theo "Atimes"

Nhật Linh (gt)