Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày tới Úc theo lời mời của Thủ tướng Tony Abbott. Theo thông cáo chung chính thức được đưa ra sau các cuộc thảo luận, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký "Tuyên bố về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Úc" và nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. Theo bản dự thảo đã được thỏa thuận, "quan hệ đối tác toàn diện tăng cường... phản ánh sự năng động hiện tại của khu vực và mối quan hệ song phương phát triển hơn. Một bản kế hoạch hành động thứ hai sẽ tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên hợp tác mới và các trọng điểm".

Ngoài phần mở đầu, "Tuyên bố về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Úc" được chia thành năm phần. Lời mở đầu tuyên bố: "Úc và Việt Nam có mối quan tâm chung đến an ninh, ổn định khu vực và tăng trưởng kinh tế. Cả hai quốc gia đều được hưởng lợi từ một môi trường khu vực an toàn và ổn định, tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế. Cả hai quốc gia công nhận vẫn còn những thách thức đáng kể trên con đường tiến tới một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng".

Lời mở đầu lưu ý rằng Úc và Việt Nam "sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác để định hình tương lai của khu vực và môi trường toàn cầu rộng lớn hơn" thông qua các tổ chức đa phương như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Úc và Việt Nam cũng cam kết thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand, đồng thời nỗ lực hoàn thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) một cách toàn diện và công bằng.

Phần 1 của tuyên bố chung là phần dài nhất, có nội dung chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ song phương. Hai bên cam kết tăng cường "trao đổi các chuyến thăm cấp cao và đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam với các Đảng, Chính phủ và Quốc hội Úc". Canberra và Hà Nội nhất trí "tham gia đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng và an ninh hàng hải, an toàn hàng không trong khu vực, thực thi pháp luật và tội phạm xuyên quốc gia".

Cũng trong phần này, hai nước cam kết sẽ nỗ lực phối hợp giải quyết vấn đề nhân quyền, các mối liên kết giao lưu nhân dân, cộng đồng người Việt Nam tại Úc, hợp tác khoa học và công nghệ, hợp tác giáo dục, đào tạo và pháp lý. Ba lĩnh vực hợp tác mới được xác định là: (1) các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm dịch và nghiên cứu nông nghiệp, (2) bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, và (3) tài chính, thông tin và truyền thông, tài nguyên thiên nhiên và môi trường và các vấn đề về lãnh sự".

Trong phần 2 của tuyên bố chung, đề cập tới hợp tác khu vực và quốc tế, Úc và Việt Nam cam kết làm việc cùng nhau để phát triển cấu trúc đa phương của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có EAS "như một diễn đàn hàng đầu để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có an ninh, hợp tác kinh tế và phát triển trong khu vực". Thông cáo chung tuyên bố hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường nhiệm vụ an ninh và chiến lược của EAS. Thông cáo chung có đoạn: "Hai nước kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh các hành động có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực. Hai nước đồng ý nhất thiết phải có một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông". Úc và Việt Nam cũng cam kết thúc đẩy "phát triển bền vững khu vực tiểu vùng sông Mekong".

Phần 3 của tuyên bố chung có trọng tâm là tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại và công nghiệp," khuyến khích một vai trò lớn hơn cho khu vực tư nhân trong 19 lĩnh vực cụ thể khác nhau, từ khai thác khoáng sản và năng lượng cho đến thiết bị điện tử và viễn thông". Hai bên cũng trao đổi thông tin về quy định xuất nhập khẩu để giảm sự kiểm soát trùng lặp không cần thiết. Úc và Việt Nam cam kết hỗ trợ nhau hướng tới đầu tư thương mại cởi mở hơn thông qua việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC, Hội nghị Á-Âu và Nhóm Cairns. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Úc sẽ dẫn đầu một đoàn đại biểu đến Việt Nam vào cuối năm nay để thúc đẩy thương mại và đầu tư hơn nữa.

Tập trung hỗ trợ phát triển là nội dung chính của phần 4 thông cáo chung. Úc cam kết hỗ trợ Việt Nam hoàn thành "mục tiêu trở thành một nước công nghiệp cơ bản hiện đại vào năm 2020" bằng cách giúp Việt Nam "thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2011-2020), bao gồm ba lĩnh vực đột phá: thúc đẩy nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng; hoàn thiện thể chế thị trường; và phát triển cơ sở hạ tầng". Hai bên xác định một lĩnh vực hợp tác mới là ngoại giao kinh tế và nhất trí thực hiện chính sách này "thông qua chia sẻ kinh nghiệm và các hoạt động xây dựng năng lực".

Phần cuối cùng của thông cáo chung xoay quanh các vấn đề quốc phòng, thực thi pháp luật và an ninh. Hai bên cam kết "thúc đẩy sự cởi mở và hợp tác hơn nữa... thông qua trao đổi nhân sự, đào tạo nhân viên, thăm cảng ... (và) trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và an ninh cùng quan tâm bằng cách duy trì một chương trình tham vấn thường xuyên và các chuyến thăm dân sự và quân sự". Hai nước cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy các mục tiêu an ninh chung, đảm bảo "an ninh hàng không, hàng hải, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, và hợp tác giữa các lực lượng đặc biệt cũng như các vấn đề di sản chiến tranh". Hai bên cũng cam kết hợp tác giải quyết "các mối đe dọa ngày càng tăng của tội phạm xuyên quốc gia (buôn bán người, ma túy, rửa tiền và tội phạm mạng)" thông qua tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và tăng cường đối thoại song phương thông qua các diễn đàn quốc tế để giải quyết "an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, và các nguy cơ nhiễm bệnh, dịch bệnh và thiên tai".

Trên cơ sở Đối tác toàn diện Úc-Việt Nam năm 2009, quan hệ song phương ngày nay đã được mở rộng và có chiều sâu. Úc và Việt Nam có những lợi ích và quan ngại chung về chính trị, ngoại giao, kinh tế, phát triển, an ninh và quốc phòng trong bối cảnh môi trường địa chiến lược đang thay đổi.

Chuyến thăm Úc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo động lực cho hai nước để tiến tới thực hiện một Kế hoạch Hành động mới trong những năm tới. Quan hệ đối tác toàn diện tăng cường thể hiện sự khôn ngoan trong chính sách lâu dài của Việt Nam nhằm "đa phương hóa và đa dạng hóa" quan hệ đối ngoại và chủ động tìm cách hội nhập quốc tế. Tuyên bố về tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Úccũng nhấn mạnh rằng Úc, với tư cách là cường quốc bậc trung, là một phần đóng góp quý giá vào sự phát triển kinh tế và an ninh không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo "The Diplomat"

Hương Trà (gt)