Nhân chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch Trương Tấn Sang, ngày 18/3 hai nước đã quyết định nâng cấp mối quan hệ lên thành "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á". Điều này thể hiện sự coi trọng của Nhật Bản đối với Việt Nam. Quan hệ Việt-Nhật nổi lên trong những năm gần đây và trở nên mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc trở thành quan ngại an ninh lớn và là mối đe dọa quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng thời có vẻ thách thức cấu trúc an ninh tại Tây Thái Bình Dương. 

Nhận thấy rõ vị trí chiến lược then chốt và vai trò của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, trong những thập niên qua Nhật Bản đã "đầu tư" cả về chiến lược, chính trị và kinh tế vào Việt Nam. Động thái gấp rút thêm những đường nét cơ bản vào quan hệ "đối tác chiến lược" có vẻ xuất phát từ chính sách quân sự hiếu chiến của Trung Quốc trong những năm gần đây đối với Việt Nam ở Biển Đông và đối với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật được thể hiện rõ qua các chuyến thăm cấp cao, các cuộc đối thoại chiến lược diễn ra trong năm 2013 và 2014. Thủ tướng Nhật Bản Abe đã thăm Việt Nam (tháng 1/2013), sau đó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản (tháng 12/2013) và hiện Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản từ ngày 16-19/3/2014. Trọng tâm của các chuyến thăm là nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật. 

Bên cạnh các lĩnh vực an ninh và quốc phòng, cần nhấn mạnh rằng Nhật Bản có quan hệ sâu với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế khi giữ vai trò là nhà đầu tư và viện trợ nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Nhật-Việt đạt 25,6 tỷ USD và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD trong năm 2013, chiếm 26,6% tổng FDI của Việt Nam. Nhật Bản cũng viện trợ nhiều cho các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam: xây dựng sân bay, nhà máy thủy điện, đường cao tốc... Việt Nam cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp của Nhật Bản trong dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân dân sự. 

Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật hẳn là vấn đề đặc biệt lo ngại đối với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh áp dụng các biện pháp thù địch và gây sức ép quân sự đối với cả Việt Nam và Nhật Bản tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo phép phân tích, Việt Nam hiện nay đã có quan hệ đối tác chiến lược vững chắc với Nhật Bản và Ấn Độ, hai cường quốc đang nổi lên của châu Á và đều có bất đồng với Trung Quốc về không gian chiến lược, an ninh và ổn định tại khu vực. Không nên nhìn nhận các mối quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Nhật Bản và Ấn Độ như sự bắt đầu của một dạng "liên minh an ninh mới" tại châu Á-Thái Bình Dương, mà cần nhìn nhận như sự kết nối chiến lược, nơi cả ba nước đều có những mối quan tâm và hội tụ chiến lược chung trong đối phó với những thách thức an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương. Điểm cuối cùng cần nhấn mạnh là đối tác chiến lược Việt-Nhật và đối tác chiến lược Việt-Ấn không lệ thuộc vào các mối quan hệ của Ấn Độ và Nhật Bản với Mỹ. 

Về mặt logic, cả Việt Nam và Nhật Bản sẽ cố gắng bổ sung những đường nét cơ bản vào mối quan hệ đối tác chiến lược trong những năm tới, đặc biệt là vấn đề an ninh hàng hải, an ninh hàng không tại Tây Thái Bình Dương nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không theo nguyên tắc quốc tế. Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch Trương Tấn Sang cần được xem như một thời điểm quyết định trong sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật. 

Theo “SAAG” (ngày 18/3)

Hương Trà (gt)