Tóm tắt

- Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Việt Nam đối xử với Mỹ “còn tệ hơn” với Trung Quốc về mặt thương mại, và Chính quyền Trump đã áp thuế cao đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam. Nhưng bất chấp lời nói và hành động cứng rắn như vậy, ít có khả năng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ xấu đi.

- Không như Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng giải quyết các lo ngại về thương mại của Mỹ và mong muốn được cải thiện mối quan hệ với Washington. Việt Nam cũng đang dần trở thành một đối tác có giá trị trong khu vực đối với Mỹ.

- Mối quan hệ Việt-Mỹ đã tiến triển đáng kể trong những năm gần đây, bất chấp thực tế hai nước đã từng đối đầu nhau trong cuộc một chiến tranh thảm khốc và vẫn có những khác biệt lớn về chính trị và kinh tế.

- Việc chia sẻ lợi ích chiến lược chung trong nhiều vấn đề then chốt của khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, đã – và tiếp tục – là yếu tố chính thúc đẩy mối quan hệ này.

Giới thiệu

Trong cuộc phỏng vấn dài đề cập đến nhiều vấn đề của Fox Business Network hôm 26/6, Tổng thống Donald Trump đã đả kích Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, NATO và các nước khác. Ông cũng chỉ trích Việt Nam với lời lẽ ngắn gọn nhưng gay gắt, mô tả Việt Nam “gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả”. Ông nói: “Rất nhiều công ty đang chuyển đến Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc.” Khi được hỏi liệu ông có muốn áp thuế đối với Việt Nam hay không, Trump nói rằng “chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam.” Ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 456% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Căn cứ vào những điều trên, rõ ràng là Trump đang thể hiện lập trường chống lại Việt Nam– quốc gia được xem là hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại hiện tại của Trump với Trung Quốc. Vì Việt Nam hiện vẫn là một nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, nên những lời lẽ mới đây nhất của Trump và các động thái trừng phạt của Chính quyền Trump là một trở ngại rất lớn. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trump hành động chống lại lợi ích kinh tế của Việt Nam. Ngày 23/1/2017, ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng, Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định của ông đã giáng một đòn lớn lên nền kinh tế Việt Nam, vốn dựa vào xuất khẩu được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận thương mại khổng lồ xuyên Thái Bình Dương nếu nó bao gồm cả Mỹ, nước có nền kinh tế lớn nhất trong số 12 thành viên của hiệp định này. Tuy nhiên, mối quan hệ của Hà Nội với Washington dưới thời Tổng thống Trump không bị đình trệ, mà còn tiến triển đáng kể.

Các chuyến thăm cấp cao

Việc Trump – người nhiệt tình ủng hộ chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” – đắc cử tổng thống đã khiến nhiều quốc gia lo lắng. Lập trường dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ của Trumpđặc biệt là việc ông rút khỏi TPP khiến các đồng minh truyền thống và đối tác then chốt của Washington ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoang mang, lo sợ và giận dữ. Một số nhà lãnh đạo khu vực thậm chí còn công khai thể hiện sự thất vọng, bày tỏ mối lo ngại hoặc chỉ trích lập trường của Trump. Chẳng hạn, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bày tỏ sự thất vọng đối với Trump vì ông đã từ bỏ TPP. Trong một cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ 1 tháng trước khi Trump thắng cử, Lý Hiển Long nói rằng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận thương mại này, thì “làm sao người ta có thể tin vào Mỹ được nữa?” Nhưng thay vì đưa ra phản ứng thể hiện sự thất vọng trước những thay đổi mới trong chính sách của Mỹ, hoặc làm giảm nhiệt mối quan hệ với cường quốc này, vốn đã tiến bộ rõ rệt dưới thời Tổng thống Obama; các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tìm cách vun đắp quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mỹ và hội kiến Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Như vậy, ông đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên từ Đông Nam Á – và thứ 3 từ châu Á (sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) – đến Mỹ và có các cuộc đối thoại trực tiếp với Trump kể từ khi ông này nhậm chức.

Bốn tháng sau, Trump đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Sau hội nghị APEC, ông đã tới Hà Nội để thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước trong 2 ngày. Trong chuyến thăm này, Trump đã hội kiến các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trước khi có cuộc đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội vào tháng 2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN từ năm 2011 và là Chủ tịch nước Việt Nam kể từ tháng 10/2018, Trump đã mời người đồng cấp Việt Nam đến thăm Mỹ trong năm 2019. Nếu điều kiện cho phép, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đến thăm Washington vào một thời điểm nào đó trong năm 2019 và sẽ hội đàm với Trump lần thứ 3 trong 3 năm. Không một quốc gia nào khác ở Đông Nam Á có được các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên như vậy với Mỹ dưới thời Trump. Xét ở nhiều khía cạnh, có thể coi đây là một điều đặc biệt.

Mỹ và Việt Nam chính thức chỉ là “đối tác toàn diện” và mối quan hệ song phương này có thứ hạng khá thấp trong các mối quan hệ đối ngoại của cả hai bên. Trong vốn từ vựng ngoại giao của Việt Nam, mối “quan hệ đối tác toàn diện” được thiết lập với Mỹ vào năm 2013 ở cấp độ thấp nhất trong số các mối quan hệ đối tác của Việt Nam với các quốc gia khác. Nó đứng sau các mối “quan hệ đối tác chiến lược” với 16 quốc gia – cụ thể là Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011), Pháp, Italy, Indonesia, Singapore và Thái Lan (2013), Malaysia và Philippines (2015) và Úc (2017).

Việt Nam đã nâng mối “quan hệ đối tác chiến lược” của mình với Hàn Quốc lên tầm “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009, với Nhật Bản lên tầm “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng” vào năm 2014, với Nga và Ấn Độ lên tầm “quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện” lần lượt vào năm 2012 và 2016, và với Trung Quốc lên tầm “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” vào năm 2009. Trên lý thuyết thì Trung Quốc đương nhiên là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, trong khi Mỹ là một trong những đối tác ít quan trọng nhất, bao gồm cả các đối tác xa xôi và chưa được chú trọng như Argentina, Brazil, Chile, Đan Mạch, Ukraine và Venezuela. Mối quan hệ “đối tác toàn diện” của Việt Nam với nền kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới trên lý thuyết thậm chí còn bị xếp sau mối quan hệ “đối tác hợp tác toàn diện” mà Việt Nam đã thiết lập với Myanmar vào năm 2007.

Xét về mức độ liên quan đối với Mỹ, Việt Nam hiện ở vị trí sau so với các nước khác trong khu vực. Trong khi Philippines và Thái Lan đã là đồng minh lâu đời của Mỹ, Indonesia và Singapore là đối tác chiến lược của quốc gia này.

Khác biệt về ý thức hệ và thâm hụt thương mại

Sự tương tác cấp cao thường xuyên giữa hai nước cũng đáng chú ý vì chỉ hơn 40 năm trước, hai nước đã từng ở hai đầu chiến tuyến của một trong những cuộc chiến tranh dài nhất và tàn khốc nhất thế giới. Trong bài phát biểu có ý nghĩa then chốt trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận rằng “sự cạnh tranh và nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã đẩy chúng ta vào cuộc xung đột.” Chiến tranh Lạnh đã đi qua từ lâu, nhưng Việt Nam vẫn là một nước cộng sản, với hệ thống kinh tế và chính trị khác, nếu không nói là đối nghịch, với hệ thống của Mỹ.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – khi đó là Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCSVN đến thăm Mỹ – tại Nhà Trắng vào năm 2015, Obama thừa nhận rằng ‘vẫn tiếp tục có những khác biệt đáng kể về triết lý và hệ thống chính trị giữa hai nước chúng ta”.

Dưới thời Trump, một điểm bất đồng đáng chú ý khác là thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng tăng. Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, thặng dư thương mại của nước này với Việt Nam năm 1996 đạt 285 triệu USD. Nhưng đến năm 1997, Mỹ phải chịu thâm hụt 102 triệu USD; kể từ đó, mức chênh lệch hàng năm đã tăng lên nhanh chóng – tới 39,5 tỷ USD vào năm 2018.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, thâm hụt của Mỹ với Việt Nam đã ở mức 21,6 tỷ USD, so với mức 15,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2018. Nếu xu hướng này tiếp tục, thì mức thâm hụt có thể lên tới 50 tỷ USD vào cuối năm 2019 hoặc thời điểm nào đó trong năm 2020. Đây là lý do then chốt giải thích tại sao Trump và các trợ lý cấp cao của ông thường bày tỏ – một cách công khai và riêng tư – mối quan ngại của họ về mất cân bằng thương mại. Chẳng hạn, khi giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một sự kiện dành cho giới doanh nghiệp ở Washington vào tháng 5/2017, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng kể từ năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hai bên đã tiếp tục tăng cường quan hệ thông qua Hiệp định khung về thương mại đầu tư (TIFA) và đạt được tiến bộ đáng kể trong thương mại hàng hóa, nông sản và dịch vụ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng hai bên “vẫn còn rất nhiều việc phải làm” vì “trong thập kỷ qua, thâm hụt thương mại song phương của cả hai đã tăng từ khoảng 7 tỷ USD lên gần 32 tỷ USD.” Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Lighthizer nhấn mạnh một lần nữa về“những thách thức do sự gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam”. Tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam – cùng 8 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia – vào danh sách các nước bị giám sát vì thao túng tiền tệ. Như đã lưu ý ở trên, một tháng sau đó Trump gán cho Việt Nam là nước “lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”, và ngay sau đó, Mỹ đã áp mức thuế rất cao đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam. Tất cả điều này cho thấy giữa hai nước đã có một số bất đồng đáng kể.

Sự thống nhất vượt qua sự khác biệt

Tuy nhiên, Mỹ và Việt Nam có sự thống nhất về nhiều vấn đề then chốt, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trên thực tế, quan điểm và lợi ích của hai quốc gia hiện thống nhất hơn so với vài năm trước và sự thống nhất như vậy đã – và sẽ tiếp tục – thúc đẩy mối quan hệ song phương này. Ngay cả ở cấp độ chính trị, mối quan hệ hiện đã tốt hơn so với thời điểm 6 năm về trước. Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2013, khi mối quan hệ đối tác toàn diện chính thức được thiết lập, hai bên đã nhấn mạnh các nguyên tắc của mối quan hệ đối tác này, bao gồm trong đó sự tôn trọng đối với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015, hai bên đã khẳng định “tiếp tục theo đuổi mối quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Thỏa thuận và cam kết của hai bên đối với các nguyên tắc đó có cả ý nghĩa tượng trưng lẫn thực chất, đặc biệt là đối với Việt Nam. Bằng cách đồng ý xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ “trên cơ sở tôn trọng hệ thống chính trị của nhau”, Mỹ đã chính thức chấp nhận và tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, và sự công nhận này vô cùng quan trọng đối với Hà Nội bởi đã từng xuất hiện sự nghi ngờ về việc Mỹ muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thông qua  “diễn biến hòa bình”.

Sự nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng “độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ” của nhau cũng là điều đáng nói. Điều này thực sự rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, một nước mà trong suốt chiều dài lịch sử đã chiến đấu chống lại Trung Quốc (nhiều lần), Nhật Bản, Pháp và Mỹ để bảo vệ nền độc lập của mình, và vẫn đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Điều đáng lưu ý là, mặc dù hai nước đã tham chiến với nhau cách đây hơn 4 thập kỷ và vẫn tồn tại một số bất đồng về chính trị và kinh tế, nhưng Mỹ và Việt Nam hiện không có bất kỳ tranh chấp nào về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Khi đồng ý đưa nguyên tắc này vào các tuyên bố chung của mình với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Obama đã cho thấy sự hiểu biết của ông về các cuộc đấu tranh trong quá khứ, và đặc biệt là ở hiện tại, của Việt Nam. Quả thực, trong bài phát biểu trên truyền hình với người dân Việt Nam trong chuyến thăm năm 2016, ông nói: “Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền; và không một quốc gia nào khác có thể áp đặt nguyện vọng của họ lên các bạn hay quyết định vận mệnh của các bạn.” Tuyên bố này đã nhận được một sự hưởng ứng nhiệt liệt và đông đảo từ phía khán giả có mặt, chủ yếu là giới trẻ.

Người kế nhiệm Obama, Tổng thống Donald Trump, tiếp tục duy trì nguyên tắc đó, điều này được tái khẳng định trong những tuyên bố chung của ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017 và Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 11/2017. Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donald Trump đã nhắc lại phát biểu của mình tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC tại Đà Nẵng một ngày trước đó, trong đó ông tuyên bố rằng Mỹ “cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia hùng mạnh, độc lập tôn trọng chủ quyền của nhau” và mong muốn đối tác của Mỹ trong khu vực “tự hào và tự chủ, chứ không phải là chư hầu hay vệ tinh”. Với những nhận xét như vậy, giống như người tiền nhiệm của mình, Trump đã ngầm nhắc đến Trung Quốc, người hàng xóm khổng lồ của Việt Nam và là nước từ lâu đã bị mắc kẹt với Việt Nam trong các tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở biển Đông.

Quan điểm chung về Biển Đông

Quả thực, cả Mỹ và Việt Nam ngày càng lo ngại và chỉ trích các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Chẳng hạn, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 5/2019 có viết: “Năm 2018, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông” và với hành động này, họ đã vi phạm cam kết của Tập Cận Bình rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” trong khu vực. Trong một bài phát biểu quan trọng tại Singapore năm 2015, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cảnh báo về tư duy “đề cao sức mạnh, coi việc sử dụng vũ lực như một giải pháp”. Ông không đề cập đến Trung Quốc, nhưng những phát biểu của ông nhắm vào các hành vi gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực và cách tiếp cận theo tư tưởng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đối với các tranh chấp trên biển. Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt-Mỹ được đưa ra trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015, nói rằng cả hai nước đều “lo ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông” và “tái khẳng định việc tiếp tục hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”. Chắc chắn là các hành động ngang nhiên của Trung Quốc tại Biển Đông kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, bao gồm cả việc đặt một giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng biển của Việt Nam vào năm 2014, là yếu tố then chốt – nếu không muốn nói là yếu tố mang tính quyết định nhất – đằng sau sự tiến triển đáng kể của mối quan hệ Việt-Mỹ trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là an ninh và quốc phòng trong những năm gần đây. James Mattis, người đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào tháng 12/2018, đã đến thăm Việt Nam vào tháng 1 và tháng 10/2018. Tháng 4/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã ghé thăm cảng Đà Nẵng - chuyến thăm đầu tiên mang tính bước ngoặt kể từ năm 1975. Mỹ đã chuyển giao 1 tàu tuần duyên lớp Hamilton và 6 xuồng tuần tra cho Việt Nam; tất cả số tàu và xuồng này hiện đang tích cực đảm nhiệm các nhiệm vụ an ninh hàng hải của Việt Nam.

Phát biểu tại một sự kiện ở Washington vào tháng 4/2019, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Randall Schriver nói rằng sự hợp tác “là một trong những trụ cột vững chắc nhất” trong quan hệ song phương Mỹ-Việt và đưa ra một số lý do cho nhận định này. Lý do quan trọng nhất là những lợi ích chung của hai nước “trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên các quy tắc, việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi riêng của các nước, bất kể quy mô của họ” và hai bên đều “có chung mối lo ngại rằng trật tự dựa trên các quy tắc có nguy cơ bị xâm hại”. Mặc dù ông không chỉ đích danh Trung Quốc khi đưa ra những bình luận đó, nhưng không thể nhầm lẫn rằng vị quan chức quốc phòng Mỹ này đã ám chỉ người khổng lồ châu Á là kẻ đứng sau “nguy cơ bị xâm hại” này. Việt Nam chắc hẳn hài lòng với nhận xét của Schriver, vì Hà Nội cũng ủng hộ mạnh mẽ trật tự dựa trên các quy tắc ở Biển Đông – và ở cả một khu vực rộng lớn hơn.

Trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Trung Quốc, cũng như trong các bài phát biểu và tuyên bố chung với lãnh đạo các đối tác chính – như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Anh và Pháp – các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn ủng hộ một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đối với các tranh chấp trên biển. Các động thái gây hấn mới nhất của Trung Quốc – bao gồm cả việc đưa một tàu khảo sát địa chấn và các tàu hộ tống vũ trang vào một khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam – chắc chắn sẽ làm cho quan hệ Washington-Hà Nội trở nên gắn bó hơn. Chính phủ Việt Nam “kiên quyết yêu cầu Trung Quốc ngừng mọi hoạt động phi pháp” và “lập tức đưa các tàu vi phạm ra khỏi vùng biển của Việt Nam”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về việc “Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động thăm dò và khai thác lâu năm của Việt Nam”. Tuyên bố này chắc chắn rất được đón nhận ở Việt Nam.

Các động lực kinh tế mạnh mẽ

Mất cân bằng thương mại là một vấn đề lớn trong mối quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên, trên bình diện kinh tế, hai bên đều rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác. Trung Quốc tuy vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 41,9 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc và nhập khẩu 65,8 tỷ USD từ Trung Quốc. Cũng trong 2018, Việt Nam đã bán 47,5 tỷ USD hàng hóa cho Mỹ và mua 12,8 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Điều này có nghĩa là Việt Nam chịu thâm hụt thương mại 23,9 tỷ USD với Trung Quốc và chịu một mức thặng dư 34,7 tỷ USD với Mỹ vào năm 2018.

So với các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, các tương tác thương mại của Việt Nam với Mỹ có tính bổ trợ cao hơn, và do đó có lợi hơn. Việt Nam cũng có những lợi ích kinh tế bền vững trong việc tạo lập quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và các nước phương Tây hoặc các nước tiên tiến khác; và lý do then chốt giải thích điều này là để Hà Nội sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh về mặt chính trị và kinh tế. Do đó, không giống như các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn đã từ chối điều chỉnh các chính sách của họ để làm cho quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác, bao gồm cả Mỹ và Việt Nam, trở nên cân bằng hơn và có tính tương hỗ nhiều hơn; giới lãnh đạo ở Hà Nội đã đáp lại lời kêu gọi của Trump về việc làm giảm thâm hụt thương mại. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Trump vào năm 2017, Việt Nam đã đồng ý mua 12 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Trong chuyến thăm thứ hai của Trump vào tháng 2/2019, Hà Nội đã đạt được một số thỏa thuận thương mại, bao gồm trong đó thỏa thuận mua 110 máy bay từ hãng Boeing trị giá hơn 21 tỷ USD; điều này đã khiến Trump khen ngợi các nỗ lực cân bằng thương mại song phương của Việt Nam.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gay gắt chỉ trích Việt Nam vào tháng 6/2019 và việc Chính quyền Mỹ tiến hành các hành động trừng phạt đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam vào tháng 7/2019 chắc chắn đã khiến nhiều người ở Việt Nam sửng sốt; vì chỉ vài tháng trước đó, ông đã dành nhiều lời khen ngợi cho nước chủ nhà Việt Nam, cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì đã mua các sản phẩm của Mỹ và làm giảm rất đáng kể thâm hụt thương mại. Nhưng một lần nữa kể từ khi Trump thắng cử, Chính phủ Việt Nam đã phản hồi tích cực trước những lo ngại của Washington bằng cách cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ và cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước.

Kết luận

Vẫn còn nhiều khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam về một số vấn đề chính trị và kinh tế, đặc biệt là về mức thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, những khác biệt này sẽ không làm chệch hướng mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước. Điều này có được là do hai bên có những điểm thống nhất bền vững, vượt qua những khác biệt về số lượng và mức độ. Mặc dù trên lý thuyết Mỹ xếp hạng thấp trong mạng lưới quan hệ đối tác của Việt Nam, nhưng trên thực tế Mỹ là đối tác quan trọng thứ hai của Việt Nam. Ở một số khía cạnh, Mỹ cũng quan trọng như Trung Quốc. Ở các khía cạnh khác, Mỹ thậm chí còn quan trọng hơn cả Trung Quốc. Đối với Mỹ, Việt Nam – giờ đã là một trong 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới – cũng đang trở thành một đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, mặc dù có một số trục trặc nhất định, quan hệ đối tác giữa hai nước có khả năng sẽ tiến triển, chứ không suy yếu, trong những năm tới.

Tác giả của bài viết là học giả Đoàn Xuân Lộc, hiện đang là nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Chính sách toàn cầu. Bài viết được đăng tải trên trang web của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak.

Tuấn Minh (gt)