Miller_IndiasFeebleFP_411.jpg

Trong bối cảnh những xu hướng chính trị khu vực và toàn cầu đang thay đổi, quan hệ đối tác Ấn Độ-Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược trong thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương. Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam là rất đúng thời điểm khi xét theo thực tế rằng chính phủ của ông đã đặt tầm quan trọng đáng kể vào việc tăng cường liên kết với các nước Đông Nam Á thông qua “Chính sách hành động phía Đông” của mình.

Hợp tác quốc phòng, trụ cột hợp tác quan trọng nhất giữa hai nước, đã nhận được cú hích với việc Thủ tướng Modi công bố một gói tín dụng 500 triệu USD mới cho Việt Nam để tạo điều kiện cho hợp tác quốc phòng sâu hơn. Cả hai nước cũng đã đồng ý khai thác các cơ hội kinh tế đang tăng lên trong khu vực, thừa nhận cần phải tăng cường và củng cố hợp tác quốc phòng và an ninh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup cho rằng chuyến thăm này của ông Modi đã thiết lập một “chuẩn mực mới cho quan hệ Ấn Độ-Việt Nam, sẽ đưa mối quan hệ giữa hai bên lên một tầm cao mới”.

Cùng với điều này, cả ông Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đều hoan nghênh việc tạo thuận lợi cho các dự án và các khoản đầu tư của Ấn Độ đang được triển khai ở Việt Nam. 12 bản ghi nhớ bao trùm các lĩnh vực quốc phòng, vũ trụ, công nghệ thông tin, y tế, công nhận tiêu chuẩn của nhau và an ninh mạng đã được ký kết cũng như bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ. Ấn Độ cam kết cung cấp 5 triệu USD để xây dựng một công viên phần mềm tại Việt Nam; các công ty của Việt Nam cũng được mời tới Ấn Độ để tận dụng lợi thế của nhiều chương trình và cơ chế lá cờ đầu của Chính phủ Ấn Độ. Thủ tướng Modi nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác thương mại song phương giữa hai nước là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự chiến lược toàn diện.

Ngoài những vấn đề này, Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh đến việc cần phải thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Tuy nhiên, ông lại không có đề cập chính xác những vấn đề mà cả hai nước cần phải có một tiếng nói chung. Thủ tướng Modi đã gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người đã đánh giá cao lập trường của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở tại khu vực có tranh chấp này dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Vào một dịp trước đó, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam P. Harish đã phát biểu rằng tất cả các bên phải tôn trọng UNCLOS vì nó đại diện cho khía cạnh cơ bản của pháp luật quốc tế về biển và đại dương.

Hướng phát triển hợp tác đi lên giữa Ấn Độ và Việt Nam từ những năm 1990 cho thấy hai nước đã nổi lên như là những đối tác quan trọng trong thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự cần thiết phải duy trì động lực hợp tác hiện nay và cần phải khơi sâu sự hợp tác này hơn nữa là không thể phủ nhận. Ấn Độ và Việt Nam có thể đến với nhau trên một mức độ rộng lớn hơn nhiều để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của mình.

Về hợp tác sông Mekong-sông Hằng, Ấn Độ và Việt Nam cần giải quyết các vấn đề như cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại, mở rộng đường cao tốc ba bên (hiện mới chỉ bao gồm Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan), giảm chi phí giao dịch, kết nối hàng hóa và thị trường lao động, và cải thiện nguồn tài chính. Những bước đi này, cùng với những bước đi khác, có thể làm tăng sự kết nối mạnh mẽ giữa các hành lang này. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, có một số quan ngại an ninh xuyên quốc gia, từ nạn cướp biển, buôn bán ma túy và buôn người tới sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Tự các nước không thể đối mặt với các mối đe dọa như vậy được. Về khía cạnh này, một kế hoạch hành động chung để giải quyết các mối đe dọa chung sẽ đi một chặng đường dài trong không chỉ quá trình giải quyết các vấn đề này mà còn trong việc tìm ra các giải pháp để loại bỏ chúng.

Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác thương mại song phương và việc cần phải tăng cường đầu tư lẫn nhau. Thủ tướng Modi cũng đã mạnh mẽ thúc đẩy chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India) của mình ở nước ngoài, chiến dịch rõ ràng làm cho Ấn Độ là điểm đến mà không nhà đầu tư nước ngoài nào có ý định sẵn sàng nào lại có thể bỏ qua. Tuy nhiên, tỷ trọng thương mại với Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1,22% tổng thương mại của Ấn Độ. Điều này dự kiến sẽ tăng trong tương lai gần với việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN–Ấn Độ về lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Điều này có thể được bổ sung thông qua các năng lực sản xuất tăng lên của cả Ấn Độ và Việt Nam khi cả hai nước đã nhận được số lượng tốt nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất của mình. Ấn Độ có thể tiếp tục tận dụng những lợi thế của mối quan hệ kinh tế song phương này nếu họ gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiện đang trong quá trình đàm phán. Ấn Độ và Việt Nam cũng phải nỗ lực kết nối trực tiếp song phương và giảm bớt các quy định về thị thực cho doanh nhân.

Trong lĩnh vực quốc phòng, những diễn tiến cũng có rất nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, Ấn Độ và Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển tình báo điện tử, tiến hành diễn tập quân sự chung, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, và tăng khả năng giám sát và trinh sát trong khu vực. Việt Nam cũng có thể tìm thấy những cơ hội mới trong chính sách quốc phòng mới của Ấn Độ, trong đó được nhấn mạnh vào sáng kiến “Made in India”. Ấn Độ có thể tham gia ngành vận tải biển của Việt Nam bằng cách giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở hạ tầng hàng hải có thể đứng vững được, cung cấp khoản đầu tư đang rất cần thiết và nguồn nhân lực có chất lượng.

Với sự gia tăng trong hoạt động kinh tế, tiến bộ công nghệ và những đòi hỏi trong bảo vệ môi trường, đã có một nhu cầu ngày càng tăng mà các nước trên toàn thế giới cảm nhận được để tập trung hơn nữa vào việc sản xuất năng lượng có khả năng tái tạo. Các nhà đầu tư và các nhà phát triển dự án có thể khám phá và tìm kiếm những cơ hội mới trong các lĩnh vực năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, nhiên liệu sinh học và sự phát triển của pin quang điện. Điều này sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa hai nước và bổ sung cho các sáng kiến của chính phủ. Hai nước cũng có thể tìm kiếm sự hợp tác trong việc khám phá các giải pháp năng lượng sạch và các công nghệ lưới điện thông minh.

Sự tác động qua lại của các lực lượng mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các biến số địa chính trị mới kèm theo ngày nay đòi hỏi Ấn Độ và Việt Nam phải xích lại gần nhau hơn để hiện thực hóa những lợi ích từ việc hợp tác. Những thành tựu song phương gần đây rõ ràng là những bước đi đúng hướng nhưng cần phải khắc phục những vướng mắc để tối đa hóa lợi ích từ sự hợp tác này. Mối quan hệ đối tác chiến lược phản ánh lợi ích chung của Ấn Độ và Việt Nam, sẽ giúp tận dụng đầy đủ tiềm năng của các mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. Có như vậy, Ấn Độ và Việt Nam mới có thể xem xét nhiều cơ hội để thúc đẩy những mong muốn chiến lược chung này nhằm có được vị trí trong thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương./.

Tác giả Sanghamitra Sarma là chuyên gia nghiên cứu thuộc Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA). Bài viết đăng trên “The Diplomat”.

Mỹ Anh (gt)