Tóm tắt

+) Quan hệ Trung Quốc-Malaysia có vẻ đã có được động lực mới với việc Malaysia gia nhập trở lại Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) sau nhiều tháng không chắc chắn.

+) Trước khi Mahathir tham dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” lần 2 tổ chức tại Bắc Kinh, các cuộc đàm phán đã diễn ra dồn dập, dẫn tới việc khôi phục các dự án then chốt như Tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) và Bandar Malaysia.

+) Sự hồi sinh của các dự án khẳng định lại cách tiếp cận của Trung Quốc xem xét mối quan hệ của nước này với Malaysia từ lập trường chiến lược là nuôi dưỡng các mối quan hệ ổn định và lâu dài. Trung Quốc dành cho Mahathir quy chế tiếp đãi cấp cao với việc sắp xếp cho ông gặp gỡ 3 nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong chuyến thăm thứ 2 của Mahathir tới nước này kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 5/2018.

+) Trung Quốc tiếp tục thuyết phục được Mahathir tán thành vai trò của Huawei trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Malaysia, điều dường như đẩy lùi các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Huawei bành trướng ra toàn cầu.

+) Mặc dù Trung Quốc sẵn sàng gia tăng sự hiện diện tại Malaysia, nhưng Bắc Kinh có lẽ cần chú ý nhiều hơn tới việc điều này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề nhạy cảm về chủng tộc, tôn giáo và chính trị tại Malaysia ra sao.

Giới thiệu

Có vẻ như quan hệ Trung Quốc-Malaysia đang trên đà được cải thiện cùng với sự khôi phục các dự án then chốt như ECRL và Bandar Malaysia. Sau khi liên minh Hy vọng (PH) lên nắm quyền vào tháng 5/2018, đã có những nghi ngờ thực sự về vị thế của các siêu dự án Trung Quốc tại Malaysia. Và ngay cả sau chuyến thăm đầu tiên của Mahathir Mohamad tới Trung Quốc vào tháng 8/2018 trên cương vị thủ tướng, số phận của những dự án này vẫn chưa được định đoạt.

Tuy nhiên, trước và trong chuyến thăm thứ 2 của Mahathir tới Trung Quốc vào tháng 4/2019, những mối hoài nghi như vậy đã được xóa bỏ khi Trung Quốc và Malaysia nhất trí khởi động lại dự án ECRL và Bandar Malaysia. Malaysia cũng tiếp tục ủng hộ Huawei ngay cả khi Mỹ tìm cách ngăn chặn tập đoàn này bành trướng ra toàn cầu.

Đến lượt mình, Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng ủng hộ nghị trình phát triển kinh tế-xã hội trong nước của Mahathir, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp công ăn việc làm, nâng cấp các ngành công nghiệp và cải thiện đời sống người dân. Các công ty Trung Quốc như Huawei và SenseTime có vẻ sẵn sàng mở rộng sự hiện diện của họ tại Malaysia. Về phần mình, Chính quyền Mahathir, đối mặt với áp lực trong nước ngày càng tăng về việc thực hiện lời hứa vốn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các cử tri trong chiến dịch tranh cử là tạo ra sinh kế cho người dân, đang ngày càng trông chờ Trung Quốc giúp họ đạt được mục tiêu này.

Đặt nền móng

Bối cảnh xoay quanh chuyến thăm thứ 2 của Mahathir tới Trung Quốc vào tháng 4/2019 khác biệt rõ ràng với chuyến thăm đầu tiên của ông vào tháng 8/2018. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018, vấn đề nổi bật nhất là sự không chắc chắn về số phận của các siêu dự án Trung Quốc tại Malaysia, như dự án ECRL và dự án Đường ống dẫn đa sản phẩm, cũng như dự án Đường ống dẫn khí xuyên Sabah. Khi đó, có những dấu hiệu cho thấy các dự án này hoặc sẽ bị hủy bỏ, hoặc sẽ bị đình chỉ vô thời hạn. Hơn nữa, Mahathir có vẻ chỉ trích Trung Quốc trong suốt một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 8/2018, khi ông đưa ra bình luận về chủ đề thương mại tự do và nói rằng “chúng tôi không muốn một tình huống mà ở đó có một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân, bởi các nước nghèo không thể cạnh tranh với các thành phố giàu có”.

Trái lại, trong chuyến thăm của Mahathir hồi tháng 4/2019, bầu không khí đã trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Một mặt, Mahathir đã không chỉ trích Trung Quốc trước và trong chuyến thăm của ông. Trên thực tế, chuyến thăm này đưa ra một thông điệp quan trọng là Malaysia hoàn toàn ủng hộ BRI, sáng kiến chính sách đối ngoại chủ yếu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Quan trọng hơn là trước chuyến thăm này, Trung Quốc và Malaysia đã đạt được tiến bộ trong 2 dự án đặc trưng của BRI trước đó đã rơi vào thế bế tắc. Dự án thứ nhất là ECRL. Tháng 1/2019, vẫn có những tín hiệu trái ngược nhau về tình trạng của dự án ECRL, với việc Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali trước tiên tuyên bố rằng Chính phủ Malaysia đã quyết định loại bỏ dự án này, và rồi cũng ngày hôm đó, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng đưa ra nhận xét bày tỏ sự kinh ngạc trước tuyên bố của ông Azmin. Mahathir cũng tham gia cuộc tranh cãi này khi ông kêu gọi sự kiên nhẫn và hối thúc dân chúng không nên vội vã kết luận mà hãy chờ cho tới khi có tuyên bố chính thức. Trong một lời nói bóng gió rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra dồn dập sau hậu trường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết cả hai bên đã duy trì thông tin liên lạc liên tục về vấn đề này.

Các cuộc đàm phán về dự án ECRL không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Người phát ngôn của Malaysia về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Tinh hoa Daim Zainuddin đã nói bóng gió về điều này trong một phát biểu hồi tháng 2/2019 rằng ECRL là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm và “tốt hơn hết là không nên nói nhiều về điều đó”. Mahathir đã có giọng điệu ít lạc quan hơn khi ông phát biểu hồi tháng 3/2019 rằng tương lai của ECRL có khả năng không được giải quyết trước chuyến thăm Bắc Kinh của Mahathir vào tháng 4/2019 để tham dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” vì các cuộc đàm phán không chỉ phụ thuộc vào các nhà đàm phán Malaysia mà còn phụ thuộc vào phản ứng từ Trung Quốc. Cuối cùng, vào ngày 12/4/2019, sau chuyến thăm của Daim Zainuddin tới Bắc Kinh, hai bên tuyên bố đã đạt được Thỏa thuận bổ sung, dọn đường cho việc khôi phục dự án ECRL với chi phí 44 tỷ ringgit, đã được cắt giảm so với chi phí ban đầu là 65,5 tỷ ringgit. Chưa đầy 2 tuần trước chuyến thăm Trung Quốc của Mahathir vào ngày 24/4/2019, tuyên bố này đã được đưa ra.

Dự án thứ 2 đạt được tiến bộ là dự án Bandar Malaysia. Trung Quốc coi Bandar Malaysia tại Kuala Lumpur là sự hoàn tất của một trung tâm vận tải quan trọng mà sẽ là một phần trong mạng lưới đường sắt đầy tham vọng của Trung Quốc mở rộng về phía Nam, từ Côn Minh qua Lào và Thái Lan tới Kuala Lumpur và sau đó từ Kuala Lumpur tới Singapore qua tuyến đường sắt cao tốc. Các nhà lãnh đạo hàng đầu, các công ty và ngân hàng Trung Quốc đã hết sức ủng hộ dự án này.

Tháng 12/2015, một tháng sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới thăm Malaysia và nhắc lại cam kết của Trung Quốc làm việc với Malaysia về dự án đường sắt cao tốc, một liên doanh giữa Tập đoàn kỹ thuật đường sắt Trung Quốc (CREC), một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, và Iskandar Waterfront Holdings (IWH) đã ký kết thỏa thuận mua 60% cổ phần của dự án Bandar Malaysia. Tháng 6/2016, dự án này đã đạt được tiến triển hơn nữa khi một liên doanh gồm các ngân hàng Trung Quốc có sức ảnh hưởng là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và HSBC đã ký một thỏa thuận với các đối tác Malaysia như CIMB, Maybank, RHB và Affin Bank, nhằm cấp vốn cho các nhà đầu tư trong dự án Bandar Malaysia.

Mặc dù dự án này đã bị Chính quyền Najib đình chỉ hoạt động vào tháng 5/2017, bề ngoài là do liên doanh IWH-CREC không hoàn thành được các nghĩa vụ trả nợ liên quan tới 60% cổ phần của họ cho Bộ Tài chính Malaysia, nhưng phía Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ hoàn toàn dự án này. Điều khiến giới quan sát ngạc nhiên là tuyên bố đột ngột về sự hồi sinh của dự án. Ngày 19/4/2019, 5 ngày trước chuyến thăm của Mahathir, Văn phòng Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố khôi phục dự án Bandar Malaysia. Trước tuyên bố này, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy điều này sẽ diễn ra.

Do đó, việc khôi phục các dự án ECRL và Bandar Malaysia đã tạo tiền đề để chuyến thăm Trung Quốc của Mahathir hồi tháng 4/2019 trở nên suôn sẻ. Phía Trung Quốc trước sau đều kiềm chế nói đến những chi tiết cụ thể của hai dự án này một cách công khai, cho phép các cuộc đàm phán diễn ra kín đáo.

Các mục tiêu của Trung Quốc

Trung Quốc đã đạt được nhiều mục tiêu trong suốt chuyến thăm của Mahathir tới nước này hồi tháng 4 vừa qua. Quan trọng nhất trong số đó là quan hệ giữa 2 nước giờ đây đang ở trong quỹ đạo tích cực khi họ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay. Những nghi ngờ ban đầu về các siêu dự án của Trung Quốc, đặc biệt là dự án ECRL và Bandar Malaysia, là chuyện đã qua. Theo quan điểm của Trung Quốc, 2 nước có khả năng tiếp cận mối quan hệ này từ một quan điểm chiến lược lâu dài và xây dựng dựa trên những nền tảng đã được đặt ra trước đó. Chủ tịch Tập Cận Bình đã bóng gió về điều này trong cuộc gặp với Mahathir khi nói rằng trong 45 năm quan hệ ngoại giao, Mahathir đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Malaysia khi ông là thủ tướng trong một nửa thời gian đó. Tập Cận Bình nói thêm rằng quan hệ giữa hai nước giờ đây được nhìn nhận từ một lập trường lịch sử mới.

Thứ hai, sau nhiều tháng không chắc chắn, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục Malaysia tham gia trở lại BRI. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc trước chuyến thăm nước này lần 2, Mahathir nói rằng với BRI, sẽ có nhiều con tàu đi qua Malaysia và các nước Đông Nam Á khác, và điều này sẽ thúc đẩy thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc. Ông nói thêm rằng eo biển Malacca là một tuyến đường thông tin liên lạc quan trọng trên biển giữa phía Đông và phía Tây và trong lịch sử, Malaysia là một trung tâm trung chuyển hàng hóa, xét tới vị trí địa lý giữa phía Đông và phía Tây. Ông bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ chọn Malaysia làm trung tâm thương mại cho Đông Nam Á. Mahathir cũng đưa ra luận điểm này tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn “Vành đai và Con đường” hôm 26/4/2019 khi nói rằng BRI sẽ khuyến khích thêm nhiều tàu đi qua Malaysia và các nước Đông Nam Á, do đó làm gia tăng thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc. Ông tự tin rằng Malaysia sẽ hưởng lợi từ BRI và bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với sáng kiến này. Khi Mahathir gặp gỡ 3 nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Malaysia sẽ hợp tác với nhau cùng xây dựng BRI.

Hơn nữa, 2 trong số 3 thỏa thuận then chốt được ký kết trong chuyến thăm của Mahathir đều có liên quan tới BRI, đó là thỏa thuận khung về việc khôi phục dự án Bandar Malaysia và MoU về việc phát triển các khu công nghiệp và các trung tâm logistic. Mặc dù thông tin chi tiết về MoU này vẫn còn sơ sài, nhưng có vẻ như CCCC, công ty cũng chịu trách nhiệm về dự án ECRL, có thể được mong đợi đóng vai trò dẫn đầu trong việc xây dựng các khu công nghiệp và trung tâm logistics ở Malaysia, cũng như phát triển nước này theo hướng là nơi trung chuyển. Đặc biệt, như đã đề cập ở trên, Công ty kỹ thuật cảng Trung Quốc, trên thực tế là công ty con của CCCC, đã có thỏa thuận với SenseTime và G3 Global nhằm xây dựng khu công nghiệp AI đầu tiên tại Malaysia. Ngoài ra, Khu công nghiệp Khâm Châu Trung Quốc-Malaysia và Khu công nghiệp Kuantan Malaysia-Trung Quốc, 2 dự án có liên quan đến nhau do Chính quyền Najib khởi động, được đưa vào danh sách các sự án kết nối then chốt trong Thông cáo chung của Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” lần 2.

Trái ngược với chuyến thăm năm 2018 của Mahathir, khi mà các siêu dự án của Trung Quốc không nhận được nhiều sự chú ý, chuyến thăm Trung Quốc năm 2019 của ông đã chứng kiến Malaysia tự làm mới mình với tư cách là bên ủng hộ nồng nhiệt cho BRI. Đối với Trung Quốc, sự ủng hộ của Malaysia có ý nghĩa đáng kể vì Malaysia là nước đầu tiên của ASEAN thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Do đó, việc Malaysia quay trở lại ủng hộ BRI tạo ra nền tảng để các nước khác tán thành BRI. Quan trọng không kém đối với Trung Quốc, việc Malaysia ủng hộ BRI chứng tỏ rằng thông qua đàm phán, có thể xem xét lại và đưa ra những sửa đổi đối với các thỏa thuận chưa tốt đẹp trước đây để đạt được kết quả hai bên cùng thắng. Khả năng cải thiện này phù hợp với lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với việc xây dựng “cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, chống đỡ được rủi ro, giá cả hợp lý và mang tính bao trùm” tại Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” lần 2. Các thỏa thuận BRI đã được cải thiện đều trở nên quan trọng hơn vào thời điểm Trung Quốc đang bị phương Tây chỉ trích gay gắt vì đã lừa các nước khác rơi vào “bẫy nợ”.

Thứ ba, Bắc Kinh đang phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng “chìa tay giúp đỡ” các nước ủng hộ BRI. Dù không được tuyên bố rõ ràng, nhưng có thể thấy rõ điều này qua các hành động của Trung Quốc. Trung Quốc đã cam kết thực hiện một thỏa thuận mua thêm 1,9 triệu tấn dầu cọ của Malaysia trong 5 năm tới và các khoản đầu tư khác liên quan tới dầu cọ, sau khi các dự án ECRL và Bandar Malaysia được khôi phục. Thỏa thuận này xuất hiện đúng lúc Malaysia, cùng với Indonesia chiếm khoảng 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu, đang vật lộn với việc Liên minh châu Âu (EU) hạn chế và cuối cùng là cấm xuất khẩu dầu cọ do những quan ngại về môi trường. Theo Hội đồng Dầu cọ Malaysia, EU là bên mua dầu cọ lớn thứ hai của Malaysia (sau Ấn Độ), nhập khẩu 1,9 triệu tấn. Xét về khía cạnh này, kế hoạch của Trung Quốc mua thêm 1,9 triệu tấn dường như nhằm mục đích bù đắp cho tổn thất tiềm tàng của họ từ việc để mất thị phần EU.

Trung Quốc ngày càng sốt sắng trong việc tăng cường các khoản đầu tư vào Malaysia nhằm ủng hộ nghị trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong nước của Mahathir. Ngoài việc đầu tư vì lợi nhuận thương mại, Trung Quốc giờ đây nhấn mạnh rằng các công ty nước này không chỉ chuyển giao và chia sẻ kiến thức, mà còn có thể đóng góp cho xã hội. Bên lề Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường”, tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm thuộc tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trích dẫn lời của Bộ trưởng Nhà ở và chính quyền địa phương Malaysia Zuraida Kamaruddin tuyên bố rằng Malaysia đã ký một thỏa thuận với 6 công ty Trung Quốc, trong đó có CREC đang xây dựng Bandar Malaysia, để xây 100.000 ngôi nhà trong năm 2019 cho các hộ gia đình có thu nhập thấp của Malaysia. 10% số đó hay 10.000 ngôi nhà sẽ được xây cho dự án Bandar Malaysia để những người có thu nhập thấp cũng có thể được hưởng lợi từ việc sống trong khu vực này. Còn có tin tức cho rằng Malaysia đang cân nhắc việc đưa Huawei vào dự án phát triển các thành phố thông minh.

Thứ tư, Trung Quốc đã thuyết phục được Malaysia chấp nhận cho Huawei có những ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ các quan hệ song phương. Trong khi Mỹ chủ trương hành động kiên quyết và quyết đoán để loại Huawei ra khỏi các doanh nghiệp 5G, Malaysia đang đi ngược với xu hướng bằng cách tái khẳng định vai trò của Huawei trong việc đóng góp vào sự phát triển và nâng cấp nền kinh tế nước này. Trong chuyến thăm Trung tâm nghiên cứu Huawei tại Bắc Kinh, Mahathir có vẻ ấn tượng với những gì ông nhìn thấy khi nói rằng “những thành tựu của Huawei rất đáng chú ý và chúng tôi đang học hỏi thêm cách sử dụng trí tuệ nhân tạo cho nhiều ứng dụng khác nhau. Đối với nhiều người trong chúng tôi, đây là một bài học bổ ích về việc Trung Quốc và Huawei đã đạt được tiến bộ thế nào”. Trước đó, cũng trong tháng 4/2019, khi tham quan Trung tâm đào tạo toàn cầu của Huawei tại Cyberjaya, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế của Malaysia Ong Kian Ming đã công nhận đóng góp của Huawei trong việc tạo ra công ăn việc làm và nâng cấp ngành công nghiệp và công nghệ của Malaysia. Chính Huawei cũng nhấn mạnh rằng trong số 2.500 nhân viên hiện tại của họ ở Malaysia, hơn 2/3 là người Malaysia.

Kết luận

Chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4/2019 của Mahathir khiến cho quan hệ Malaysia-Trung Quốc trở nên dễ đoán định hơn. Đặc biệt, dự án ECRL và Bandar Malaysia mà Trung Quốc coi là các dự án đặc trưng của BRI đã được khôi phục và có thêm động lực mới. Đối với Trung Quốc, đây là một diễn biến đáng được hoan nghênh vì nó nhấn mạnh thực tế rằng hai nước đang tiếp cận mối quan hệ giữa họ từ một quan điểm chiến lược và dài hạn.

Với việc Malaysia ủng hộ trở lại BRI, Trung Quốc, đến lượt mình, tỏ ra sẵn sàng cam kết đưa thêm các nguồn lực kinh tế để giúp Mahathir thực hiện nghị trình phát triển kinh tế-xã hội trong nước của ông. Các công ty Trung Quốc như Huawei và SenseTime đã sẵn sàng mở rộng sự hiện diện của họ tại Malaysia. Trung Quốc cũng đã cam kết mua thêm các sản phẩm nông nghiệp từ Malaysia như dầu cọ.

Tuy nhiên, khi mở rộng sự hiện diện trên khắp Malaysia, Trung Quốc có lẽ cũng cần thận trọng trước tình trạng đối kháng nhạy cảm về chủng tộc, tôn giáo và chính trị tại Malaysia. Trong quá khứ, tư tưởng bài Trung Quốc dẫn tới bất ổn xã hội và bạo lực đã xảy ra. Tới đây, không nên hoàn toàn coi nhẹ khả năng xảy ra phản ứng dữ dội bài Trung Quốc, hoặc nảy sinh từ các yếu tố có liên quan tới Trung Quốc hoặc chỉ đơn thuần là do tình hình chính trị trong nước.

Lye Liang Fook là nhà nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS).

Trần Quang (gt)