Tóm tắt

Ngày 31/5/1974, Trung Quốc và Ma-lai-xi-a chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó quan hệ giữa hai nước phát triển khá suôn sẻ. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những tính chất mới. Quan hệ giữa hai bên đã không chỉ là quan hệ song phương giữa hai quốc gia ở Đông Á, mà còn là quan hệ giữa một đối tác đối thoại của ASEAN, đang trên đường vươn lên thành cường quốc khu vực với một nước thành viên của ASEAN. Tính chất “kép” này trong quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a đã tạo lực đẩy cho quan hệ giữa hai bên trong những năm qua, đồng thời tác động tích cực tới sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - ASEAN nói riêng, quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á nói chung. Trong bối cảnh đó, bài viết này tập trung phân tích quan hệ Ma-lai-xi-a - Trung Quốc từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

 

Các nhân tố chính tác động tới quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a ở thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh

Những biến đổi trong môi trường chính trị - an ninh quốc tế

Với tuyên bố ngày 25/12/1991 của người đứng đầu Liên Xô M.Gorbachov, Liên bang Xô Viết đã tan vỡ. Sự kiện này đã kết thúc thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong lịch sử thế giới. Ở giai đoạn lịch sử mới, trong môi trường chính trị và kinh tế quốc tế với những biến đổi to lớn, hòa bình, hợp tác để phát triển trở thành xu thế chung trong quan hệ quốc tế. Ý thức hệ không còn là cản trở đối với việc chung sống hòa bình và phát triển các quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong cộng đồng thế giới. Thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của một số quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc. Sự xuất hiện của cường quốc này, dù chỉ mới đáng chú ý về kinh tế, đã buộc Mỹ, EU, Nhật Bản phải thay đổi cách ứng xử với họ. Chính sách tiếp xúc mà nội các Bill Clinton thực hiện trong quan hệ với Bắc Kinh đã góp phần tạo không khí hòa dịu ở khu vực Đông Bắc Á, nơi cơ cấu an ninh Chiến tranh Lạnh vẫn tiếp tục tồn tại.

 Sự hòa dịu và hợp tác giữa các nước lớn đã giúp duy trì môi trường hòa bình, an ninh trên phạm vi toàn cầu và tạo điều kiện cho tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng xích lại gần nhau hoặc gia tăng hợp tác. Quan hệ Ma-lai-xi-a - Trung Quốc đã thêm cơ hội để phát triển.

Sự ra đời của Quan hệ Trung Quốc - ASEAN

Sau một quá trình thăm dò và tương tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN 6, quan hệ Trung Quốc - ASEAN chính thức được thiết lập vào tháng 7/1991. Từ sau khi ra đời, quan hệ giữa hai bên đã phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt là từ khi bước vào thế kỷ XXI. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc họp tại Phnompenh tháng 11/2002, hai bên đã ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc.

Cùng với sự phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, hợp tác chính trị - an ninh cũng được hai bên xúc tiến mạnh mẽ. Tại Hội nghị trên, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên có liên quan ở Biển Đông (DOC). Ngoài ra, hai bên còn ký Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống đặt cơ sở pháp lý cho hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc từ 2002 tới nay. Quan hệ ASEAN - Trung Quốc đã có bước đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên tổ chức tại Bali - In-đô-nê-xi-a tháng 10/2003. Tại hội nghị này, ASEAN và Trung Quốc đã quyết định nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược.

Sự ra đời và phát triển quan Trung Quốc - ASEAN đã tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a. Từ 1991, quan hệ giữa hai bên đã có thêm chiều hướng mới. Đó là quan hệ giữa một đối tác đối thoại của ASEAN với một nước thành viên của hiệp hội này. Chiều hướng mới đó đã tạo thêm lực đẩy cho sự phát triển quan hệ giữa hai bên.

Điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đối với Ma-lai-xi-a trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh

Bước vào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách đối với Đông Nam Á, một khu vực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc trong quá trình vươn lên thành cường quốc toàn cầu. Mục tiêu của chính sách đó là duy trì, củng cố môi trường an ninh ở phía Nam và Tây nam Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai công cuộc cải cách, mở cửa của họ. Ngoài ra, chính sách đó còn nhằm giúp Bắc Kinh thâm nhập ảnh hưởng vào Đông Nam Á, tiến tới thay thế vai trò của Mỹ và Nga ở khu vực giàu có về tài nguyên và quan trọng về chiến lược này.

Để thực hiện thành công chính sách trên, Trung Quốc rất cần tới quan hệ hợp tác chặt chẽ của các nước thành viên ASEAN, trong đó có Ma-lai-xi-a. Mặc dù, không phải là một nước lớn như In-đô-nê-xi-a, nhưng Ma-lai-xi-a là nước có trình độ phát triển cao thứ hai ở Đông Nam Á. Nước này có thể cung cấp cho Trung Quốc FDI, thị trường tiêu thụ hàng hóa và thị trường xuất khẩu lao động đơn giản. Việc xây dựng quan hệ thân thiện với Ma-lai-xi-a sẽ giúp Trung Quốc có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai chiến lược hướng Nam của họ. Bởi vì: Thứ nhất, quan hệ đó sẽ giúp tàu thuyền chở hàng hóa vật liệu đến và đi từ Trung Quốc qua eo Malacca, thuộc sở hữu của Ma-lai-xi-a được an toàn; Thứ hai, nếu giành được sự ủng hộ của Ma-lai-xi-a trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ có thể thực hiện được chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với từng nước liên quan tới cuộc tranh chấp, điều luôn bị ASEAN bác bỏ; cuối cùng, quan hệ hữu nghị với Ma-lai-xi-a sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc khai thác chính sách không thân thiện với Mỹ của Ma-lai-xi-a nhằm đẩy Mỹ ra khỏi Đông Nam Á.

Ngoài ra, vị trí của Ma-lai-xi-a còn rất quan trọng trong kế hoạch xây dựng vành đai chiến lược kéo dài từ Biển Đông qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Bởi vì, Ma-lai-xi-a nằm án ngữ ngay tại các điểm nút giao thông huyết mạch và là một trong ba nước sở hữu eo Malacca.

Để đạt được các mục tiêu chính sách trên, trong hơn hai thập kỷ qua Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Ma-lai-xi-a trên nhiều lĩnh vực chủ chốt.

Nhận thức của Ma-lai-xi-a đối với việc điều chỉnh chính sách của Trung Quốc

Chính sách của Trung Quốc đối với Ma-lai-xi-a ở thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh đã nhận được phản ứng tích cực của Ma-lai-xi-a. Đó là do các nguyên nhân sau: Thứ nhất, quan hệ với Trung Quốc từ sau tháng 5/1974 cho tới khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã đưa lại nhiều lợi ích cho Ma-lai-xi-a. Về chính trị - an ninh, việc Trung Quốc chấm dứt sự ủng hộ Đảng Cộng sản Ma-lai-xi-a đã khiến đảng này suy yếu và phải tuyên bố giải thể vào năm 1984. Sự chấm dứt các hoạt động chống chính phủ của đảng đó đã tạo cơ hội cho Ma-lai-xi-a ổn định được tình hình chính trị trong nước.

 Thứ hai, do tác động của chính sách mới của Trung Quốc với Cộng đồng người Hoa hải ngoại và do sự phát triển của quan hệ Ma-lai-xi-a - Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở nước này không chỉ ngày càng hội nhập vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của Ma-lai-xi-a mà còn đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Thứ ba, Ma-lai-xi-a xem sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đối với họ nói riêng, Đông Nam Á nói chung là cơ hội hơn là thách thức. Trong diễn văn đọc tại buổi chiêu đãi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 15/12/2005 tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Ma-lai-xi-a lúc đó là ông Badawi khẳng định: “… ở Ma-lai-xi-a chúng tôi nhìn sự tăng trưởng phi thường của Trung Quốc không chỉ như một thách thức mà còn như một cơ hội. Chúng tôi tin rằng Ma-lai-xi-a cũng như các nước khác trong khu vực và xa hơn có thể có lợi từ sự thịnh vượng của Trung Quốc”.1

Với những lợi ích thực tế thu được từ quan hệ hợp tác với Trung Quốc và nhận thức tích cực về sự trỗi dậy của nước này, nhất là sự trỗi dậy về kinh tế, Ma-lai-xi-a chủ trương đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc. Chủ trương này được Thủ tướng Badawi khẳng định trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo: "…Tôi muốn Ngài biết rằng chúng tôi đánh giá cao quan hệ của chúng tôi đối với Trung Quốc không chỉ vì các lợi ích kinh tế. Chúng tôi muốn quan hệ mở rộng trong lĩnh vực khác ngoài kinh tế và chính trị”.2

Thực trạng quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a từ sau 1991 tới nay

Trên cơ sở những thành tựu hợp tác đạt được trong thời gian trước, nhất là thiện chí hợp tác và nỗ lực của cả hai bên, từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a đã phát triển mạnh mẽ, khá suôn sẻ và ngày càng toàn diện hơn.

Quan hệ chính trị - ngoại giao

Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao với Ma-lai-xi-a. Tất cả các Thủ tướng Ma-lai-xi-a qua các thời kỳ đều được mời sang thăm Trung Quốc. Trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Mahathir (1981-2003) đã nhiều lần thăm Trung Quốc. Mặc dù rất thán phục mô hình phát triển của Nhật Bản, ông cũng nhận thức được tiềm năng kinh tế của Trung Quốc và vai trò lãnh đạo mà nước này sẽ có sau sự trỗi dậy về kinh tế. Do vậy, Thủ tướng Mahathir đã kiên định cải thiện quan hệ với Trung Quốc và cố gắng giảm nhẹ sự lo ngại về “mối đe dọa” Trung Quốc của các nước ASEAN. Ma-lai-xi-a đã có sáng kiến mời Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham tham dự Hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 24 tổ chức ở Kuala Lumpur với tư cách khách mời của Ma-lai-xi-a. Tại hội nghị đó, quan hệ ASEAN - Trung Quốc đã chính thức được thiết lập.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Mahathir tháng 5/1999, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác song phương trong tương lai bao gồm 12 điểm, bao trùm lên tất cả các vấn đề phòng thủ và an ninh bên cạnh hợp tác kinh tế và các hình thức hợp tác khác. Hiệp định tạo thuận lợi cho các quan hệ trực tiếp, láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác trên cơ sở tin cậy và ủng hộ lẫn nhau.

Trở thành Thủ tướng Ma-lai-xi-a vào năm 2003, ông Badawi đã thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Trung Quốc. Mối quan hệ đó đã được đưa lên tầm cao mới dưới thời cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Datuk Seri Najib Nazak (4/2009 tới nay). Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Najib Razak đã đi thăm Trung Quốc (6/2009). Đây là chuyến thăm nước ngoài thứ hai (sau Sinh-ga-po) của ông. Mục đích thật sự đằng sau chuyến thăm của Thủ tướng Najib Razak là tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc để phục hồi nền kinh tế Ma-lai-xi-a, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008.3 Trong thời gian ở thăm Trung Quốc, Thủ tướng Najib đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Tại cuộc gặp, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh “Trung Quốc và Ma-lai-xi-a sẽ phối hợp giải quyết các tranh chấp đối với các hòn đảo trên Biển Đông và phát triển quan hệ thương mại thân thiết hơn. Hai nước cần phải quan tâm đến lợi ích và những công việc của nhau để thúc đẩy mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.”4

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Ma-lai-xi-a, ngày 25/5/2014, Thủ tướng Najib lại được mời thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi trong quan hệ giữa hai bên. Sự mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH 370 của hãng Hàng không Ma-lai-xi-a trong đó đa số hành khách là công dân Trung Quốc đã gây phẫn nộ không chỉ của gia đình các nạn nhân ở Đại lục mà của cả dư luận xã hội ở nước này. Trước sức ép trong nước, ngay khi Thủ tướng Najib tuyên bố MH 370 đã rơi xuống Ấn Độ Dương, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói với các phóng viên rằng Trung Quốc “đã yêu cầu thông tin đầy đủ và bằng chứng hỗ trợ cho kết luận trên”. Trong khi đó 24.000 người sử dụng internet ở Trung Quốc đã tiến hành angfHangf khong

tẩy chay dự án SinaWeibo, phiên bản Trung Quốc của mạng Twitter do Ma-lai-xi-a đề nghị.

Dường như để làm hài lòng hơn nữa dư luận trong nước, ngày 26/3/2013, hải quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn ở Biển Đông gần khu vực mà Trung Quốc gọi là bãi đá Zhengmu (Ma-lai-xi-a gọi là Beting Serupai, tên tiếng Anh là Jame). Bãi đá trên nằm ở đỉnh cực nam những yêu sách chủ quyền về biển, đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, cách Ma-lai-xi-a khoảng 80 km và cách Hoa lục đến 1.800 km. Trung Quốc đưa tới đây bốn tàu do tàu đổ bộ thủy quân lục chiến mới nhất của hải quân Trung Quốc chỉ huy. Những hành động được xem như là gây sức ép tương tự rất ít khi được Trung Quốc thực hiện trong quan hệ với Ma-lai-xi-a. Vì thế, cuộc tập trận đã gây quan ngại cho chính phủ và dư luận xã hội ở Ma-lai-xi-a.5

Tuy nhiên, để vỗ về người đứng đầu chính phủ Ma-lai-xi-a, các nhà lãnh đạo angfHangf khong

Trung Quốc đã dành cho Thủ tướng Najib những tình cảm đặc biệt. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình mời cơm riêng Thủ tướng Najib. Cử chỉ trên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã khiến Thủ tướng Ma-lai-xi-a rất xúc động. Tại Bắc Kinh, ông Najib đã ca ngợi quan hệ giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur là “không chỉ là quan hệ giữa chính phủ với chính phủ mà còn thân thiện giống như kiểu quan hệ gia đình”.6

Trong Thông cáo chung đưa ra vào lúc kết thúc chuyến thăm của Thủ tướng Najib, Ma-lai-xi-a đã đồng ý làm việc với Trung Quốc "để làm sâu sắc hơn hợp tác Trung Quốc - ASEAN và hoan nghênh các sáng kiến được các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN đề xuất, bao gồm việc thiết lập “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Trung Quốc nhắc lại tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ma-lai-xi-a và cam kết "sẽ đảm bảo tiến bộ của các cuộc tham vấn về ký kết bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận".7 Thông cáo chung được đưa ra khi kết thúc chuyến thăm, hai bên thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại song phương, hợp tác giữa ngân hàng trung ương của hai nước để tăng cường sử dụng đồng tiền hai nước trong thương mại và đầu tư và thúc đẩy và giao lưu nhân dân.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng gia tăng các chuyến thăm tới Ma-lai-xi-a. Tháng 9/2010, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã sang thăm Ma-lai-xi-a. Đây là chuyến thăm nước ngoài quan trọng của nguyên thủ quốc gia Trung Quốc, kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Giang Trạch Dân vào 1994. Ngoài ra, còn có chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Kuala Lumpur vào tháng 4/2011. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra đề nghị 5 điểm nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực tài chính, hạ tầng cơ sở, giáo dục, khoa học và công nghệ.8 Trong thời gian chuyến thăm, ngày 28/4/2011, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gặp gỡ lãnh đạo các ngành công nghiệp của Ma-lai-xi-a. Trong bài phát biểu tại cuộc gặp, ông khẳng định: “Sự phát triển của Trung Quốc mang lại những cơ hội cho Ma-lai-xi-a và các nước khác trong khu vực. Nó không đặt ra bất cứ một thách thức hay mối đe dọa nào”.9 Những lời lẽ trên nhằm làm yên lòng không chỉ giới chức Ma-lai-xi-a mà cả giới chức ASEAN, vốn đang quan sát chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau khi trở thành Chủ tịch nước (4/2013), tháng 10/2013 ông Tập Cận Bình đã chọn Ma-lai-xi-a là một trong hai nước ASEAN đến thăm trong chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á trên cương vị mới. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã nhất trí nâng cấp quan hệ của họ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện, cấp độ cao nhất trong các mối quan hệ quốc tế song phương. Để hiện thực hóa quan hệ trên, trong cuộc gặp với Thủ tướng Ma-lai-xi-a Najib Nazad, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra đề nghị 5 điểm: i) Duy trì truyền thống tốt đẹp thường xuyên đi thăm lẫn nhau; gia tăng liên lạc về những vấn đề lớn và tăng cường thiết kế các quan hệ song phương cấp cao; ii) Mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại nhằm đạt được mục tiêu 160 tỷ USD kim ngạch hai chiều giữa hai bên vào năm 2017; iii) Hai nước thắt chặt hợp tác về viễn thông, về vệ tinh cảm ứng từ xa (remote sensing satellite) và công nghệ sinh học; iv) Sử dụng đầy đủ cơ chế tham vấn an ninh, quốc phòng, gia tăng trao đổi quân đội giữa hai nước, làm sâu sắc hơn hợp tác thực thi pháp luật và cùng nhau chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên biên giới; v) Mở rộng hợp tác tiểu vùng và giao lưu nhân dân.10 Đáp lại đề nghị trên của Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Najib bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, ông gọi Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy của Ma-lai-xi-a và tuyên bố sẵn sàng duy trì liên lạc với Trung Quốc ở mọi cấp độ.

 Cùng với quyết định nâng cấp quan hệ giữa hai bên, tại cuộc gặp trên hai bên đã thông qua Chương trình về hợp tác kinh tế và thương mại nhằm phát triển hợp tác trong 11 lĩnh vực từ nông nghiệp, chế tạo, hạ tầng cơ sở đến viễn thông và du lịch.11 Để kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Ma-lai-xi-a, hai nhà lãnh đạo quyết định lấy năm 2014 là Năm Hữu nghị Trung Quốc - Ma-lai-xi-a.

Quan hệ an ninh - quốc phòng

Hợp tác an ninh quốc phòng giữa Trung Quốc và Ma-lai-xi-a cũng được đẩy mạnh. Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã ký MOU về đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia vào tháng 11/2010. Bản ghi nhớ này bao trùm lên các lĩnh vực như buôn bán người, chủ nghĩa khủng bố và ma túy. Ngoài ra, một hiệp định song phương đã được ký vào cuối tháng 8/2012 tạo điều kiện hợp tác chống các hình thức tội phạm mới như lừa đảo về viễn thông. Vào 11/9/2012, quan hệ an ninh giữa hai bên đã được nâng cấp với việc tiến hành tham khảo an ninh quốc phòng đầu tiên. Cuộc tham khảo do Phó Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Mã Hiểu Thiên và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ma-lai-xi-a Ismail Ahmad chủ trì. Hai bên thỏa thuận duy trì trao đổi cấp cao giữa PLA và Các Lực lượng vũ trang Ma-lai-xi-a, tăng cường liên lạc và hợp tác huấn luyện, làm sâu sắc hơn hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tham khảo an ninh - quốc phòng Trung Quốc - Ma-lai-xi-a sẽ được tổ chức thường niên.

Bên cạnh các hình thức hợp tác trên, Trung Quốc đã từng bước giành được các hợp đồng bán vũ khí cho Ma-lai-xi-a. Điển hình là việc Trung Quốc bán cho Ma-lai-xi-a 16 hệ thống tên lửa FN-6 trị giá 6,7 triệu USD hồi tháng 6/2009. Ngoài ra, Ma-lai-xi-a còn có kế hoạch sẽ mua ít nhất 08 tàu tên lửa tàng hình Type 022 của Trung Quốc.12

Hợp tác quân sự Trung Quốc - Ma-lai-xi-a đã được hai bên quyết định mở rộng hơn trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a Hishammuddin Hussein ngày 30/10/ 2013. Trong một tuyên bố gửi tới hãng tin Pháp AFP, ông cho biết, “Ma-lai-xi-a và Trung Quốc dự kiến mở cuộc tập trận hỗn hợp đầu tiên giữa hai nước trong năm 2014, sau khi Bản ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng đã được ký kết vào năm 2005. Đây là lần đầu tiên Ma-lai-xi-a và Trung Quốc tổ chức một cuộc thao diễn quân sự chung.

Trong chuyến thăm trên Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a đã mời Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đến thăm căn cứ hải quân Mawilla 2 của Ma-lai-xi-a trên đảo Borneo ở Biển Đông. Mục tiêu chuyến thăm nhằm mục đích phát huy một quan hệ gọi là “tiếp xúc trực tiếp” với hạm đội Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.13

Quan hệ kinh tế - thương mại

Về hợp tác kinh tế, thương mại, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã được chính thức hóa và ngày càng phát triển kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1974. Vào năm 1992, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt tới 1,47 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với con số 0,38 tỷ USD năm 1986. Trung Quốc đã trở thành nước chủ yếu nhập cao su, dầu thốt nốt và cacao của Ma-lai-xi-a. Năm 1993, sau chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Mahathir, thương mại song phương giữa hai nước đã đạt đến con số 1,69 tỷ USD, năm 1994 lên tới 2,74 tỷ USD tăng 53,2% so với năm trước, tăng gấp 5 lần so với năm 1987 và gấp 17 lần so với thời kỳ trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao.14

Quan hệ thương mại giữa hai bên đã có bước đột phá từ khi việc xây dựng Khu thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc được xúc tiến (1/1/2004). Dưới tác động của việc cắt giảm thuế theo lộ trình được quy định trong Chương trình thu hoạch sớm, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (11/2004), Hiệp định thương mại dịch vụ (2009) thương mại hai chiều Trung Quốc - Ma-lai-xi-a đã tăng vọt. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2011 đạt 166,8 RM tỷ; 2012 đạt 180.61 RM tỷ15 và đạt kỷ lục 106 tỷ USD vào năm 2013. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ma-lai-xi-a trong 5 năm liên tục kể từ 2009. Từ năm 2000, thương mại song phương Trung - Mã tăng với tốc độ trung bình là 18,2%/năm. Cơ cấu hàng hóa trong trao đổi giữa hai bên đã có sự thay đổi lớn. Hiện nay, 50% hàng hóa của Ma-lai-xi-a xuất sang Trung Quốc là sản phẩm chế tạo và có giá trị gia tăng cao.16 Trên cơ sở phát triển thương mại giữa hai nước, vào tháng 10/2013, hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 160 tỷ đô la vào 2017.17

Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại với Ma-lai-xi-a, đầu tháng 10/2010, Trung Quốc đã chính thức cho phép thực hiện giao dịch giữa đồng Ringgit của Ma-lai-xi-a và đồng Nhân dân tệ của nước này trên thị trường hối đoái. Theo thông tin công bố trên website của Trung tâm giao dịch Hối đoái Trung Quốc thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ấn định tỷ lệ ngang giá ở mức 0,46204 Ringgit đổi 1 Nhân dân tệ. Theo đó, biên độ giao dịch tối đa của đồng Nhân dân tệ đối với đồng Ringgit của Ma-lai-xi-a là +/-5% so với tỷ giá tham khảo nói trên của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Mặc dù thương mại hai chiều giữa hai nước đang ngày càng gia tăng, nhưng từ những số liệu do Ban Thư ký ASEAN công bố, có thể thấy trong những năm gần đây, thương mại song phương vẫn nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.

Hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc với Ma-lai-xi-a cũng không ngừng phát triển. Năm 1984, Ma-lai-xi-a bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc. Đến năm 1989, tổng cộng có tới 28 hiệp định liên quan đến quan hệ kinh tế và đầu tư giữa hai nước được kí kết, với số vốn đầu tư đạt 18,26 triệu USD. Năm 1993 có 37 doanh nghiệp của Ma-lai-xi-a đầu tư vào Trung Quốc với số vốn đạt 500 triệu USD. Năm 1994, Trung Quốc đã đầu tư vào Ma-lai-xi-a 381 dự án theo hình thức hợp đồng thầu khoán lao động trị giá 862 triệu USD, với 150 doanh nghiệp trong bốn ngành lớn là sản xuất, bao thầu công trình, dịch vụ và kinh doanh.18 Ma-lai-xi-a đầu tư vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chế tạo, năng lượng, giao thông, thông tin, khai thác bất động sản, dịch vụ, tài chính… Địa bàn đầu tư của Ma-lai-xi-a vào Trung Quốc cũng khá rộng từ Bắc xuống Nam, từ ven biển đến miền Trung và miền Tây. Trong số các tập đoàn của Ma-lai-xi-a đầu tư vào Trung Quốc phải kể đến là các tập đoàn của người Hoa như tập đoàn Kim Sơn và tập đoàn Quách Hạc Niên.

Từ 2004 - 2008, FDI của Trung Quốc vào Ma-lai-xi-a chỉ có 134 triệu USD. Trong khi đó đầu tư của Ma-lai-xi-a vào Trung Quốc khoảng 1,36 tỷ USD cùng thời kỳ.19 Năm 2013, các doanh nghiệp Ma-lai-xi-a đầu tư 6 tỷ USD vào Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Ma-lai-xi-a khoảng 1 tỷ USD trong cùng thời kỳ.20 Nhằm khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào Ma-lai-xi-a, Thủ tướng Najib đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên mà ở đó các công ty Trung Quốc có thể có lợi thế so sánh cao. Đó là hạ tầng cơ sở, năng lượng, công nghiệp chế tạo, dịch vụ và tài chính.21

Các quan hệ hợp tác khác

Về hợp tác du lịch, Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn của Ma-lai-xi-a. Từ năm 2000, Ma-lai-xi-a đã nới lỏng các hạn chế về thị thực cho công dân Trung Quốc vào Ma-lai-xi-a nhằm thúc đẩy du lịch. Năm 2003 có 350.000 khách du lịch Trung Quốc, năm 2006, tăng lên 439.000 người. Nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc, Bộ Du lịch Ma-lai-xi-a đã lập các văn phòng du lịch tại Bắc Kinh và Thượng Hải, mở thêm nhiều chuyến bay và triển lãm tại nhiều thành phố của Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ cũng có đặt một Bộ phận nhân sự nói tiếng của khách tham quan ở các cửa ngõ chính của đất nước, ở sân bay Quốc tế Kuala Lumpur để đảm bảo rằng khách Trung Quốc không gặp vấn đề gì khi vào Ma-lai-xi-a. Việc bùng nổ tiềm năng du lịch sẽ đưa tới nguồn FDI liên quan tới dịch vụ vào các ngành nhà hàng khách sạn, tiện ích du lịch, bán buôn, bán lẻ và sẽ giúp làm sống động khu vực tư nhân trong nước, khuyến khích sự phát triển của khu vực dịch vụ.

 Về hợp tác giáo dục, với một thị trường giáo dục khoảng 54 tỷ USD và phát triển với tốc độ 20%, Trung Quốc đang phát triển các liên kết giáo dục với bên ngoài và Trung Quốc đã có 567 liên kết giáo dục vào năm 2003 so với 70 liên kết vào năm 1995. Một số nhà cung cấp giáo dục Ma-lai-xi-a đã vào Trung Quốc để khai thác nhu cầu đang gia tăng về giáo dục trung cấp và kỹ thuật. Một chương trình truyền thông về giáo dục Ma-lai-xi-a đã được đưa ra để thu hút thêm nhiều sinh viên Trung Quốc tới học tập. Bộ Giáo dục Ma-lai-xi-a đã chuyển trọng tâm chú ý sang khu vực phía tây Trung Quốc và đặt kế hoạch thu hút nhiều hơn sinh viên ở khu vực này. Các chương trình học tập hợp tác giữa Ma-lai-xi-a với Mỹ, Ô-xtrây-li-a cũng có thể cho phép sinh viên Trung Quốc tới học để lấy bằng nước ngoài với chi phí thấp. Năm 2011, hai nước đã ký các hiệp định công nhận lẫn nhau về kinh nghiệm giáo dục cao học và học vị nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giáo dục cao học và tiếp xúc giữa thanh niên hai bên. Năm 2013, có hơn 2.500 sinh viên Ma-lai-xi-a đang theo học tại Trung Quốc và có hơn 10.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Ma-lai-xi-a.22

Kết luận

Từ thực tế phát triển quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a từ 1991 tới nay có thể rút ra một vài nhận xét sau: Thứ nhất, mặc dù có một số vấn đề do lịch sử để lại (sự nghi kỵ của phía Ma-lai-xi-a với Trung Quốc do các hoạt động ủng hộ Đảng Cộng sản Ma-lai-xi-a của chính phủ nước này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh; tranh cháp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông) Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã cố gắng để các vấn đề đó không cản trở tới sự phát triển quan hệ giữa hai bên.

Thứ hai, trong hơn 40 năm qua, đặc biệt là từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt tới nay, mối quan hệ Trung Quốc - Ma-lai-xi-a đã phát triển khá trôi chảy và chuyển dần từ hợp tác thương mại, đầu tư, chính trị sang an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục và xã hội. Trong số các lĩnh vực trên, hợp tác thương mại và đầu tư là nổi trội nhất. Năm 2002, Ma-lai-xi-a đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.23 Sở dĩ như vậy là vì hai bên có sự phụ thuộc lẫn nhau khá chặt chẽ về kinh tế do khả năng bổ sung lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế Ma-lai-xi-a. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến Ma-lai-xi-a được hưởng lợi nhiều hơn là chịu thiệt thòi khi tham gia vào liên kết kinh tế với Trung Quốc. Một nguyên nhân quan trọng khác là Ma-lai-xi-a đã nhìn thấy trước những tác động tiêu cực có thể có từ ACFTA, nên đã sớm điều chỉnh cơ cấu kinh tế để thích ứng với tiến trình thương mại tự do này. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ tiếp tục là lực đẩy cho sự phát triển quan hệ toàn diện Trung Quốc - Ma-lai-xi-a trong những năm sắp tới.

Thứ ba, sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ma-lai-xi-a đã đem lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Trung Quốc không chỉ tiếp cận được thị trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của nước này mà còn gia tăng được ảnh hưởng chính trị của họ ở Ma-lai-xi-a. Về phần mình, Ma-lai-xi-a cũng được hưởng lợi nhiều từ quan hệ với Trung Quốc, nhất là về kinh tế. Năm 2006, Ma-lai-xi-a đã ký được một hợp đồng cung cấp 2 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm cho Trung Quốc trị giá 25 tỷ USD. Vào 2007, một khoản vay 800 triệu USD với lãi suất 3% trong 20 năm để xây dựng cây cầu ở bang Penang quê hương của Thủ tướng Abdullah Badawi đã được ký kết. Đây là khoản cho vay lớn nhất và thuận lợi nhất mà Trung Quốc chưa từng dành riêng cho một dự án nào ở nước ngoài.24

Thứ tư, không chỉ về kinh tế, lợi ích chính trị - an ninh mà Ma-lai-xi-a nhận được từ Trung Quốc cũng rất lớn. Mặc dù Ma-lai-xi-a cũng là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng cách ứng xử của Trung Quốc đối với những tranh chấp với Ma-lai-xi-a hoàn toàn khác với cách ứng xử đối với Việt Nam hay Phi-lip-pin. Trung Quốc luôn cố gắng tránh công khai phản đối, chỉ trích những hoạt động khai thác dầu mỏ của Ma-lai-xi-a ở những vùng mà họ tuyên bố là lãnh thổ của mình. Giải thích về thái độ trên, trong một tuyên bố gửi tới tờ Thời báo Phố Wall ngày 24/6/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “Ma-lai-xi-a và Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, hai bên đều chia sẻ sự đồng thuận rộng rãi về việc xử lý một cách thích hợp các vấn đề tranh chấp”.25

Thứ năm, từ đầu 2014 tới nay, quan hệ hợp tác Trung Quốc - Ma-lai-xi-a bắt đầu phải đối diện với một vài thử thách. Vụ mất tích máy bay MH 370 và sự bất lực của Ma-lai-xi-a trong việc đưa ra lời giải thích có thể thuyết phục công chúng Trung Quốc là một trong những thách thức đó. Nhưng thách thức lớn nhất chính là các hành động gây hấn ngày càng nhiều của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung, ở vùng tranh chấp với Ma-lai-xi-a nói riêng. Những hành động đó đã khiến Ma-lai-xi-a phải điều chỉnh chính sách đối với tranh chấp ở Biển Đông của họ.26 Gần đây, Ma-lai-xi-a đã bắt đầu đối thoại với Phi-lip-pin. và Việt nam về tranh chấp ở Trường Sa. Tháng 3/2013, bốn tàu chiến Trung Quốc đã tập trận hải lục quân ở vùng lãnh hải gần bãi chìm James, nơi Ma-lai-xi-a tuyên bố chủ quyền. Kuala Lumpur đã lên tiếng phản đối chính thức tới Bắc Kinh. Vài tháng sau, Ma-lai-xi-a tuyên bố thiết lập các đơn vị hải quân và xây dựng căn cứ hải quân ở Bintulu gần bãi James. Phản ứng lại những động thái trên của Ma-lai-xi-a, tháng 2/2014, hải quân Trung Quốc phái ba tàu chiến khác tới tập trận gần bãi đó. Dư luận Ma-lai-xi-a đã bắt đầu đặt câu hỏi về tình hữu nghị của Trung Quốc. Những hoạt động đó của Trung Quốc cũng khiến Ma-lai-xi-a đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Ma-lai-xi-a đã nồng nhiệt hoan nghênh Tổng thống Mỹ Obama tới thăm nước họ vào tháng 4/2014. Trong chuyến thăm đó, hai bên đã thỏa thuận nâng cấp quan hệ Ma-lai-xi-a - Mỹ lên tầm "đối tác chiến lược toàn diện." Với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, Ma-lai-xi-a đã đặt Washington lên ngang hàng với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, đặc biệt là ở vùng tranh chấp với Ma-lai-xi-a, quan hệ giữa hai nước sẽ khó phát triển hơn nữa trong những năm tới, ít nhất là trong lĩnh vực chính trị, an ninh./.

Tác giả TS. Đàm Huy Hoàng thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Những quan điểm nêu trong bài là của riêng tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 3 (102), tháng 9/2015.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Ma-lai-xi-a, mắt xích trong chiến lược hướng nam của Trung Quốc”, 5/4/2010, http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/858-malai xia-mt-xich-trong-chin-lc-hng-nam-ca-trung-quc.

2. “Vài nét về quan hệ kinh tế - thương mại Ma-lai-xi-a - Trung Quốc sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, http://www.langson. gov.vn.langsonqt?q=node/262.

3. Bala Ramasamy and Venus T. Viana, “Asean’s foreign direct investment into the people’s republic of China”, Discussion Paper, No. 95.12 - September 1995 ISSN. 1172-3602Asean’s Foreign, p.1 Commer.masey.ac.nz/publications/discuss/dp-9512.pdf.

4. Bruce Einhorn, “So Much for 'China-Malaysia Friendship Year”, March 26, 2014, www.bloomberg.com/bw/articles/2014-03-26/so-much-for-china-malaysia-friendship-year. 

5. “China - Malaysia agree to comprehensive strategic partnership” www.china.org.cn/video/2013-0/05/content_30207351.htm.

6. Dzirhan Mahadzir, “Malaysia’s first submarine completes fleet wargames”, Jane’s Defence Weekly, Aug. 13, 2010 and Robert Karniol, Balancing ActJane's Defence Weekly, Apr. 3, 2002.

7. Lim Tin Seng, “Renewing 35 years of Malaysia-China relations Najib’s Visit to China”, EAI Background Brief, No.460, Publication Date 29 June 2009, www.eal.nus.edu.sg/BB460.pdf.

8. Luo youngkun , “Strategic cooperation can boost China-Asean relations”, Nation online, Friday October 4, 2013, www.thestart. com.my/news/nation/2013/10/04/china-malaysia-relations.aspx.

9. Mazwin Nik Anis, “Penang Bridge Loan Deal Signed”, The Star, July 14, 2007 http://www.thestar.com.my/story.aspx/?file=%2f200 7%2f7%2f14%2fnation%2f18302147&sec=nation> accessed January 9, 2014.

11. Prashanth Parameswaran, “Nervous Malaysia eyes China dancefloor”, www.atimes.com/atimes/China/NI27Ad03.html. 

12. Wu Jiao, Zhao Shengnan, “China and Malaysia set blueprint to boost tie”, China Daily, usa.chinadaily.com.cn/china/2013-10/05 content_17009962.htm.

13. Zuhrin Azam Ahmad, Yuen Meikeng, Cecilia Kwok and Isabella Lai, “Malaysia and China set trade target of RM511bil”, The Star, October 5, 2013.



1 Bài phát biểu của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Dato Seri Abdullah Bin Haji Amad Badawi tại lễ đón chính thức Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Ôn Gia Bảo ngày 15/2/2005.

2 Tài liệu trên

3 Kinh tế Ma-lai-xi-a chịu ảnh hưởng nằng nề của khủng hoảng tài chính thế giới. Việc giảm nhu cầu ở các thị trường phương Tây đẩy kinh tế Ma-lai-xi-a vào tình trạng suy thoái. Tổng xuất khẩu của Ma-lai-xi-a giảm từ 62,3 tỷ RM vào tháng 9/2008 xuống còn 43,7 tỷ RM vào cuối tháng 3/2009. Tốc độ tăng trưởng GDP của Ma-lai-xi-a giảm từ 4,7% xuống 0,1% trong 2 quý cuối 2008 trước khi đẩy nó vào tăng trưởng âm 6,2% vào quý đầu năm 2009. Dẫn theo: Lim Tin Seng, Renewing 35 years of Malaysia-China relations Najib’s Visit to China, EAI Background Brief. No.460, Publication Date 29 June 2009, www.eal.nus.edu.sg/BB460.pdf

4 “Ma-lai-xi-a, mắt xích trong chiến lược hướng nam của Trung Quốc”, 5/4/2010, http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/858-malaixia-mt-xich-trong-chin-lc-hng-nam-ca-trung-quc.

5 Xem thêm: Bruce Einhorn, So Much for China-Malaysia Friendship Year, 26/3/2014, www.bloomberg.com/bw/articles/2014-03-26/so-much-for-china-malaysia-friendship-year

6 Tài liệu trên

7 “China, Malaysia celebrate 40th anniversary of diplomatic ties”, Xinhua, 1/1/2014

8 Prashanth Parameswaran, Nervous Malaysia eyes China dancefloor, www.atimes. com/atimes/China/NI27Ad03.html

9 “Thủ tướng Ôn Gia Bảo: Sự đi lên của kinh tế Trung Quốc không là mối đe dọa”, www.baomoi.com/

TTg-on-gia-bao-su-di-len-cua-kinh-te-trung-quoc-khong-la-moi-dedoa/122/6160938. epi

10 “China-Malaysia agree to comprehensive strategic partnership”, www.china.org.cn/ video/2013-0/05/content_30207351.htm.

11 Wu Jiao, Zhao Shengnan, “China and Malaysia set blueprint to boost tie”, China Daily, usa.chinadaily.com.cn/china/2013-10/05content_17009962.htm.

12 “Ma-lai-xi-a, mắt xích trong chiến lược hướng nam của Trung Quốc”, http://nghien cuubiendong.vn/tin-ncbd/858-malaixia-mt-xich-trong-chin-lc-hng-nam-ca-trung-quc.

13 Xem thêm: Ma-lai-xi-a và Trung Quốc sẽ tập trận chung”, www.dantri.com.vn/the-gioi/malaysia-va-trung-quoc-se-tap-tran- chung.795870.htm.

14 “Vài nét về quan hệ kinh tế - thương mại Ma-lai-xi-a - Trung Quốc sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao”, http://www.langson.gov.vn.langsonqt?q=node/262.

15Malaysia and China in vital phases of development”, The Star, June 2, 2013, http://www.thestar.com.my/News/Nation/2012/10/03/Envoy-Malaysia-and-China-in-vital-phases-of-development.aspx/> accessed January 14, 2014.

16 Dẫn theo “Malaysia to boost economic ties with China”, Monday, 9 June 2014,

www.thestar.com.my/Business/Business.News/2014/06/09/malaysia-to-boost-economic -ties-with-china/?style=biz.

17 Zuhrin Azam Ahmad, Yuen Meikeng, Cecilia Kwok and Isabella Lai, “Malaysia and China set trade target of RM511bil”, The Star, October 5, 2013. http://www.thestar. com.my/News/Nation/2013/10/05/Msia-and-China-set-trade-targetof-RM511bil-Xi-and-Najib-also-agree-to-form-strategic-partnership.aspx/>accessed January 14, 2014.

18 Vài nét về quan hệ kinh tế -thương mại Ma-lai-xi-a - Trung Quốc sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao”, tài liệu đã dẫn.

19 “Broaden Base of Malysia - China Trade, says Najib”, New Strait Times, 4 June 2009

20 “Malaysia to boost economic ties with China”, tài liệu đã dẫn.

21 “Exciting Ofer from China”, The Star, 6 June 2009.

22 Luo youngkun , Strategic cooperation can boost China-Asean relations, Nation online Friday October 4, 2013, www.thestart.com.my/news/nation/2013/10/04/china-malaysia-relations.aspx

23 Data from Malaysia External Trade Development Corporation.

24 Mazwin Nik Anis, Penang Bridge Loan Deal Signed, The Star, July 14, 2007 http://www.thestar.com.my/story.aspx/?file=%2f2007%2f7%2f14%2fnation%2f18302147&sec=nation> accessed January 9, 2014.

25 Tài liệu trên.

26 Năm 2007, Ma-lai-xi-a đã khai trương cơ sở hải quân tại vịnh Sepanggar và đồn trú ở đây hai tầu ngầm lớp Scorpene. Tháng 8/2010, hải quân Ma-lai-xi-a đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên ở biển Đông. Trong những năm sau, Ma-lai-xi-a đã bắt đầu thúc đẩy các đề nghị hợp tác quốc phòng chặt chẽ và huấn luyện quân đội bên trong ASEAN (xem: Dzirhan Mahadzir, “Malaysia’s first submarine completes fleet wargames”, Jane’s Defence Weekly, Aug. 13, 2010 and Robert Karniol, “Balancing Act”, Jane's Defence Weekly, Apr. 3, 2002).