japuschi0.jpg

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe nằm trong những nỗ lực không biết mệt mỏi của hai bên để tiến tới “bình thường hóa trở lại” các mối quan hệ Trung-Nhật thông qua nối lại đối thoại cấp cao. Nỗ lực bình thường hóa này gồm hai khía cạnh.

Thứ nhất là việc khôi phục quan hệ Trung-Nhật sau một loạt sự vụ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai bên. Cụ thể, một tàu thăm dò Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2008, vụ va chạm năm 2010 giữa một tàu đánh cá Trung Quốc và một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ Biển Nhật Bản hay việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku năm 2012.

Nhật Bản hy vọng khởi động lại một chương trình phát triển hợp tác ở Biển Hoa Đông mà các nhà lãnh đạo hai nước Hồ Cẩm Đào và Yasuo Fukuda đã nhất trí hồi năm 2008. Tokyo cũng đang nỗ lực tiến đến các thỏa thuận về liên lạc hàng hải và các cơ chế chung về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở Biển Hoa Đông nhằm khôi phục trật tự cho các vùng biển tranh chấp. Nhật Bản đã gặt hái được một số thành công trong việc tìm kiếm sự đồng thuận từ phía Trung Quốc về những điểm này. Các tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện thường xuyên trong các vùng lãnh hải và các khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ năm 2012. Trung Quốc tiếp tục các hoạt động như vậy nhằm duy trì sự nguyên trạng ở Biển Hoa Đông.

Khía cạnh thứ hai trong nỗ lực “bình thường hóa quan hệ trở lại” là việc sắp xếp lại các mối quan hệ Trung-Nhật để phản ánh vị thế và sức mạnh của Trung Quốc như một cường quốc thế giới. Năm 2008, Nhật Bản đã dừng các khoản vay dài hạn cho Trung Quốc, nhưng nay chính thức thông báo rằng nước này sẽ không yêu cầu Trung Quốc phải trả số tiến đến hạn cho những khoản viện trợ phát triển. Trung Quốc đã bày tỏ biết ơn Nhật Bản vì sự ủng hộ cho cả hai vấn đề này, và hai nước đã trao đổi — một cách công bằng — một bản ghi nhớ về hơn 50 dự án hợp tác thương mại ở các nước thứ ba.

Từ quan điểm của Trung Quốc, Nhật Bản dường như đã chấp nhận Sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) của nước này. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 5/2018 vừa qua, ông Abe đã giải thích rằng “khả năng hợp tác sẽ được khai thác trên cơ sở từng trường hợp cụ thể với điều kiện sự cởi mở, minh bạch, hiệu quả kinh tế và tài chính hợp lý, tất cả phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”. Hay nói cách khác, sự hợp tác của Nhật Bản chỉ được bảo đảm khi những điều kiện khắt khe được đáp ứng.

Những điều kiện này đã không được công khai ở Trung Quốc. Nhưng rất có thể, hơn 50 dự án mà ông Abe đã bật đèn xanh ở Bắc Kinh đã đáp ứng, hoặc sẽ đáp ứng, những điều kiện này. Quan điểm gần đây của Nhật Bản dường như muốn ám chỉ đến khả năng BRI có thể cùng tồn tại với “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” của chính Nhật Bản.

Những thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung có tác động lớn đến chuyến thăm của ông Abe. Trong khi ngầm chỉ trích Mỹ chống toàn cầu hóa, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể phối hợp các lực lượng để đối chọi với Mỹ. Nhưng khả năng phối hợp Trung-Nhật chống Mỹ là điều rất khó xảy ra. Tuy nhiên, ông Tập tiếp tục có quan điểm chỉ trích về xu hướng ủng hộ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ trong các cuộc hội đàm thượng đỉnh và hai bên đã nêu bật tầm quan trọng của một cơ chế thương mại đa dạng.

Cũng có khả năng Trung Quốc hiện coi ông Abe là một kênh để nối lại các mối liên hệ với chính quyền Trump. Ông Abe đã sử dụng giới truyền thông để thúc đẩy các vấn đề đàm phán có liên quan đến cả Mỹ, bao gồm đối thoại Nhật-Trung về quyền sở hữu trí tuệ và tạm ngừng hợp tác về công nghệ. Trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị, chuyến thăm Trung Quốc của ông Abe đã giúp tạo ra một xung lực mới cho việc bình thường hóa trở lại mối quan hệ song phương. Các nhà quan sát đang đặt hy vọng vào chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2019.

Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật và hai bên cần thận trọng theo sát động thái của Washington. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và Mỹ hoàn toàn chấm dứt chính sách can dự với Trung Quốc, thì nhiều khả năng Nhật Bản sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc. Lúc đó, mối quan hệ Mỹ-Nhật sẽ trở nên bất ổn.

Đa phần những vấn đề trao đổi trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật-Trung đơn thuần là những cử chỉ mang tính biểu tượng, không có thực chất. Bản ghi nhớ về hợp tác với nước thứ ba đã được ký kết với những điều kiện chặt chẽ mà Nhật Bản đưa ra, và chỉ có thời gian mới trả lời liệu những thỏa thuận tương lai về hợp tác ở Biển Hoa Đông có hiệu quả hay không.

Rút cục, mối lo ngại lớn nhất trong quan hệ hai nước -  liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, khúc mắc lịch sử và vấn đề Đài Loan - vẫn chưa được giải quyết. Dường như bất kỳ sự tiến triển nào hơn nữa trong quan hệ Trung-Nhật sẽ phải đợi đến chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2019.

Tác giả là GS. Shin Kawashima, Trường Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Tokyo. Bài viết đăng trên East asia forum

Hương Trà (gt)