Hai sự lựa chọn lớn này quyết định hai tương lai khác nhau của quan hệ Trung-Mỹ và hướng đi của địa chính trị thế giới. Một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và một nước Mỹ trên đà suy thoái tất yếu đi đến đối kháng? Trong lịch sử, nước lớn trỗi dậy tất yếu sẽ bị các nước lớn vốn có ngăn chặn, kiềm chế, nếu hai bên thực hiện phương châm đối lập, tất yếu sẽ dẫn đến bùng phát xung đột và chiến tranh, xu thế này dường như đã trở thành một quy luật. Báo cáo chiến lược quân sự mới được Mỹ chính thức công bố gần đây đã từ bỏ chiến lược “đồng thời đánh thắng hai cuộc chiến tranh” từng duy trì kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, đồng thời chuyển thành chiến lược “1+”, chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực châu Á, vậy thì phải chăng quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thể tránh khỏi đi theo hướng đối kháng và tiến tới ranh giới của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới? Rõ ràng hiện nay Mỹ kiềm chế Trung Quốc đã trở thành dòng chính, vì điều này là do chiến lược toàn cầu của Mỹ quyết định, Mỹ phải bảo đảm chắc chắn địa vị số một thế giới của mình, buộc phải tiến hành kiềm chế bước tiến trỗi dậy của Trung Quốc. Trong thập niên 80 thế kỷ 20, Mỹ không ngại kiềm chế sự trỗi dậy đối với đồng minh Nhật Bản, để rồi 20 năm sau Nhật Bản lâm vào cảnh khó khăn về chính trị. Mỹ quay trở lại châu Á, chiến lược kiềm chế Trung Quốc chủ yếu là tái xác lập một trật tự châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Thứ nhất, Mỹ thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc, gây ra dư luận rộng khắp, khiến cho các quốc gia châu Á đều tỏ ra lo ngại và cảnh giác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ tuyên bố lợi ích và địa vị lãnh đạo của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là không thể dao động. Thứ ba, Mỹ tập hợp chắp vá đồng minh, thực hiện ngoại giao giá trị quan, về quân sự tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia, đồng thời lôi kéo Ấn Độ; về kinh tế ra sức phát triển và mở rộng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với ý đồ cô lập Trung Quốc. Thứ tư, kích động mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các quốc gia xung quanh, quốc tế hóa các vấn đề mang tính khu vực và vấn đề còn sót lại của lịch sử, đẩy Trung Quốc rơi vào các cuộc tranh chấp không lối thoát. Đứng trước thế tiến công hùng hổ của Mỹ, nếu Trung Quốc áp dụng chiến lược đối đầu, tất yếu sẽ dẫn đến xung đột song phương nghiêm trọng, đồng thời có khả năng dẫn đến bùng phát chiến tranh khu vực, tương lai thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị tan vỡ. 

Vậy thì, một sự lựa chọn khác ngoài đối kháng trong quan hệ Trung-Mỹ là cấu trúc G2 Trung-Mỹ cùng thống trị có thể xảy ra không? Trên thực tế, sự lựa chọn này không hẳn không có cơ sở thực hiện, nhưng điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ phải có khả năng duy trì sự sáng suốt và lý trí. Trong lịch sử, một nước Anh suy thoái và một nước Mỹ trỗi dậy cùng thống trị thế giới không chỉ tránh được xung đột song phương, mà còn đập tan tập đoàn phát xít Đức, cùng nhau thiết lập trật tự quốc tế hậu chiến tranh. Thứ nhất, Trung-Mỹ cùng thống trị có thể tránh được sự hỗn loạn trật tự thế giới do Mỹ suy thoái dẫn đến, gần đây nhà chiến lược ngoại giao của Mỹ Zbigniew K Brzezinski đã có bài phát biểu cho rằng nếu nước Mỹ suy thoái, thế giới không thể do một quốc gia kế tục nổi bật chủ đạo, thậm chí sẽ dẫn đến hỗn loạn hoàn toàn. Cho nên nếu hai nước Trung-Mỹ có thể cùng thống trị, sẽ có lợi cho sự ổn định của trật tự thế giới, nhưng điều này phải được quyết định bởi việc liệu Mỹ có thể chuyển biến tư duy Chiến tranh Lạnh của mình hay không, Trung Quốc có thể tham dự mang tính xây dựng vào các công việc quốc tế và đảm nhận các trách nhiệm tương ứng hay không. Thứ hai, nếu hai nước Trung-Mỹ đi theo hướng đối kháng và chiến tranh toàn diện, hai nước đều bị tổn thất to lớn, không thể khiến một bên đạt lợi ích, một bên chịu tổn thất, vì quan hệ Trung-Mỹ hiện nay khác với quan hệ giữa Đức với Anh-Mỹ trước năm 1941, cũng khác với quan hệ giữa Đức quốc xã với các quốc gia châu Âu khác trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai và càng khác với quan hệ Xô-Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, quan hệ kinh tế Trung-Mỹ liên kết rất chặt chẽ, trên thực tế nếu Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc thì căn bản không cần sử dụng hàng không mẫu hạm hoặc bất cứ hành động quân sự nào, chỉ cần Mỹ rút toàn bộ các công ty xuyên quốc gia đang làm ăn tại Trung Quốc về nước là có thể kiềm chế được, hoặc ngăn chặn các sản phẩm chế tạo của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng rõ ràng Mỹ không thể làm được những điều này. Cuối cùng, nếu Trung-Mỹ có thể cùng thống trị thì sẽ có thể thúc đẩy khu vực châu Á-Thái Bình Dương phồn vinh và phát triển, bảo đảm chắc chắn thế kỷ 21 trở thành thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương, sự thực Mỹ quay trở lại châu Á sẽ có lợi cho sự phát triển và an ninh đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Mỹ phải lấy phương thức hợp tác thân thiện chứ không phải áp dụng phương thức tấn công gây sức ép như hiện nay. 

Sự lựa chọn chiến lược luôn luôn có tính ngẫu nhiên và tính tuỳ ý, nhưng ảnh hưởng của nó lại hết sức lâu dài, sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Trung-Mỹ lựa chọn đối kháng lẫn nhau, do đó Mỹ đã đánh mất Trung Quốc, cũng vì vậy đã khiến cả hai đều phải trả giá quá đắt, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển của hai nước, mà còn ảnh hưởng đến cả cục diện địa chính trị toàn cầu. Nếu như 3 năm trước đây, hai nước Trung-Mỹ có thể nghiêm túc tính toán cấu trúc G2, tức cùng thống trị, có lẽ quan hệ hai nước Trung-Mỹ và xu thế cục diện châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ có bước phát triển khác nhau. Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ còn có thời gian và cơ hội tiến hành nghiên cứu và lựa chọn cấu trúc G2 hay không? Hiện nay, Mỹ quay trở lại châu Á, đồng thời coi kiềm chế Trung Quốc là mục tiêu, vậy thì quan hệ Trung-Mỹ phải chăng không thể đi ngược lại xu thế đối kháng? Về phần Trung Quốc, nước này hiện nay không có ý muốn cạnh tranh với Mỹ, Mỹ vẫn là nhân tố bên ngoài chủ yếu quyết định Trung Quốc có thể trỗi dậy hay không, quyết định đến cái giá cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, cho nên tìm kiếm hợp tác qua lại vẫn là thượng sách, tránh được xung đột là trung sách, chiến tranh và phá hoại là hạ sách. Đối với Mỹ, hiện nay việc kiềm chế Trung Quốc đã trở thành dòng chính, trở thành trọng điểm chiến lược toàn cầu tiếp theo của Mỹ, vì Trung Quốc trỗi dậy trở thành thách thức của Mỹ, chỉ có kiềm chế Trung Quốc, mới có thể bảo đảm chắc chắn vị trí số một thế giới của Mỹ, cho nên vấn đề của Mỹ là tư duy chiến lược của nước này vẫn dừng lại ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đẩy mạnh toàn cầu hoá, nhưng Mỹ tự mình lại không có sự chuẩn bị tốt; Mỹ đang thúc đẩy dân chủ toàn cầu, nhưng bản thân lại theo đuổi chính trị cường quyền; Mỹ chủ trương thị trường tự do, nhưng bản thân lại quay trở lại bảo hộ mậu dịch. Cho dù quốc gia vẫn là chủ thể của xã hội quốc tế hiện nay, nhưng nhân loại đang đi theo hướng một thế giới không có biên giới chính trị. Xung đột giữa hai nước Trung-Mỹ là chiến tranh nước lớn về ý nghĩa truyền thống, nhưng nó càng thể hiện kinh tế và chính trị toàn cầu thời đại toàn cầu hoá phải đối mặt với nhiều thách thức, cho nên việc giải quyết xung đột giữa hai nước Trung-Mỹ như thế nào không chỉ được quyết định bởi hai nước Trung-Mỹ, mà còn được quyết định bởi việc xây dựng mô hình thống trị toàn cầu thời đại toàn cầu hoá như thế nào, lý luận chủ nghĩa hiện thực truyền thống đã không thể lý giải xung đột Trung-Mỹ, cũng không thể giải quyết xung đột giữa hai nước Trung-Mỹ./. 

Theo Báo Nhân dân Trung Quốc (ngày 27/1)

Hương Trà (gt)