Chuyến thăm Mỹ năm 2015 của ông Tập Cận Bình hơi khác với tất cả các chuyến thăm trước đó của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đó là ông đã chọn Seattle làm chặng dừng chân quan trọng trong chuyến thăm lần này . Việc sắp xếp này thực tế đã thể hiện trí tuệ kiểu Trung Quốc và thực chất quan hệ Trung-Mỹ hiện nay: Lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng, nắm lấy mấu chốt, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Chỉ cần nắm bắt nền tảng dẫn dắt toàn cục, quan hệ Trung-Mỹ sẽ duy trì được trạng thái “đấu nhưng không phá”.

Tại sao hợp tác kinh tế là “nền tảng”?

Tại Mỹ, có ít nhất 3 lực lượng tác động đến chính sách của Nhà Trắng đối với Trung Quốc: Lực lượng thứ nhất là Bộ Tài chính và Bộ Thương mại lấy quan hệ thương mại giữa hai nước làm ưu tiên xem xét (những người ủng hộ là các công ty xuyên quốc gia của giới tài chính và giới công nghiệp Mỹ), đại diện cho nhu cầu lợi ích trước mắt của Mỹ. Lực lượng thứ hai lấy Quốc hội làm đại diện, kể từ khi bắt đầu chính sách ngoại giao nhân quyền thời kỳ Bill Clinton, luôn mong muốn thông qua tiếp xúc, thuyết phục, tác động và dẫn dắt Trung Quốc đi vào hệ thống của phương Tây. Hai lực lượng trên cấu thành chủ thể của “phe ôm gấu trúc”, là những lực lượng quan trọng chủ đạo trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc những năm qua. Lực lượng thứ ba được gọi là “phe đánh đập gấu trúc”, với đại diện là Lầu Năm Góc luôn nhấn mạnh cạnh tranh địa duyên. Trong một thời gian dài trước đây, lực lượng này cho dù nhìn từ góc độ số lượng người hay ảnh hưởng đều ở trạng thái yếu kém, cho đến 2 năm gần đây tình thế đã hơi có sự thay đổi. Tương ứng với tình thế này là địa chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng thay đổi. Đây chính là lực lượng có lập trường cứng rắn về chủ trương trong vấn đề Biển Đông.

Trong một thời kỳ dài, “chính trị lạnh, kinh tế nóng” là đặc điểm của quan hệ Trung-Mỹ. Quan hệ Trung-Mỹ trong nhiều năm ở vào trạng thái “đấu nhưng không phá”, được duy trì dựa hoàn toàn vào sức mạnh của giới kinh doanh và giới tài chính - “cột trụ không chính thức trong quan hệ hai nước”. Việc lựa chọn Seattle là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình hiển nhiên cũng đã được cân nhắc cẩn thận. Nơi đây từng là trụ sở chính của hãng máy bay Boeing, hiện nay vẫn còn số lượng lên tới hàng vạn công nhân. Công ty Boeing và Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác rất mật thiết, báo cáo thường niên về triển vọng thị trường Trung Quốc mà công ty này công bố trong tháng 8/2015 dự kiến trước năm 2034 Trung Quốc sẽ cần tăng thêm 6.330 chiếc máy bay dân dụng mới với tổng giá trị lên tới 950 tỷ USD. Khách hàng là thượng đế, người đứng đầu Trung Quốc cầm một khoản tiền lớn trong tay đợi mua hàng đương nhiên sẽ là “thượng đế số 1”. Diễn đàn doanh nghiệp Trung - Mỹ tổ chức tại đây dường như khác biệt hoàn toàn so với những phát ngôn của Chính phủ Mỹ xung quanh những chủ đề như tấn công mạng, xung đột trên Biển Đông, nhân quyền…

Những phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Seattle, như Trung Quốc sẽ không phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình cải cách kinh tế lớn đã xác định vào năm 2013, Chính phủ Trung Quốc sẽ không phân biệt đối xử đối với các công ty nước ngoài, Trung Quốc sẽ kiên trì phương hướng cải cách kinh tế thị trường… là lời thăm hỏi vô cùng tốt đẹp đến chính phủ và người dân Mỹ. Ông Tập Cận Bình đặc biệt còn hồi âm trước bức thư chung của 94 CEO Mỹ gửi Nhà Trắng, kêu gọi hai bên phối hợp hoàn thành đàm phán Hiệp định đầu tư song phương trong một ngày gần nhất nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở mỗi nước.

Có thể nói, chỉ cần Trung Quốc và Mỹ không rơi vào trạng thái chiến tranh thì các nhà doanh nghiệp Mỹ sẽ vận động hành lang cho Trung Quốc, những đám mây đen trên rồi cuối cùng cũng sẽ tan đi trên bầu trời bao la, lấy thí dụ từ năm 2013 đến nay, quan hệ Trung-Mỹ bị cho là giảm tới điểm đóng băng, hiện nay tảng băng này dường như đã bắt đầu tan. Bởi vì cho dù là việc thu thuế tài chính của chính phủ, hay là hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO)... đều không thể tách rời sự ủng hộ của giới kinh doanh và giới tài chính.

Bắc Kinh từng chặt bỏ “những cột trụ không chính thức trong quan hệ Trung-Mỹ”

Bắt đầu từ thời kỳ Bill Clinton, quốc sách ngoại giao đối với Trung Quốc của Mỹ có thể khái quát trong mấy chữ sau: tiếp xúc, thuyết phục, ảnh hưởng. Hy vọng thông qua hợp tác kinh tế, thúc đẩy thị trường Trung Quốc mở cửa, đồng thời thông qua các dự án viện trợ hợp tác pháp luật Trung-Mỹ, hàng loạt NGO nước ngoài vào Trung Quốc, tạo ra “hiệu ứng nhỏ giọt”, thúc đẩy chính trị Trung Quốc dần thay đổi.

Nguyện vọng của phía Trung Quốc là: Tăng cường hợp tác kinh tế, khước từ sự thâm nhập của quan điểm giá trị phương Tây. Giữa những năm 1990, Trung Quốc ở vào tình trạng thiếu tiền, bị ép phải tiếp nhận trợ giúp về mặt pháp lý của Mỹ song song với hợp tác kinh tế và cho phép các NGO thâm nhập vào Trung Quốc. Từ năm 2010, vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào, thu nhập tài chính của Chính phủ Trung Quốc liên tục gia tăng, lúc đó Bắc Kinh mới bắt đầu phản đối cách mạng sắc màu, hạn chế hoạt động của các NGO nước ngoài tại Trung Quốc, không còn thỏa hiệp vì một vài khoản tiền nhỏ, đồng thời công khai tuyên bố từ nay về sau phải lựa chọn vốn đầu tư nước ngoài, từng bước thắt chặt chính sách về vốn đầu tư nước ngoài: Năm 2008, Trung Quốc chính thức thực hiện “hợp nhất hai loại thuế”, bãi bỏ ưu đãi thuế quan đối với vốn đầu tư nước ngoài.

Bắt đầu từ năm 2013, Chính phủ Trung Quốc tiến hành đồng bộ điều tra việc đưa hối lộ của các doanh nghiệp nước ngoài và chống độc quyền. Các công ty xuyên quốc gia lớn nằm trong danh sách điều tra ngày càng nhiều, tháng 8/2013, công ty Microsoft (Mỹ) bị điều tra chống bán phá giá, công ty Chrysler (Mỹ) và Volkswagen - Audi (Đức) bị điều tra chống độc quyền. Cùng thời điểm này, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia tiến hành điều tra chống độc quyền đối với hàng chục doanh nghiệp sữa bột có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 6 doanh nghiệp của Mead Johnson, Fonterra (liên doanh Trung Quốc và Mỹ) đã phải nộp khoản tiền phạt lớn lên tới 668 triệu nhân dân tệ. Công ty TNHH đầu tư Glaxo Smith Kline (GSK) của Trung Quốc – ông trùm của ngành y dược quốc tế bị điều tra gắt gao về hành vi đưa hối lộ, một số giám đốc điều hành chi nhánh có liên quan tội phạm kinh tế nghiêm trọng bị lập án điều tra theo pháp luật. Cùng với việc thắt chặt chính sách vốn đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư của Mỹ tiếp tục bị rút khỏi Trung Quốc.

Kể từ năm 2010, các báo cáo thường niên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đều chỉ ra rằng môi trường đầu tư ở Trung Quốc đang xấu đi, lòng tin của các nhà đầu tư Mỹ đối với việc đầu tư vốn vào Trung Quốc bị hạ thấp. Bản báo cáo điều tra công bố vào tháng 2/2015 vẫn cho thấy trên một nửa số doanh nghiệp Mỹ cho rằng chủ nghĩa bảo thủ của Trung Quốc là một trong những thách thức mà họ lo ngại nhất.

Bắc Kinh cuối cùng đã tỉnh ngộ: giới kinh doanh không hài lòng, hậu quả rất nghiêm trọng

Vào thời điểm quan hệ hợp tác kinh tế Trung-Mỹ có xu thế suy giảm, quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi. Xung đột Biển Đông, tấn công mạng… gần như đã trở thành những vấn đề hay được nói đến trong quan hệ Trung-Mỹ những năm gần đây. Nhưng những người hiểu về quan hệ Trung-Mỹ thì đều biết rõ: Trung Quốc vì sự bành trướng tâm lý của một nước mới trỗi dậy, tùy tiện gạt đổ “trụ cột” là các công ty có vốn đầu tư của Mỹ, dẫn đến việc mất đi chất bôi trơn hiệu quả nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.

Trong bài viết “Con đường ‘du thuyết’ Mỹ của Trung Quốc đang thu hẹp lại” (tháng 7/2013), tác giả từng chỉ ra rằng Trung Quốc đã thành công trong việc lĩnh hội cách sử dụng “văn hóa du thuyết” của chính trị Mỹ. Tại Mỹ, du thuyết là hoạt động chính trị hợp pháp, hàng loạt viện nghiên cứu, tập đoàn cố vấn, du thuyết, các công ty quan hệ công chúng và các tổ chức dân sự tập trung tại phố K phía Bắc Washington, hình thành nên chính trị phố K nổi tiếng. Chính phủ Trung Quốc đã thuê nhiều công ty du thuyết của phố K giúp đỡ Trung Quốc trong tiến hành vận động hành lang trong giới chính trị Mỹ, “Công ty cố vấn Kissinger” là nổi tiếng nhất trong số đó. Lần này Tập Cận Bình đến thăm Seattle, Kissinger tuổi gần 90 cũng không ngại vất vả đi chào đón.

Quan trọng hơn là, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Trung Quốc vẫn có một đội ngũ du thuyết không phải trả công, đó là các công ty xuyên quốc gia lớn đầu tư tại Trung Quốc, chủ lực trong số đó là các công ty của Mỹ như Microsoft, General Motors, Boeing và công ty khổng lồ tài chính Citibank. Họ luôn chủ động giúp Chính phủ Trung Quốc du thuyết với giới chính trị Mỹ, hiệu quả còn tốt hơn nhiều so với việc Trung Quốc bỏ ra khoản tiền lớn mời các công ty quan hệ công chúng chuyên về du thuyết ở phố K. Trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, các công ty này hàng năm đều kêu gọi Chính phủ Mỹ gia hạn vô điều kiện quy chế Tối huệ quốc (MFN) đối với Trung Quốc. Lý do chính để họ thuyết phục quốc hội là: “Kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy cải cách chính trị Trung Quốc”, “việc phổ cập Internet sẽ đem đến tự do thông tin cho Trung Quốc” v.v… Trong những hoạt động du thuyết này có một sự kiện có thể ghi vào lịch sử về thương mại Trung - Mỹ là: Vào năm 2000 (năm Trung Quốc gia nhập WTO), hàng trăm công ty xuyên quốc gia của Mỹ như Boeing đã kết hợp lại, phát động một cuộc vận động hành lang rầm rộ. Những người tham gia bao gồm các chuyên gia quan hệ chính phủ của các công ty, các cơ quan vận động hành lang của hội liên hiệp các ngành nghề và các công ty chuyên cố vấn về vận động hành lang, cuối cùng đã thành công. Lần vận động hành lang tập thể này tiêu tốn tổng cộng 112 triệu USD (trước đó, kỷ lục cao nhất về hành động tập thể của giới doanh nghiệp Mỹ là vận động hành lang xây dựng khu tự do thương mại Bắc Mỹ với tổng chi phí 30 triệu USD).

Các công ty xuyên quốc gia này vô cùng tự tin trong vai trò “người bạn cũ của Chính phủ Trung Quốc”. Các công ty như Microsoft, General Motors, Volkswagen-Audi… khi đối mặt với cuộc điều tra của Chính quyền Bắc Kinh, đã lựa chọn thái độ hợp tác tích cực. General Motors cho biết từ năm 2012, General Motors Thượng Hải luôn “phản ứng tích cực” đối với yêu cầu của Cục kiểm soát giá và chống độc quyền thuộc Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia, đồng thời trợ giúp điều tra và nghiên cứu ngành công nghiệp ôtô. Sau khi Microsoft bị tố cáo chống độc quyền và trốn thuế và chịu khoản tiền phạt lớn tại Trung Quốc, các công ty này đều có ý kiến đối với Chính phủ Trung Quốc, trên cơ bản không còn mặn mà với quan hệ Trung-Mỹ nữa, hai nước Trung-Mỹ từ đó bước vào thời kỳ xảy ra nhiều va chạm.

Trước khi Tập Cận Bình sang thăm Mỹ, Bắc Kinh và giới doanh nghiệp Mỹ đã phát những tín hiệu hữu nghị

Trải qua gần 2 năm mâu thuẫn, Bắc Kinh cuối cùng đã nhận ra rằng không thân thiện với các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc làm tổn thương tình hữu nghị, kết quả là hai bên cùng bất lợi. Trong nền chính trị Mỹ, Bắc Kinh cần cây “cột trụ” là giới doanh nghiệp Mỹ, vì vậy bắt đầu đưa ra những tín hiệu hữu nghị, giới doanh nghiệp Mỹ vốn luôn mong đợi Bắc Kinh thay đổi thái độ đã có phản ứng tích cực với điều này.

Ngày 16/9, đúng vào dịp các chính trị gia và các chuyên gia Mỹ liên tục phát biểu phê phán tình trạng nhân quyền và xâm phạm mạng của Trung Quốc, truy trách nhiệm của Bắc Kinh trong xung đột Biển Đông…. thì bức thư của “94 CEO của các công ty Mỹ kêu gọi Trung-Mỹ ký kết Hiệp định đầu tư song phương” được công bố; tiếp đó tờ “Nhật Báo phố Wall” của vua truyền thông Mỹ Rupert Murdoch đăng bài phỏng vấn đối với Tập Cận Bình; bản thân Rupert Murdoch còn trả lời phỏng vấn mạng “Cai Xin” (caixin.com), bày tỏ có nhận định tốt về tình hình kinh tế và xã hội Trung Quốc. Bầu không khí dư luận vốn rất bất lợi cho chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình đã bắt đầu xoay chuyển.

Chỉ cần có chút hiểu biết về quan hệ Trung-Mỹ từ sau năm 1989, thì sẽ hiểu rõ “trụ cột không chính thức trong quan hệ Trung-Mỹ” quan trọng như thế nào. Vì vậy, Bắc Kinh cần phải ghi nhớ rằng trong quan hệ Trung-Mỹ, “hợp tác kinh tế là mấu chốt, phải nắm vững mấu chốt”, chỉ cần có bạn bè cũ là giới doanh nghiệp Mỹ ở bên cạnh, thì quan hệ Trung-Mỹ có thể “đấu nhưng không phá”.

Theo VOA Chinese

Hoàng Lan (gt)