Thủ Tướng Singh đã nhiều lần đề cập “có đủ không gian cho sự nổi lên của cả Ấn Độ và Trung Quốc”. Tuy nhiên Bắc Kinh nói không gian đó nằm trong một số lĩnh vực hợp tác nhất định. Thủ Tướngg Singh cũng tự thừa nhận đã có 28 lần gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, con số kỷ lục đối với một Thủ Tướng Ấn Độ.Ngoại trừ thương mại với cán cân nghiêng về Trung Quốc cũng không có nhiều điểm sáng trong quan hệ đôi bên. Các vụ xâm nhập biên giới từ phía Trung Quốc tiếp tục diễn ra. Sự tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc đã vượt xa khả năng ngăn chặn truyền thống của Ấn Độ. Bắc Kinh đã âm thầm xóa bỏ 2.000 km biên giới tại Ladakh và trên thực tế đã ba bên hóa tranh chấp song phương tại Kashmir. Số vòng đàm phán biên giới Ấn - Trung còn nhiều hơn số cuộc gặp giữa Thủ Tướng Singh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hai bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán trong giai đoạn từ 1981-1987, 14 vòng đàm phán giai đoạn 1988-2001 và kể từ năm 2003 đến nay đã có thêm 13 vòng đàm phán. Vòng thứ 14 giữa Đặc phái viên hai nước sẽ được tiến hành vào cuối tháng này. Trước đây, hai bên đã lần lượt đưa ra các ý tưởng về “trao đổi lãnh thổ”, vạch ra Đường Kiểm soát thực tế (LAC) và hiện nay là đối thoại chiến lược, kinh tế và chính trị.

Ấn Độ đã bỏ lỡ cơ hội về thỏa thuận trao đổi trong thập niên 1960. Phía Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận trao đổi bản đồ do lo ngại LAC sẽ gắn với sự hiện diện của binh lính Ấn Độ. Cuộc đàm phán hiện nay gồm 3 giai đoạn: Thỏa thuận về các tham số chính trị, khuôn khổ phân định biên giới và phân định trên thực tế cũng đang rơi vào thế bế tắc sau khi Trung Quốc thất hứa về thỏa thuận không quấy rối các khu định cư. Kể từ đó, chỉ có Đặc phái viên hai nước biết được điều gì đang diễn ra. Trung Quốc đã thành công trong việc lái vấn đề biên giới sang các vấn đề kinh tế và chiến lược. Ảo tưởng về một sự đột phá thậm chí đã được ghi nhận ngay cả khi Thủ Tướng Singh liên tiếp kêu gọi các đặc phái viên sớm đưa ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp biên giới. Một cơ chế hỗn hợp mới nhằm duy trì hòa bình tại khu vực chưa phân giới dọc Đường kiểm soát thực tế sắp sửa được đưa ra ngay cả khi Trung Quốc âm thầm đưa quân vào Gilgit-Baltistan, khu vực mà Pakistan đã đưa một cách bất hợp pháp ra khỏi vùng Kashmir do nước này chiếm đóng.

Giáo sư Zhou Gencheng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho rằng mục tiêu hiện nay là nhằm duy trì nguyên trạng tại khu vực biên giới để đảm bảo hòa bình và ổn định. Theo ông, Hiệp ước Hòa bình năm 1993 và Các biện pháp xây dựng lòng tin năm 1996 được đưa ra cũng chỉ nhằm mục tiêu đó, coi vấn đề biên giới là “một vấn đề lịch sử, rất phức tạp, đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn”. Rõ ràng Trung Quốc sẽ kéo dài tranh chấp biên giới với một cái giá rất cao cho Ấn Độ tới khi Bắc Kinh có thể áp đặt các điều kiện của mình và sau khi Dalai Lama không còn tồn tại. Trung Quốc đã xây dựng lợi ích sâu sắc và lâu dài tại Tawang, bang Arunachal Pradesh, khu vực mà nước này vẫn gọi là Nam Tây Tạng. Phía Trung Quốc đang chuyển những thông điệp không chính thức rằng nếu Ấn Độ để Trung Quốc giữ Aksai Chin và Tawang thì Trung Quốc sẽ từ bỏ mọi yêu sách khác bao gồm cả Arunachal Pradesh. Tawang quan trọng đối với Trung Quốc vì đây là nơi khởi nguồn của phong trào Khampa trong thập niên 1960 tại Tây Tạng; các hồ sơ thuế cho thấy Tawang là một phần của Tây Tạng và một cuộc nổi loạn trong tương lai tại Tây Tạng có thể cũng xuất phát từ Tawang.

Khả năng sẵn sàng về quân sự của Ấn Độ còn thiếu hụt nghiêm trọng và vẫn gần như dậm chân tại chỗ trong hai thập kỷ qua ngoại trừ một số hoạt động bổ sung lực lượng và nâng cấp cơ sở hạ tầng gần đây. Hiện mới chỉ một phần rất nhỏ trong số các khuyến nghị tăng cường quân sự từ năm 1988 được triển khai. Bộ Trưởng Quốc phòng Antony thừa nhận Ấn Độ đang bị tụt hậu trong quá trình hiện đại hóa. Trung Quốc đã vượt xa về cơ sở hạ tầng và tiềm lực quốc phòng. Đó là lý do tại sao nước này có thể tiến hành chiếm đoạt Tawang hay gây ra các vụ đụng độ kiểu như tại Kargil.Tuy nhiên, một chiến lược đơn giản hơn cũng có thể đạt được mục đích, đó là khiến Ấn Độ bị ràng buộc vào Nam Á bằng cách kéo dài tranh chấp biên giới và bao vây nước này. Bắc Kinh đã quay lại trò chơi cũ tại khu vực Đông Bắc với việc hỗ trợ các nhóm phiến quân Ấn Độ. Trong khi đó, khuynh hướng hòa giải và hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc cũng có 2 nguyên nhân, đó là ám ảnh về thất bại năm 1962 và tránh rơi vào tình thế hai mặt trận. New Delhi không đủ lực ngăn chặn cả 2 mặt trận theo cách truyền thống, đặc biệt với chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Điểm yếu của Ấn Độ có thể được khắc phục bằng những cách còn ít được sử dụng cho đến nay. Ngoài Việt Nam, Đài Loan và Tây Tạng, Ấn Độ còn có thể tranh thủ các khu vực như ngoài khơi eo biển Malacca hay bờ biển Myanmar để bám sát tàu thuyền Trung Quốc. Một sự khởi đầu tuy chậm nhưng đã được tiến hành tại Hà Nội. New Delhi cần giành lại ưu thế tại Nepal, Sri Lanka và không để tiếp tục mất đi tầm ảnh hưởng vào tay Trung Quốc.Theo Giáo sư John Lee của Trường Đại học Tổng hợp Sydney, tăng cường thương mại không nhất thiết sẽ giảm căng thẳng, mà thậm chí còn khiến cạnh tranh và đối đầu trở nên sâu sắc hơn trong dài hạn. Trung Quốc không thể nổi lên một cách hòa bình khi các cường quốc khác cũng đồng thời nổi lên. Không gian địa chính trị không đủ lớn cho sự nổi lên của bất kỳ một cường quốc đơn lẻ nào mà không gây căng thẳng như đã biết tại Hội nghị Cấp cao Đông Á tuần qua.Kiểm soát sự nổi lên của Trung Quốc không chỉ khiến Ấn Độ đau đầu. Đây cũng là quan ngại chính của Mỹ với một món nợ lớn đối với Bắc Kinh trong khi nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2020. Đồng thời, chi tiêu quân sự của Mỹ cũng đã giảm tới mức thấp nhất kể từ năm 1940. Tuy vậy, Mỹ vẫn được coi là cường quốc số một tại khu vực. Để đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ cần hành động đúng như chính mình./.

 Theo The Pioneer (23/11)

 Hương Trà (gt)