Vấn đề

* Quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á rất quan trọng đối với cả hai bên. Nói chung, Đông Nam Á được mong đợi sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2050 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ, hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm cho Mỹ. Các nền kinh tế Mỹ và Đông Nam Á bổ sung cho nhau rất nhiều, tạo ra những lợi ích đáng kể và rộng khắp cho cả hai bên.

* Quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á phải đối mặt với những thách thức do thiếu sự tham gia của Mỹ vào các thỏa thuận thương mại đa phương, những tác động trực tiếp và gián tiếp của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung và tình trạng không chắc chắn do Chính quyền Trump đột ngột phá vỡ chính sách thương mại lâu đời của Mỹ.

* Trong ngắn hạn, ASEAN sẽ tiếp tục hội nhập và thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn mà không có Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, điều sẽ có những kết quả đặc biệt quan trọng đối với sự hội nhập của Mỹ vào nền kinh tế số của Đông Nam Á.

Giới thiệu

Thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai đã chứng kiến sự tăng trưởng phi thường trong thương mại quốc tế và việc lập nên các khuôn khổ thương mại khu vực và toàn cầu do Mỹ dẫn đầu và gắn liền với Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong những năm gần đây, sự thất vọng đối với tiến trình bị trì trệ của WTO đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Mỹ theo đuổi các hiệp định thương mại khu vực và song phương. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền vào tháng 1/2017, chính sách thương mại của Mỹ đã trải qua sự tái định hướng mạnh mẽ, tạo ra sự biến động to lớn và tác động đến các chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu. Việc Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống, tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại song phương, và quan tâm đến việc tạo ra các thỏa thuận thương mại song phương mới có những tác động lan rộng đối với các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Mỹ và Đông Nam Á. Theo nhiều cách, Mỹ không còn là đối tác thương mại có thể dự đoán được đối với các nước Đông Nam Á, và sự không chắc chắn do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á. Trong khi đó, hội nhập kinh tế khu vực châu Á và cấu trúc thương mại khu vực đang tiếp diễn mà không có Mỹ.

Tháng 10/2018, Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn nhỏ, cấp cao về quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á. Hội nghị bàn tròn này tập trung vào tình hình hiện tại, những thay đổi mới xuất hiện trong cấu trúc thương mại khu vực và những tác động đối với quan hệ Mỹ-Đông Nam Á. Những người tham gia hội nghị bàn tròn bao gồm các cựu quan chức thương mại và kinh tế cấp cao, các lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và nhà ngoại giao. Báo cáo này tóm tắt những phát hiện và kết luận chính của hội nghị bàn tròn này.

Phần 1. Tình trạng hiện tại và cấu trúc kinh tế mới xuất hiện

Quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á rất quan trọng đối với cả hai bên. Đối với Mỹ, Đông Nam Á là một trong những thị trường lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng khu vực hàng năm dự kiến khoảng 5%, Đông Nam Á được mong đợi sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, vào năm 2050. Nhân khẩu học của Đông Nam Á sẽ củng cố sự tăng trưởng này. Tầng lớp trung lưu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến đến năm 2020 sẽ bao gồm khoảng 350 triệu người, với thu nhập khả dụng dành cho chi tiêu là 300 tỷ USD. Với độ tuổi trung bình khoảng 28 tuổi, Đông Nam Á sẽ mang lại những cơ hội thị trường lớn cho các công ty Mỹ trong những thập kỷ sắp tới.

Các nền kinh tế của Mỹ và Đông Nam Á bổ sung nhiều cho nhau, tạo ra những lợi ích rộng rãi cho cả hai bên. Đối với Đông Nam Á, Mỹ là một nguồn quan trọng các mặt hàng máy móc điện tử, máy bay và nông sản. Nước này cũng mang lại cho Đông Nam Á đào tạo kỹ thuật và giáo dục quan trọng. Trong khi đó, Mỹ là nước nhập khẩu máy móc điện tử, hàng may mặc và nông sản (bao gồm cả cao su và các sản phẩm liên quan) được sản xuất ở Đông Nam Á, với sự chồng chéo trong ngành máy móc điện tử do chuỗi cung ứng tích hợp.

Thương mại Mỹ-Đông Nam Á

Xuất khẩu của Mỹ sang Đông Nam Á

Cùng nhau, 10 nước ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang Đông Nam Á là đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ngoại trừ bị suy giảm trong năm 2009, và đã đạt 86,2 tỷ USD năm 2018, chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Năm 2018, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Đông Nam Á là hàng điện máy như động cơ, máy phát điện, máy biến áp (trị giá 16,3 tỷ USD), máy móc (trị giá 10,2 tỷ USD), máy bay (trị giá 9 tỷ USD), nhiên liệu khoáng (trị giá 6,8 tỷ USD) và dụng cụ quang học và y tế (trị giá 5,5 tỷ USD). Theo những người tham gia hội nghị, doanh số bán hàng ở Đông Nam Á sự kiến sẽ chiếm hơn 10% doanh số toàn cầu của các tập đoàn lớn của Mỹ trong 2 thập kỷ tới. Boeing dự đoán khu vực này sẽ chiếm hơn 10% tổng nhu cầu về máy bay dân dụng toàn cầu, hơn 4.200 chiếc máy bay trị giá 650 tỷ USD, trong 20 năm tới. Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang Đông Nam Á đạt 30 tỷ USD năm 2018, tăng 117% so với một thập kỷ trước, và gồm có các dịch vụ tài chính, dịch vụ ăn uống, kinh doanh điện tử và giải trí.

Những người tham gia hội nghị bàn tròn nhấn mạnh thực tế là xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang Đông Nam Á mang lại lợi ích đáng kể cho Mỹ. Hơn 500.000 việc làm ở Mỹ được hỗ trợ bởi thương mại với ASEAN: 386.900 việc làm được xuất khẩu hàng hóa Mỹ hỗ trợ và 181.400 việc làm được xuất khẩu dịch vụ Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, những lợi ích mà giao dịch với ASEAN mang lại tập trung về mặt địa lý. Chẳng hạn, 13% việc làm phụ thuộc vào xuất khẩu ở Oregon do xuất khẩu sang ASEAN hỗ trợ, nhưng ở Kansas con số này chỉ là 5%. Tương tự, máy tính và hàng điện tử chiếm 19% xuất khẩu của Mỹ sang Đông Nam Á, nhưng dịch vụ tài chính chỉ chiếm 2 %.

Hàng nhập khẩu của Mỹ từ Đông Nam Á

Các nước ASEAN cũng là nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn thứ tư của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Đông Nam Á đã tăng đều đặn và đạt hơn 185,8 tỷ USD năm 2018, tăng 9,4% so với năm 2017 và tăng 68,7% trong thập kỷ qua. Nhìn chung, hàng nhập khẩu của Mỹ từ ASEAN chiếm 7,3 % tổng nhập khẩu của Mỹ. Năm 2018, hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ từ Đông Nam Á là hàng điện máy (trị giá 52,9 tỷ USD), hàng may mặc (trị giá khoảng 29,8 tỷ USD), máy móc (trị giá 23,3 tỷ USD), cũng như nguyên liệu thô và nông sản (trị giá 13,2 tỷ USD). Như những người tham gia bàn tròn đã lưu ý, hàng tiêu dùng thành phẩm chiếm 43% nhập khẩu của Mỹ từ khu vực này, nhưng trong đó có các thành phần quan trọng xuất xứ từ Mỹ.

Năm 2018, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 99,8 tỷ USD với ASEAN, tăng 8,4% so với năm 2017; các nước mà Mỹ có thâm hụt lớn nhất năm 2018 là Việt Nam (39,5 tỷ USD, tăng từ 38,3 tỷ USD năm 2017), Malaysia (26,5 tỷ USD, tăng từ 24,4 tỷ USD năm 2017), Thái Lan (19,3 tỷ USD, giảm từ 20,1 tỷ USD năm 2017) và Indonesia (12,6 tỷ USD, giảm từ 13,3 tỷ USD năm 2017). Mỹ có thặng dư thương mại chỉ với hai nước ASEAN là Singapore (5,8 tỷ USD) và Brunei (168 triệu USD).

Cấu trúc thương mại khu vực

Các hiệp định thương mại tự do Đông Nam Á hiện có

Mặc dù tuyên bố mình là một Cộng đồng kinh tế (AEC) duy nhất vào năm 2015, các nước thành viên ASEAN có thể tự do đàm phán các hiệp định thương mại với tư cách cá nhân hoặc với tư cách một khối. Việc này đã dẫn đến một mạng lưới phức tạp gồm các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Tuy nhiên, ASEAN với tư cách là một khối đã trở thành một trung tâm hiệp định thương mại tự do khu vực (FTA), với việc khối này đã ký kết các thỏa thuận với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các FTA này đang ở giai đoạn đầu thực thi. Ngoài ra còn có sự không đồng nhất đáng kể trong ASEAN liên quan đến thuế quan ngoài khối và các thỏa thuận của họ với các đối tác FTA, với việc các thành viên ASEAN thực hiện các kế hoạch giảm thuế quan riêng rẽ. Tương tự như vậy, các nước ASEAN đối xử với các vấn đề quy định rất khác nhau. Nói rộng hơn, các FTA ASEAN + 1 đa phương ít tham vọng về tiêu chuẩn hơn các thỏa thuận song phương giữa các thành viên ASEAN riêng lẻ và các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi đó, trong khi các hiệp định này giảm thuế quan giữa các nước ASEAN và các đối tác thương mại của họ, thì các biện pháp phi thuế quan (NTM) lại đang tăng lên. Số lượng NTM trong ASEAN tăng từ 1.634 năm 2000 lên 5.975 năm 2015.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay TPP-11, là một FTA mà 11 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã ký vào tháng 3/2018 và có hiệu lực vào ngày 31/12/2018 sau khi Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore, Úc, Canada và Việt Nam phê chuẩn hiệp định. Brunei, Malaysia, Peru và Chile dự kiến sẽ phê chuẩn vào khoảng năm 2019 hoặc 2020.

Một khi được tất cả các thành viên phê chuẩn, CPTPP sẽ là FTA lớn nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, với thị trường gồm 490 triệu dân, chiếm 12,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và 14,9% khối lượng thương mại toàn cầu. Theo tính toán của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thị trường mua sắm CPTPP mang lại cơ hội trị giá 1.900 tỷ USD cho các thành viên CPTPP. Tổng GDP của các nước tham gia dự kiến sẽ tăng 1,7% vào năm 2030 với mức tăng lớn nhất là ở Việt Nam và Peru. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, CPTPP đã có tác động đáng kể đối với Việt Nam, với hàng xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản tăng lần lượt khoảng 36,7% và 11,2% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 - tháng 4/2019. Cho đến nay, 3 trong 6 nước Đông Nam Á hiện không thuộc CPTPP - Thái Lan, Indonesia và Philippines - đã cho thấy chí ít là có phần quan tâm đến việc gia nhập CPTPP.

Hiệp định này làm giảm các rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ, bảo vệ các khoản đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ, thiết lập các quy tắc cho thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số, thúc đẩy cạnh tranh tự do và công bằng, cũng như loại bỏ thuế quan đối với xấp xỉ 95% hàng hóa các nước CPTPP giao dịch. CPTPP cũng nâng cấp đáng kể các thỏa thuận thương mại hiện có giữa các nước thành viên và tạo lập các mối quan hệ thương mại mới giữa các bên ký kết (đáng chú ý là giữa Canada và Việt Nam). Hiệp định cũng tạo ra các cơ hội về chuỗi cung ứng mới cho các nền kinh tế khắp châu Á-Thái Bình Dương, mà sẽ dẫn đến một hệ thống chuỗi cung ứng và giá trị tập trung vào CPTPP trong tương lai gần.

Không giống như các khuôn khổ pháp lý hạn chế do Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tạo ra, CPTPP cũng gồm có các biện pháp tự do hóa quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và tạo nên một khuôn khổ pháp lý cơ bản cho mọi vấn đề số trong khu vực. Quan trọng là CPTPP ngăn cản các chính phủ áp đặt các biện pháp nội địa hóa dữ liệu - một xu hướng gần đây của các chính phủ Đông Nam Á muốn giữ thông tin trong biên giới của họ - bằng cách cấm nội địa hóa dữ liệu và bảo vệ sự lưu thông thông tin.

Rộng hơn, theo CPTPP, các công ty cung cấp dịch vụ có thể phục vụ ở tất cả các nước thành viên trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, logistics, kế toán, du lịch và giải trí. Các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư được liệt kê theo CPTPP sẽ mở cửa cho các công ty trong hiệp định này và các quy tắc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục hải quan, các doanh nghiệp nhà nước, sự cạnh tranh, quyền lao động và môi trường sẽ được áp dụng đối với các công ty hoạt động tại các nước tham gia CPTPP.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Với CPTPP có hiệu lực vào tháng 12/2018, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là phần chính trong hoạt động thương mại khu vực chưa hoàn chỉnh. RCEP đang được 16 nước đàm phán - gồm có 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand - và lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2011 để tăng cường tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc thương mại, trái với bản chất phi thể thức của các bên tham gia đàm phán TPP. Một thỏa thuận hoàn thiện sẽ bao trùm 29% thương mại toàn cầu và 50% dân số thế giới. 16 nước này chiếm 1/3 GDP toàn cầu và 26% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới.

RCEP cho phép các chuỗi cung ứng khắp châu Á và khu vực rộng lớn hơn hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiệp định này được dự báo rộng rãi là sẽ tạo ra các tác động vừa phải đến phần lớn các nền kinh tế vì khó có thể giảm số lượng NTM hoặc ảnh hưởng đến các quy tắc quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ vì các thỏa thuận chủ yếu phản ánh những quy tắc hiện hành của WTO. Tương tự, RCEP cũng mang lại sự linh hoạt cho các nước thành viên, có nghĩa là một số quy tắc sẽ không được thực thi đồng nhất và không được thực hiện ở tất cả 16 nước. Nhiều nước cũng gây khó khăn cho việc đạt được sự đồng thuận về các vấn đề then chốt. Ấn Độ là một đối tác đàm phán đặc biệt khó, một phần do những mối quan ngại rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong khối thương mại này là mối đe dọa lớn đối với một số ngành công nghiệp của Ấn Độ. Kể từ tháng 6/2019, 6 năm đàm phán đã đạt được thỏa thuận về 7 trong 18 chương của RCEP. Trong khi Thái Lan tuyên bố họ hy vọng sẽ thúc đẩy việc ký kết với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2019, thì các cuộc chuyển tiếp chính trị ở một số nước chủ chốt sẽ khiến khó có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng.

Trong hội nghị bàn tròn, những người tham gia cho rằng Trung Quốc có động lực chính trị để thúc đẩy RCEP giữa lúc xảy ra căng thẳng thương mại với Mỹ, vì thỏa thuận này loại trừ Mỹ. Tuy nhiên, những người tham gia hội nghị bàn tròn không quá lạc quan về tiến bộ nhanh chóng.

Biến số Trung Quốc trong quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á

Quỹ đạo, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và căng thẳng thương mại với Mỹ cũng được những người tham gia hội nghị bàn tròn cho là những biến số chính đối với quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á.

Xét đến nền kinh tế Trung Quốc, những người tham gia hội nghị bàn tròn cho rằng năng suất của Trung Quốc có thể sẽ giảm sút khi dân số ở độ tuổi lao động đạt đỉnh, tiền lương tăng và khoảng cách về công nghệ giữa Trung Quốc và các nước thu nhập cao ngày càng thu hẹp. Những người tham gia hội nghị cũng nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến những nỗ lực của Trung Quốc tư nhân hóa các ngành nghề của nước này. Trong khi năm 2017, Trung Quốc tìm cách tháo gỡ đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp nhà nước (SOE), căng thẳng thương mại với Mỹ và nỗi lo sợ leo thang đã đẩy Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng trở lại nền kinh tế do nhà nước kiểm soát hơn. Theo số liệu của China Merchant Bank, từ tháng 1 đến tháng 10/2018, lợi nhuận của các SOE Trung Quốc tăng 17% so với cùng kỳ 10 tháng năm 2017; lợi nhuận của các công ty tư nhân đã giảm 19%. Có 2 lý do giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường mua hàng hóa từ các SOE để dễ quản lý các khoản nợ của những công ty này hơn, do đó, làm giảm lợi nhuận trong khu vực tư nhân của Trung Quốc. Thứ hai, các SOE Trung Quốc đang mua cổ phần và đầu tư vào các công ty tư nhân - chiến lược chung được Chính phủ Trung Quốc sử dụng. Những người tham gia hội nghị bàn tròn lo sợ rằng chiến lược mới của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nền kinh tế và khu vực rộng lớn hơn trong dài hạn. Một nền kinh tế phụ thuộc vào SOE nhiều khả năng sẽ bóp méo thị trường, làm xáo trộn chuỗi cung ứng hiện tại của Trung Quốc và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và chuỗi cung ứng hiện có ở Đông Nam Á.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những tác động đối với các nền kinh tế ASEAN, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại như Malaysia và Việt Nam, cũng là một chủ đề thảo luận then chốt. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến các nền kinh tế ASEAN thông qua 2 kênh. Thứ nhất, những tác động gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế: các nhà sản xuất bán ít hàng hóa hơn do phản ứng lại thuế quan bằng cách giảm sản lượng và mua ít nguyên vật liệu đầu vào hơn từ các nhà cung cấp bị tác động trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Thứ hai, thương mại có thể được tái định hướng sang các nhà cung cấp được miễn thuế, mang lại lợi ích một cách hiệu quả cho các nước không trực tiếp liên quan đến xung đột thương mại. Các công ty sản xuất điện tử, đồ nội thất và may mặc đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, nước có vị trí địa lý gần Trung Quốc, mức lương thấp và các chính sách thuận lợi cho thương mại và FDI. Chẳng hạn, GoerTek, một nhà cung cấp lớn cho Apple, và nhà cung cấp đồ nội thất cho Ikea, là một trong những công ty nổi tiếng đã chuyển sản xuất sang Việt Nam trong những tháng gần đây. Theo Nomura, môi trường thân thiện với doanh nghiệp của Maysaysia có khả năng sẽ thu hút lĩnh vực công nghệ truyền thông và mạch điện tử tích hợp. Thái Lan cũng có những cơ hội tiềm năng để tận dụng việc dịch chuyển các chuỗi cung ứng đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô.

Các nền kinh tế ASEAN cũng sẽ có cơ hội thay thế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu cho thị trường Mỹ. Tương tự như vậy, Đông Nam Á có thể cung cấp các mặt hàng thay thế cho các mặt hàng của Mỹ tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là đối với 120 mặt hàng thực phẩm bị áp thuế. Trước những cơ hội này, giá tiêu dùng cao hơn ở Mỹ có khả năng làm giảm tiêu thụ các mặt hàng “Made in China” được bán trên thị trường vốn sử dụng các thành phần có nguồn gốc xuất xứ từ các nền kinh tế ASEAN khác. Việc này sẽ có những tác động tiêu cực.

Những người tham gia hội nghị bàn tròn cũng thảo luận về các xu hướng rộng lớn hơn trong quan hệ kinh tế Đông Nam Á-Trung Quốc, ngoài các thỏa thuận thương mại, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á. Đặc biệt, một chủ đề thảo luận nổi bật là Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc (DSR). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra các mục tiêu của DSR trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, trong đó dành một phần để cải thiện những kết nối qua Internet và viễn thông giữa các nước tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Con đường tơ lụa kỹ thuật số nhằm mục đích phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế kỹ thuật số; tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập Internet để thu hẹp “khoảng cách kỹ thuật số”; thúc đẩy chia sẻ đổi mới công nghệ thông qua các trung tâm khu vực để đẩy nhanh chuyển giao công nghệ cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D); chia sẻ “văn hóa Internet lành mạnh và chất lượng cao; chia sẻ quản trị mạng: cải thiện hợp tác và đối thoại trong không gian mạng”. Nhiều nền tảng thương mại kỹ thuật số ở Đông Nam Á đang được phát triển để hỗ trợ và thúc đẩy BRI của Trung Quốc, với các công ty công nghệ khổng lồ được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ dẫn đầu trong việc thiết lập một hệ sinh thái số ở đó Trung Quốc đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp điện tử có trụ sở tại Đông Nam Á. Nổi bật nhất là Alibaba hiện vận hành nền tảng thương mại điện tử Lazada Group có trụ sở tại Singapore, là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, kết nối 560 triệu người tiêu dùng khắp 6 thị trường. Thương mại số với Đông Nam Á có ý nghĩa kinh tế và chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc khi xét tới nền kinh tế kỹ thuật số khu vực trị giá 50 tỷ USD, một con số dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần trong 5 năm tới và tầm quan trọng của Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chính sách thương mại mơ hồ và không chắc chắn của Mỹ

Kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu, Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn chính sách thương mại của Mỹ bằng cách rút khỏi TPP, ngăn chặn bổ nhiệm các thẩm phán của WTO, tăng thuế đối với thép và các hàng hóa khác từ Trung Quốc, và đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hiện là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Chính sách thương mại của Tổng thống Trump, đã dẫn đến tình trạng không chắc chắn ở Đông Nam Á, nơi có nhiều người quan ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á. Nhiều nước Đông Nam Á cũng đã cảnh giác với việc Mỹ nhiều khả năng sẽ áp thuế quan do thặng dư thương mại họ có với Mỹ, khiến họ cam kết mua nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ nhằm tránh bị trả đũa.

Những người tham gia hội nghị bàn tròn cũng lưu ý rằng các nước Đông Nam Á đã quan tâm theo dõi các cuộc đàm phán giữa Chính quyền Trump với Mexico và Canada năm 2018, cả về cách thức Mỹ đối phó với các đối tác thương mại lẫn về những tác động của USMCA mới đối với các mối quan hệ thương mại của họ. Đặc biệt, những người tham gia hội nghị bàn tròn lưu ý rằng theo USMCA, mục tiêu đã tuyên bố của Chính quyền Trump là “giành lại các chuỗi cung ứng đã được chuyển ra khắp thế giới vì các vấn đề thương mại không công bằng”.

Các chuyên gia cũng lưu ý điều khoản 32.10 của USMCA, trong đó các nước USMCA có thể rút khỏi hiệp định nếu một trong các bên khác ký FTA với một “nền kinh tế phi thị trường”, một điều được nhìn nhận rộng rãi là Mỹ đang cảnh báo hai nước láng giềng về việc tham gia FTA với Trung Quốc. Đây được coi là một vấn đề nan giải “chúng ta chống lại họ” mà các đối tác thương mại Đông Nam Á quan ngại có thể phải đối mặt trong tương lai gần. Liệu Mỹ sẽ bổ sung điều khoản tương tự vào các FTA tiềm tàng với các nước ASEAN trong tương lai hay không vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, theo Đại diện Thương mại Mỹ, do điều khoản USMCA, việc Việt Nam có địa vị chính thức là một nền kinh tế phi thị trường tạo ra sự không chắc chắn trong quan hệ thương mại Mỹ-Việt.

Phần 2. Những tác động và khuyến nghị

Quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi đối với cấu trúc thương mại khu vực, các biến số khác nhau liên quan đến Trung Quốc và những phản ứng của Đông Nam Á đối với chính sách của Mỹ, như được mô tả ở trên. Mặc dù khó có thể đưa ra dự báo đầy đủ về các quan hệ thương mại sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới, nhưng có 4 tác động rõ ràng:

Một là không có các thỏa thuận thương mại đa phương mới nổi của khu vực có nghĩa là những lợi ích của Mỹ đang bị phớt lờ khi khu vực này hội nhập về kinh tế. Trước khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, thì hiệp định thương mại này được cho là sẽ trở thành hiệp định lớn nhất thế giới, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, với Mỹ đi đầu trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn có lợi cho Mỹ. Mỹ có phần lợi rất lớn trong cách thức định hình các quy tắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng như công nghệ, dịch vụ tài chính và thương mại kỹ thuật số. Các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và lao động cũng mang lại cho Mỹ những lợi thế và sẽ kéo các nền kinh tế Mỹ và Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn. Tương tự, các tiêu chuẩn TPP sẽ là một cách để duy trì Internet tự do và cởi mở cũng như cuộc cạnh tranh công bằng bằng cách áp đặt các quy định đối với các SOE.

Những người tham gia hội nghị bàn tròn đồng ý rằng hiện tại Mỹ có tầm quan trọng hơn bao giờ hết về cả kinh tế lẫn chiến lược khi xem xét xu hướng hướng nội và bảo hộ ngày càng lan rộng ở Đông Nam Á, nhưng Mỹ hiện đang đứng ngoài.

Hai là các công ty Mỹ vẫn sẽ được hưởng lợi từ cấu trúc thương mại mới, mặc dù Mỹ không phải là một bên tham gia, điều sẽ có tác động đối với quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á. Mặc dù việc Mỹ không tham gia các cuộc đàm phán thương mại khu vực thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rằng các công ty của Mỹ đã hoạt động ở các nền kinh tế mà hiện đang tham gia CPTPP cũng như các khu vực thương mại tự do khác và do đó sẽ được hưởng lợi. Một người tham gia hội nghị bàn tròn cho biết các công ty lâu đời của Mỹ ở Đông Nam Á coi cấu trúc thương mại khu vực là một cơ hội mà họ nên tận dụng. Tuy nhiên, một người tham gia hội nghị bàn tròn khác lo lắng rằng việc Mỹ không tham gia cấu trúc thương mại mới nổi sẽ không khuyến khích các công ty Mỹ dịch chuyển hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh sang Đông Nam Á.

Ba là sự can dự kinh tế ngày càng sâu sắc của Trung Quốc trong khu vực sẽ có tác động đến quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á, đặc biệt là trong nền kinh tế kỹ thuật số. Với việc Mỹ không tham gia sâu vào các cuộc đàm phán thương mại khu vực, Trung Quốc sẽ đặc biệt có được ảnh hưởng đáng kể. Như một người tham gia hội nghị bàn tròn đã nói, “Khi Mỹ ít hoạt động hơn, Trung Quốc tiến vào và tăng cường vai trò của mình trong khu vực”.

Cụ thể, các công ty của Mỹ sẽ thua cuộc khi luật chơi dành cho nền kinh tế kỹ thuật số được lập ra. Đặc biệt, Alibaba và Tencent đang tiến vào vào các nước Đông Nam Á bằng thương mại điện tử và dịch vụ thanh toán di động thông qua liên doanh với các công ty địa phương. Bằng cách cung cấp cho thị trường Đông Nam Á các lựa chọn rẻ hơn, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số tích hợp, Trung Quốc sẽ sớm cung cấp điện thoại, dịch vụ điều hành và các nền tảng được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của người Đông Nam Á, mà cuối cùng sẽ tác động tiêu cực đến địa vị của các công ty công nghệ thông tin của Mỹ và ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á. Trung Quốc đang khuyến khích tạo lập một hệ sinh thái kỹ thuật số nơi các chính phủ Đông Nam Á, noi gương Trung Quốc, sẽ có quyền kiểm duyệt và quản lý nội dung trực tuyến lưu hành trong biên giới của họ.

Một cách riêng rẽ, quan hệ thương mại Trung-Mỹ xấu đi sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và sắp xếp lại các động lực kinh doanh trong khu vực. Trong khi một số công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc để tái bố trí và Đông Nam Á dường như là một điểm đến thích hợp đối với nhiều công ty, thì vẫn chưa rõ mọi việc sẽ phát triển như thế nào. Một người tham gia hội nghị bàn tròn cảnh báo: “Căng thẳng kinh tế và thuế quan có thể có những tác động lan tràn kéo dài; các nước khác trong khu vực nên chuẩn bị sẵn sàng”. Trong khi nhiều công ty Trung Quốc đã dần rời khỏi Trung Quốc vì chi phí lao động tăng lên, thuế quan do Mỹ áp đặt sẽ đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển này, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và ô tô. Động lực này cuối cùng có thể dẫn đến việc Mỹ và Đông Nam Á có khối lượng thương mại lớn hơn, nhưng có thể sẽ làm tăng thặng dư thương mại của Đông Nam Á với Mỹ, có khả năng gây xích mích và khiến Chính quyền Trump áp thuế quan mới.

Cuối cùng, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, tương đối mở cửa như Việt Nam, Singapore hoặc Malaysia vận chuyển một lượng lớn linh kiện hoặc bộ phận sang Trung Quốc để lắp ráp sau đó xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ và sẽ phải chịu chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp do cuộc chiến thương mại gây ra. Khi Chính quyền Trump đánh thuế Trung Quốc và bị trả đũa, có những quan ngại rằng các nền kinh tế Đông Nam Á, và đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu, ngay cả khi không trực tiếp bị nhắm mục tiêu, có thể chịu thiệt hại do tính phức tạp của các chuỗi cung ứng toàn cầu và bản chất móc nối của thương mại trong khu vực.

Bốn là trong ngắn hạn, các bên lợi ích liên quan từ bên ngoài cơ quan hành pháp sẽ cần chứng minh rằng việc Mỹ không tham gia cấu trúc thương mại khu vực mới nổi đang gây tổn hại cho quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á và cho những lợi ích lâu dài của Mỹ như thế nào. Với việc Chính phủ Mỹ không can dự, các chuyên gia phi chính phủ nên phân tích và truyền đi dữ liệu về các tác động kinh tế và chiến lược của việc Mỹ không tham gia các cơ chế thương mại đa phương ở châu Á. Quốc hội Mỹ nên làm việc để hỗ trợ phân tích như vậy thông qua các nghiên cứu cần thiết và làm nổi bật những vấn đề này trong các phiên điều trần. Quan hệ đối tác giữa các nhóm doanh nghiệp, các tổ chức học thuật và các tổ chức tư vấn cũng có thể là một phương tiện hữu ích để giúp chứng minh Mỹ mất đi những gì khi không can dự sâu hơn. Trong khi sự phá vỡ rõ ràng trong chính sách của Chính quyền Trump đã tạo ra nhu cầu cấp thiết này trong ngắn hạn, điều cần thiết là phải công nhận tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của sự can dự của Mỹ cho dù ai là chủ nhân Nhà Trắng trong những năm tới.

Kết luận

Quan hệ thương mại Mỹ-Đông Nam Á quan trọng đối với cả hai bên và sẽ trở nên ngày càng có lợi khi các nền kinh tế Đông Nam Á phát triển. Mỹ vẫn là một cường quốc nổi trội ở Đông Nam Á và được cho là vẫn có nhiều ảnh hưởng đòn bẩy kinh tế ở châu Á hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, không có những thay đổi trong chính sách của Mỹ liên quan đến các dàn xếp thương mại đa phương ở châu Á, các mối quan hệ sẽ không đạt đến tiềm năng của chúng. Trong khi đó, khu vực này sẽ tiếp tục hội nhập và tạo nên các tiêu chuẩn và quy tắc mà không có sự tham gia đàm phán của Mỹ, điều này sẽ có những hậu quả đặc biệt quan trọng đối với sự hội nhập của Mỹ vào nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á. Tuy nhiên, Mỹ nên tiếp tục hợp tác với các đối tác cùng chí hướng để phát triển các tiêu chuẩn và quy tắc tiên tiến ở bất kỳ nơi nào có thể, như với APEC và G20.

Việc Mỹ không tham gia các cuộc đàm phán thương mại khu vực cũng sẽ có những tác động chiến lược đến chính họ. Với thương mại là một trong những ưu tiên hàng đầu của khu vực, việc thiếu sự ủng hộ của Mỹ dành cho các dàn xếp thương mại đa phương đã làm suy giảm đáng kể địa vị của Mỹ với tư cách là một đối tác của Đông Nam Á. Trong bối cảnh thời đại nổi bật là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc không can dự nghiêm túc vào Đông Nam Á về tương lai cấu trúc kinh tế khu vực đang gây tổn hại cho các lợi ích chiến lược của Mỹ. Mỹ phải tìm cách quay trở lại và hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực này nếu muốn tìm cách duy trì tính cạnh tranh.

Brian Harding, Phó giám đốc, chuyên viên nghiên cứu Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ. Kim Mai Tran, nhà nghiên cứu liên kết, Chương trình Đông Nam Á, CSIS. Bài viết được đăng trên CSIS.

Văn Cường (gt)