i. Đánh giá chung:

Hiện Việt Nam được nhìn nhận là một đối tác an ninh mới hứa hẹn nhất của Mỹ tại khu vực. Việc Việt Nam đồng ý tăng tần xuất các tàu hải quân Mỹ tiếp cận các cảng của mình, đặc biệt là các cảng thuộc khu vực vịnh Cam Ranh, được đánh giá là bước phát triển mới trong quan hệ quốc phòng song phương và mở ra tiềm năng to lớn cho hợp tác song phương Việt - Mỹ trong tương lai.

Quan hệ Quốc phòng Việt - Mỹ hiện đã trở nên gần gũi hơn so với 15 năm trước đây, song tốc độ phát triển rất chậm. Hiện tại, trong mối quan hệ này, hai bên còn tồn tại những khác biệt lớn và chưa thể giải quyết được trong ngắn hạn là vấn đề tiếp cận Vịnh Cam Ranh.

Tuy nhiên, cả 2 bên cùng có mối quan ngại chung, đó là sự gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực mặc dù còn tồn tại những khác biệt. Tình trạng này không nên để cản trở sự phát triển của mối quan hệ quốc phòng.

Hai bên cần và có thể chuẩn bị cho những tính toán chiến lược dài hạn nhằm tạo dựng cơ sở cho một mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn, làm nền tảng cho mối quan hệ đối tác chiến lược. Điều này trước hết đòi hỏi sự linh hoạt và kiên nhẫn của Mỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là Mỹ cần giảm thiểu những tuyên bố cho rằng, những thành công của mình tại khu vực này là những thua thiệt của Trung Quốc. Điều này sẽ giảm bớt những phản ứng không đáng có từ phía Trung Quốc cản trở những bước tiến triển trong quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ.

ii. Các bước phát triển quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ:

Giai đoạn 1995 - 2000: Đặc trưng của mối quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ giai đoạn này là mối quan ngại của Việt Nam về những ý đồ của Mỹ và do đó nhấn mạnh chủ quyền, độc lập, bình đẳng quốc gia, duy trì nhịp thận trọng và giữ phạm vi khiêm tốn của mối quan hệ trong 3 lĩnh vực chính là hợp tác về quân y; hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự; giảm nhẹ thiên tai/các dự án nhân đạo. Mỹ ưu tiên bình thường hóa quan hệ kinh tế, thương mại và ngoại giao. Đối với quan hệ quốc phòng, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là vấn đề POW/MIA.

Giai đoạn 2000 - 2004: Mỹ thực hiện những nỗ lực đầu tiên nhằm mở rộng phạm vi và tốc độ quan hệ quốc phòng với Việt Nam một cách khiêm tốn. BQP Mỹ tin rằng các sáng kiến mới có thể triển khai dựa trên các hoạt động hiện có và những lợi ích chung, sự tương đồng về quan điểm chiến lược sẽ là cơ sở mở rộng quan hệ. Việt Nam nỗ lực để đảm bảo rằng việc mở rộng quan hệ này không bị nhìn nhận là sự thay đổi mục tiêu chính sách đối ngoại tổng thể theo hướng nhất biên đảo; không có những tác động chiến lược đến các mối quan hệ với Trung Quốc, các nước láng giềng Đông Nam Á và ASEAN. Thái độ thù địch thời chiến tranh và chủ nghĩa dân tộc vẫn còn cản trở việc mở rộng quan hệ.

Giai đoạn 2005 - 2010: Quan hệ quốc phòng 2 nước bắt đầu có những bước đi có ý nghĩa chiến lược, đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong mối quan hệ giữa 2 quân đội và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác cũng như các cuộc đối thoại.

Giai đoạn 2011 - 2012: Các sáng kiến của tập trung vào việc làm sâu sắc hơn các cuộc đối thoại cấp chiến lược, xây dựng năng lực và mở rộng dần dần và có cân nhắc các cơ hội hợp tác trong phạm vi 2 bên có thể chấp nhận được nhằm ứng phó với những thách thách thức an ninh mới.

iii. Các sáng kiến mở rộng quan hệ quốc phòng song phương:

a. Những yếu tố tác động quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ:

Trong mở rộng hợp tác an ninh - quốc phòng với Mỹ, Việt Nam luôn nỗ lực tránh sự đối đầu với Trung Quốc, song coi quan hệ quốc phòng với Mỹ như là một cách để đối phó lại ý đồ chiến lược của Trung Quốc. Yếu tố Trung Quốc đã buộc Việt Nam có quan hệ gần hơn với Mỹ, đặc biệt về quốc phòng và an ninh. Phía Việt Nam cho rằng việc tăng cường hợp tác với Mỹ không nhất thiết đòi hỏi phải giảm bớt quan hệ với Trung Quốc, và Việt Nam sẽ không đánh đổi những nguy cơ thiệt hại trong quan hệ với Trung Quốc để tăng cường quan hệ với Mỹ. Do vậy, Mỹ cần cân nhắc kỹ yếu tố Trung Quốc trong quá trình thúc đẩy quan hệ chiến lược với Việt Nam nhằm hạn chế sự chống đối bất lợi từ phía Trung Quốc.

Đối với giới hoạch định chính sách Việt Nam, việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên thực tế với Mỹ, cam kết duy trì lâu dài mối quan hệ Việt - Trung, sự trung thành với nguyên tắc không liên kết và chính sách đối ngoại đa phương cân bằng, đều có thể cùng tồn tại. Phần lớn trọng tâm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ là những lợi ích có thể phục vụ mục tiêu hiện đại hóa quân đội.

b. Những sáng kiến mở rộng quan hệ quốc phòng song phương:

Tăng cường hợp tác đào tạo - huấn luyện: Đào tạo cán bộ quân sự cấp cao, tập 4 lĩnh vực: Hậu cần, dịch vụ, vận tải, thông tin liên lạc, hỗ trợ trong khủng hoảng; sơ tán và định cư trong biến cố dân sự và thiên tai; gìn giữ hòa bình; hợp tác quân sự quốc tế; nâng cao năng lực của Việt Nam trong phối hợp tác chiến với Mỹ và các lực lượng quân sự quốc tế.

Tăng cường quan hệ giữa hai quân đội: Tiếp tục mở rộng Chương trình phối hợp tìm kiếm quân nhân chung (JPAC); mở rộng hoạt động ngoại giao Hải quân thông qua việc tăng cường các điểm tiếp nhiên liệu và chương trình PASSEX để mở rộng khả năng tiếp cận của các tàu hải quân của Mỹ; khuyến khích Việt Nam ký Hiệp định Thu nhận và Dịch vụ tương hỗ; hỗ trợ Việt Nam mua phụ tùng thay thế, sửa chữa, tân trang các trang thiết bị quân sự cũ, chuẩn bị cho trực tiếp cung cấp và phát triển các trang thiết bị quân sự mới./.

Theo "Heritage Foundation" (ngày 18/7/)

Vũ Hiền (gt)