1633e_us-military-clean-energy-china.jpg

Mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Indonesia được thể hiện qua hàng loạt hoạt động, từ các chuyến thăm và trao đổi đoàn lẫn nhau đến các cuộc tập trận thường xuyên, kèm theo việc chính quyền tiền nhiệm George W. Bush đã dỡ bỏ phần lớn những hạn chế viện trợ quân sự cho Jakarta vốn được áp đặt từ những năm 1990.

Giới hoạch định chính sách Mỹ thừa nhận rằng Indonesia - quốc đảo lớn nhất thế giới và là quốc gia đông người Hồi giáo sinh sống nhất - là một “diễn viên” quan trọng ở Đông Nam Á, đồng thời là một đối tác quan trọng để giải quyết những thách thức từ an ninh hàng hải đến chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Nhận ra điều này ngay từ đầu, vì vậy, chính quyền Trump đã nhanh chóng đề cao Indonesia là một trong những quốc gia chủ chốt để tham dự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi Trump lên cầm quyền. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiệm kỳ của Trump vẫn đặt ra cả những cơ hội và thách thức đối với mối quan hệ giữa Washington và Jakarta, trong đó giới hoạch định chính sách Indonesia vẫn chưa thể giải đáp những câu hỏi về đường hướng chính sách đối nội và đối ngoại của Trump cũng như việc Washington nhìn nhận như thế nào về vai trò của Jakarta và các nước Đông Nam Á khác. Giữa lúc những câu hỏi đang cần lời giải đáp thì Bộ trưởng Mattis thực hiện chuyến công du châu Á trong năm 2018, nhất là chỉ vài ngày sau khi Mỹ công bố một phần Chiến lược Quốc phòng đầu tiên dưới thời Trump.

Trong chuyến thăm Indonesia bắt đầu từ ngày 22/1, ông Mattis đã có các cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo và các quan chức khác gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Bộ Điều phối về chính trị, an ninh và pháp luật Wiranto, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Hadi Tjahjanto và Ngoại trưởng Retno Marsudi. Các cuộc gặp này tập trung những chủ đề về hợp tác song phương, như an ninh hàng hải và chủ nghĩa khủng bố, cũng như các vấn đề khu vực khác trong đó có vấn đề Biển Đông, tình hình hạt nhân Triều Tiên, cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya, và hợp tác ba bên ở Biển Sulu-Sulawesi mà Indonesia đang tăng cường với Philippines và Malaysia.

Ngoài ra, cũng có các cuộc thảo luận về những lĩnh vực hợp tác khác. Truyền thông Indonesia tập trung vào việc nước này có khả năng sẽ mua sắm thêm khí tài của Mỹ phục vụ quá trình hiện đại hóa quân sự của mình, một quá trình mà Jakarta đã triển khai từ vài năm trước với các thương vụ mua máy bay trực thăng Apache và chiến đấu cơ F-16. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu cũng đề cập việc nới lỏng hơn nữa những giới hạn để tạo điều kiện thúc đẩy sự tương tác lớn hơn giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Đặc nhiệm Indonesia (Kopassus) cũng như khả năng nhận được sự hỗ trợ hơn nữa của Mỹ đối với sáng kiến “Our Eyes” mà Jakarta đang thúc đẩy với các nước khác trong khu vực. Sáng kiến này, tạm dịch là “Đôi mắt của chúng ta” là một chương trình chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đối phó với mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Không có gì bất ngờ khi chủ đề an ninh biển nhận được mối quan tâm lớn trong chuyến công du này. Ông Mattis công khai nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ Indonesia thúc đẩy kế hoạch nâng cao nhận thức biển của Jakarta liên quan vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ông Mattis đã gọi Biển Đông là Biển Bắc Natuna, tên mà Indonesia hồi tháng 7/2017 đã đặt cho vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tại quần đảo Natuna ở phía Bắc của Biển Đông. Bộ trưởng Mattis cũng nhắc đến việc giúp đỡ Indonesia thực hiện tham vọng trở thành một “Trục biển toàn cầu” ở Ấn Độ dương- Thái Bình Dương, một chiến lược mà Tổng thống Jokowi đã đặt ưu tiên hàng đầu kể từ khi lên nhậm chức dù có những thách thức trong quá trình khiển khai.

Mặc dù những vấn đề trên rõ ràng là những lĩnh vực hợp tác có triển vọng giữa Mỹ và Indonesia, song sự hợp tác hai bên này sẽ giúp hiện thực hóa các vấn đề trên ở mức độ nào lại là điều cần phải chờ xem. Bởi trước đây, hợp tác trong một vài vấn đề thường tiến triển chậm chạp vì nhiều lý do, trong đó có sự nghi ngờ trong một bộ phận chính quyền Jakarta khi thắt chặt mối quan hệ với Washington cũng như những khó khăn của nước này trong lĩnh vực quốc phòng (có thể là do ngân sách hạn hẹp hoặc sự cạnh tranh giữa các công ty quốc phòng đã kìm hãm sự phát triển của ngành này).

Mặc dù giới chức Indonesia sẵn sàng thúc đẩy hợp tác ở tầm cao hơn với Mỹ nhưng họ vẫn có những quan ngại sâu sắc về chính sách đối ngoại tổng thể của Trump, khi lưu ý rằng lệnh cấm đi lại của Trump hoặc việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã từng gây nên tâm lý bài Mỹ trong lòng người dân Indonesia. Ngoài ra, họ lo ngại về nguy cơ chính sách đối ngoại sau này của Trump có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Indonesia hoặc nguy cơ mối quan hệ đối địch Mỹ-Trung gia tăng gây tác động tiêu cực đến khu vực. Vì vậy, mặc dù truyền thông phần lớn tập trung vào những cơ hội hợp tác trong chuyến thăm này, nhưng cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Marsudi với Bộ trưởng Mattis là lời nhắc nhở rằng những thách thức vẫn tồn tại trong mối quan hệ Mỹ-Indonesia.

Theo “The Diplomat

Vũ Hiền (gt)