ga10.jpg

Không có thành viên NATO nào ở châu Âu muốn đánh mất sự bảo vệ của Mỹ. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn cho châu Âu nếu họ tự cải thiện năng lực phòng thủ của mình trong trường hợp không còn khả năng phụ thuộc vào NATO - có nghĩa là phụ thuộc vào Mỹ - nhiều như trước. Hơn nữa, người châu Âu có lẽ cũng nên xem liệu về mặt tập thể, họ có thể tự bảo vệ hay không nếu tình thế bắt buộc phải như vậy. Cho đến nay, chủ đề này vẫn là một điều cấm kỵ trong các cuộc thảo luận quốc phòng của châu Âu.  

Hiện mối đe dọa an ninh quốc gia đối với châu Âu là Nga, song nhiều người cho rằng việc Moskva sẵn sàng mạo hiểm kích động một cuộc chiến với bất kỳ thành viên nào của NATO là điều khó khả thi. Năm 2015, Pháp, Đức và Anh đã chi tổng cộng 146 tỷ USD cho quốc phòng, trong khi Nga chi 66 tỷ USD. Tuy nhiên, Nga không phải là mối đe dọa duy nhất đối với an ninh châu Âu. Hiện có một loạt thách thức an ninh tại khu vực láng giềng rộng lớn xung quanh EU, đòi hỏi người châu Âu phải sử dụng các biện pháp quân sự như ngăn chặn các cuộc xung đột hoặc hỗ trợ những quốc gia yếu kém như Mali trong cuộc chiến chống khủng bố.    

Để đưa ra được một kế hoạch phòng thủ toàn diện và đáng tin cậy cho châu Âu, người ta sẽ cần tới ít nhất hai điều: Thứ nhất là rất nhiều tiền chi cho quốc phòng, và thứ hai là cam kết chính trị thực sự của toàn khu vực nhằm nhanh chóng triển khai các chiến dịch chung trong trường hợp cần thiết. Điều này buộc các chính phủ châu Âu phải có những cải cách mạnh mẽ, nhất là phải đồng thuận với nhau về các ưu tiên chính trị và an ninh, vốn đang có nhiều mâu thuẫn. Hơn thế nữa, các nước châu Âu cần tỏ ra tích cực và sẵn sàng hơn trong việc bảo vệ các nước Baltic vốn bị cô lập về mặt địa lý.  

Điểm mấu chốt cho một kế hoạch phòng thủ nói trên của châu Âu là khả năng răn đe hạt nhân. Nếu ông Trump rút lại “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ - điều rất ít khả năng xảy ra - liệu Pháp và Anh có sẵn lòng cũng như có khả năng cung cấp những bảo vệ tương tự cho người châu Âu hay không? Một kế hoạch hạt nhân châu Âu dựa trên khả năng răn đe của Pháp và Anh hiện được xem là khó có khả năng trở thành hiện thực. Sách Trắng An ninh 2016 của Đức đã nêu: “Chỉ khi cùng với Mỹ, châu Âu mới có thể bảo vệ bản thân họ một cách có hiệu quả trước các mối đe dọa của thế kỷ 21 và đảm bảo được một hình thức răn đe hạt nhân đáng tin cậy. NATO vẫn là điểm tựa và là khuôn khổ hành động chính cho chính sách an ninh và quốc phòng của Đức”.    

Tuy nhiên, dưới thời Donald Trump, Mỹ sẽ yêu cầu những nước như Đức, Italy hoặc Tây Ban Nha đầu tư nhiều hơn nữa cho các lực lượng phòng thủ thông thường. Đức có lẽ là một trường hợp điển hình. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ “Washington Post” hồi tháng 3/2016, ông Trump đã chỉ trích Đức không đảm bảo được trọng trách của nước này trong NATO. Hơn thế nữa, những quan điểm như vậy đang ngày càng phổ biến trong dư luận Mỹ. Trong một cuộc thăm dò dư luận mà công ty Pew tiến hành năm 2015, có 54% số người Mỹ nói rằng Đức nên có những đóng góp quân sự lớn hơn đối với an ninh quốc tế, trong khi chỉ có 37% nói rằng Đức nên hạn chế vai trò của mình.  

Xét theo tỷ lệ GDP, Berlin dành ngân sách cho quốc phòng chỉ hơn một nửa so với Paris và London (Italy và Tây Ban Nha thậm chí còn ít hơn so với Đức, vì vậy họ chắc chắn cũng sẽ bị ông Trump gây áp lực buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng). Tuy nhiên, một sự đầu tư như vậy sẽ là vô cùng khó khăn đối với Berlin khi xét tới khía cạnh ở trong nước. Mặc dù kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống, Thủ tướng Angela Merkel đã nói rằng Đức cần phải tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng ngân sách quốc phòng của Đức không thể tăng mạnh trong ngắn hạn, ít nhất cho đến sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017, một phần là vì dư luận. Trong một cuộc thăm dò năm 2016 của Pew, chỉ có 34% số người Đức ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi 47% nói rằng chi tiêu quốc phòng nên được duy trì ở mức hiện tại.  

Sự hợp tác sâu sắc hơn của châu Âu nhằm bảo vệ châu lục này không thể được tiến hành thông qua EU bởi Anh sẽ ra đi. Tuy nhiên, đứng trước khả năng Mỹ giảm bớt quy mô quân sự trong NATO, việc củng cố trụ cột châu Âu trong NATO có lẽ là điều cần thiết. Điều này càng đòi hỏi Berlin, Paris và London phải có sự liên kết chính trị và quân sự chặt chẽ hơn nữa.  

Tuy nhiên, một vấn đề phức tạp khác có thể nảy sinh khi ông Trump lên nắm quyền là sự hiện diện của các thỏa thuận quốc phòng song phương có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết chính trị của NATO. Chính phủ Ba Lan, vốn đang đáp ứng mức chi tiêu dành cho quốc phòng là 2% GDP theo quy định của NATO và chia sẻ một số quan điểm với ông Trump, có thể sẽ thúc đẩy một thỏa thuận riêng rẽ với Mỹ. Chủ nghĩa song phương có thể ảnh hưởng đến các quan hệ chính trị của châu Âu xét trong bối cảnh rộng lớn hơn. Một số người ở London cho rằng việc tỷ phú này ủng hộ kết quả cuộc trưng cầu ý dân Brexit là tín hiệu cho thấy trong một chừng mực nào đó, ông sẽ giúp củng cố vị thế của Anh trong các cuộc đàm phán rời khỏi EU sắp tới.  

Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới những rạn nứt giữa các đồng minh NATO, với một bên là Mỹ và Anh, còn bên kia là Pháp, Đức, Tây Ban Nha hoặc Italy. Và khi đó, tất cả các bên đều sẽ bị thua thiệt. Trong một kịch bản có phần lạc quan hơn, Anh có thể hành động như một cầu nối gữa châu Âu và Chính quyền mới ở Mỹ về các vấn đề quốc phòng, và điều đó có thể đóng vai trò tích cực cho các cuộc thương lượng về Brexit sắp tới.  

Không một chính phủ nào trong EU muốn giải tán NATO. Tuy nhiên, nhiều sự kiện đang làm thay đổi những hiệp ước mang tính chiến lược. Khi đối diện với nguy cơ và sức ép, các nước châu Âu đều có thể liên kết lại và cùng nhau hành động nhằm ngăn chặn những hành vi gây hấn tương tự những gì Nga từng làm ở Đông Âu năm 2014 và chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris năm 2015. Việc ông Trump đắc cử tổng thống thậm chí còn có thể coi là một sự kiện có nhiều sức ép hơn, xét tới những bất ổn mà nó đã gây ra cho tổng quan chiến lược của châu Âu.

Tác giả Daniel Keohane là nhà nghiên cứu cấp cao, Trung tâm Nghiên cứu An ninh, ETH Zürich. Bài viết đăng trên Realinstitutoelcano”.

Hương Trà (gt)