Nhật Bản và Philippines gần đây đã thực hiện các sáng kiến chung trong hợp tác an ninh giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Bảy thập niên kể sau khi Nhật xâm lược Philippines, Tokyo đã tuyên bố tặng 10 tàu tuần tra mới cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines – một sáng kiến chưa từng có tiền lệ cho thấy sự khởi sắc trong quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Philippines.

Ngoài ra, các nhà ngoại giao và các quan chức hàng hải Nhật Bản và Philippines gặp nhau vào ngày 22 tháng 2 năm 2013 tại Manila để thảo luận về hợp tác biển ở Biển Đông, an toàn và an ninh hàng hải, các biện pháp chống cướp biển, nghiên cứu thủy sản và nghiên cứu khoa học biển. Các tàu tuần tra trị giá 1 tỷ Yên (1 triệu USD) là một minh chứng sống động cho thấy những kẻ thù trong thời chiến cũng có thể trở thành đồng minh của nhau.

Mối đe dọa hiện hữu Trung Quốc

Sự khởi sắc trong quan hệ song phương giữa hai nước trong những năm gần đây được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính: nhận thức chung của hai nước về Trung Quốc như một mối đe dọa hiện hữu và các tính toán về chính trị và kinh tế trong nước của chính phủ Philippines. Với sự cầm quyền trở lại của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đang thực hiện chiến lược “xoay trục” sang Đông Nam Á và Philippines có thể đóng một vai trò quan trọng trong liên minh non trẻ của Nhật Bản. Trong khi đó, Philippines đang đẩy mạnh quan hệ đối tác với các đồng minh trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình.

Các sáng kiến ​​chung để tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước nhằm đáp lại sự hung hăng của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc đang thách thức chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và trên thực tế đang kiểm soát bãi cạn Scarborough mà Philippines có yêu sách.

Trong cuộc hội đàm tại Manila vào tháng 1 vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Bản và Philippines đã bày tỏ "quan ngại chung" khi Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong việc đòi chủ quyền lãnh thổ. Chính phủ Philippines ủng hộ mạnh mẽ Nhật Bản tái vũ trang, thoát khỏi ràng buộc của Hiến pháp hòa bình để trở thành một yếu tố cân bằng quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố  một Nhật Bản mạnh mẽ hơn có thể thách thức sự hiện diện “đầy đe dọa” của Trung Quốc trong khu vực.

Việc chuyển giao tàu tuần tra mới, dự kiến ​​sẽ được chuyển giao trong vòng 18 tháng, có thể coi là một liều thuốc bổ cho Philippines. Mặc dù nó sẽ không làm nghiêng quá mức cán cân hải quân ở Biển Đông nhưng nó sẽ nâng cao nhận thức về biển của Philippines và thúc đẩy các thương lượng chiến lược của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Philippines có thể giúp Nhật Bản bằng cách giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với Nhật Bản, Biển Đông là một trường hợp thử nghiệm về cách hành xử của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư. Hơn nữa, Nhật Bản thấy rằng bằng cách tăng số lượng tàu có sẵn mà Philippines có thể sử dụng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sự tập trung và nguồn lực của các cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ có khả năng bị phân tán giữa biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tăng cường năng lực cho các lực lượng biển không được trang bị tốt của Philippines cũng sẽ cho phép nước này đóng góp vào việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, bao gồm cả tuyến đường biển không bị cản trở của Nhật Bản.

Lợi ích chính trị và kinh tế của Manila

Quan hệ đối tác mới phát triển giữa Nhật Bản – Philippines cũng cần được đánh giá trong bối cảnh Philippines nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Philippines đã liên tục tìm kiếm sự hỗ trợ rộng khắp từ các đồng minh trong việc đối phó với sự cứng rắn của Trung Quốc. Manila cũng đã đệ trình tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tác động chiến lược của “yếu tố Trung Quốc” mang tính quyết định thì những tính toán chính trị và kinh tế của chính quyền Aquino cũng góp phần tạo nên những đường nét hiện tại của quan hệ chiến lược Philippines - Nhật Bản. Khi Nhật Bản khéo léo triển khai “sức mạnh mềm” nhằm nâng cao hình ảnh của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Philippines là nước hưởng lợi từ chính sách ngoại giao sức mạnh mềm của Nhật Bản.

Là nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới, Nhật Bản được chính quyền Aquino đánh giá là một nhân tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Philippines. Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN nhưng Nhật Bản là đối tác thương mại số một của Philippines với tổng kim ngạch thương mại đạt trên 13 tỷ USD vào năm ngoái. Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu và nguồn đầu tư chính của Philippines, gồm khoảng 35% tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (1,5 tỷ USD) trong năm 2012.

Không giống như người tiền nhiệm Gloria Macapagal-Arroyo, Tổng thống Aquino dường như ít tiếp nhận các ưu đãi thương mại mà Bắc Kinh hứa hẹn hơn. Được bầu trên cơ sở cương lĩnh chống tham nhũng, Tổng thống Aquino đã hủy bỏ một số dự án do Trung Quốc tài trợ vốn đã bị đình trệ bởi nhiều dấu hiệu bất thường. Trong khi Manila hiện phải trả cho Trung Quốc một khoản vay ưu đãi liên quan đến dự án đường sắt đang bị đục khoét thì Tokyo sẵn sàng hào phóng mở rộng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém của Tổng thống Aquino.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida gần đây đã công bố rằng chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp các khoản vay cho dự án mở rộng tàu điện ngầm và xây dựng sân bay của chính quyền Aquino. Khoản vay Nhật Bản chiếm phần cao nhất (36,7%) trong tổng số vốn ODA cam kết từ tháng 1 đến tháng năm 2012, với tổng số tiền 3.24 tỷ đô la Mỹ.

Sức mạnh mềm của Nhật Bản ở Mindanao

Viện trợ cho Mindanao là một trong ba trụ cột chính của ODA Nhật Bản cho Philippines. Khi Tổng thống Aquino xem bản thỏa thuận hòa bình cuối cùng với các phiến quân Hồi giáo là tài sản quan trọng của mình thì Nhật Bản đã đóng góp đáng kể vào tiến trình hòa bình Mindanao thông qua các dự án phát triển. Sáng kiến Tái thiết và Phát triển Nhật Bản - Bangsamoro đã triển khai thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội lên tới 136 triệu USD. Nhật Bản cũng là thành viên của Nhóm Giám sát Quốc tế và Nhóm Liên lạc quốc tế với tư cách là một quan sát viên trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Thật sự, sự tương đồng trong nhận thức về mối đe dọa xác định chiều sâu trong quan hệ hợp tác an ninh giữa Tokyo và Manila. Nhưng những quan ngại về chính trị và kinh tế trong nước cũng ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của Manila đối với chính sách ngoại giao sức mạnh mềm và các đề nghị chiến lược của Tokyo. Điều quan trọng hơn đối với với Manila là cam kết song phương đã không chỉ nằm ở lời nói mà Manila đã nhận được các khoản đầu tư và ODA rất lớn từ Tokyo.

Mặc dù quan hệ đối tác chiến lược Philippines - Nhật Bản đang được đẩy mạnh nhưng cả hai nước sẽ không dễ dàng tìm thấy sự thư thái vì Trung Quốc sẽ khó bị đe dọa bởi liên minh mới được thúc đẩy giữa hai nước này.

Julius Cesar I. Trajano là nhà phân tích cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Kỹ thuật Nanyang. Bài viết đăng trên Eurasia Review (ngày 5/3).

Người dịch: Quách Huyền

Hiệu đính: Minh Ngọc