Trong Tuyên bố chung Cấp cao kỉ niệm 40 năm quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, hai bên nhắc đến “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và thúc đẩy an ninh an toàn hàng hải, tự do đi lại trên biển, thương mại không bị cản trở, thực hành tự kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.  Các nhà quan sát cho rằng, đây là một chỉ trích gián tiếp dành cho Bắc Kinh. Cũng tại Cấp cao này, Nhật tuyên bố gói viện trợ và cho vay trị giá 2.000 tỷ yên (20 triệu USD) cho các quốc gia Đông Nam Á.

Tại sao thời gian gần đây Nhật Bản lại theo đuổi và tăng cường quan hệ với ASEAN trong khi ASEAN vốn được coi là thiếu tiềm lực về cả quân đội, chính trị và kinh tế?

Thứ nhất, Nhật Bản đang tìm cách hợp thức hóa kế hoạch tăng cường hiện diện an ninh của mình trong khu vực và muốn sử dụng ASEAN như một con đường đạt tới mục đích đó. Nếu ASEAN chấp nhận để Nhật mở rộng vai trò an ninh, điều này sẽ tạo cơ sở để Nhật chất vấn Trung Quốc, tạo nhận thức rằng những hành vi mang tính thách thức của Trung Quốc không phù hợp với bối cảnh chính trị ngày nay và các kế hoạch an ninh của Thủ Tướng Abe cũng sẽ dễ được chính người dân Nhật chấp nhận hơn.

Thứ hai, trong một khu vực địa chính trị nơi đồng minh trở nên khan hiếm trong khi căng thẳng quá nhiều và các cam kết của Mỹ còn lỏng lẻo, ASEAN tự nhiên trở thành một nơi hợp lý để tìm kiếm sự ủng hộ. Nhật đã thực hiện điều này bằng cách liên hệ các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông với một chiến lược tái hoạch định lớn hơn và cứng rắn hơn của Trung Quốc. Nhật cũng muốn tạo điểm tựa để ASEAN có một lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc mà không sợ bị trả đũa về kinh tế.

Cuối cùng, chính sự can dự của Trung Quốc với ASEAN càng khiến cho việc tăng cường quan hệ với ASEAN trở thành một bắt buộc về chiến lược đối với Nhật.

Thế nhưng không may cho Nhật Bản, những lợi ích mà nước này có thể đạt được từ quan hệ với ASEAN đi kèm với một số hạn chế cần lưu ý.

Thứ nhất, ASEAN hiện vẫn thận trọng với các ý đồ an ninh của Nhật. Indonesia, nước có ảnh hưởng lớn trong ASEAN tại Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Nhật đã lưu ý “vai trò an ninh lớn hơn của Nhật nên được theo đuổi một cách từ tốn và minh bạch”; bất chấp nỗ lực của ông Abe, Vua Brunei Hassanal Bolkiah lại tập trung vào các vấn đề kinh tế trong dịp Cấp cao giữa ASEAN và Nhật và Tuyên bố chung ASEAN - Nhật cũng không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay ADIZ dù Thủ Tướng Abe đã nhấn mạnh đây là quan ngại chung của cả ASEAN và Nhật Bản.

Thứ hai, ASEAN không hề ảo tưởng khi cho rằng, sự phát triển kinh tế của khu vực trong hiện tại cũng như tương lai gần phụ thuộc vào Trung Quốc, Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ 2009. Vì vậy, sẽ là một nhiệm vụ khó khăn cho Nhật khi muốn thách thức vai trò kinh tế của Trung Quốc ở ASEAN.

Thứ ba, các nguyên tắc chính của ASEAN gồm không can thiệp, tham vấn, đồng thuận và đặc tính phi an ninh của Hiệp hội này cũng sẽ là một khó khăn để ASEAN có một lập trường thống nhất trong các tranh chấp trên Biển Đông. Như thế, sẽ khó hơn cho Nhật nếu muốn lôi kéo ASEAN về phía mình trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Mặc dù có những hạn chế như vậy, việc Nhật theo đuổi quan hệ với ASEAN không hoàn toàn vô ích và có vẻ như sẽ không sớm dừng lại. Trong khi ASEAN hoan nghênh Nhật cùng với những hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ, tham vọng tăng lên về an ninh của Nhật cùng với những thúc ép kêu gọi ủng hộ từ phía ASEAN sẽ gây ra khó chịu trong khu vực. Để tạo ra ảnh hưởng lâu dài trong ASEAN, Nhật cần gạt bỏ sang một bên chương trình an ninh của mình (trong thời điểm hiện tại) và tách riêng các lợi ích mang lại cho ASEAN để đổi lấy ủng hộ trong quan hệ với Trung Quốc. Sẽ là không khôn ngoan nếu Nhật đánh mất quan hệ tốt với ASEAN trong nỗ lực giành lấy ủng hộ cho các tính toán an ninh của mình - nhất là khi Nhật không có nhiều đồng minh ở xung quanh./.

Theo “East asia forum” (ngày 21/2)

Anh Thư (gt)