Đầu tư từ Nhật Bản vào quần đảo Kuril khi Nga vẫn giữ chủ quyền, các hợp đồng tiền tỷ với các công ty bị án phạt, cuộc tiếp đón trọng thị tại một trong những nước G7 mà không nhắc đến Ukraine và Aleppo – ông Putin đã mang về từ Tokyo tất cả những gì có thể. Nhiều văn kiện ký kết mới chỉ là biên bản ghi nhớ, một phần sẽ không bao giờ được thực hiện. Song đối với Moskva và Tokyo, việc phát đi tín hiệu còn quan trọng hơn nhiều so với kết quả cụ thể. 

Đón ông Putin tại quê hương Nagato, ngay từ những phút đầu tiên ông Shinzo Abe đã vài lần nhắc lại từ “onsen”. Ý tưởng “onsen-summit” với ông Putin do tự thủ tướng Nhật Bản nghĩ ra – bản thân ông Abe rất thích suối nước nóng và ông biết vị khách của mình cũng rất thích đi tắm hơi. Xét qua đánh giá của phía Nhật Bản thì hy vọng đặc biệt được đặt vào khả năng thần kỳ của suối nước nóng đó làm con người xích lại gần nhau và tẩy sạch ý nghĩ. Khi mời ông Putin đắm mình trong suối nóng (và tốt hơn là cùng dầm mình với ông), ông Abe hy vọng lãnh đạo Nga sẽ hiểu mình đánh giá cao thế nào mối quan hệ với ông Putin, với nước Nga, và Moskva và Tokyo cần thay đổi cách nhìn nhận mối quan hệ như thế nào. 
Ông Abe cũng đã thể hiện ý tưởng tương tự khi phát biểu tại diễn đàn kinh tế Vladivostok hồi tháng 9. “Onsen – ngoại giao” – là cách thể hiện rất điển hình của ông Abe với nước Nga và lãnh đạo của Nga. Tất cả những nhà Nga học của Nhật Bản đều công nhận: sự xích lại gần hiện nay là dự án riêng của ông Abe, trong khi đối với đa số giới tinh hoa chính trị Nhật Bản và cộng đồng doanh nghiệp thì tầm quan trọng của việc tìm cách xích lại gần nhau này chưa lộ rõ. 

Dự án riêng của thủ tướng 

Do liên minh quân sự với Mỹ và ý nghĩa đặc biệt của thị trường Mỹ đối với các công ty Nhật Bản (kim ngạch thương mại năm 2015 đạt 197,5 tỷ USD) nên đa số giới chính trị và kinh doanh cấp cao Nhật Bản đều định hướng sang Mỹ. Vì vậy sự xích lại gần ra mặt với đối thủ của đồng minh chính của mình không phải là ý tưởng được ủng hộ rộng rãi. Thêm vào đó nhiều người tại Tokyo đặt câu hỏi: Nhật Bản cụ thể sẽ nhận được gì để đổi lấy những chăm chút mà ông Abe dành cho Moskva? Ví dụ, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cơ quan đảm bảo cho tính kế thừa đối ngoại khi thay đổi hàng năm thủ tướng, chưa bao giờ nuôi ảo tưởng rằng Moskva sẽ nhượng bộ và trả lại các đảo Nam Kuril. Còn khi vấn đề lãnh thổ không có được giải pháp chấp nhận được với Nhật Bản, thì việc gì phải tốn thời gian thuyết phục Moskva. Giữ quan điểm nền tảng và không để mất mặt còn quan trọng hơn nhiều. 

Khi kết cục Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn rất đau đớn và phần nhiều vẫn là điều cấm kỵ trong các tranh luận xã hội ở Nhật Bản (ít nhất, nó không được thảo luận như tại Đức), và sự bàn luận chi tiết hai cuộc ném bom Hiroshima và Nagasaki là việc không được làm, thì vấn đề “Liên Xô sáp nhập lãnh thổ phương Bắc” tượng trưng cho việc cả Nhật Bản cũng là nạn nhân. 

Trong điều kiện đó, phát triển quan hệ với Nga là chiến dịch đặc biệt do chính ông Abe đích thân điều khiển với sự trợ giúp của những người tin cậy. Thậm chí Bộ Ngoại giao, cơ quan có những kiến thức chuyên môn chính về Nga và vấn đề lãnh thổ, chủ yếu biến thành cơ quan kỹ thuật, trong khi vai chính được giao cho Hội đồng An ninh quốc gia đứng đầu là thủ tướng. 

Một nét đặc trưng khác của chính sách với Nga của ông Abe là sự tham gia của một số nhân vật trong giới kinh doanh như Tổng giám đốc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Tadashi Maeda, cũng như chỗ dựa chủ yếu là Bộ Kinh tế, mà người đứng đầu Hiroshige Seco được thủ tướng bổ nhiệm làm Bộ trưởng về phát triển hợp tác với Nga. 

Lối tiếp cận đặc biệt của ông Abe với Nga là gì? Theo đánh giá của một số chuyên gia và nhà đàm phán Nhật Bản, thủ tướng quả thực cho rằng ông có khả năng thỏa thuận được với ông Putin về vấn đề lãnh thổ. Bản thân ông Abe là thủ tướng mạnh nhất sau một loạt những người tiền nhiệm, đa số trong đó không tại vị được quá một năm. Ông có đủ vốn liếng chính trị và thời gian để nhận về mình trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm. Trong con mắt ông, Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và thực dụng, hành động vì lợi ích của nước Nga, song đồng thời lại có quan hệ tốt với Nhật Bản, có kinh nghiệm trao trả lãnh thổ (qua tiến trình phân định biên giới với Trung Quốc), cũng như đủ nổi tiếng và đủ quyền kiểm soát truyền thông để giải thích được cho người dân về bất kỳ quyết định nào của mình. Sẽ không có cơ hội thứ hai như vậy. 

Ngoài ra, với ông Abe, quan hệ với Nga là một phần của bức tranh địa chính trị rộng lớn hơn. Trong đó nguy cơ chính đối với Nhật Bản là Trung Quốc đang ngày một mạnh lên, và cái nhìn này được đa số giới cấp cao Nhật Bản chia sẻ. Chính dưới thời ông Abe, đường lối kiềm chế Trung Quốc mới rõ nét hơn. Ví dụ, đáp lại việc Bắc Kinh thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Tokyo tuyên bố khởi động sáng kiến phát triển hạ tầng chất lượng, trong đó số vốn ban đầu 110 tỷ USD cao hơn vốn điều lệ của AIIB tới 10 tỷ USD. 
Ngoại giao Nhật Bản tích cực tại Trung Á, và cả châu Phi nhiệt đới – những nơi mà Nhật Bản tưởng như không có lợi ích thương mại sống còn, song sự hiện diện của Trung Quốc lại gia tăng. Bất kỳ một cuộc nói chuyện nào tại Tokyo về đề tài đối ngoại đều kết thúc bằng câu “Nhật Bản không bao giờ công nhận trật tự hướng Trung tại châu Á”, dù về bản chất không ai có thể nói rõ “trật tự hướng Trung đó” là gì. 

Một lý do lớn để lo ngại là tương lai quan hệ của Mỹ và Trung Quốc. Tokyo hoảng sợ thật sự trước khái niệm G2 do Zbigniew Brzezinski trình bày, và coi đó như lời kêu gọi lập thế Mỹ-Trung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà không tính đến quyền lợi của Nhật Bản. Phản ứng yếu ớt của Chính quyền Barack Obama trước hành động của Trung Quốc tại biển Biển Đông chỉ càng củng cố suy nghĩ trong Tokyo rằng dù thế nào thì Tokyo cũng phải phát triển lực lượng vũ trang của mình, thành lập căn cứ pháp lý để phát triển quân đội và tình báo, cũng như xây dựng quan hệ đối tác riêng với các nước ASEAN, Ấn Độ và Úc

Trong cục diện đó nước Nga đóng vai trò rất quan trọng. Từ giữa những năm 2000 Tokyo đã ngày càng quan ngại dõi theo sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, và sau năm 2014 thì sự xích lại này gây báo động thực sự. Các nhà ngoại giao Nhật Bản nhiều lần thử thuyết phục đồng nghiệp Mỹ đánh giá nghiêm túc quan hệ Moskva và Bắc Kinh, đặc biệt chỉ ra các hợp đồng vũ khí kiểu như bán giàn tên lửa S-400 hay máy bay Su-35 cho Trung Quốc (tuy nhiên những lý lẽ này đã không gây ấn tượng được với Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Mỹ) 

Thủ tướng Abe cho rằng Nhật Bản có đủ sức để nếu không lôi kéo được Nga vào liên minh các nước để kiềm chế Trung Quốc thì ít nhất cũng đưa quan hệ Nga-Trung trở lại mức độ trước sự kiện Crimea, nghĩa là không có phát triển hợp tác kỹ thuật-quân sự quy mô lớn và không có xây dựng đường ống nối liền các mỏ dầu Siberi với Trung Quốc. Chính vì vậy phát triển quan hệ với Nga trong bối cảnh kiềm giữ Trung Quốc là giá trị riêng của thủ tướng Nhật Bản. 

Mục tiêu công khai của việc “xoay trục” 

Đây chính là động cơ của ông Abe khi không muốn tham gia các biện pháp trừng phạt Nga của G7 (chỉ tham gia sau những cuộc nói chuyện gay gắt của bà Susan Rice với cố vấn an ninh của ông Abe, Setaro Yati và khi làm dịu bớt và không công khai các án phạt đó. Chính vì vậy, vào đầu năm 2016, cảm thấy chính quyền sắp mãn nhiệm của Mỹ không còn quan tâm đến việc gây sức ép gay gắt lên các nước G7 về án phạt, ông Abe đã đến gặp ông Putin tại Sochi, mang theo kế hoạch 8 điểm về giải quyết quan hệ. 

Việc thủ tướng Nhật Bản không nghe những lời cảnh cáo của ông Obama và vi phạm đề nghị không đến gặp ông Putin đã gợi được sự kính nể không chỉ của Moskva, mà còn của nhiều cộng sự trong đảng Dân chủ Tự do. Bằng cách đó thủ tướng Nhật Bản đã cho thấy Nhật Bản một lần nữa đang trở thành đất nước bình thường với các lợi ích quốc gia của riêng mình, đôi khi có thể khác với lợi ích của Mỹ. 

Nhưng làm sao có thể tiếp cận tâm hồn ông Putin, ngoài đi qua onsen? Ở đây lời khuyên của giới doanh nghiệp rất quan trọng với ông Abe. Khi xây dựng chiến lược về Nga, ông Abe xuất phát từ việc Nga đang ở vào tình thế khó khăn về kinh tế, và ngoài ra ngày càng rơi vào “nanh vuốt” của Trung Quốc, đặc biệt là tại Viễn Đông. Và có nghĩa là bước đi đầu tiên phải là thiết lập hợp tác kinh tế. Đặc biệt nó cho Moskva thấy Nhật Bản có thể là sự thay thế cho Trung Quốc trong khai thác vùng Siberi và Viễn Đông. 

Nếu trước kia đầu tư của Nhật Bản được xem là phần thưởng cho giải quyết vấn đề lãnh thổ theo điều kiện của Nhật Bản, thì giờ đây chúng trở thành điều kiện để thay đổi quan hệ, kết quả có thể là cả lấy lại lãnh thổ, cả tách Moskva khỏi Bắc Kinh. Kế hoạch 8 điểm mà ông Abe đưa đến cuộc gặp với ông Putin hồi tháng 5 tại Sochi chính là về việc này. 

Ngay từ đầu lối tiếp cận của các nhà đàm phán Nhật Bản rất ngây thơ: Họ nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các phát biểu của tổng thống Nga và các quan chức chịu trách nhiệm về vùng Viễn Đông, tìm ra các cam kết cụ thể về cải thiện đời sống người dân và nghĩ ra một danh sách các dự án kiểu như cải thiện hoạt động của bưu điện hoặc tiếp cận các công nghệ y học tiên tiến, có thể giúp Moskva, trong hợp tác với Nhật Bản, thể hiện sự chăm sóc đến người dân trước cuộc bầu cử. 

Tuy nhiên, các cố vấn của thủ tướng trong giới kinh doanh nhanh chóng thuyết phục được ông Abe rằng ông Putin không đánh giá cao các sáng kiến công nghệ nhỏ cho người dân, mà đánh giá cao các siêu dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty của những người quen lâu năm: Những dự án này đôi khi được giới đàm phán Nhật Bản gọi đùa là “món quà cho Sa hoàng”. 

Phía Nga “đùa cợt” với tình cảm của ông Abe và giới thân cận khá điêu luyện. Cả năm 2014 và 2015 người Nhật bị trách móc lúc thì do thông qua án phạt (vai phản diện chủ yếu do giới ngoại giao hứng chịu), lúc thì kể lể hợp tác với Trung Quốc phát triển thành công như thế nào, lúc thì đề xuất rằng Nhật Bản nên làm gì nếu muốn phát triển doanh nghiệp và cạnh tranh dù chỉ chút ít với Trung Quốc. Các quan chức lão luyện nhất của Nga được tập trung về hướng Nhật Bản, mà đứng đầu là Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov (ông đứng đầu ủy ban liên chính phủ), cũng như các doanh nhân trong nước – Hội đồng kinh doanh Nga-Nhật đứng đầu là ông Aleksey Repik, theo nhiều đánh giá là hội đồng thành công nhất trong các hội đồng cùng loại với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Có lẽ, các quan chức Nga đã có thể thuyết phục đề tài xích lại gần Trung Quốc cho chính người Nhật một cách thành công hơn là cho người châu Âu hoài nghi và thậm chí cho cộng đồng kinh doanh Nga. Kết quả là các công ty Nhật Bản, muốn làm hài lòng thủ tướng và hy vọng được tài trợ nhà nước từ JBIC, đã đổ xô vào Nga tìm kiếm đối tác, dù không phải tất cả đều mong muốn đầu tư thật sự. 

Tốt hơn Trung Quốc 

Công việc bận rộn tại Moskva và Tokyo chuẩn bị danh sách các dự án chung chỉ được kết thúc một tuần trước chuyến thăm. Vụ bắt giữ người điều phối chính thức công việc này là cựu Bộ trưởng kinh tế Nga Aleksey Uliukaev cũng không làm chậm bước tiến trình – Phó Thủ tướng Igor Shuvalov lúc đó đang ở Tokyo tuyên bố ông và đội trợ lý đứng đầu là Thứ trưởng Stanislav Voskresensky sẽ tiến hành công việc đến cùng. Kết quả là có 120 văn kiện được chuẩn bị cho chuyến thăm, trong đó 80 văn kiện được ký kết (12 văn kiện liên ngành và 68 thỏa thuận thương mại). Như vậy là phá vỡ cả kỷ lục của cuộc gặp gỡ cấp cao Nga-Trung, kể cả cuộc gặp thế kỷ giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình hồi tháng 5/2014 tại Thượng Hải, nơi số văn kiện ký kết là hơn 50. 

80 văn kiện ký ngày 16/12 được giới đàm phán hai nước gọi là kết quả chính của chuyến thăm. Tuy nhiên dù số lượng văn kiện khổng lồ, song số tiền lại khá khiêm tốn – theo lời Phó tổng thư ký Nội các Nhật Bản Kotaro Nogami, chỉ 2,54 tỷ USD. Phần lớn số tiền thực tế là “quà cho Sa hoàng”, dù chúng khiêm tốn hơn nhiều so với quà của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ví dụ, thỏa thuận giữa JBIC và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga về thành lập quỹ chung trị giá 1 tỷ USD, cũng như thỏa thuận với JBIC về cung cấp 200 triệu USD cho dự án nhà máy khí hóa lỏng Yamal (dù số đó chỉ hơn 1% chi phí cho dự án, trong khi các ngân hàng Trung Quốc đã chi hơn 10 tỷ USD). Điều chủ yếu trong các văn kiện này không phải là số tiền ký được mà chúng được ký với các công ty đang chịu biện pháp trừng phạt của Mỹ. 

Các văn kiện chính còn lại chủ yếu chỉ thể hiện “thực đơn” hợp tác tương lai. 43 trong 68 văn kiện thương mại hoặc là biên bản ghi nhớ, hoặc là thỏa thuận về ý định và nhiều văn kiện trong đó dựa trên các văn kiện đã ký trước đó (ví dụ dự án Rosneft và Gazprom). Nếu việc thực hiện các biên bản ghi nhớ ký với Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2016 có thể là một chỉ số, thì các biên bản ghi nhớ lần này phải mất nhiều năm mới có thể trở thành dự án thực tế - hoặc giả sẽ không bao giờ được hiện thực hóa. Giới đàm phán Nga đã gọi đùa những biên bản ghi nhớ này là “đáng tin cậy hơn so với nhiều thỏa thuận với Trung Quốc”. Song không rõ điều đó đúng đến đâu. 

Nhiều kế hoạch được dự báo tập trung vào Viễn Đông và các khu vực phát triển vượt trội hay cảng biển tự do Vladivostok. Song, như các thăm dò trong giới kinh doanh Nhật Bản do trung tâm Carnegie Moskva tiến hành vào đầu năm 2016 tại Moskva, Vladivostok và Tokyo, doanh nghiệp Nhật Bản rất bảo thủ đối với các dự án tiềm năng tại Nga. Những rủi ro chính theo họ là luật chơi và thuế suất hay thay đổi, cũng như các rào cản quan liêu cao, tham nhũng trực tiếp. Ngay cả ông Putin và ông Abe cũng xác nhận tình hình hợp tác kinh tế 2 năm gần đây phát triển không được tốt. Năm 2015, thương mại giữa hai nước giảm từ 34 xuống 20,9 tỷ USD do giá dầu rẻ và đồng ruble mất giá, còn trong 9 tháng đầu năm nay giảm thêm 40% nữa. 

Bộ phận hoài nghi trong doanh nghiệp Nhật Bản nói rằng lịch sử thành công trong số các dự án hàng đầu được thông báo sẽ là chỉ số quan trọng. Song tình hình ở đây có nhiều khác biệt. Ví dụ, dự án nhà kính trồng rau của công ty JGC rất thành công và Nhật Bản chuẩn bị mở rộng nó. Còn nhà máy sản xuất động cơ ô tô Mazda mà ông Putin nói là đang được xây dựng và là niềm tự hào của nhiều quan chức Nga, thì lại không bằng. Năm 2015 nhà máy Sollers ở Primorie, nơi chuẩn bị lắp đặt thiết bị sản xuất động cơ, đã đóng cửa dây chuyền sản xuất ô tô Toyota và SsangYong, sau đó Mazda bãi bỏ ưu đãi trong vận chuyển ô tô lắp ráp sang Trung Quốc, Nga và bỏ thuế suất GTGT bằng không tại hải quan – thì nhà máy chì còn trông chờ vào đền bù của chính phủ thông qua phí tiêu hủy. Hiện nay ở nhà máy, một số công nhân nghỉ phép, và từ năm sau dây chuyền lắp ráp Mazda cuối cùng có thể sẽ chuyển sang tuần làm việc 4 ngày. Thông tin về thiết bị sản xuất động cơ không được nhà máy công bố. 

Thương thảo về các đảo 

Trong bối cảnh đó thì thỏa thuận về vấn đề phức tạp nhất là vấn đề lãnh thổ lại có phần lạc quan. Ông Putin và ông Abe đã ký hai tuyên bố về việc này. Thứ nhất là bắt đầu tham vấn về khai thác chung các đảo Nam Kuril, trước hết trong lĩnh vực đánh bắt cá, nuôi cá và hải sản, cũng như du lịch. Suốt một thời gian dài Moskva thúc đẩy ý tưởng này, song Tokyo luôn từ chối – vì đầu tư phải theo luật Nga, mà đồng ý tức là phần nào công nhận chủ quyền của Nga đối với các đảo tranh chấp. Còn bây giờ Moskva và Tokyo ghi nhận rằng hoạt động khai thác chung sẽ không đi ngược lại nguyên tắc nền tảng về vấn đề lãnh thổ, còn đối với công việc trên các đảo có thể ký thỏa thuận quốc tế riêng. 

Nếu điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản giống với khu vực phát triển vượt trội hay cảng tự do Vladivostok (có nghĩa là hoãn thuế hoặc bỏ nhiều quy định quản lý), thì điều đó cho phép họ ít phải va chạm hơn với quan chức Nga và làm như vẻ họ không làm việc theo quy định của Nga, và vì thế chủ quyền của Nga đối với “vùng lãnh thổ phương Bắc” dường như không được công nhận. Song không rõ, ai sẽ có lợi hơn trong thỏa thuận này: Nga có thể có được đầu tư vào các đảo, còn Tokyo có thể nói với người dân của mình rằng đã lấy lại đảo dù chỉ một phần – dưới dạng cá và sò biển. 

Thỏa thuận thứ hai không kém phần quan trọng – Nga đồng ý cho phép các cư dân Nhật Bản trước đây lên đảo bằng thủ tục đơn giản, dưới dạng đơn xin. Ông Putin nói: “Chúng tôi thỏa thuận sẽ đảm bảo quyền tiếp cận tự do tối đa thậm chí ở những khu vực cho đến nay vẫn bị đóng cửa đối với họ”. Đề tài này được ông Abe dành rất nhiều thời gian trong họp báo. Qua lời ông, việc giải quyết vấn đề Kuril ở hình thức này hay hình thức khác là rất cần thiết cho chính các cư dân trước kia của đảo và chính vì họ mà ông đã giành được những nhượng bộ từ ông Putin (đổi lại, Nhật Bản đơn giản hóa yêu cầu visa cho tất cả các công dân Nga). 

Tất nhiên, tất cả những bước đi này (cho tới nay là không thể đảo ngược) vẫn không thể đưa Moskva và Tokyo tới vấn đề chính là tranh chấp lãnh thổ và lập căn cứ pháp lý cho việc này. Ở đây nhiều vấn đề cũng đan xen nhau, và chưa thấy có khả năng tháo gỡ mối ràng buộc đó. Chủ quyền đối với tất cả các hòn đảo Nam Kuril cho phép Nga coi biển Okhot là của riêng mình. Thêm vào đó, ở đây còn có một số vịnh thuận tiện nhất (và không lộ ra trước mắt vệ tinh Mỹ) cho các tàu Nga thực hiện việc tuần tra trên Thái Bình Dương. 

Có thể, Nga sẵn sàng quay lại công thức năm 1956, chuyển đảo Shikotan và Haboman cho Nhật Bản sau khi ký hiệp ước hòa bình. Nhưng ở đây lại nổi lên những khó khăn khác. Trước hết, phải có thứ tự: Moskva yêu cầu điểm xuất phát phải là công nhận kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai và chủ quyền của Nga đối với cả 4 hòn đảo, rồi sau khi ký hiệp ước hòa bình Nga mới chuyển hai đảo Shikotan và Habomai cho Nhật Bản coi như thiện chí. Còn Nhật Bản thì yêu cầu “trả” đảo trước, và đôi khi đã đồng ý nhận lại hai đảo để đổi lấy hiệp ước hòa bình và đầu tư. Song ngày nay Tokyo không thể từ bỏ dù chỉ yêu cầu tượng trưng đối với đảo Kunashir và Iturup do dư luận trong nước. 

Cuối cùng, với Nga quan trọng là sau khi chuyển giao, Shikotan và Habomai có bị áp dụng đảm bảo theo hiệp ước Nhật-Mỹ hay không, và trên đảo có xuất hiện căn cứ quân sự của Mỹ hay không. Đối với Nhật Bản thì những điều kiện đó lại không thể chấp nhận – không ai tại Nhật Bản muốn nhận lại đảo với chủ quyền hạn chế. Đó là còn chưa nói đến 71% người dân Nga không muốn nghe đến việc trả đảo, theo như thăm dò của Trung tâm Levada hồi tháng 5. Dù theo thăm dò vào tháng 11 của báo Mainichi của Nhật Bản thì đã có 57% người Nhật ủng hộ một công thức giải quyết tranh chấp mềm mỏng hơn là trao trả cả bốn hòn đảo. 

Không phải tình cờ mà Moskva và Tokyo đã mất nhiều năm ròng rã tìm kiếm mà không có giải pháp. Cả hai quốc gia đều không hiếm khi tin tưởng rằng phía bên kia ở thế yếu hơn và sẽ phải nhượng bộ - và lần nào những hy vọng đó cũng không thành. Lần này ông Putin và ông Abe ít nhất còn nói trung thực rằng sẽ không có giải pháp nhanh chóng. 

Giờ đây, hai bên chắc sẽ phân tích kết quả chuyến thăm và “thuyết phục” cho người dân về mục tiêu công khai tại Bắc Kinh và Washington, nhân tiện theo dõi phản ứng của công luận. Như mỗi lần “xoay trục” mạnh mẽ sang phương Đông, rất khó đánh giá phản ứng thực sự của Moskva – những ồn ào trên truyền thông nhà nước cũng như lòng nhiệt tình chân thật của những thành viên đàm phán đã quá mệt mỏi luôn che khuất nó. 

Còn tại Nhật Bản, xét qua phản ứng ban đầu, đàm phán không khiến họ vui vẻ. Tổng thư ký đảng cầm quyền LDP Toshihiro Nikai đã xác nhận “đa số người dân thất vọng với kết quả của cuộc gặp cấp cao. Các bài viết trên báo chí Nhật Bản cũng đánh giá kết quả cuộc gặp như chiến thắng ngoại giao của ông Putin và thất bại cho ông Abe. 

Hồi tháng 10, LDP đã thay đổi điều lệ và cho phép ông Abe lãnh đạo đảng và chính phủ cho đến tháng 9/2021, vì vậy ông còn thời gian để đàm phán với ông Putin. Nhưng nếu tiến bộ trong tiến trình đàm phán tranh chấp lãnh thổ là quá chậm và trong thời gian đó không kịp tách Nga khỏi Trung Quốc (mà rất ít khả năng có thể ngừng hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Moskva và Bắc Kinh ngay cả sau chiến thắng của ông Trump), thì không loại trừ trong tương lai ông Shinzo Abe sẽ không còn muốn mất quá nhiều thời gian và vốn liếng chính trị để xích lại gần Moskva nữa.

Theo Carnegie

Thúy Bình (gt)