Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang gia tăng khi hai nước chuẩn bị cho các cuộc bầu cử tổng thống. Vấn đề trung tâm dẫn đến sự căng thẳng đó là Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ. Nga có nhiều con bài để sử dụng trong cuộc chiến BMD, nhưng Mỹ chỉ có thể trả đũa bằng việc ủng hộ các cuộc biểu tình ở Nga hiện nay. Mátxcơva sẵn sàng leo thang căng thẳng với Oasinhtơn nhưng những căng thẳng sẽ không thể leo thang đến mức chính thức phá vỡ các mối quan hệ giữa hai nước. Mátxcơva và Oasinhtơn bị bế tắc trong vô số các vấn đề từ khi Nga bắt đầu đẩy lui ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực ngoại vi của nước này và khẳng định quyền lực của chính mình. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, Mỹ can dự vào khu vực với ý định tạo lập một vòng vây quanh Nga để ngăn chặn việc nước này lại trở thành một mối đe dọa toàn cầu. Tuy nhiên, sau năm 2001, trọng tâm của Mỹ chuyển sang thế giới Hồi giáo và nước Nga tàn tạ trước đây bắt đầu mạnh lên. Oasinhtơn tiếp tục một số chính sách ngăn chặn Nga của mình như cố gắng trao tư cách thành viên NATO cho các quốc gia quan trọng thuộc Liên Xô trước đây là Grudia và Ucraina, nhưng khu vực giữa châu Âu và châu Á này vẫn không phải là trọng tâm quan trọng của Mỹ. Điều này giúp Nga có thời gian và cơ hội để tái xâm nhập vào các nước thuộc Liên Xô trước đây. Mục tiêu cuối cùng của Mátxcơva không phải là tái tạo Liên bang Xôviết - một thực thể cuối cùng đã thất bại. Thay vào đó, Nga muốn hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài trong khu vực Liên Xô trước đây và được công nhận là cường quốc thống trị tại đây. Do đó, các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, phải xây dựng các mối quan hệ song phương trong khuôn khổ của sự hiểu biết này. Mấy năm gần đây, Nga đã tương đối thành công trong việc giành lại ảnh hưởng ở nhiều quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Điều này mang lại sức mạnh cho Nga trên nhiều mặt trận rộng lớn hơn, đặc biệt là ở Trung Âu, nơi Mỹ đã thiết lập được địa vị thống trị. Nga không tìm cách kiểm soát Trung Âu, nhưng không muốn khu vực này trở thành một căn cứ cho sức mạnh của Mỹ tại khu vực Âu - Á. Oasinhtơn coi Trung Âu là đường phân giới Chiến tranh Lạnh mới, vị trí trước đây nằm ở Đức, nơi Nga có ảnh hưởng truyền thống. 

Vấn đề phòng thủ tên lửa

Những căng thẳng giữa Mátxcơva và Oasinhtơn có thể quy cho một vấn đề chính: Hệ thống phòng thủ đạn đạo chiến lược (BMD). Theo kế hoạch, hệ thống BMD của Mỹ sẽ đi vào hoạt động tại Rumani vào năm 2015, tại Ba Lan vào năm 2018. Không phải là Nga lo ngại rằng hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu này sẽ vô hiệu hoá các vũ khí hạt nhân của Nga, mà vì BMD có nghĩa là một sự hiện diện quân sự vật chất của Mỹ tại khu vực, thể hiện cam kết an ninh của Oasinhtơn đối với Trung Âu chống lại một nước Nga đang mạnh lên. Mỹ khẳng định hệ thống BMD này là nhằm chống lại mối đe dọa đang tăng lên từ Iran . Phản ứng lại khẳng định này, Nga đề nghị hợp nhất hệ thống BMD của mình với hệ thống của NATO. Theo Mátxcơva, một sự kết hợp như thế sẽ củng cố khả năng phòng thủ của phương Tây trên khắp khu vực Âu Á - thực tế là cả con đường đến Đông Á. Tuy nhiên, Oasinhtơn bác bỏ đề nghị này, do đó khẳng định những nghi ngờ của Mátxcơva rằng hệ thống BMD này nhằm vào Nga hơn là mối đe dọa từ Iran. Do đó, Nga có cử chỉ đe dọa chống lại Mỹ và các đồng minh Mỹ bằng việc hỗ trợ Iran triển khai tên lửa tại biên giới các nước Trung Âu. Mục tiêu của Nga là thu hút sự chú ý của Oasinhtơn và định hình quan điểm ở châu Âu, đặc biệt là Tây Âu, rằng Nga đã đề nghị hợp tác với phương Tây về phòng thủ tên lửa nhưng đã bị ép buộc phải có những biện pháp chống lại Mỹ. 

Đòn bẩy mới 

Trong tháng 12, Nga có thêm một con bài mới, hiệu quả hơn để sử dụng chống lại Mỹ trong cuộc tranh cãi BMD khi một máy bay trực thăng Mỹ tấn công vào khu vực biên giới giữa Ápganixtan và Pakixtan khiến mối quan hệ Mỹ - Pakixtan xấu đi. Pakixtan phản ứng lại vụ tấn công bằng việc cắt đứt con đường vận chuyển nhiên liệu và các nguồn cung cho cuộc chiến do NATO đứng đầu tại Ápganixtan đi qua biên giới Pakixtan. Điều này làm cho Oasinhtơn và các đồng minh chỉ còn lại mạng lưới hậu cần duy nhất đi vào Ápganixtan: Mạng lưới phân phối Đông Bắc (NDN) đi qua Nga và nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây. Mặc dù NDN đi qua Nga, Bantích, Cápcadơ và khu vực Trung Á nhưng Mỹ biết rằng tuyến đường này phụ thuộc vào sự thông qua của Mátxcơva. Không chỉ lãnh thổ của Nga là trung tâm của tuyến hậu cần chính này mà Mátxcơva còn có ảnh hưởng hiệu quả ở đa số các nước khác thuộc Liên Xô trước đây (đặc biệt là ở Trung Á) để có thể chính thức đóng cửa hoặc cắt từng phần tuyến đường hậu cần này. Cắt NDN có thể dẫn đến việc các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ chính thức bị phá vỡ vì nó có thể đẩy hơn 130.000 quân của Mỹ và đồng minh vào rủi ro. Do đó, những đe dọa trước đây của Nga đối với Mỹ có thể bỏ qua, nhưng Oasinhtơn không thể phớt lờ mối đe dọa mới này. 

Phản pháo của Mỹ 

Cuối năm 2011, dường như Nga chuẩn bị đe dọa cắt NDN để ép Mỹ thay đổi quan điểm của mình đối với BMD. Tuy nhiên sau đó có một điều xảy ra và trao thêm cho Mỹ đòn bẩy để chống lại Cremli: các cuộc biểu tình của người Nga. Khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin chuẩn bị quay lại vị trí tổng thống vào tháng 3 thì chính trường Nga đã bị lung lay bởi sự bất ổn. Nhiều sự thay đổi chính trị và xã hội đã xảy ra ở Nga khi quốc gia này bước sang một giai đoạn mới. Áp lực đòi thay đổi chính sách của Cremli, sự nổi lên của các nhóm chống Cremli và sự hận thù cá nhân cũng đã dẫn đến sự tan rã hoàn toàn của hệ thống bè phái trong Cremli, hệ thống Putin đã xây dựng cách đây một thập kỷ để quản lý nước Nga. Putin gặp nguy hiểm trước sự biến động chính trị này. Bất ổn như thế không phải là mới đối với Nga dưới thời Putin, nhưng tình hình hiện tại khác so với những đợt bất ổn trước khi nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra cùng một lúc. Putin đã phân loại từng vấn đề và có thể sẽ vượt qua thành công cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên sẽ là bất lợi nếu tình hình xấu đi, điều Mỹ có thể lợi dụng. Putin có thể đối phó với 80.000 người biểu tình chống Cremli tại Mátxcơva hôm 24/12, thậm chí là hơn 100.000 người hôm 4/2 (những người biểu tình thiếu tài chính và tổ chức). Tuy nhiên, nếu các nhóm biểu tình bất ngờ nhận được tiền và sự trợ giúp về tổ chức, Putin có thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc duy trì sự kiểm soát bình thường của mình. Thực vậy, đây không phải là câu hỏi về việc Putin có thắng cử tổng thống hay không, vì chẳng có ứng cử viên triển vọng nào từ các đảng đối lập có thể thách thức ông, mà là một thách thức đối với khả năng của ông trong việc lãnh đạo nước Nga hiệu quả, nhưng vẫn duy trì được hình ảnh là một nhà lãnh đạo quyền lực của một đất nước mạnh mẽ. Oasinhtơn đã ám chỉ rằng họ sẵn sàng ủng hộ những người biểu tình nếu cần.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội Nga tháng 12/2011, các phương tiện truyền thông tuyên truyền rằng cơ quan giám sát bầu cử cáo buộc Chính phủ Nga gian lận bầu cử đã được Mỹ tài trợ. Sau đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phản đối kết quả bầu cử theo đó đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất của Putin dành đa số ghế trong Đuma. Tuy nhiên, tín hiệu đáng chú ý nhất là khi đại sứ mới được bổ nhiệm của Mỹ tại Nga, ông Michael McFaul, đến Nga trong tháng 1. Ngay trong ngày thứ 2 trên cương vị này, McFaul đã giành nhiều giờ để gặp đại diện nhiều nhóm biểu tình tại đại sứ quán Mỹ. (Những người biểu tình không nhất thiết là ủng hộ phương Tây, nhưng họ sẵn sàng nhận sự ủng hộ để có thể tiến lên trong cuộc bầu cử tổng thống). McFaul được coi là một trong những kiến trúc sư của việc "tái lập" quan hệ Mỹ - Nga năm 2009 nhằm làm giảm những thù địch giữa hai nước này nhưng Cremli lại coi ông như là một mối đe dọa tiềm tàng. McFaul đã nói rằng mặc dù Mỹ sẽ làm việc với Nga trong các vấn đề đôi bên cùng có lợi, nhưng "các nhà lãnh đạo phương Tây phải tái cam kết với mục tiêu tạo lập các điều kiện cho một nhà lãnh đạo dân chủ nổi lên trong dài hạn". Dù McFaul bác bỏ việc đang cố gắng kích động một cuộc cách mạng ở Nga, nhưng Cremli nhận thức rõ ràng rằng Mỹ có khả năng hỗ trợ các nhóm chống chính phủ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đòn bẩy này của Mỹ có thể là ngắn ngủi. Sau sự tái đắc cử có thể có của Putin vào ngày 4/3, các phong trào biểu tình có thể phát triển thành nhiều tổ chức khác nhau, thành các cuộc biểu tình nhỏ hơn và có thể là các đảng phái chính trị nhỏ. Khi đó, Putin sẽ có thêm 6 năm làm tổng thống để phân loại các bè phái chính trị ở Nga. 

Sự leo thang tiếp theo? 

Sau cuộc bầu cử, Putin sẽ có thêm thời gian và các nguồn lực để quan tâm đến các vấn đề lớn hơn mà Nga đang phải đối mặt, ví dụ như bất đồng với Mỹ. Một sự kiện quan trọng khác sắp xảy ra trong tháng 5: Hội nghị thượng đỉnh NATO - Nga đầu tiên sẽ được tổ chức tại Chicago. Nga đã nói rằng từ nay đến tháng 5, nếu Mátxcơva và Oasinhtơn không đạt được thoả thuận trong vấn đề BMD, Nga sẽ không tham dự hội nghị này. Điều này có thể báo hiệu một sự đổ vỡ có thể xảy ra trong quan hệ NATO - Nga. Dmitri Rogozin, cựu đặc phái viên của Nga tại NATO, từng gắn thoả thuận BMD với mối quan hệ chung NATO - Nga và tương lai của NDN. Khi những phong trào biểu tình phai nhạt dần, vấn đề phòng thủ tên lửa sẽ quay trở lại ánh đèn sân khấu, làm những đe dọa trước đây của Nga trở thành mối quan tâm lớn đối với Oasinhtơn. Tuy nhiên, Mátxcơva sẽ thận trọng không sử dụng đe dọa tới mức dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn và đổ vỡ giữa Mỹ và Nga. Mátxcơva có thể muốn làm cho châu Âu không thoải mái khi Mỹ - Nga va chạm, nhưng Nga không muốn tạo ra phản ứng dữ dội và thúc đẩy châu Âu đoàn kết với Mỹ trong vấn đề an ninh khu vực. Hơn nữa, Nga không muốn Ápganixtan vượt ra ngoài vòng kiểm soát, vì bất ổn tại quốc gia này rất có thể sẽ lan sang Trung Á. Nga cũng không thể cạnh tranh với Mỹ trong việc tăng cường quân sự.  Cremli không chắc chắn về chính sách trong tương lai của Mỹ đối với Nga vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng sắp diễn ra. Nga nhớ rõ việc thiếu chuẩn bị như thế nào đối với sự thay đổi ở Oasinhtơn khi Ronald Reagan trở thành tổng thống sau Jimmy Carter. Điều này không có nghĩa rằng sẽ có một sự thay đổi như thế xảy ra vào tháng 11 tới, nhưng Mátxcơva không thể chắc chắn rằng nó sẽ không xảy ra. Mátxcơva có một cơ hội để leo thang những căng thẳng với Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống của Nga, nhưng Mátxcơva chỉ có thể đẩy cuộc khủng hoảng lên chứ không gây ra một sự đổ vỡ lớn mà nó không thể kiểm soát. 

Theo Stratfor (ngày 6/2)

Viết Tuấn (gt)