Quan hệ Mỹ-Trung là trọng tâm của sự cân bằng chiến lược tương lai tại châu Á. Diễn biến của mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng tới sự lựa chọn các đối tác chính của Washington trong khu vực, bắt đầu là Nhật Bản. Bắc Kinh đã tiếp nhận việc Donald Trump đắc cử với ít nhiều lạc quan, bởi đối với lợi ích của Trung Quốc, ông Trump được xem là ít bất lợi hơn so với bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, việc xác định lập trường của vị tổng thống mới và những nhân vật thân cận của ông về các vấn đề liên quan tới những lợi ích cơ bản của Trung Quốc tại châu Á như vấn đề Đài Loan và Biển Đông, lại làm tổn hại tới sự tín nhiệm ban đầu này. Bắc Kinh đã lựa chọn thực hiện chính sách chờ thời thận trọng, tuy nhiên, không thể loại trừ các nguy cơ xung đột trong một khu vực rất bất ổn. 

Vài tháng trước bầu cử Mỹ, một phân tích được công bố tại Mỹ khẳng định: “Với một vị tổng thống mạnh mẽ tại Nhà Trắng, Trung Quốc sẽ tôn trọng Mỹ cả về kinh tế cũng như chiến lược”. Tuy nhiên, chính tình trạng bấp bênh diễn ra khi chính quyền mới tại Mỹ được thiết lập, nên vấn đề quan hệ với siêu cường Trung Quốc, tương lai của chiến lược tái cân bằng sang châu Á bắt đầu dưới thời Tổng thống Obama và sức nặng của quan hệ phụ thuộc vào Bắc Kinh, sẽ là gánh nặng dẫn tới sự bất ổn tại châu Á. 

Từ phía Trung Quốc: Sự lựa chọn ban đầu của chủ nghĩa lạc quan 

Nếu như Trung Quốc ngạc nhiên trước việc Donald Trump đắc cử, thì những phản ứng ban đầu của nước này đã khá tích cực. Những bàn luận gần như thống nhất nhấn mạnh về những cơ hội, mà sự lựa chọn của một cá nhân được mô tả là “doanh nhân chạy theo lợi nhuận và thực dụng”, ít bận lòng tới các vấn đề nhân quyền, thiếu kinh nghiệm, do đó, có khả năng nhạy cảm hơn, có thể mở ra. Các nhà phân tích này cho rằng Trung Quốc đã giữ một vị trí tương đối thứ yếu trong chiến dịch tranh cử tổng thống – vốn tập trung vào mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố - và việc Nhật Bản và Hàn Quốc đã là đối tượng chỉ trích của Donald Trump cũng như Trung Quốc. 

Theo các chuyên gia này, việc ông Trump đắc cử cũng cho phép dựng lên luận đề về sự phá sản của nền dân chủ và hồi tàn đối với vai trò lãnh đạo tinh thần của Mỹ, vốn là một trong những cơ sở cho các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc. 

Mặt khác, trong khi khả năng bầu bà Hillary Clinton – một trong những tác giả chính của chiến lược xoay trục sang châu Á -  được chờ đợi với sự lo lắng lớn của Bắc Kinh, thì trước khi đắc cử, ông Donald Trump lại nhận được sự ủng hộ từ nước này. Theo một cuộc thăm dò thực hiện tại châu Á trước bầu cử, 39% người được hỏi tại Trung Quốc ủng hộ ông Donald Trump trong khi con số này chỉ là 13% tại Nhật Bản. 

Tầm quan trọng của chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ kinh tế 

Trong lĩnh vực kinh tế, trong khi lưu ý về những chỉ trích của ông Trump đối với Trung Quốc, tố cáo nước này “thao túng tỷ giá tiền tệ”, và đe dọa áp mức thuế lên tới 45% đối với hàng hóa của Trung Quốc nhân danh việc bảo hộ ngành công nghiệp dệt may tại Mỹ, Bắc Kinh dường như tin chắc rằng Nhà Trắng sẽ giảm bớt những lời lẽ gay gắt này dưới sức ép của những vấn đề thực tế sau khi chính quyền mới đi vào hoạt động; theo một mô hình được các đời Tổng thống Cộng hòa trước đó theo đuổi. Trao đổi thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 550 tỷ USD trong năm 2016, cho thấy sức ảnh hưởng của giới vận động hành lang về thương mại tại Mỹ, sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc, dường như không cho phép Bắc Kinh có cái nhìn về một triển vọng cứng rắn trong quan hệ thương mại. 

Việc Chính quyền Trump từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP- vốn dựa trên sự chia sẻ một hệ thống các giá trị tự do chung) mà Trung Quốc đứng ngoài, được xem như một điểm tích cực mở ra những triển vọng mới cho chiến lược ảnh hưởng của Trung Quốc với việc thiết lập những hiệp định thương mại tự do mới. Đây là ý kiến trong tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Lima vào tháng 11/2016 và diễn văn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos vào tháng 1/2017 ủng hộ toàn cầu hóa. 

Khuynh hướng của chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ mà biểu tượng là sự rút lui của Mỹ khỏi TPP, mang lại cho Bắc Kinh thêm một cơ hội đưa ra những át chủ bài mà nước này sở hữu, và đặc biệt là sức mạnh tấn công quan trọng về tài chính thể hiện trong dự án kép về con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển, và những công cụ thực hiện gắn với nước này như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á hoặc Quỹ Con đường Tơ lụa. Những át chủ bài này cho phép Trung Quốc xét lại trật tự quốc tế vốn được Mỹ và phương Tây xác định và thống trị, tìm cách áp đặt quyền lãnh đạo khu vực mới của Trung Quốc. 

Hy vọng về sự rút lui chiến lược của Mỹ 

Về chiến lược, sự việc mặc dù vậy có thể cho thấy nhiều phức tạp hơn, cũng như những phản ứng của Trung Quốc, ít ra trong thời gian đầu, có dấu hiệu của một chính sách chờ thời tương đối lạc quan. 

Về bản chất, sự lựa chọn chủ nghĩa biệt lập mới tại Mỹ và sự thụt lùi về lợi ích của Mỹ, có thể tạo ra cho Bắc Kinh một phạm vi tự do hành động tại châu Á để thực hiện giấc mơ Trung Hoa mà mục tiêu đầu tiên là tái khẳng định quyền lãnh đạo của Trung Quốc trong chính khu vực ảnh hưởng của họ. 

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, những tuyên bố của ông Trump thù địch với Nhật Bản và Hàn Quốc, cáo buộc những nước này lợi dụng Mỹ để không phải cáng đáng chi phí về quốc phòng của họ, kết hợp với những đe dọa để che đậy sự rút lui của Mỹ, và sự từ bỏ ít nhất là về hình thức chiến lược xoay trục sang châu Á, đã mang lại cho Bắc Kinh những điểm vô cùng tích cực, mở ra những cơ hội mới đối với các nhà chiến lược Trung Quốc. 

Trong Đảng Cộng hòa, một trào lưu ủng hộ chiến lược “cam kết” tích cực với Trung Quốc đã nổi lên mạnh mẽ. Đối với những người bảo vệ quan điểm này, Chính quyền Donald Trump cần phải thừa nhận và chấp nhận những diễn biến chiến lược tại châu Á và sự ảnh hưởng của một Trung Quốc, mà theo những phân tích này, từ nay đã sở hữu những khả năng cạnh tranh với Washington về chiến lược, bao gồm cả sự phát triển khả năng quân sự của mình. Vì vậy, khuynh hướng cam kết và hợp tác với cường quốc thế giới thứ hai này của Mỹ sẽ thắng thế hơn là tìm kiếm sự xung đột. 

Đối với các chuyên gia phân tích Trung Quốc, những tuyên bố này và chủ nghĩa thực dụng được cho là của Donald Trump, khiến người ta hy vọng rằng, khác với Tổng thống Obama, bị cáo buộc là muốn kìm hãm sự tái trỗi dậy chính đáng của Trung Quốc, chính quyền mới của Mỹ có lẽ sẽ có ít tham vọng địa chính trị hơn, đặc biệt là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, giảm sức ép mà chiến lược tái cân bằng tại châu Á tác động lên Trung Quốc. Ban đầu, cảm tưởng chủ yếu tại Bắc Kinh là Donald Trump sẽ không làm tổn hại tới điều mà Trung Quốc xác định là những “lợi ích cơ bản” của mình. 

Đối với Shen Dingli, một trong những cố vấn gần gũi của chính quyền Trung Quốc, việc Donald Trump đắc cử cũng chỉ có thể mang lại những cơ hội mới cho tham vọng của Trung Quốc và trong điều kiện lý tưởng dẫn tới sự biến mất của “tâm lý chiến tranh lạnh”, từ được mã hóa của Trung Quốc để chỉ hệ thống liên minh của Mỹ tại châu Á. 

Giấc mơ của Trung Quốc về một nhóm G2 Mỹ-Trung cuối cùng được thực hiện? 

Với tính lạc quan này, trong thời gian đầu, Bắc Kinh dường như đã tin rằng với Donald Trump, tham vọng lâu nay của nước này chứng kiến Mỹ chấp nhận mô hình về một mối quan hệ ưu tiên với Trung Quốc, cuối cùng có thể được thực hiện. Và những nước đồng minh của Mỹ tại châu Á, bản thân họ cũng lo lắng về khả năng Washington chấp nhận sự quản lý chung, nghĩa là việc chia sẻ ảnh hưởng tại châu Á do Trung Quốc và thế giới phương Tây chi phối. 

Sau khi Donald Trump đắc cử, Đại sứ Trung Quốc tại Washington, Thôi Thiên Khải đã tuyên bố rằng Trung Quốc coi Mỹ không còn là chủ thể chính mà là “một đối tác quan trọng đối với sự thịnh vượng và ổn định của châu Á”; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm và tôn trọng “những lợi ích của mỗi bên”. 

Trong điện chúc mừng, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại ý tưởng “khởi động lại” với việc mong muốn phát triển với Tổng thống Trump các mối quan hệ song phương xuất phát từ một nền tảng mới giữa “quốc gia phát triển lớn nhất và quốc gia đang phát triển lớn nhất”. Ông Tập Cận Bình lặp lại khái niệm “quan hệ đặc biệt giữa các cường quốc lớn”, dựa trên “việc khước từ xung đột, đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, một sự hợp tác cùng thắng và kiểm soát sự khác biệt theo cách thức mang tính xây dựng”, vốn được Tổng thống Obama đề xuất không thành công tại cuộc gặp tại Sunnylands năm 2013. 

Trong khi một nhà phân tích Trung Quốc nhấn mạnh việc “quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ quan trọng nhất trên thế giới kể từ năm 1972”, trên thực tế, mục tiêu của Bắc Kinh là trở lại thời kỳ vàng son của mối quan hệ Trung-Mỹ, thời kỳ của những năm 1970, khi Bắc Kinh và Washington chia sẻ cùng một lợi ích chiến lược trước mối đe dọa Xôviết. Nếu như những thách thức an ninh và những diễn biến của tương quan sức mạnh khiến sự trở lại quá khứ này trở nên rất hão huyền, thì vai trò của những cá nhân như Henry Kissinger, tác giả của việc xích lại gần quan hệ hai nước năm 1972 và bảo đảm vai trò trung gian ảnh hưởng bên cạnh giới chức Trung Quốc, là không thể phủ nhận. 

Tuy nhiên, nếu như trên thực tế, Trung Quốc có thể thuyết phục chính quyền mới của Trump “cùng nhau xây dựng một mô hình quan hệ giữa những cường quốc lớn”, thì những hậu quả về bất ổn khu vực và sự gia tăng căng thẳng sẽ rất lớn. 

Về phía các quốc gia trong khu vực, mà đứng đầu là Nhật Bản, họ lo ngại về sự kết hợp vô trách nhiệm giữa một Chủ tịch Trung Quốc đặt tính chính đáng của mình trong các phát biểu và hành động dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh bạo, và một Tổng thống Mỹ đang tạo ra nhiều câu hỏi về tính hợp lý của việc đưa ra các quyết sách của ông. 

Trong bối cảnh này, đa phần các quốc gia trong khu vực chờ đợi một sự cam kết quan trọng hơn của Mỹ trước sự gia tăng sức mạnh của một Trung Quốc đang gây lo ngại, nhưng là một cam kết “hợp lý”. Mối đe dọa co mình dưới dạng chủ nghĩa biệt lập của Washington chỉ vì những lợi ích của Mỹ hoặc một thỏa thuận với Bắc Kinh có thể gây thiệt hại cho các cường quốc khu vực, có thể dẫn tới hậu quả là sự sụp đổ của hệ thống liên minh khu vực và sự đảo lộn của các quan hệ đối tác. Ngay từ bây giờ, Nhật Bản xích lại gần với Nga và sự gần gũi này có thể được tạo điều kiện thuận lợi nhờ vào việc lên nắm quyền tại Washington của một Tổng thống ít thù địch với Moskva hơn. 

Đối với một số quốc gia Đông Nam Á và có lẽ trong tương lai là Hàn Quốc vốn đang chìm trong khủng hoảng chính trị, khuynh hướng muốn xích lại gần với Bắc Kinh có thể thắng thế. Chính diễn biến mà người ta nhận thấy tại Philippines, cũng như tại Malaysia và Thái Lan, hoặc thậm chí tại  Úc nơi mà nền kinh tế nguyên liệu rất phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; cho thấy nguy cơ làm suy yếu hơn vai trò của Mỹ trong khu vực. 

Đối với các cường quốc như Nhật Bản, sự lựa chọn cuối cùng là phát triển khả năng quân sự tự chủ đáng kể hơn và có khả năng tấn công hơn. Chính sự lựa chọn mà ông Donald Trump ngụ ý trong chiến dịch tranh cử của mình, khi ông nêu khả năng đối với Tokyo hay Seoul tự đảm trách chính nền quốc phòng của họ bằng việc tự trang bị khả năng răn đe thực sự, bao gồm cả sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Vai trò khó đoán định: Sự trở lại quan điểm của Donald Trump đối với Trung Quốc 

Vài tuần sau khi Donald Trump đắc cử và thậm chí trước khi nhậm chức của tân tổng thống, việc thành lập chính quyền thuận theo lợi ích mà Trung Quốc có thể trông đợi, đã theo một xu hướng rất khác, một phần là do ảnh hưởng của các cố vấn tân bảo thủ ủng hộ việc tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, đặc biệt là lực lượng hải quân, và việc thực hiện một đối sách kiểm soát hiệu quả chiến lược khẳng định sức mạnh của Trung Quốc tại châu Á. 

Theo các nhà phân tích này, đứng hàng đầu là Michael Pillsburry, tác giả của cuốn sách “Cuộc chạy việt dã một trăm năm” (The Hundred Years Marathon), viết về những tham vọng của Trung Quốc tại châu Á theo chiến lược của nước này, chiến lược xoay trục được Chính quyền Obama thực hiện, tuy có tính tích cực về nguyên tắc nhưng thiếu phương tiện và quyết tâm trong việc thực hiện. Vì vậy, khuyến nghị đối với chính quyền mới của Trump là hành động kiên quyết hơn, không e ngại làm bất ổn Bắc Kinh. 

Lấy lại khẩu hiệu của Ronald Reagan ca tụng “Hòa bình nhờ sức mạnh”, êkíp của Donald Trump đề xuất gia tăng số tàu chiến của Hải quân Mỹ từ 280 tàu lên 350 để đối phó tốt hơn với các “cuộc tấn công của Trung Quốc” tại Biển Đông. Mặt khác, thậm chí ngay trong Quốc hội Mỹ, thượng nghị sỹ John McCain và nghị sỹ Paul Ryan đã nhiều lần bày tỏ mong muốn của Mỹ tăng cường hệ thống đồng minh tại châu Á để đối phó với Trung Quốc. 

Việc bổ nhiệm Peter Navarro, tác giả của nhiều tác phẩm trong đó có “Những cuộc chiến với Trung Quốc sắp đến”, một trong những tác phẩm chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với chiến lược trọng thương của Trung Quốc, đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia, làm tăng cường sức ảnh hưởng của những nhân vật xung quanh Donald Trump trong việc ủng hộ sự cứng rắn trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. 

Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới một cách “vô điều kiện” bị lên án, và những sức ép dưới hình thức đe dọa đánh thuế, có thể được thực hiện đối với các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất hàng hóa với mức chi phi thấp tại Trung Quốc để tiêu thụ tại Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng trong thực tế và của các chủ thể kinh tế lớn tại Mỹ có lẽ sẽ ảnh hưởng theo hướng có quan điểm ít cực đoan hơn. 

Không hài lòng với ảnh hưởng của các yếu tố bảo thủ nhất trong giới thân cận của tân Tổng thống, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích Trung Quốc dường như muốn giữ thái độ chờ thời, đặc biệt dựa trên tính cách rất thất thường và hay thay đổi người thân cận của Tổng thống, và dựa trên việc nhiều vị trí chưa được phân công trong chính quyền mới. 

Một số nhà phân tích có quan điểm lo ngại trước những nguy cơ xung đột công khai với chính quyền Mỹ của Donald Trump, khuyên nên có một hình thức “xoa dịu” và đề xuất Trung Quốc cam kết không tiếp tục lấn tới tại Biển Đông bằng việc ngừng bồi đắp những bãi đá mới, nếu như về phần mình, Mỹ quyết định không cử tàu chiến vào khu vực này nữa. 

Tuy nhiên, đồng thời, Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động nhằm thực hiện sức ép đối với chính quyền mới của Mỹ. Ngày 11/1/2017, Bắc Kinh công bố sách trắng đầu tiên về hợp tác an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với ý cố tình, nước này chỉ đề cập rất ngoài lề tới vấn đề hạt nhân hóa Triều Tiên, yếu tố chủ yếu trong hợp tác mang tính xây dựng giữa Bắc Kinh và Washington trong khu vực dưới thời Chính quyền Bush và Obama. 

Nếu như Trung Quốc tuyên bố muốn giữ vai trò quan trọng hơn về an ninh ở cấp độ khu vực và toàn cầu, Bắc Kinh cũng thông báo rằng nước này có thể “buộc phải” mang lại một sự đáp trả “cần thiết” đối với mọi hành động khiêu khích làm nguy hại tới chủ quyền quốc gia. Sách trắng cũng nêu lên khái niệm “quốc gia nhỏ” trong nhóm khái niệm chính thức trong quan hệ quốc tế bằng việc tuyên bố rằng “những quốc gia nhỏ và trung bình không cần và không phải đứng về một phía nào đó trong các cuộc xung đột giữa các cường quốc”. Ngoài lời cảnh báo đối với các cường quốc khu vực, làm ảnh hưởng tới hình ảnh cường quốc vì hòa bình của Trung Quốc trong khu vực, trên thực tế, đây là một sự thừa nhận tình hình xung đột đã được thiết lập giữa hai cường quốc lớn là Mỹ và Trung Quốc. 

Vì vậy, về chiến lược, những căng thẳng lớn có thể xảy ra, khi mà Tổng thống Trump đã bỏ một số kiêng kỵ động chạm trực tiếp tới những lợi ích cơ bản, vốn là trọng tâm của mối quan tâm của chính quyền Trung Quốc. Trong bài báo công bố tháng 1/2017, Michael Pillsbury liệt kê tổng thể các chủ đề - đứng đầu là vấn đề Đài Loan – mà Mỹ có thể sử dụng để tạo sức ép với chính quyền Trung Quốc. 

Cuối tháng 12/2016, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận tại Biển Đông, khi trở về căn cứ của mình đã đi qua eo biển Đài Loan. Tàu sân bay của Trung Quốc là một tàu chiến huấn luyện không phục vụ tác chiến. Tuy nhiên, trong một khu vực vốn có tranh chấp gay gắt này, thì ảnh hưởng biểu tượng của chuyến tàu này cần được xem xét trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xét lại những nền tảng của mối quan hệ Mỹ-Trung từ cuối những năm 1970 bằng việc chấp nhận điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn và sau đó công bố trên Twitter rằng, Mỹ không duy trì chính sách một Trung Quốc. 

Đặc biệt, khi Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 10/2017, trước sức ép rất lớn ở trong nước, sẽ rất khó cho Tập Cận Bình khi không phản ứng trước “sự khiêu khích” của Washington. 

Vấn đề cũng có thể được đặt ra về chủ đề bán đảo Triều Tiên. Nếu như ứng cử viên Trump đã từng dự kiến khả năng gặp gỡ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thì Tổng thống Trump lại chờ đợi Trung Quốc giữ một vai trò quan trọng hơn nhiều trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Khi một lần nữa viết trên Twitter rằng, việc sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên vào trước cuối năm 2017 “khó xảy ra”, vì sự đe dọa tấn công phòng ngừa đối với việc thiết lập tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân của Triều Tiên, dường như đang được nước này chuẩn bị. Tới đây, một lần nữa Trung Quốc khó có thể không đáp trả khi mà hiệp ước liên minh quân sự giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ký năm 1961 chưa bao giờ bị bãi bỏ. 

Cuối cùng, tại Biển Đông, Tổng thống Trump khi mới đắc cử đã tố cáo Trung Quốc “xây dựng một pháo đài biển”. Nếu như việc tăng cường sức mạnh hải quân của Mỹ, trên thực tế, được thực hiện, thì đây là một sự đáp trả trực tiếp đối với những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Những tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson được chỉ định trong phiên điều trần trước Nghị viện, kêu gọi “cần chỉ rõ cho Trung Quốc rằng việc xây dựng các đảo cần phải dừng lại và việc tiếp cận của các tàu chiến Trung Quốc tới các đảo nhỏ nhân tạo cần phải bị cấm”, tiếp tục là phép thử đối với các lãnh đạo Trung Quốc mà họ khó đáp lại. 

Nếu như những điểm căng thẳng này đã tồn tại trước khi Donald Trump đắc cử, thì nay sự liên hợp của hai cá nhân ít bị chi phối bởi lẽ phải (Donald Trump và Tập Cận Bình) và có lẽ thiên về sử dụng sức mạnh, làm gia tăng mạnh mẽ các nguy cơ xung đột. 

Kết luận: Liệu chúng ta có thể loại bỏ mọi nguy cơ chiến tranh tại châu Á? 

Việc Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ mở ra một giai đoạn rất bấp bênh trong khu vực có tầm quan trọng lớn đối với thế giới và đặc biệt đối với Liên minh châu Âu. Các cường quốc khu vực vấp phải một Trung Quốc hung hăng hơn, sẽ cần được làm yên lòng, nhưng không chắc rằng chiến lược khiêu khích của Tổng thống Trump đang đi đúng hướng, dẫu rằng chiến lược này dường như khẳng định ý chí cam kết của Mỹ tại châu Á trước Trung Quốc. 

Về vấn đề Đài Loan, sự leo thang căng thẳng với Bắc Kinh không phải do việc Donald Trump đắc cử, ngược lại, nếu Đài Loan chỉ là một con tốt trong chiến lược mặc cả giữa Washington và Bắc Kinh, như ông Trump dường như nhấn mạnh điều này trên Twitter và sự phân tích của Michael Pillsbury khi cho rằng, do vấp phải thách thức này, Trung Quốc có thể chấp nhận nhượng bộ lớn về các vấn đề thương mại, hệ quả đối với Đài Bắc sẽ rất tiêu cực giữa sự rút lui của Mỹ và sự gia tăng căng thẳng quân sự với Bắc Kinh. 

Nếu vấn đề xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ có thể trở nên quá mức, thì từ nay nó được đưa công khai trên Thời báo Hoàn cầu, một dạng phát ngôn không chính thức, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc bật đèn xanh. Bài xã luận ngày 13/1 không ngần ngại kích động gia tăng căng thẳng bằng việc tuyên bố “Tốt hơn hết Tillerson nên học thuộc lòng về chiến lược hạt nhân nếu ông muốn một cường quốc hạt nhân lớn phải nhượng bộ ngay trên lãnh thổ của mình” và hai bên “nên chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc đối đầu quân sự”. 

Nhưng trớ trêu thay, đối với Trung Quốc, triển vọng ban đầu thuận lợi hơn từ sự rút lui của Mỹ cũng lại là những mối đe dọa lớn. Sự nổi lên của một Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, nếu như không phải và còn xa, thì giả thuyết có thể nhất, có lẽ có những hậu quả rất tiêu cực đối với cường quốc Trung Quốc về cân bằng sức mạnh. 

Thậm chí, một sự xích lại gần giữa Nga và Mỹ và Nga-Nhật cũng sẽ không thuận cho lợi ích của Trung Quốc, trong khi một nước Nga yếu và bị cô lập lại là sự thiết lập thuận lợi nhất cả về lợi ích kinh tế lẫn cân bằng chiến lược. 

Cuối cùng, quyết tâm của Donald Trump và những người thân cận của ông là đạt được những kết quả thực sự từ phía Bắc Kinh cả về thương mại hoặc chiến lược, xét lại chiến lược trong đối thoại - nhân danh sự cam kết - từ lâu chỉ có lợi cho những lợi ích của Trung Quốc cả ở trong và ngoài khu vực.

Theo Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Pháp

Hương Lan (gt)