077720-120216-xi-and-obama.jpg

 

1. Xu hướng của quan hệ Mỹ - Trung Mỹ sau Đối thoại về kinh tế và chiến lược lần thứ 7 (S&ED 7):

Kết quả của S&ED 7 cho thấy rõ xu hướng phát triển của quan hệ Trung - Mỹ. Trong khi hợp tác song phương có những tiến triển quan trọng trên các lĩnh vực phi an ninh và xử lý các vấn đề toàn cầu, Mỹ vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Sự khác biệt cơ bản giữa quan hệ Mỹ - Xô thời chiến tranh lạnh và quan hệ Trung Quốc - Mỹ hiện nay là khả năng của Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục hợp tác bất chấp những căng thẳng trong lĩnh vực an ninh. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa các cường quốc, an ninh là lĩnh vực quan trọng nhất. Do đó, tình hình theo hướng đối đầu Mỹ - Trung hiện nay ở khu vực Đông Á là hết sức đáng lo ngại.

2. Đánh giá về vấn đề an ninh trên biển trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ:

Vấn đề an ninh trên biển là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Sẽ rất khó để ổn định được tình hình quan hệ Trung Quốc - Mỹ trên Biển Đông, và thậm chí sẽ còn khó hơn để đảo ngược xu hướng đối đầu hiện nay sang hướng tăng cường hợp tác. Để có thể thúc đẩy quan hệ trên lĩnh vực an ninh, cần phải trải qua một khoảng thời gian nhất định trong đó cả Trung Quốc và Mỹ cùng nhau kiềm chế, dần xây dựng lòng tin về ý đồ chiến lược của nhau.

3. Đánh giá về các chính sách mà Mỹ và Trung Quốc cần triển khai để ổn định khu vực Đông Á; Liệu Mỹ có cần công nhận “lợi ích hợp pháp” của Trung Quốc tại Biển Đông:

Khi Trung Quốc ngày càng chủ động trên trường quốc tế thì khả năng xung đột Mỹ - Trung ngày càng cao. Để hai bên có thể tránh được sự căng thẳng không cần thiết và thúc đẩy hợp tác đa phương và ổn định ở Đông Á:

(i) Trung Quốc cần sử dụng hiệu quả hơn các năng lực ngày càng mạnh của mình và điều chỉnh phù hợp với xu hướng trỗi dậy trở thành cường quốc lớn của Trung Quốc. Trong quá trình trỗi dậy, điều đương nhiên là Trung Quốc muốn có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề khu vực phù hợp với sức mạnh của mình. Tuy nhiên, để tránh gây xu hướng lo ngại trên toàn khu vực và tránh tạo ra “mối đe dọa” đối với các cặp quan hệ chiến lược của Mỹ, Trung Quốc cần tiếp tục kiềm chế và kiên nhẫn. Nếu Trung Quốc “hành động quá nhiều và quá sớm” sẽ khiến Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực phản đối sự trỗi dậy của Trung Quốc.

(ii) Mỹ cần nhận thức được tính cần thiết phải điều chỉnh chiến lược đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ cần đối thoại nhiều hơn với Trung Quốc, ghi nhận các lợi ích an ninh quan trọng của Trung Quốc, và thích ứng với các thay đổi trong trật tự an ninh ở Đông Á. Mỹ cần nhận thức được hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia có lợi thế trên biển vượt trội và các đồng minh ở Đông Á sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ. Mỹ cũng không cần coi tất cả các sáng kiến của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Có thể sẽ khó có khả năng Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc, tuy nhiên Mỹ cần chuẩn bị để có thể kiềm chế và thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

4. Đánh giá về sự phát triển trong quan hệ quân sự song phương, nhất là việc thiết lập được bộ quy tắc hành xử đối với tàu chiến và máy bay:

Trung Quốc và Mỹ đã đạt được các thành tựu lớn trong ngoại giao quốc phòng. Hợp tác quân sự giữa hai bên đã tiến sâu vào các nền tảng cơ bản. Hiện đã có các kênh đối thoại giữa hai bên, giúp giảm khả năng tạo ra các khủng hoảng không mong muốn. Tuy nhiên, hiện hợp tác an ninh trên biển vẫn ngày càng xấu đi. Điều này cho thấy ngoại giao quốc phòng cũng chỉ có thể tác động một cách giới hạn tới quan hệ giữa các cường quốc trên lĩnh vực an ninh.

5. Đánh giá tình hình trên Biển Đông hiện nay và kiến nghị chính sách đối với chính phủ Trung Quốc:

Hiện không nên đánh giá thấp khả năng căng thẳng tại Biển Đông sẽ leo thang. Các hành động trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ gây áp lực cho các Mỹ và các đồng minh và hệ lụy là sẽ củng cố sự quyết tâm của Mỹ thách thức lại các sáng kiến của Trung Quốc. Về phía mình, Trung Quốc cũng sẽ chống trả lại các thách thức của Mỹ. Để ngăn chặn xu hướng này, Trung Quốc có thể cân nhắc duy trì một thời gian nhất định sự ổn định về ngoại giao ở khu vực để củng cố “hiện trạng” thay vì tiếp tục tìm kiếm các lợi ích mới. Việc xây dựng được bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có thể có ích, tuy nhiên thực tế nhiều quốc gia ở khu vực sẽ không muốn có một thỏa thuận mang tính ràng buộc. Hơn nữa, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới bất ổn ở khu vực vẫn sẽ tồn tại bất chấp sự cam kết hợp tác mang tính đa phương.

6. Đánh giá về quan điểm cho rằng trật tự thế giới đang hình thành theo hướng lưỡng cực và kết quả của quá trình “thỏa hiệp” Mỹ - Trung sẽ có vai trò quyết định định hình lại thế giới:

Trong môi trường chính trị toàn cầu hiện nay, có nhiều chủ thể quan trọng. Tuy nhiên, tại Đông Á, cặp quan hệ Mỹ - Trung đang đóng vai trò chi phối. Hiện Nhật Bản vẫn dựa vào liên minh Mỹ - Nhật, còn Nga thì đang bận rộn xử lý tình hình kinh tế suy thoái và sự căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, khả năng Mỹ - Trung “đàm phán ở mâm trên” quyết định số phận của khu vực là khó xảy ra. Hiện tình hình ở khu vực biến động rất phức tạp, do đó sẽ liên tiếp tạo ra các thách thức đối với quan hệ Mỹ - Trung. Đáng chú ý, nếu Trung Quốc ngày càng mạnh thì Mỹ sẽ phải liên tục điều chỉnh lại quan hệ chiến lược với Trung Quốc.

7. Đánh giá về sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc:

Quan điểm chủ đạo tại Mỹ hiện nay là sự quan ngại về việc Trung Quốc liên tiếp “ra đòn” tấn công ngoại giao kể từ năm 2009. Đây là yếu tố thách thức sự ổn định ở Đông Á cũng như hệ thống liên minh của Mỹ. Hiện không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tiến bước chậm lại. Do đó, hiện tại Mỹ đang diễn ra cuộc tranh luận về việc Mỹ nên đối phó với Trung Quốc thế nào để duy trì các mục tiêu của Mỹ ở khu vực. Hiện một số chuyên gia Mỹ cho rằng Mỹ nên “nhẹ nhàng với Trung Quốc’, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, luồng ý kiến này tạo tác động rất ít trong quá trình hoạch định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

8. Dự báo về kết quả chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:

Dự kiến Tổng thống Mỹ Obama sẽ công bố một loạt các thỏa thuận song phương liên quan tới các vấn đề toàn cầu và lĩnh vực phi an ninh. Các thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác Mỹ - Trung. Tuy nhiên, trong các cuộc hội đàm kín, Mỹ sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc phải làm rõ ý đồ của Trung Quốc trong các tranh chấp trên Biển Đông và “giảm nhẹ bớt” các nỗ lực trong các sáng kiến an ninh trên biển. Có lẽ các căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay trong vấn đề trên biển sẽ khiến cuộc gặp có phần “giữ kẽ và khách sáo” thay vì không khí thân mật và nồng ấm giữa Tập Cận Bình và Obama tại California vào tháng 6/2012./.

Theo “Bjreview

Vũ Hiền (gt)