Việc Thủ tướng Nga V. Putin chỉ trích Ngoại trưởng Hillary Clinton hoài nghi về tính hợp lệ của kết quả bầu cử Quốc hội Nga vừa qua, đã báo hiệu khả năng đặt "dấu chấm hết" cho xu hướng ấm lên trong quan hệ hai nước, từng được các trợ lý của ông Obama ca ngợi là một trong những thành tích trong chính sách đối ngoại của ông. Theo các nhà phân tích, trong khi ông Obama đang tìm cách tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2012 và ông Putin được đông đảo dư luận cho có nhiều khả năng trở lại ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 3/2012, đặc trưng của năm tới có thể sẽ là cuộc khẩu chiến gay gắt giữa hai nước từng là đối thủ của nhau thời Chiến tranh Lạnh. 

Một quan điểm gay gắt hơn của Mỹ có thể giúp ông Obama phản bác những cáo buộc của phe Cộng hòa cho rằng chính sách Nga của ông có xu hướng nhân nhượng Mátxcơva, đồng thời giúp ông nhận được sự đồng tình từ những nghị sĩ cùng phe Dân chủ vốn muốn ông có lối tiếp cận kiên quyết hơn với Nga trong vấn đề nhân quyền. Một lối nói cứng rắn có thể giúp Thủ tướng Nga Putin làm trệch hướng sự chú ý khỏi những vấn đề chính trị trong nước, đồng thời thức tỉnh tinh thần dân tộc của các cử tri. Chuyên gia về Nga thuộc Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment có trụ sở tại Oasinhtơn, Matthew Rojansky nhận định: "Có thể xem đây là bước ngoặt sau thời kỳ hòa giải. Từ nay, mối quan hệ có thể xấu đi".Sự thay đổi mới nhất trong quan hệ hai nước bắt nguồn từ việc Ngoại trưởng Clinton khẳng định rằng các cuộc bầu cử tại Nga là không công bằng và tự do. Đáp lại, Thủ tướng Putin đã cáo buộc bà Clinton đã kích động các cuộc biểu tình sau bầu cử. Các cuộc biểu tình này dù không thể hạ bệ được Putin, người vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng đã chứng tỏ rằng sự bám giữ quyền lực của ông không vững chắc như dự đoán của nhiều người. Ông Putin từ lâu đã nổi tiếng về những tuyên bố bài Mỹ, nhưng rất hiếm khi ông đưa ra những chỉ trích cá nhân nhằm trực tiếp vào một quan chức cấp cao như vậy của Mỹ. 

Trong khi đó, Nhà Trắng đã bác bỏ bất kỳ mối đe dọa nào đối với quan hệ Mỹ-Nga nói chung. Người phát ngôn Nhà Trắng, Jay Carney, khẳng định Mỹ dù đang theo đuổi hợp tác với Nga về những vấn đề mang lợi ích chung, nhưng vẫn có quyền nói ra khi thấy Nga vi phạm nhân quyền. Oasinhtơn đang chuẩn bị đối phó với khả năng sự trở lại Điện Cremli của ông Putin sẽ làm phức tạp tiến trình khởi động quan hệ mà ông Obama khởi xướng năm 2009. Oasinhtơn cũng đang tính đến nguy cơ sự thay đổi ban lãnh đạo Nga sẽ làm đảo lộn những những thành tựu lớn nhất trong quan hệ hai nước - hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới và việc dùng lãnh thổ Nga để hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ đang chiến đấu tại Ápganixtan. Theo các nhà phân tích, tuy ông Putin sẽ tìm cách thể hiện tầm ảnh hưởng ngoại giao của Nga bằng cách từ chối ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của LHQ đối với Iran, song ông cũng đã đầu tư rất nhiều công sức vào tiến trình tái khởi động nên sẽ không cho phép quan hệ với Oasinhtơn bị đổ vỡ. Ông Putin ắt cũng không quên vai trò quan trọng của Mỹ trong việc tạo thuận lợi cho nỗ lực lâu nay của Nga nhằm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. James Goldgeier, Chủ nghiệm khoa Dịch vụ quốc tế thuộc Đại học Mỹ tại Oasinhtơn nói: "Chúng ta đang chứng khiến giai đoạn không mấy vui vẻ trong quan hệ hai nước nhưng cả hai bên đều không muốn để sự việc đến mức bị đổ vỡ". Ông Obama sẽ không muốn bị coi là người "khóa sổ" chính sách "tái khởi động" - từng được chính quyền của ông coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

 

Theo Reuters (10/12)

Viết Tuấn (gt)