Malaysia cũng can dự vào chiến lược "xoay trục" Châu Á-Thái Bình Dương của Washington thông qua việc tham gia các cuộc họp an ninh cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…. Ngoài ra, Kuala Lumpur cũng tham gia các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama hồi tháng 4/2014 tới Malaysia, nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới quốc gia Đông Nam Á này trong gần nửa thế kỷ, đã củng cố thêm các mối quan hệ song phương và mở ra quan hệ đối tác toàn diện.

Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của quan hệ đối tác Mỹ-Malaysia là an ninh, bao gồm các nỗ lực chống khủng bố, quan hệ giữa hai quân đội và việc Mỹ ủng hộ các nước Đông Nam Á trong tranh chấp biển đảo ở Biển Đông. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2015 của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Malaysia đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đó là ứng phó với chủ nghĩa khủng bố và tình trạng leo thang tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề đặt ra là làm thế nào Malaysia có thể nỗ lực giải quyết những thách thức đó và những bước đi Washington có thể thực thi nhằm hỗ trợ Kuala Lumpur đạt được các mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia của cả hai nước.

Về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Kuala Lumpur sẽ theo đuổi các biện pháp ngoại giao để bảo vệ mối quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc, đồng thời đảm bảo các lợi ích của Malaysia với tư cách là một bên có tuyên bố chủ quyền. Do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình, cùng với việc Bắc Kinh đang đề xuất các sáng kiến kinh tế như thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Con đường Tơ lụa trên biển, nên Malaysia sẽ thể hiện quan điểm ôn hòa, hòa giải và theo đuổi những chính sách mà nước này tán thành trong khuôn khổ ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Dù Malaysia chịu ít ảnh hưởng hơn các nước khác trước sự bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc, song cũng giống như Mỹ, Kuala Lumpur muốn thấy những bước đi thiết thực hướng tới việc thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Mục tiêu an ninh của hai nước là đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Washington và Kuala Lumpur cũng chung quan điểm trong việc thúc đẩy hội nhập ASEAN, trong đó Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với thành công của ASEAN với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất của khối này.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt mà Mỹ sẽ cần phải tính tới. Thứ nhất, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ có một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn so với Malaysia, với việc sẵn sàng hợp tác các nước ASEAN tuần tra vùng biển này. Trong khi đó, Malaysia lại ưu tiên cách tiếp cận ôn hòa hơn nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp để duy trì quan hệ thân thiện với cả Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai, Malaysia muốn có một quan hệ đối tác toàn diện, mà trong đó nước này có thể tiếp cận các tù nhân người Malaysia tại nhà tù Guantanamo. Bên cạnh đó, đạo Hồi là tôn giáo chính thống của Malaysia và điều này có thể ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Kuala Lumpur, ví dụ như đối với cuộc xung đột Palestine-Israel. Cuối cùng, TPP là một vấn đề quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Malaysia bởi mối liên hệ của nó với chính sách tái cân bằng Châu Á như trụ cột kinh tế trong một chính sách không bị giới hạn bởi các mục tiêu kinh tế.

Theo “NPR

Vũ Hiền (gt)