VTT-26-USA-2-ASEAN.jpg

 

Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN diễn ra hồi tháng trước ở Sunnyland là minh chứng rõ ràng cho những cam kết của Washington đối với khu vực Đông Nam Á. Mặc dù chưa rõ những cam kết này có được duy trì sau khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ hay không, song nhiều người hy vọng nó sẽ được tổng thống kế tiếp của Mỹ tiếp tục thực hiện do những cơ hội về kinh tế cũng như tầm quan trọng về an ninh mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương mang lại.

Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN mang tính biểu tượng và đầy ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên Washington tổ chức một hội nghị cấp cao với ASEAN trên đất Mỹ. Sự kiện này cho thấy tầm quan trọng ngày một lớn của ASEAN trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, hay còn được biết đến với tên gọi “Chiến lược xoay trục sang châu Á”. Hội nghị đồng thời cũng đánh dấu một sự thay đổi trong xu hướng truyền thống của Mỹ, vốn trước đây thường đánh giá thấp tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Thông qua chiến lược tái cân bằng, Mỹ muốn mở rộng mạng lưới đồng minh và bè bạn vì mục đích chung là mang lại an ninh, thịnh vượng kinh tế cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù có những lo ngại rằng nước Mỹ thời kỳ hậu Obama có thể thờ ơ với Đông Nam Á, song có một thực tế là tầm quan trọng về kinh tế và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp duy trì chiến lược tái cân bằng của Mỹ kể cả sau khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng.

Quan hệ Mỹ-ASEAN trong "chiến lược xoay trục sang châu Á"

Các nước thành viên ASEAN đã nhận thức một cách rõ ràng về "chiến lược tái cân bằng" của Mỹ. Ví dụ, Malaysia là một đối tác quan trọng của Mỹ trong "chiến lược xoay trục sang châu Á". Trên thực tế, quan hệ Mỹ-Malaysia đã được cải thiện và nâng cấp thành “Đối tác Toàn diện” vào tháng 4/2014. Malaysia hiện là một trong những nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, một hiệp định thương mại tự do có quy mô khổng lồ. Malaysia và Mỹ cũng đang hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Iraq và Syria.
Các nước thành viên ASEAN khác như Việt Nam, Philippines và Singapore cũng đã xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Ví dụ, Việt Nam và Mỹ cũng đã nâng cấp quan hệ song phương thành "đối tác toàn diện". Theo đó, hai nước không chỉ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và an ninh mà còn hợp tác về văn hóa, du lịch và thể thao...

Tại Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN vừa qua, Washington và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã đưa ra gói kế hoạch “Kết nối Mỹ-ASEAN” nhằm cung cấp kiến thức kỹ thuật cho các nước thành viên khác trong ASEAN như Philippines và Indonesia để giúp các nước này chuẩn bị tham gia TPP. Mỹ cũng sẽ thành lập các trung tâm kinh tế tại Singapore (Singapore), Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) nhằm thúc đẩy sự can dự của Mỹ với khu vực này trong lĩnh vực kinh tế. Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc hay trực tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông, song Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN đã khéo léo kêu gọi (các bên liên quan) kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Những thách thức và cơ hội liên quan đến chiến lược tái cân bằng của Mỹ

Hiện vẫn chưa rõ tổng thống tiếp theo của Mỹ có tiếp tục thực hiện chiến lược tái cân bằng này hay không. Ví dụ, có những lo ngại rằng TPP - vốn là yếu tố quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương - có thể bị xói mòn bởi sự phản đối cũng như các trở ngại trong Quốc hội Mỹ. Một số ứng cử viên tổng thống nổi bật đã chỉ trích TPP, và hiện không ai có thể nói chắc chắn rằng tổng thống Mỹ tiếp theo có tiếp tục can dự với ASEAN hay không.

Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng nước Mỹ thời kỳ hậu Obama sẽ từ bỏ chiến lược tái cân bằng. Tuy nhiên, có một thực tế là Washington khó có thể phớt lờ các vấn đề kinh tế và an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Châu Á-Thái Bình Dương có một vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế toàn cầu, và cùng với sự ra đời của TPP, vai trò đó của khu vực sẽ càng được nâng cao. Ngoài ra, TPP cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Mỹ. Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập hồi cuối năm 2015 cũng sẽ mang lại các cơ hội kinh doanh tiềm năng và sinh lợi cho các công ty và doanh nghiệp Mỹ.

Trong bối cảnh IS trở thành mối đe dọa ngày một lớn ở Đông Nam Á, việc Mỹ hợp tác với ASEAN để đối phó với sự xâm nhập của IS vào khu vực cũng sẽ mang lại lợi ích cho chính nước Mỹ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của giới truyền thông trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN, Tổng thống Obama đã ca ngợi Malaysia, Brunei và Indonesia là các quốc gia tiêu biểu cho “Hồi giáo ôn hòa nhất” trong ASEAN, những nước mà Mỹ muốn cùng hợp tác để đẩy lùi mối đe dọa từ IS. Các tranh chấp tại Biển Đông sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của Mỹ, trong bối cảnh tự do hàng hải và an ninh giao thương ở Biển Đông là yếu tố sống còn đối với thương mại, điều có tính quyết định đối với sự thịnh vượng kinh tế cho cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ. Vì vậy, chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào các vấn đề liên quan đến hàng hải tại khu vực Đông Nam Á.

Tác động của Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN

Hội nghị Cấp cao Mỹ-ASEAN cho thấy cam kết của Washington đối với khu vực Đông Nam Á không còn chỉ hạn chế trong các vấn đề an ninh truyền thống. Thông qua "sức mạnh mềm", Mỹ ngày càng tăng cường can dự với ASEAN trong các vấn đề kinh tế cũng như an ninh phi truyền thống. Hội nghị này có thể đặt tiền đề cho các tổng thống tương lai của Mỹ tổ chức các cuộc họp tương tự và thể chế cơ chế này. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama có thể cũng muốn truyền thông điệp cho tổng thống kế tiếp rằng: Mỹ nên duy trì chiến lược tái cân bằng.

Một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Obama đã bắt đầu đánh giá cao chủ nghĩa đa phương kiểu ASEAN. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi mà chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama tập trung vào hợp tác đa phương theo các tiêu chí quốc tế. Tuy nhiên, điều này có thể không diễn ra trong chính quyền kế tiếp ở Mỹ.

Để giúp duy trì sự chú ý của Mỹ đối với Đông Nam Á, các nước ASEAN cần tích cực hợp tác với Mỹ vì những lợi ích chung. Trên thực tế, chỉ có cùng chia sẻ mục tiêu chung - đó là tất cả vì sự thịnh vượng - mới giúp duy trì chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ trong tương lai gần.

Tác giả David Han là nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Malaysia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên trang “Eurasia review” (Ngày 2/3).

Vũ Hiền (gt)