Theo nhận thức ở cả hai phía, sự lạnh nhạt gần đây trong các mối quan hệ Đông-Tây có một “nạn nhân” nổi bật: mối quan hệ đặc biệt giữa Đức và Nga, mối quan hệ đã phát triển kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và trong nhiều khía cạnh, mối quan hệ đó thậm chí còn bắt đầu sớm hơn. Được nhìn nhận theo quan điểm của Moskva, có vẻ như Đức đã trở thành một phần không thể thiếu trong một mặt trận phương Tây thống nhất hay thậm chí còn tệ hơn, Đức đã đảm nhận vai trò hàng đầu trong sự hình thành lập trường chống Nga của mặt trận phương Tây thống nhất này. Theo nhận thức này, sự kết hợp giữa các nguyên tắc đạo đức và những lợi ích địa chiến lược đã thay thế cho chủ nghĩa thực dụng vốn thắng thế trong chính sách Ostpolitik (bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô) của Đức suốt nhiều thập kỷ qua.
Quan sát này không phải là hoàn toàn vô căn cứ khi phương Tây quả thực thể hiện sự thống nhất trong cuộc đối đầu hiện nay của họ với Nga. Và trên thực tế, Đức có vai trò trong việc này. Tuy nhiên, điều đó không phản ánh những lý do đã được nói rõ ở trên, cũng không đánh dấu một sự chuyển hướng khỏi những niềm tin chắc chắn có từ lâu đời mà đã dẫn dắt chính sách đối ngoại của Đức nói chung và chính sách của nước này với Nga nói riêng.

Những đặc điểm của chính sách đối ngoại Đức

Gần như không có “bộ đôi” nhà nước nào lại trái ngược nhau như Đức và Nga. Và thực tế đó vượt xa hơn hẳn so với hai nhân vật Oblomov và Stolz (trong cuốn tiểu thuyết Oblomov của nhà văn Nga Ivan Goncharov). Trong bối cảnh trái ngược nhau như vậy, điều khá bất ngờ là hai nhà nước này lại phát triển mối quan hệ thân thiết nhất trong sự chia rẽ Đông-Tây trước đây ở châu Âu. Ngược lại, điều có lẽ tỏ ra ít đáng ngạc nhiên hơn là mối quan hệ này đã trở nên bị đe dọa trong một tình huống mà trong đó những sự khác biệt căn bản của hai nước đang trở nên phổ biến và rõ rệt hơn nhiều.

Hãy nhớ lại nhận xét của Angela Merkel, vào lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine hồi tháng 3/2014, rằng Vladimir Putin đang sống trong “một thế giới khác”. Theo quan điểm của người Đức, bình luận này thật dễ hiểu; tuy nhiên, quan điểm của người Đức nói chung là khác thường hơn rất nhiều so với quan điểm mà Merkel đã đưa ra. Xét từ khía cạnh nào đó, Đức và Nga thể hiện hai quan điểm đối lập trong vô số vấn đề hiện đại mà phần lớn các đồng minh phương Tây của Đức được đặt đâu đó ở giữa. Nga được cho là thiên về thái cực lợi ích quốc gia, gắn chặt lấy chủ quyền nhà nước và cán cân quyền lực – “thành tựu lớn nhất của nhân loại”, như Vladimir Putin từng “khoe khoang” trong một buổi trả lời phỏng vấn với Al-Jazeera vào tháng 2/2007. Ngược lại, Đức được coi là hậu hiện đại, phụ thuộc vào sự tương hỗ trong việc giám sát, sự công khai và khả năng dễ tổn thương, cũng như vào sự minh bạch và phụ thuộc lẫn nhau.

Hai mô hình này đã được sử dụng để miêu tả những nét đặc trưng cho tầm nhìn và vai trò quốc tế của Đức: “sức mạnh dân sự (Hanns W. Maull) và “nhà nước thương mại” (Richard Rosecrance). Cả hai đều có liên hệ mật thiết tới việc đầu hàng vô điều kiện và sự hủy hoại về đạo đức năm 1945 cũng như tới Chiến tranh Lạnh, thứ đã tạo điều kiện thuận lợi cho một sự phục hồi dần dần bên trong khuôn khổ của chủ nghĩa đa phương phương Tây và cho phép Đức quay lưng lại với phương Đông, điều mà như Peter Bender, một nhà báo kiêm nhà sử học hàng đầu của Đức, đã nói, mãi cho đến khi có chính sách xoa dịu vào những năm 1970 thì mới tạo nên “một sự cứu giúp vĩ đại”. “Sức mạnh dân sự” và “nhà nước thương mại” củng cố lẫn nhau tới một chừng mức mà cái đầu tiên được đặt cơ sở dựa trên sự chú trọng vào các biện pháp phi quân sự, chủ yếu về mặt kinh tế nhằm đảm bảo các mục tiêu quốc gia, cũng như việc giải quyết xung đột dân sự và chủ nghĩa đa phương, trong khi cái thứ hai “cam kết đem lại một hệ thống thương mại toàn thế giới và những thứ đi kèm với nó, khát khao rằng những mối quan hệ quốc tế phản ánh những ý tưởng của các thương nhân chứ không phải của các chiến binh”, như Richard Rosecrance từng nói. Do đó, trao đổi kinh tế và những tính toán có tổng lợi ích là số dương (tất cả các bên đều có lợi) chứ không phải việc bố trí quân đội và các tính toán có tổng bằng không là dấu ấn của Đức, cũng nhiều như sự phụ thuộc của nước này vào hành vi dựa trên nguyên tắc và sự sẵn sàng phát triển các cấu trúc siêu quốc gia.
Các mục tiêu cơ bản này đã được thể hiện rõ nhất trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu, liên minh về bề ngoài được cho là để trở thành điều gì đó gần giống như một “khu vườn kiểu Pháp”, nhưng trên thực tế lại giống hình ảnh của Đức nhiều hơn, nước đã thắng thế sau lưng “người sáng lập” và không gây ra nhiều sự phiền phức dân tộc về điều này. Trong tiến trình này, bản sắc của Đức đã tiến triển thành cái gì đó mang tính châu Âu và siêu quốc gia mà không còn có thể được nắm bắt một cách đầy đủ khi chỉ tập trung vào Đức với tư cách là một đơn vị quốc gia khác biệt.

Điều này không phải để nói rằng Đức không có lợi ích của riêng mình – mặc dù cần có chút thời gian và sự thống nhất của Đức để thừa nhận điều này một cách công khai. Tuy nhiên, điều kỳ vọng (hay phương thuốc) rằng sự thống nhất này sẽ dẫn tới một vai trò cường quốc lớn quyết đoán hơn theo hướng “Cường quốc trung tâm của châu Âu” tái nổi lên, như người viết tiểu sử nổi tiếng của Konrad Adenauer, Hans-Peter Schwarz, từng khoe khoang một cách bướng bỉnh, đã không trở thành hiện thực. Kể từ sau khi thống nhất, sự bàn luận về việc đảm nhận một “vai trò lớn hơn” đã là một chủ đề trở đi trở lại. Tuy nhiên, khái niệm “trách nhiệm” lại khác nhau về nội dung, thay đổi từ việc quan tâm đặc biệt tới các nước láng giềng của Đức về phía Đông cho tới việc thể hiện khả năng sẵn sàng can dự quân sự nếu các chiến dịch thực thi hòa bình đa phương kêu gọi Đức làm vậy. Nội dung thứ hai mới đây nhất ngụ ý một sự chuyển hướng khỏi nguyên tắc đã được ghi rõ là không bán vũ khí cho các khu vực căng thẳng. Tuy nhiên, việc cung cấp cho lực lượng dân quân người Kurd trong cuộc chiến của họ chống lại “Nhà nước Hồi giáo” không chỉ nhắm mục tiêu trực tiếp vào những căng thẳng như vậy, mà còn ngụ ý sự hỗ trợ quân sự cho các đơn vị của chính phủ (điều chỉ trở nên khả thi bằng việc miêu tả các chiến binh IS là “không phải con người”). Nhưng đồng thời ở đây, điều vẫn hoàn toàn rõ ràng là khi không có sự tham vấn và hợp tác đa phương thì Đức sẽ không bao giờ sử dụng các biện pháp quân sự.

Các chế độ đa phương hoạt động đúng chức năng, cùng với sự tôn trọng các quy trình pháp lý và lợi ích kinh tế là những lợi ích quan trọng đã biến Đức thành một cỗ máy xuất khẩu toàn cầu có quy mô độc nhất. Nhưng trái ngược với niềm tin phổ biến, ở nhiều thủ đô trên khắp thế giới, sự phát triển này đã không tạo ra những tham vọng chính trị xuất hiện đồng thời, chứ chưa nói đến một địa chiến lược toàn cầu. Lý do cho điều đó là khá đơn giản: phản ứng trước những đòi hỏi về các thị trường nước ngoài và không lùi bước trước sự cạnh tranh khắc nghiệt là không thể tưởng tượng được nếu không có sự linh hoạt và điều chỉnh liên tục để thích nghi với những điều kiện do bên ngoài gây ra. Nhưng thái độ như vậy cũng có mặt trái: tập trung vào tăng cường xuất khẩu ra nước ngoài mà gây bất lợi cho tiêu chuẩn sống ngày càng tăng ở trong nước sẽ khiến cho nhiều nước trong số các đối tác của nó, đặc biệt là ở Liên minh châu Âu, thiếu thốn. Trong khi cán cân thương mại chủ động của Đức trước đây được bù đắp bởi sự gia tăng liên tục trong tỷ giá hối đoái của đồng Mark Đức, thì liên minh đồng euro gây áp lực mang tính thích ứng đối với các đối tác thương mại bị mắc nợ của Đức với ý định cạnh tranh với mô hình của Đức, mô hình rõ ràng là sẽ gây ra một cú sốc văn hóa, đặc biệt là ở Nam Âu. Việc xử lý cuộc khủng hoảng là thách thức lớn nhất mà Đức đã và đang phải đối mặt kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đồng euro khi nó tấn công vào chính sự tự nhận thức của Đức. Và thách thức này chẳng bao giờ kết thúc. Do đó việc xử lý cuộc khủng hoảng của Ngân hàng trung ương châu Âu chí ít cũng gây tranh cãi ở Berlin giống như việc xử lý cuộc khủng hoảng của Ngân hàng trung ương Nga ở Moskva.

Những nguyên tắc đạo đức và cách mà chúng được theo đuổi là kết quả tự nhiên của sự tự nhận thức này và những lợi ích đi kèm với nó. Trong khi lòng nhiệt huyết mang tính “truyền giáo” của Mỹ thường dẫn tới các cuộc xung đột giữa những giá trị dân chủ và các lợi ích quốc gia, và dẫn tới những sự thỏa hiệp gây lo lắng (bao gồm cả những tiêu chuẩn kép rõ ràng), thì Đức có khuynh hướng kết hợp cả hai, hình thành khái niệm dân chủ hóa như là một tiến trình dần dần mà tốt nhất là có liên quan đến càng nhiều các bên tham gia từ giới tinh hoa chính trị và xã hội dân sự càng tốt. Du nhập dân chủ từ nước ngoài hoặc thúc đẩy “những bước đột phá dân chủ” vốn đã xa lạ với chính sự hiểu biết này. Khái niệm “các mối quan hệ đối tác hiện đại hóa”, được Ngoại trưởng Steinmeier đưa ra vào năm 2008, là một ví dụ hoàn hảo về những cách tiếp cận toàn diện như vậy khi nó lấy các lợi ích kinh tế của Đức và Nga làm khởi điểm và kết hợp chúng với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi dần dần.

Hơn nữa, việc thúc đẩy pháp trị, do bản chất là hợp tác với các chế độ có liên quan, ít nhất là đáp ứng được, nếu không nói là nền tảng cho sự thúc đẩy các tiến trình dân chủ. Lôgích này được kết nối chặt chẽ với vai trò đặc biệt của nhà nước trong nhận thức Đức. Ở Đức, điều mà các nhà thống kê người Nga mơ tới đã trở thành hiện thực: sự trung thành hoàn toàn và tự nguyện đối với nhà nước. Thái độ này đã trở thành điều gì đó như một bản chất thứ hai đối với công dân Đức, cấu thành nên một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, và phản ánh chuỗi liên kết rõ ràng giữa pháp trị và trách nhiệm dân chủ từng tồn tại ở Đức trong thế kỷ 19. Từ đó dẫn tới sự nhấn mạnh vào đối thoại toàn diện và cụ thể hơn là về đối thoại về pháp trị với tư cách là các khối hợp thành trong việc thúc đẩy dân chủ Đức, và một sự chú trọng mạnh mẽ không kém vào hành vi dựa trên quy tắc (với không nhiều không gian cho đàm phán). Điều này cũng ám chỉ rằng ở Đức, trái ngược với Nga, lòng trung thành với nhà nước không đòi hỏi nhiều hành động mang tính hình thức.

Tuy nhiên, các khối hợp thành của sức mạnh dân sự không bao giờ không có những mâu thuẫn cố hữu, mà theo thời gian sẽ trở nên đáng chú ý. Việc Đức một mặt tham gia các cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ và Afghanistan, mặt khác lại từ chối trong trường hợp cuộc chiến tranh Iraq đã thể hiện rõ nguyên tắc trung thành đa phương đối với các đồng minh và nguyên tắc xử lý khủng hoảng dân sự có thể xung đột với nhau tới mức cần có những quyết định không mấy dễ chịu. Tới lúc đó sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và chẳng hạn như trong trường hợp cuộc chiến Kosovo, việc đó chỉ trở nên khả thi bằng cách khơi dậy những kí ức không thể cưỡng lại như trách nhiệm nhân đạo của Đức trước sự tàn bạo được cho là theo kiểu trại tập trung Auschwitz (trong khi trong trường hợp của Afghanistan nó lôi kéo Mỹ vào một tiến trình xây dựng quốc gia không lường trước được từ đầu – và trên thực tế không được hoan nghênh và sau cùng là hoàn toàn vô ích).

Mặt trái của thái độ cơ bản này của Đức là đôi khi nó tỏ ra mờ nhạt, quá rập khuôn và quan liêu, đối lập hoàn toàn với sở thích của Nga về những kế hoạch lớn và những hành động anh hùng. Nhưng cũng có mặt tích cực mà trong một thời gian khá dài đã tỏ ra là tài sản có giá trị trong việc được cho là quản lý cuộc khủng hoảng ở tại và xung quanh Ukraine: mặc dù thiếu tính linh hoạt nhưng thái độ kì lạ này của Đức đã cho thấy sự kiên nhẫn và sự sẵn sàng đối thoại mà nếu thiếu nó, việc liên lạc hẳn đã hoàn toàn chấm dứt. Một cách tình cờ, điều này chẳng khác gì một vai trò dẫn đầu dành cho Đức, nhưng trong khi không có bất cứ sự nhân nhượng lẫn nhau đáng chú ý nào thì ngay cả điều này dường như đã thuận theo lẽ tự nhiên. Và điều này đề cập tới yếu tố tương tác trong cuộc đối đầu hiện tại mà chúng ta không nên lơ là.

Cuộc khủng hoảng Ukraine: đối chiếu những lăng kính của Đức và Nga

Những thực tế dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại đã được biết đến rất rõ và không cần phải nhắc lại. Nhưng cách giải thích chúng lại vô cùng khác nhau và điều này đã dẫn tới những câu chuyện kể cạnh tranh nhau – gần giống như là những câu chuyện thần thoại – mà chỉ được dùng để làm sâu sắc thêm sự chia rẽ không được thừa nhận. Điều này thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn dưới nhận xét xác đáng của Tổng biên tập tờ “Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu” Fyodor Lukyanov rằng “tính nhỏ mọn của những căn nguyên ban đầu” gần như là nực cười khi xét đến các hậu quả không tránh khỏi trên quy mô lớn. Tuy nhiên, điều này cho thấy những vấn đề cơ bản đang bị đe dọa. Theo cách hiểu của tác giả, về cơ bản đó là những vấn đề sau:

Theo quan điểm của Nga, chính sách của phương Tây với Ukraine cho thấy một bước đệm khác và cuối cùng là có tính đe dọa lớn nhất trong việc xâm phạm Nga lâu dài nhằm mục đích gạt nước này sang bên lề, hay thậm chí tồi tệ hơn là kiểm soát, ngăn không cho nước này một lần nữa thực hiện được Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Theo quan điểm của Đức, không có nhiều nền tảng chung với một nước Nga mà chế độ của nước này đã trở nên độc đoán hơn bao giờ hết và chính sách đối ngoại của nước này được nhìn nhận là sự tiếp nối trực tiếp có khuynh hướng làm đảo lộn các chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập và đưa ra những tính toán có tổng bằng không dựa trên sức mạnh như là sự phổ biến có liên quan duy nhất trong các mối quan hệ quốc tế.

Hẳn nhiên là có sự khác biệt về những chủ đề này ở cả hai phía, nhưng điều rõ ràng là không phải chỉ trong các lối giải thích cực đoan thì những câu chuyện kể này mới không có chỗ dành cho hiểu biết chung và những sự thỏa hiệp – và đôi khi người ta có thể có ấn tượng rằng đây chính là mục đích của chúng. Đối với các đại diện chính thức, chẳng có gì ngạc nhiên khi cả bên phía đang tìm cách hợp lý hóa cuộc đối đầu mà không phải chịu trách nhiệm; trách nhiệm được quy rõ ràng cho đối phương hoàn toàn tách rời khỏi bản chất tác động qua lại của các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng có xu hướng chi phối những sự luận bàn chính trị ở mỗi bên. Và điều này có những tác động bất lợi: nó gây cản trở cho tư duy nhìn xa trông rộng, và nó che khuất bất kỳ tính toán hợp lý nào về phí tổn và lợi ích.

Một ví dụ như vậy là việc chỉ trích Đức, điều gần đây đã trở nên phổ biến ở Moskva. Theo lập luận này, Đức đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine làm cái cớ để củng cố vị thế hàng đầu của mình bên trong và nhân danh Liên minh châu Âu (EU). Họ bị cáo buộc hướng tới một châu Âu thuần châu Âu không phụ thuộc vào Mỹ (tuy nhiên Mỹ thường bất ngờ xuất hiện như là “kẻ chủ mưu” cuối cùng) và đối đầu với Moskva, mà phạm vi ảnh hưởng của nó đang bị thách thức. Hiểu tình huống đó theo cách này, Đức đang từ bỏ cả lựa chọn Đại Tây Dương truyền thống của mình dưới sự giám hộ của Mỹ lẫn lựa chọn Á-Âu, không biết vì lẽ gì đã “chết yểu”, đó là việc mạo hiểm hợp tác với Nga. Nước này bị cho là đang lợi dụng vị thế lãnh đạo mà mình đảm đương bên trong EU trong khi xử lý cuộc khủng hoảng vì những lợi ích địa chiến lược không thể trông thấy trước đây. Theo quan điểm này, một nước Đức mới dường như đã được sinh ra. Tuy nhiên, một nước Đức mới hay một nước Đức quyết đoán hơn đều không tồn tại. Lập luận trên đây rõ ràng bỏ qua quan điểm này.

Đúng là chúng ta đang chứng kiến sự hợp nhất của các khối, nhưng đây chắc chắn là sản phẩm phụ của sự chia rẽ Đông-Tây sâu sắc mà trong đó những ai cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất sẽ chi phối cuộc luận bàn dựa trên sự đối đầu như là một phương tiện không thể thiếu được cho việc trấn an và tự vệ. Nhưng hiện tượng này không thể hiện sự luận bàn của Đức về Nga, điều hoàn toàn không thống nhất mà còn vô cùng chia rẽ; đó cũng không phải là chính sách chính thức của Đức theo đuổi một chiến lược kép ngay từ lúc bắt đầu: các tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng, đôi khi được xác định rõ là “những giới hạn đỏ”, được bổ sung thêm bởi những lời đề nghị thay đổi chiều sâu và chất lượng hướng tới các cách thoát khỏi tình trạng bế tắc. Việc ngăn chặn một sự chia rẽ mới của châu Âu đã là yếu tố căn bản của Đức trong suốt thời gian đó – thời điểm khi mà phần lớn các đồng minh của Đức cùng lắm thì mường tượng ra việc quản lý tình trạng chia rẽ mới.

Tuyên bố về sự quyết đoán mới xuất hiện của Đức sẽ gộp, một cách sai lầm, các yếu tố dưới đây thành một thể cố kết và mang tính quyết định, mặc dù trên thực tế chúng không có gì liên quan: ảnh hưởng kinh tế và vai trò quốc tế chủ động của Đức (ít nhất là khi so sánh với chính phủ trước đây và Ngoại trưởng Đức Westerwelle thiếu năng lực), cuộc khủng hoảng nhiều mặt bên trong EU, chủ nghĩa bài Mỹ còn rơi rớt lại ở Đức xuất hiện sau vụ bê bối của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), và cuối cùng là sự “phỉ báng” Nga trong dư luận Đức vốn đã gia tăng kể từ sau khi Putin quay trở lại làm tổng thống (nhưng phải thừa nhận là bắt đầu ở mức vốn đã cao). Tìm cách hiểu được chính sách Đức theo cách như vậy tuân theo lôgích bắt nguồn từ thế giới quan mà, trong trường hợp của Nga, về cơ bản khác với người Đức, đặt chủ nghĩa hiện thực đối lập với chủ nghĩa quốc tế tự do như đã nêu ra ở trên.

Hơn nữa, điều đó diễn giải sai các lợi ích cốt lõi của Đức, những lợi ích vẫn đang nằm bên trong EU và không vượt ra ngoài. Ở đây, Đức phải đối mặt với một loạt vấn đề chưa kết thúc hoặc các lựa chọn gây lo lắng. Một sự chú trọng như vậy không khích lệ mà đúng hơn là giảm bớt xu thế tiến hành những hành động phiêu lưu ở nước ngoài. Và điều đó củng cố thiên hướng của Đức ra quyết định đồng thuận bằng cách kiên quyết cùng nhau giữ các lực ly tâm bên trong EU (và đạt được chút ít sự đồng thuận của Mỹ).

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga nói riêng một lần nữa đã đe dọa Đức với các mục tiêu mâu thuẫn mà nước này thường tìm cách né tránh càng nhiều càng tốt và càng lâu càng tốt. Lần này, họ phải chọn giữa các lợi ích kinh tế của nhà nước thương mại và chủ nghĩa đa phương với việc quản lý khủng hoảng dựa trên nguyên tắc của sức mạnh dân sự. Lựa chọn này không phải là giữa các lợi ích kinh tế và địa chiến lược, vì bất kể cái gì được coi là địa chiến lược trong sự tự nhận thức của Đức đều dựa trên sự trao đổi về kinh tế như là biện pháp ảnh hưởng (hợp tác) quan trọng. Thay vào đó, nó là sự lựa chọn giữa các lợi ích ngắn hạn và dài hạn, những lợi ích kinh tế trước mắt đảm bảo và bảo vệ các nền tảng pháp lý, điều mà cuối cùng sẽ đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế của nước này. Các nhân tố của một chiến lược kép nhằm quản lý cuộc khủng hoảng biểu thị những nỗ lực lâu dài trong việc rút ngắn khoảng cách giữa hai bên.

Thoát ra khỏi tình trạng bế tắc

Như đã đề cập ở trên, chúng ta hiện đang chứng kiến các lập trường rõ ràng là không thể hòa giải được đặt cạnh nhau trong việc quản lý cuộc khủng hoảng Ukraine và, vượt ra ngoài điều đó, trong việc tìm kiếm một sự cân bằng mới trong các mối quan hệ chung. Điều này càng kéo dài thì sự bất hòa và tình trạng thù địch đối với bên còn lại sẽ ngày một nhiều hơn. Cả cuộc khủng hoảng Ukraine lẫn cục diện lớn hơn đều phụ thuộc lẫn nhau. Bị che khuất bởi “tính nhỏ mọn của những căn nguyên ban đầu” ở Ukraine, sự liên kết này cho đến nay đã trở nên rõ ràng. Điều này ngụ ý rằng cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc định hình bất kỳ trật tự mới nào ở lục địa châu Âu, điều mà đến lượt nó có nghĩa rằng sẽ không có giải pháp duy nhất nào đối với cuộc khủng hoảng Ukraine mà không đếm xỉa đến những ảnh hưởng rộng lớn hơn.

Về cơ bản, cả hai bên đều phải chấp nhận những sự thật được cho là không mấy dễ chịu. Đức không có câu trả lời cuối cùng nào cho câu hỏi làm thế nào để ứng phó với thực tế rằng các giá trị có lẽ là phổ biến của họ không được chấp nhận một cách rộng rãi, rằng có những chế độ chính trị mâu thuẫn với các giá trị và các mô hình của phương Tây mà không thể phớt lờ cũng không thể coi nhẹ, đặc biệt là khi chúng chịu ảnh hưởng – và sức hấp dẫn về mặt kinh tế - của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trái lại, Nga không có câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi làm thế nào để đạt được sự công nhận, vấn đề của nước này là vị thế quốc tế của nó không phải được trao cho hay kế thừa, mà là phải tự giành lấy. “Giấc mộng Trung Hoa” dễ được chấp nhận hơn nhiều – và được dựa trên một bản thành tích có tiếng vang về hội nhập toàn cầu – thay vì nuối tiếc sự tan rã của Liên Xô và tầm cỡ quốc tế của nó hay xây dựng chính sách phương Tây hiện tại như là một sự tiếp nối trực tiếp của việc kiềm chế bài Xôviết. Điều này không chỉ gợi lại “thời kỳ lãng mạn” năm 1992 theo cách đảo ngược lại, mà còn đem đến nguy cơ lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

Về phần Đức, việc nhận ra sự đa dạng đòi hỏi phải khôi phục lại chính sách hòa hoãn từng thịnh hành một thời, chính sách dựa trên việc nối lại quan hệ hữu nghị về chính trị, sự tương tác đa lớp và các chiến lược thay đổi dần dần trong dài hạn. Về phần Nga, việc nhận ra các điều kiện tiên quyết để đạt được vị thế quốc tế đòi hỏi phải đặt ra thứ tự ưu tiên đúng đắn và quay trở lại khởi điểm của Vladimir Putin khi đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2000 có nghĩa trước hết và trên hết là việc hiện đại hóa toàn diện nền kinh tế, nhà nước, xã hội và mối quan hệ đặc biệt giữa chúng.

Sự thừa nhận như vậy có thể được thể hiện ra thành việc thay đổi thái độ với những ảnh hưởng thực tiễn. Áp dụng trong dài hạn, việc tính toán phí tổn và lợi ích một cách cẩn thận hơn và giảm bớt sự khắc nghiệt về ý thức hệ không chỉ đồng nghĩa với việc để mặc cho hai phía tự giải quyết mà còn đưa một biện pháp hợp lý vào quản lý xung đột ở Ukraine. Và một sự xem xét hợp lý tình huống này cho thấy bản chất không bền vững và do đó là nhất thời của tình huống này trên thực địa mà trong đó tự nó chứa đựng phí tổn và rủi ro lớn.

Bên trong biên giới hiện tại của mình, các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng không có triển vọng tồn tại. Bị biến thành các thực thể cùng cực bị quốc tế cô lập khác, những nước này làm kiệt quệ nguồn tài nguyên của Nga và tầm quan trọng địa chiến lược của chúng đối với Nga không vượt quá công cụ có sẵn để dồn Kiev vào chân tường. Tuy nhiên, công cụ này là một con dao hai lưỡi, vì trong thời gian hiện nay nó khiến cho các mối quan hệ bình thường giữa Kiev và Moskva trở thành sự ảo tưởng và giúp củng cố xã hội Ukraine xung quanh tinh thần bài Nga. Chỉ khi có một sự thỏa thuận lớn trên cơ sở ba bên gồm có Kiev, Moskva và Brussels (và không nhất thiết phải là Washington) thì mới có thể mở được lối thoát. Nó cũng có tác dụng nhằm đảm bảo cho chính sự tồn tại của nhà nước và nền kinh tế của Ukraine, mà phương Tây nói chung không có khả năng và cũng không sẵn sàng gánh vác.

Tóm lại, không có giải pháp đơn phương nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine: Kiev không có năng lực, Brussels không sẵn sàng và dễ dàng bị Moskva phong tỏa, và Moskva có khả năng sẽ sẵn sàng, nhưng trên thực tế bị Kiev phong tỏa. Nói cách khác, có sự không tương xứng về ý định và sự phong tỏa lẫn nhau và điều đó đòi hỏi phải có một giải pháp phối hợp và do đó là một giải pháp quốc tế. Càng sớm thừa nhận điều này thì càng có lợi.

Tình trạng bế tắc này rõ ràng bác bỏ một giải pháp nội bộ giữa Kiev và Donetsk cùng với Lugansk mà Moskva vẫn đang kêu gọi. Điều tương tự cũng tác động tới khuôn khổ Minsk mà chỉ có tác dụng kết nối liên lạc và tình huống bên trong các khu vực ly khai, nhưng không vượt xa hơn và không tác động tới Ukarine nói chung. Và thậm chí ở đây những giới hạn là rõ ràng, điều đã dẫn tới những lời kêu gọi khá chính đáng phải có một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế với sứ mệnh mạnh mẽ mà hẳn phải do Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ quyết định.

Để cuộc khủng hoảng Ukraine không gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực hơn nữa trong các mối quan hệ chung, và với tư cách là một phương tiện né tránh những sự phong tỏa có thể có, việc bước vào những sân chơi mới cũng có thể giúp ích. Gợi ý của Ngoại trưởng Đức Steinmeier thiết lập các liên lạc chính thức giữa Liên minh châu Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu là một động thái như vậy. Được Ngoại trưởng Nga Lavrov chính thức hoan nghênh, đó chắc chắc không phải là chiến thuật “nham hiểm” khác của Đức nhằm mở rộng quyền ảnh hưởng của nước này vào trong sân sau của Nga như các học giả Nga đã nói bóng gió. Thay vào đó nó thể hiện rằng Đức sẽ không trở thành đối thủ chính của Nga ở châu Âu mà vẫn sẽ là bên đối thoại chính của nước này ở lục địa – và Moskva thận trọng tận dụng điều đó./.

Theo “Global affairs” (ngày 19/3)

Anh Thư (gt)