Năm 2014, mối quan hệ của Đức với Nga có sự suy giảm rõ rệt. Không hề đột ngột, sự suy giảm mối quan hệ này diễn ra nhanh chóng. Nó khởi đầu ngay trước khi Crimea sáp nhập vào Nga tháng 3/2014, sau đó Nga khẳng định sự ủng hộ tích cực với phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine và tiến hành can thiệp quân sự một cách bí mật. Những diễn biến tình hình này đóng vai trò chính đối với cơ cấu chính trị và an ninh ở châu Âu và xa hơn thế. Suốt giai đoạn 1991-2005 (từ sự sụp đổ của Liên Xô đến hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Đức Gerhard Schröder - 1998-2005), Đức là một đối tác ưu tiên của Nga ở châu Âu. Berlin đã duy trì mối quan hệ đặc biệt với Moskva, được gọi chính thức là “quan hệ đối tác chiến lược”. Điều này cũng được thể hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu đại liên minh từ năm 2005 đến 2009, tập hợp Đảng Bảo thủ (Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo, CDU/CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Frank-Walter Steinmeier, khi còn là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao, đã phát biểu rằng SPD từng ủng hộ phát triển các mối quan hệ của Đức với Liên Xô: do đó, nguyên tắc “thay đổi bằng cách xích lại gần” được cấu trúc lại để trở thành “xích lại gần bằng mối quan hệ quện chặt”. Sự can thiệp quân sự của Nga ở Gruzia và việc Kremlin công nhận nền độc lập của Nam Osetia và Abkhazia vào tháng 8/2008 cũng không làm thay đổi thái độ của Berlin đối với Moskva. Đức không những đã nhanh chóng ưu tiên trở lại mối quan hệ bình thường, mà còn tìm cách tạo dựng nền tảng cho “mối quan hệ đặc biệt” với Nga thông qua việc thiết lập “mối quan hệ đối tác vì sự hiện đại hóa”.

Xem những báo cáo riêng về mối quan hệ hai nước duy trì đến thời gian gần đây, một câu hỏi đặt ra là: phải chăng không có tác động gì nhiều đến mối quan hệ Đức-Nga trong cuộc khủng hoảng hiện nay, một ảnh hưởng nhất thời rồi cũng sẽ sớm trở lại quan hệ bình thường (dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và ưu tiên các lợi ích kinh tế trong khuôn khổ mối quan hệ song phương)? Hay ngược lại chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi mô hình thực sự trên mọi phương diện của đời sống chính trị và có nguy cơ kéo dài?

Chúng ta sẽ tìm cách giải đáp những câu hỏi này theo 4 bước. Trước tiên sẽ là việc phán đoán ban đầu xuất phát từ nhiều đề nghị hay luận điểm. Tiếp đến, chúng ta sẽ xem xét những thay đổi về nhận thức đã diễn ra ở Đức. Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu đến các bài học mà Chính phủ Đức đã rút ra từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ về cách xử sự chính trị. Sau cùng, chúng ta sẽ đề xuất nhiều hướng nghiên cứu về diễn tiến của mối quan hệ Đức-Nga trong ngắn hạn và trung hạn.

Các đề xuất ban đầu

Chính sách đối với Nga hiện do Chính phủ Đức tiến hành (chính phủ do đại liên minh nắm quyền, bao gồm CDU/CSU và SPD) đã có những thay đổi đáng chú ý, nếu không nói đó là một sự chuyển đổi căn bản. Khuynh hướng mới này có thể sẽ được khẳng định trong tương lai gần, và khó có thể sớm trở lại nguyên trạng như trước đây. Từ quan điểm này, có thể tiến tới nhận thức rằng cuộc khủng hoảng của mối quan hệ Đức-Nga hiện tại là một sự đảo lộn sâu sắc thậm chí liên quan đến sự thay đổi mô hình hơn là việc tạm xa rời những nhận thức và chính sách trước đây. Lập luận này dựa trên một số yếu tố sau:

- Thứ nhất, các chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, từng có biểu hiện độc đoán trong những năm cầm quyền của bộ đôi Dmitry Medvedev trên cương vị tổng thống và Vladimir Putin trên cương vị thủ tướng, đã được định hình lại một cách căn bản kể từ khi Putin trở lại Điện Kremlin cho nhiệm kỳ thứ ba;

- Thứ hai, các thành viên Đảng Xanh đấu tranh không ngừng ủng hộ sự cứng rắn trong chính sách của Chính phủ Đức đối với Nga. Lập trường này lặp lại hoàn toàn chiến lược về đối ngoại của Đảng Xanh, đặc biệt do Joschka Fischer dẫn dắt khi ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (giai đoạn 1998-2005) trong Chính quyền Schröder;

- Thứ ba, Chính sách Hướng Đông của SPD và quan điểm tiếp cận của đảng này về Nga đã được xem lại từng phần trong nội bộ đảng. Niềm tin vào việc thực hiện một mạng lưới rộng rãi những cuộc tiếp xúc và trao đổi, kết hợp với việc tăng cường trao đổi thương mại và kinh tế, dẫn tới sự ra đời của một tầng lớp trung lưu rộng rãi, đến lượt họ sẽ thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ, dĩ nhiên không hoàn toàn bị bỏ rơi, song SPD hiện ít ảo tưởng về xu hướng hiện tại trong chính sách đối ngoại và đối nội của Nga;

- Thứ tư, không có những bất đồng lớn về nhận thức giữa hai đối tác chính trong liên minh. Một số khác biệt còn hiện hữu về cách triển khai của Đức trong chính sách đối với Nga, Thủ tướng Đức Merkel có thái độ cứng rắn hơn, trong khi Ngoại trưởng Steinmeier luôn ưu tiên cách tiếp cận thân thiện hơn đối với Nga và thiên về giải pháp thỏa hiệp. Tuy các bất đồng này không có tác động nhiều đến việc triển khai trên thực tế chính sách của Berlin;

- Thứ năm, sự phụ thuộc của Đức đối với khí đốt của Nga, tầm quan trọng của Nga đối với ngành công nghiệp và thương mại của Đức, và ảnh hưởng của cái gọi là “Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu” của Đức trong việc xây dựng các chính sách của Đức đã bị phóng đại quá mức. Nhìn chung, giới công nghiệp Đức chú trọng ưu tiên cho chính sách về kinh tế; 

- Thứ sáu, có ý kiến rằng công luận Đức luôn có xu hướng “thân Nga”, ủng hộ toàn diện chính sách giảm các biện pháp trừng phạt, là sai lầm. Người dân Đức có nhiều ý kiến chia rẽ và chỉ trích về phía Nga.

Tiến trình nhận thức

Hiệu quả của sự thay đổi định hướng của Vladimir Putin

Việc Berlin không hài lòng về diễn biến chính sách đối nội của Nga và những tác động của nó đối với chính sách của Đức đã hiện rõ vào ngày 9/11/2012. Ngày hôm đó, Quốc hội Đức đã xem xét ba dự luật lần lượt được phe bảo thủ và tự do cầm quyền, Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh, đệ trình. Nếu như dự luật của SPD là ôn hòa nhất và của Đảng Xanh là cấp tiến nhất, thì cả ba văn bản đều diễn tả mối quan ngại sâu sắc trước sự độc đoán ngày càng tăng của Kremlin. Dự luật của CDU/CSU và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã được thông qua (SPD và Đảng cực tả Die Linke bỏ phiếu trắng), cho thấy: Quốc hội Đức bày tỏ sự quan ngại lớn rằng từ khi Vladimir Putin trở lại nắm quyền tối cao.

Trên cơ sở những đánh giá này, nghị quyết đã đề ra 17 kiến nghị mang tính định hướng có thể được Chính phủ Đức thông qua trong các cuộc đàm phán của Đức với Moskva. Vậy nên, Chính phủ Đức đã phê phán Kremlin về sự lựa chọn của nước này trong chính sách đối nội; gây sức ép với Kremlin từ bỏ sự quản lý kỹ trị và theo “trục dọc” về chính trị, kinh tế và xã hội; thúc giục Nga cam kết mối quan hệ đối tác thực sự với Đức, dựa trên việc định nghĩa của Đức về quan niệm hiện đại hóa. Nó lý giải cho Moskva rằng hiện đại hóa không phải chỉ giới hạn trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ (những gì mà Chính phủ Nga muốn), mà còn phải bao gồm “thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, sự tham gia tích cực của công dân vào đời sống chính trị và sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu rộng rãi”. 

Thực vậy, các tác giả của nghị quyết này đã hiểu rõ bản chất của sự thay đổi căn bản trong chính sách do Nga tiến hành, trong đó những tín hiệu đầu tiên đã xuất hiện sớm hơn một năm so với thời điểm phát động vào ngày 3/10/2011 dự án Liên minh Á-Âu khá tốn kém của Tổng thống Putin, sau đó với các cuộc biểu tình rộng khắp phản đối gian lận trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 4/12/2011. Trên bình diện chính sách đối nội, Chính phủ Nga, từng muốn giữ nguyên trạng, đã chuyển theo hướng tự do, dân chủ, cởi mở trong xã hội Nga nhằm phát động một chiến dịch rộng lớn huy động các lực lượng xã hội và kinh tế buộc các lực lượng bảo thủ, chính thống giáo và dân tộc-yêu nước, phục tùng. Trong mối quan hệ với “các nước láng giềng xa lạ”, Kremlin đã tăng cường sự phản đối “các cuộc cách mạng sắc màu” có khả năng nổi lên trong những nước láng giềng của Nga, và khẳng định lại ảnh hưởng cũng như sự kiểm soát của Nga đối với không gian hậu Xôviết với việc sử dụng đồng thời “quyền lực mềm” và “quyền lực cứng”. Sau cùng, về chính sách đối ngoại, Moskva đã đình chỉ sự hợp tác với các đối tác là Mỹ và châu Âu trong khuôn khổ hiện đại hóa nền kinh tế Nga, và quyết định chủ yếu dựa vào những nguồn tài nguyên (trước hết là dầu lửa và khí đốt) và tổ hợp công nghiệp quân sự, vốn đóng vai trò “động lực” hay “đầu tàu” cho sự phát triển kinh tế quốc gia. 

Sự chuyển hướng chính sách này nổi lên trong khoảng thời gian giữa mùa Thu 2011 và mùa Xuân 2012 phần lớn lý giải thông qua thái độ của Kremlin đối với Ukraine, kể cả việc sáp nhập Crimea và can thiệp quân sự ở miền Đông Ukraine. Sự thay đổi đường hướng trong chính sách của Nga không xuất phát từ sự lo ngại về các mối đe dọa bên ngoài như mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông; đó cũng là kết quả từ suy ngẫm theo cách tốt nhất, đối với “hệ thống Putin”, nhằm duy trì quyền lực trong khi tính chính đáng của hệ thống đang bị xói mòn. 

Diễn tiến này đã được ghi nhận trong một báo cáo do một viện nghiên cứu thân SPD thực hiện. Các tác giả viết rằng “trái ngược với công luận rộng rãi, nhất là ở Đức, theo đó thái độ của Nga trước hết là một phản ứng do những năm bị phương Tây chối bỏ, chúng tôi ghi nhận rằng việc giữ khoảng cách của Nga đối với phương Tây là hội chứng của một sự thay đổi chính sách sâu sắc do các nguyên nhân nội tại. Ngay từ thời điểm đó, vấn đề cơ bản ít liên quan đến mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa Moskva, Brussels và Washington, mà là ở những mục tiêu trong chính sách của Nga. 

Tầm quan trọng và sự quyết liệt trong việc thay đổi chính sách do Moskva tiến hành cũng lý giải thái độ phản ứng kịch liệt của Chính phủ Đức, kể cả phía Đảng Dân chủ Xã hội, và cho phép hiểu sự ủng hộ rõ ràng của Đảng Xanh trong các chính sách của chính phủ đối với Nga.

Sự ủng hộ của Đảng Xanh đối với chính sách của chính phủ

Các nhà quan sát bên ngoài có thể ngạc nhiên trước việc Đảng Xanh ở Đức ủng hộ chính sách của chính phủ đối với Moskva. Dù sao, Đảng Xanh có truyền thống phản đối “phe cầm quyền” về các vấn đề chính sách đối nội, và có truyền thống ủng hộ một cách tiếp cận “mềm”, hòa bình, phi quân sự và phi bạo lực đối với các vấn đề quốc tế, vì vậy chống lại việc thông qua các biện pháp “cứng rắn” như các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, đồng thời, đảng luôn nhận thức về mối liên hệ chặt chẽ tồn tại giữa chính sách đối nội và chính sách đối ngoại, và tán thành nguyên tắc “hòa bình dân chủ”, theo đó các nền dân chủ nhìn chung biểu hiện trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng quốc tế của họ, hòa bình hơn các chế độ độc tài. Vấn đề phê phán nghiêm khắc thái độ của Nga và lên án mạnh mẽ sự chuyển hướng của Putin là tương ứng với nguyên tắc này. Hơn nữa, trong cuộc tranh luận diễn ra tại Nghị viện Đức ngày 9/11/2012, chính những người đảng Xanh lại có những phát biểu mạnh mẽ nhất. Một trong những lập luận chính của họ, là do thiếu những giá trị chung với Nga, rằng thật phi lý khi đánh giá “đối tác chiến lược” này. Về “quan hệ đối tác hiện đại hóa”, họ đánh giá trên cơ sở tình trạng hiện tại, rằng Kremlin chỉ có thể được xem như một đối tác tin cậy. Chính xã hội dân sự sẽ giúp những nỗ lực của Đức ủng hộ hiện đại hóa nước Nga. Các thành viên đảng Xanh cũng theo đuổi quan điểm chính trị thực tế. J.Fischer từng là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng trong Chính phủ liên minh SPD-Xanh giai đoạn 1998-2005, phân tích việc Nga sáp nhập Crimea và những tác động của nó đối với các vấn đề quốc tế như sau: “Dưới con mắt của chúng tôi đang diễn ra một sự lật đổ hệ thống nhà nước thời hậu Xôviết ở Đông Âu, trong khu vực Caucacus và Trung Á. Lợi ích của các cường quốc lớn, lôgích của các khu vực ảnh hưởng, các trò chơi chính trị được kế thừa từ thế kỷ 19 đe dọa thay thế các nguyên tắc về quyền tự quyết dân tộc, không xâm phạm các đường biên giới, nhà nước pháp quyền và dân chủ. Cuộc cách mạng này sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc tới châu Âu, và tới mối quan hệ của họ với Nga. Chính cuộc cách mạng này trong tương lai sẽ quyết định các luật chơi, sẽ điều chỉnh đời sống của các nhà nước và các dân tộc trên lục địa châu Âu: liệu đó sẽ là những luật chơi của thế kỷ 19, hay của thế kỷ 21? Những người mạnh mẽ bảo vệ Putin nghĩ rằng họ có thể thích ứng với tiến trình này vốn không góp phần vào hòa bình mà làm leo thang khủng hoảng vì lý do đơn giản rằng mọi biểu hiện của sự xoa dịu được diễn tả ở Moskva như một sự khích lệ.

Những thay đổi nhận thức trong SPD

Một trong những lời giải thích cho sự đồng thuận và gắn kết bên trong đại liên minh, và cho người ta tin rằng thiện ý này tồn tại trong quá trình thảo luận những quan điểm bên trong SPD. Cũng như trong quá khứ, đã có những cuộc tranh luận nội bộ về chính sách hướng Đông. Cần phải ghi nhận rằng tăng trưởng nhanh của thương mại Đức-Nga không thúc đẩy gì nhiều cho nền dân chủ ở Nga và khó ngăn cản Putin tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, Steinmeier đã khẳng định lại giá trị của chính sách hướng Đông do W.Brandt dẫn dắt, tuyên bố quyết tâm làm sống lại di sản của Brandt, rằng tầm quan trọng của chính sách này có thể đã bị đánh giá thấp, và rằng trong bối cảnh hiện nay, sự bén rễ ở phương Tây và sự mở cửa đối với Nga phải đi song hành. 

Dù sao đi nữa, những ảo ảnh đã tan biến. Hiện những phân tích hiện thực hơn được đặt ra. Bài diễn văn của Ngoại trưởng Steinmeier ngày 9/12/2014 tại Ekaterinbourg đã chứng minh điều đó. Phát biểu trước giới sinh viên đại học của thành phố này, ông Steinmeier nói rằng “Nga hiện đánh giá những lợi ích chính trị của nước này hiện còn có khoảng cách so với của châu Âu. Điều chắc chắn là chúng tôi có cảm giác rõ rằng Moskva xem EU là một đối thủ địa chính trị hơn là một đối tác. Đồng thời, ở châu Âu, người ta cũng ngờ rằng Nga tìm cách đóng vai trò chính trị trên trường quốc tế ngày càng ít dựa vào mối quan hệ đối tác và dựa nhiều hơn vào sức mạnh quân sự”.

Sự đồng thuận trong chính phủ

Ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, chính phủ liên minh CDU/CSU-SPD và đảng Xanh có cùng cách nhìn về chính sách đối nội và đối ngoại của Nga. Họ đánh giá rằng Kremlin, dưới sự lãnh đạo của Putin, tỏ ra ít tin cậy và khó dự báo, vì nhiều lý do:

+ Đó là những nhân tố nội sinh quyết định chính sách đối ngoại do Kremlin dẫn dắt, đặc biệt trong chính sách “láng giềng chung châu Âu”;

+ Vẫn còn trong “hệ thống Putin”, những người ủng hộ hợp tác với phương Tây, nhưng trong một tương lai gần tổng thống Nga sẽ tiếp tục dựa vào các bộ và các cơ quan sức mạnh, trước hết là từ các cơ quan bí mật, các tổ hợp quân sự-công nghiệp và các lĩnh vực chiến lược khác của nền kinh tế;

+ Thuật ngữ “quan hệ đối tác chiến lược” tỏ ra không còn tương ứng để chỉ các mối quan hệ hiện thời giữa Đức và Nga hay giữa EU và Nga. Có chăng thì đó là một triển vọng xa vời;

+ Đó không phải là mối quan hệ đối tác, mà là một sự cạnh tranh và những bất đồng đặc trưng cho mối quan hệ giữa NATO và EU một bên và bên kia là Nga, trong mối quan hệ láng giềng chung châu Âu của họ;

+ Sự cạnh tranh và xung đột là một phần trong cách nhìn về thế giới của Kremlin, được đề cập bằng thuật ngữ “không gian ảnh hưởng”;

+ Nga không tìm cách giải quyết “các cuộc xung đột bị đóng băng” mà muốn sử dụng chúng như một công cụ để ngăn chặn các nước liên quan muốn sử dụng “con đường châu Âu”. Hơn nữa, hoàn toàn có thể rằng một trong những mục tiêu mà Nga theo đuổi với việc ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine là nhằm tạo ra một cuộc xung đột mới dạng này;

+ Cách tiếp cận dựa trên việc ưu tiên các lợi ích của Nga phải được suy nghĩ lại. Chính phủ liên bang đánh giá rằng Ukraine và các nước khác thuộc “Quan hệ đối tác phương Đông của EU” cũng phải được tính đến và nhận một sự hỗ trợ về chính trị và kinh tế quan trọng hơn, dù rằng Nga phản đối điều đó;

+ Nước Nga dưới thời Putin, khác với Liên Xô dưới thời Brezhnev, Andropov và Konstantin Tchernenko, không muốn duy trì tính nguyên trạng; đó là thứ quyền lực muốn thay đổi. Có thể đúng đắn hơn nếu sử dụng con bài giảm căng thẳng đối mặt với Chính quyền Nga hiện thời.

Vai trò của thương mại và công nghiệp Đức

Người ta thường nói rằng Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga; tại Nga, Đức có những lợi ích kinh tế và tài chính mang tính sống còn; rằng hàng trăm nghìn việc làm được tạo ra; rằng ngành công nghiệp và thương mại của Đức, với đại diện Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức, đóng vai trò quyết định trong chính sách của Berlin đối với Nga; và rằng vì những lý do này, giới doanh nhân mong muốn các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. 

Thực vậy, trước khi Nga sáp nhập chính thức Crimea, phía Đức lý giải rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế ít phù hợp và phản tác dụng, và rằng chính trị không phải là sự giao thoa với thương mại, lập luận rằng hơn 6000 doanh nghiệp Đức có chi nhánh ở Nga và khoảng 350.000 việc làm đã được tạo ra. Những người phản đối các biện pháp trừng phạt khác đã khẳng định bằng việc thông qua những biện pháp này, chính phủ đã dễ dàng nhượng bộ trước các sức ép của Mỹ, vốn có các lợi ích thương mại và kinh tế ở Nga thấp hơn so với các lợi ích của Đức. Gần đây hơn, khi các biện pháp trừng phạt đi kèm với sự sụt giảm của giá dầu, với sự rút vốn hàng loạt và việc giảm giá đồng ruble, đã đe dọa đẩy nền kinh tế Nga trượt dài trong suy thoái, một số nhân vật phê phán chính sách của Berlin đối với Nga đã cảnh báo chính phủ liên bang trước những hậu quả nặng nề có thể xảy ra, bao gồm cả “sự bất ổn định”, thậm chí là “sự sụp đổ” của nước Nga.

Dù sao đi nữa có thể sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng giới doanh nhân Đức ủng hộ rộng rãi ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế hơn chính trị, và chống lại các biện pháp trừng phạt. Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức, Liên đoàn công nghiệp Đức (BDI) và Hiệp hội công nghiệp và thương mại Đông Âu của Đức có những quan điểm rất khác nhau về vấn đề này. Do vậy, Chủ tịch BDI Markus Kerber, đã nói thẳng: “Giới doanh nhân Đức làm những gì mà họ có thể để thuyết phục Nga rằng họ chỉ có thể bảo vệ một cách bền vững những lợi ích chính đáng về kinh tế cũng như an ninh, với điều kiện ngồi vào bàn thương lượng. Chúng tôi ủng hộ nguyên tắc ưu tiên về chính trị”. Hơn nữa, Markus Felsner, Chủ tịch Hiệp hội tập hợp khoảng 300 doanh nghiệp đầu tư, làm ăn tại Nga và khu vực Á-Âu, đã nói: “Chắc chắn, một số sẽ phàn nàn. Song phần lớn các doanh nghiệp ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Giới doanh nhân của chúng tôi không cần một sự xích lại gần đặc biệt với Kremlin, mà cần có một khuôn khổ tin cậy cho hoạt động đầu tư. Vậy nên, từ quan điểm này, Nga đã có một số bước đi chưa phù hợp thời gian gần đây”. 

Nếu các biện pháp trừng phạt được Chính phủ Đức quyết định hưởng một sự ủng hộ rộng rãi (dù có một vài sự chống đối), chính là vì Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong tỷ trọng xuất khẩu của Đức. Nga không nằm trong số 10 nước hàng đầu cho hàng hóa xuất khẩu của Đức. Năm 2013, nước này chỉ xếp hàng thứ 11 và thụt lùi trong năm 2014 ở thứ hạng 13. Ngoài ra, sự sụt giảm trong trao đổi thương mại giữa hai nước không nên chỉ quy cho các biện pháp trừng phạt: nó cũng lý giải cho sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Nga, bắt đầu từ khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine. Ngay từ năm 2013, xuất khẩu của Đức về phía Nga đã giảm 5,2% so với năm trước đó, với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 36 tỷ euro. Trao đổi sau đó đã giảm do tác động kép từ các biện pháp trừng phạt và sự giảm giá của đồng ruble. Các số liệu cho thấy năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 20% so với năm 2013. Thiệt hại đối với giới doanh nhân ở Nga tăng 7 tỷ euro, đe dọa mất đi khoảng từ 50.000 đến 60.000 việc làm.

Đến nay, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Đức, tuy nhiên nhóm này dường như vẫn còn khả năng kháng cự. Một số doanh nhân đã được tính bồi thường thiệt hại. Lĩnh vực chịu tác động nặng nhất là ngành xây dựng, cơ khí, với đa số các doanh nghiệp hạng vừa. Tháng 10/2014, đại diện của ngành công nghiệp này đánh giá rằng mức độ xuất khẩu của họ sang Nga từ nay đến cuối năm có nguy cơ giảm 35% so với năm ngoái.

Nghiêm trọng hơn là nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt. Năm 2013, Nga là nhà cung ứng khí đốt hàng đầu của Đức (39%), trước cả Na Uy (29%) và Hà Lan (26%). Khó có khả năng có giải pháp thay thế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, do nền kinh tế Nga vốn rất phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu, nên Nga sẽ không có lợi ích gì khi làm gián đoạn việc cung ứng khí đốt. Một quyết định như vậy sẽ gần như mang tính tự sát, và Chính phủ Đức cũng hoàn toàn nhận thức được điều này. Vậy nên, giả thuyết theo đó sự phụ thuộc của Đức đối với khí đốt của Nga sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách của Berlin đối với Moskva, dường như khó có thể chấp nhận. 

Liên quan đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vấn đề ghi nhận cũng giống như trong lĩnh vực thương mại. Vốn FDI ở Nga, đến từ các nước (theo thứ tự giảm dần) Cyprus, Hà Lan, Luxembourg, Trung Quốc, Anh, và sau đó mới đến Đức. Tổng vốn FDI của Đức ở Nga năm 2014 được đánh giá khoảng 20 tỷ euro, một mức độ thấp nếu so với số vốn FDI được thực hiện trong các nước Trung và Đông Âu, tuy nhiên vẫn nhỏ hơn số vốn FDI của Nga ở khu vực này. Về việc lưu chuyển dòng vốn của Đức ở Nga, năm 2013 là con số âm (-113,47 triệu euro). Nếu so sánh trong cùng một năm, việc lưu chuyển dòng vốn của Đức tăng 3,2 tỷ euro ở Cộng hòa Czech và 2,1 tỷ euro ở Ba Lan.

Công luận và ảnh hưởng của những nhóm thân Nga

Các đảng chính trị, các lực lượng và các cá nhân nói ủng hộ và “hiểu Nga” và chính sách được Kremlin tiến hành là rất thiếu đồng nhất. Những người thân Nga trong EU và NATO có trách nhiệm một phần hay hoàn toàn đối với cuộc xung đột ở Ukraine và lên án các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, mà họ cho là dại dột và “phản tác dụng”. Người ta thấy họ ở khắp nơi trong giới chính trị Đức, từ phe cực hữu sang cực tả. Nhóm tập hợp chắp vá này bao gồm các cựu Thủ tướng Đức, các bộ trưởng thuộc ba đảng đã hoặc đang có đại diện trong chính phủ, và cả những người họ gọi là “những công dân nổi giận”. Vì vậy, lý do của việc họ phản đối các biện pháp trừng phạt là rất đa dạng. Với một số người, lập trường dường như thân Nga ít cho thấy sự ủng hộ thực sự đối với Nga hơn là việc kéo dài những phản ứng chống Mỹ. Sau cùng, không có gì là ngạc nhiên, mức độ phản đối liên quan đến chính sách Nga của chính phủ cũng rất đa dạng: một số chỉ trích với sự chừng mực, số khác muốn hạ thấp vai trò của chính sách này.

Dù các động cơ xác định của các thành phần khác nhau trong nhóm chống đối này thế nào đi nữa, hai nhận xét có thể được nêu ra. Trước tiên, nhóm này không phải là đại diện của đa số công luận. Tiếp đến, quan điểm của nhóm này mâu thuẫn với những phân tích của đại đa số các chuyên gia về Nga đang làm việc trong các đại học và viện nghiên cứu của Đức; của các phóng viên thường trú của các phương tiện truyền thông chính của Đức tại Moskva; các tổ chức chính trị Đức đang làm việc ở Nga; của tờ Osteuropa (tờ báo duy nhất chuyên về các vấn đề Nga, Đông Âu và Đông Nam Âu, khu vực Caucasus); hay Vụ về Nga thuộc Bộ Ngoại giao. 

Trong công luận Đức, hình ảnh về Nga suy giảm mạnh theo thời gian. Tháng 11/2009, khi ông Medvedev còn là Tổng thống Nga đã nói về việc hiện đại hóa Nga cùng sự hợp tác với phương Tây, gần 40% số người được hỏi đã xem Nga như một nước “đáng để tin cậy”. Từ đó, niềm tin này trong sự vận hành của Moskva không ngừng giảm, đến mức chỉ còn 14% số người được hỏi hồi tháng 5/2014 đặt niềm tin vào nước Nga. Một sự việc có ý nghĩa: trong khi uy tín của Nga trong công luận Đức suy giảm, thì uy tín của Nga trong công luận Ba Lan lại đảo chiều, từ tỉ lệ 38% ủng hộ hồi tháng 2/2007 lên 62% vào tháng 5/2014.

Giả thuyết theo đó công luận Đức sẽ “thân Nga” hơn lại trái ngược với kết quả nhiều cuộc thăm dò. Vậy nên, đa số rộng rãi người dân Đức (80%) nghĩ rằng Nga là nước có trách nhiệm đầu tiên trong sự leo thang của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 70% cho rằng phản ứng của EU đối với chính sách của Nga là thích ứng, và 62% cho rằng phản ứng cần phải mạnh mẽ hơn. Gần một nửa số người được hỏi ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, bất chấp những hậu quả tiêu cực như có thể tác động tới nền kinh tế và việc làm ở Đức, và 58% bày tỏ không hiểu tại sao Nga lại có thể bị đe dọa.

Xu hướng kép về chính sách của Chính phủ Đức

Giữa sự thay đổi…

Chính sách của Chính phủ Đức hiện nay đối với Nga đã tỏ ra chặt chẽ và gắn kết kể từ khi thành lập liên minh cầm quyền ngày 17/12/2013. Thái độ này trái ngược với thái độ được thông qua trong các cuộc khủng hoảng trước đây: sau cuộc chiến Gruzia tháng 8/2008, Đức đã sớm lựa chọn giải pháp bình thường hóa quan hệ với Moskva. 

Sự cứng rắn mới hiện nay của Đức đã được thể hiện trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Các sự kiện có thể gây hiểu lầm cho những tuyên bố trước đó rằng Berlin có thể chống lại các biện pháp trừng phạt và nếu có dịp nhượng bộ với các sức ép của Washington. Ngoài ra, giả thuyết theo đó giới doanh nhân Đức gây sức ép tối đa với chính phủ nhằm buộc họ phải từ bỏ áp dụng các biện pháp trừng phạt, cho thấy sai lầm. Trên thực tế, còn nhiều bất đồng giữa Đức và các đối tác của họ trong EU - những nước tin vào việc thông qua và duy trì một lập trường chung đối với Nga.

Thủ tướng Đức Merkel đã thể hiện rõ lập trường của Chính phủ Đức: các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ được dỡ bỏ một khi các thỏa thuận Minsk ngày 5/9/2014 được áp dụng đầy đủ. Với tuyên bố này, Thủ tướng Đức Merkel từ chối việc dỡ bỏ từng bước các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc thực hiện một số quy định trong thỏa thuận Minsk, và với mục đích giảm leo thang xung đột ở miền Đông Ukraine. Các thỏa thuận về việc thiết lập một đường ranh giới giữa lực lượng ly khai và các lực lượng vũ trang Ukraine hay giám sát đường biên giới Nga-Ukraine cũng không được xem xét một cách tách rời. Ngoài ra, bà Merkel đã có sự phân biệt giữa một bên là các biện pháp trừng phạt kinh tế (nghiêm khắc hơn) được thông qua hồi tháng 7/2014 nhằm phản ứng với cuộc xung đột ở Đông Ukraine, và một bên là giới hạn thị thực nhập cảnh và đóng băng nguồn tài sản nhằm vào một số nhà lãnh đạo Nga. Cả hai biện pháp này đã được ban hành hồi tháng 3/2014 tiếp sau việc Nga sáp nhập Crimea, không thể được dỡ bỏ trước tháng 3/2015, trước khi xem xét các biện pháp tiếp theo.

Một tín hiệu thay đổi khác: Chính phủ Đức thực thi một chính sách về Nga và quản lý cuộc khủng hoảng hiện nay với sự phối hợp chặt chẽ với Ba Lan. Dưới thời Thủ tướng Đức Schröder (1998-2005), văn phòng thủ tướng và Bộ Ngoại giao tỏ ra giận dữ khi thấy Ba Lan và các nước Baltic thông qua một đường lối cứng rắn hơn nhằm vào Moskva. Bà Merkel đã thay đổi cách tiếp cận, và điều đó diễn ra ngay trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhìn chung, những mối quan hệ giữa bà Merkel với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, cũng như giữa Ngoại trưởng Đức Steinmeier và người đồng cấp Ba Lan Radoslaw Sikorski, rất tốt. Vai trò trung gian hòa giải của Ngoại trưởng Nhóm tam giác Weimar (bao gồm Đức, Pháp và Ba Lan) hồi tháng 2/2014 ở Kiev giữa những người đại diện chế độ Viktor Yanukovych và đại diện phong trào Maidan, cho phép đạt được thỏa thuận ngày 21/2/2014 về việc chấm dứt bạo lực, cải cách hiến pháp và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Tiếp đến, Đức và Pháp dường như muốn loại Ba Lan khỏi tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine: các cuộc thảo luận được tiến hành trong khuôn khổ gọi là “công thức Normandy” trên thực tế tập hợp các nhà đàm phán của Pháp, Nga và Ukraine. Tuy nhiên, trong trường hợp Ba Lan được mời, rất có thể Tổng thống Nga Putin từ chối ngồi vào bàn thương lượng, vì ông sẽ không muốn đối mặt với 3 nước thành viên của NATO và EU (cộng cả Ukraine). Dù lập trường cứng rắn được Chính phủ Đức thông qua và sự phối hợp song phương chặt chẽ giữa Berlin và Vácsava, thì dường như ít có khả năng Ba Lan bị loại khỏi cuộc chơi này. Cần chú ý thêm là mối quan hệ của bà Merkel và Ngoại trưởng Steinmeier với tân Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz và Ngoại trưởng nước này Grzegorz Schetyna, cũng tích cực như những người tiền nhiệm. 

Sự cứng rắn của Chính phủ Đức đối với Moskva cũng biểu hiện trong chính sách về năng lượng. Ít lâu sau khi Nga sáp nhập Crimea, thực vậy bà Merkel đã tuyên bố rằng Đức sẽ xác định lại hoàn toàn chính sách năng lượng của họ. Dù nước này ít phụ thuộc về dầu khí của Nga hơn các nước thành viên khác của EU, Thủ tướng Đức Merkel đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc tổng thể của EU đối với Nga. Thừa nhận rằng cơ sở hạ tầng mà EU cần để đạt được mục tiêu, còn phải tiếp tục xây dựng, tuy nhiên, bà Merkel đánh giá là cần thiết xây dựng một định hướng dài hạn. Với định hướng ngắn và trung hạn, Chính phủ Đức và cựu Ủy viên châu Âu về năng lượng Gunther Oettinger ủng hộ gói năng lượng thứ ba của EU, dự kiến “tách biệt” việc vận chuyển và sản xuất khí đốt, theo hướng hoàn thành việc tự do hóa lĩnh vực năng lượng ở châu Âu. Bước triển khai mới này nhằm làm đối trọng với kế hoạch tham vọng và chi phí tốn kém của tập đoàn Gazprom, vốn sau khi xây dựng thành công “Dòng chảy phương Bắc” (4 đường ống dẫn qua biển Baltic), đã phát động việc xây dựng dự án “Dòng chảy phương Nam” qua Biển Đen và các nước Bancăng, đến Áo (dự án sau đó đã bị hủy bỏ).

Trong khuôn khổ cuộc khủng hoảng Ukraine, thái độ của Đức đối với Nga gắn với hai xu hướng: một mặt duy trì lập trường cứng rắn, và mặt khác mở ra những cuộc thương lượng. Các cuộc thảo luận ở cấp cao giữa các quan chức Nga và Đức đã được tăng cường. Do vậy, giữa thời điểm Nga sáp nhập Crimea tháng 3/2014 và Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane tháng 11/2014, bà Merkel đã có khoảng 40 cuộc điện đàm với Putin. Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga cũng đã có các cuộc tiếp xúc trực tiếp tại Normandy, Milan và Brisbane – nơi cuộc gặp của họ đã kéo dài không dưới 4 tiếng, và thậm chí còn kéo dài trong cuộc gặp với Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ngoại trưởng Đức Steinmeier và người đồng cấp Lavrov cũng đã nhiều lần gặp nhau. Ngoại trưởng Đức đã đến Moskva tháng 2 và 11/2014. Trong chuyến thăm tháng 11, ông đã có cuộc tiếp kiến với Tổng thống Nga Putin.

Cam kết đáng kể nhất của Chính phủ Đức trong hồ sơ Ukraine chứa đựng nhiều yếu tố. Trước tiên, Đức từ lâu được Kremlin và công luận Nga xem là một quốc gia bạn bè của Nga, rõ ràng đã có nhiều cơ hội hơn Ba Lan, dù gì cũng được xem là “thiếu thân thiện”, đã thành công trong việc thuyết phục Putin về lập trường đối với phương Tây. Thứ hai, bằng cam kết của mình, Berlin đã chứng tỏ rằng cuộc khủng hoảng này gây quan ngại sâu sắc đối với châu Âu, và cũng phủ nhận sự quả quyết của Nga rằng trong vụ việc này có sự giật dây của Mỹ. Thứ ba, Chính phủ Đức muốn gây sức ép với Putin khi ông cho rằng hoàn toàn có thể đạt được một giải pháp hòa bình.

Vai trò quan trọng của Đức, nếu không nói là trung tâm, trong mối quan hệ của EU với Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine được khẳng định qua các lời phát biểu của Tổng thống Đức Joachim Gauck, Ngoại trưởng Steinmeier và Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen tại Hội nghị an ninh Munich lần thứ 50 đầu tháng 2/2014: nhân dịp này, ba quan chức đã cùng tuyên bố Đức phải tỏ ra tích cực hơn và lãnh trách nhiệm nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, sự thay đổi thái độ này gặp một số giới hạn, đặc biệt trong vấn đề an ninh và quốc phòng xuất phát từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

… Và duy trì một sự tiếp nối không ngừng

Tháng 6/2014, Tổng thống Đức Gauck đã phát triển thêm những phát biểu mà ông đã đề cập tại Hội nghị an ninh Munich và nói tới một điểm còn chưa được nêu ra: sử dụng vũ lực. Ông tuyên bố đó có thể là một sai lầm, và “cần loại trừ việc sử dụng vũ lực”. Trong những năm vừa qua, “lập trường của Đức đã được ghi nhận”, song Đức đã từ bỏ ý định sử dụng sức mạnh vốn từng được thể hiện trong lập trường của Đức những thế kỷ qua để đặt nó bên cạnh các vấn đề về dân chủ và nhân quyền. Vậy nên, trong cuộc chiến này, “đôi khi cần phải sử dụng vũ khí. Ngay cả ở trong nước, cũng có những cảnh sát và không chỉ là những thẩm phán và giáo viên; trong các vấn đề quốc tế cũng vậy, cũng cần sử dụng vũ lực có khả năng ngăn chặn các tội ác và chặn các hành động giết hại nhiều người”. 

Tuy nhiên, điều hiển nhiên rằng Tổng thống Đức, thông qua các tuyên bố mang tính nguyên tắc, không nghĩ đến cuộc khủng hoảng Ukraine, mà muốn nói nhiều hơn đến sự can thiệp của NATO “ngoài phạm vi”, trong các cuộc xung đột như đã diễn ra ở Mali hay Cộng hòa Trung Phi. Tháng 9/2014, Quốc hội Đức đã quyết định cho phép cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), do vậy đoạn tuyệt một cách ngoạn mục với lập trường từ lâu của Đức, là không cấp vũ khí cho các lực lượng chiến đấu trong các “khu vực khủng hoảng”. Ngược lại, tại châu Âu, và đặc biệt trong khuôn khổ cuộc xung đột với Nga xung quanh vấn đề Ukraine, các nguyên tắc trước đây, theo đó an ninh của châu Âu không thể được đảm bảo mà không có Nga”, và “giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng chỉ có thể là chính trị, và không phải là quân sự” - tiếp tục được áp dụng.

Thủ tướng Đức Merkel đã khẳng định lại rõ ràng hai nguyên tắc này. Theo bà, “cách tiếp cận được EU và các đối tác của họ lựa chọn” như sau: “Trước tiên, chúng ta ủng hộ Ukraine về mặt chính trị và kinh tế. Thứ hai, chúng ta nỗ lực, trong khuôn khổ các cuộc thảo luận với Nga, giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp ngoại giao. Thứ ba, chúng ta áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga và chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đó lâu dài chừng nào điều đó còn cần thiết”. Thủ tướng Đức không đề cập đến khả năng có hành động quân sự bất luận ở thời điểm nào. Chính phủ Đức không bao giờ công khai bảo vệ ý tưởng một nước bị tấn công (dù tổng lực hay sử dụng các lực lượng hạn chế được một nước thứ ba cung cấp vũ khí), sẽ được cứu trợ, dù thông qua hình thức cung cấp vũ khí.

Hơn nữa, Thủ tướng Đức đã nhiều lần nhắc lại lập trường của Đức, như cuộc xung đột ở Ukraine “không thể được giải quyết bằng các biện pháp quân sự”. Bà đã không đồng tình với những người ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi để Ukraine gia nhập NATO, tăng chi phí quân sự của Đức hay trở lại kêu gọi nhập ngũ. Bà Merkel cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tách bạch các cuộc thảo luận liên quan đến việc tăng cường năng lực phòng thủ của NATO, những nỗ lực giải quyết khủng hoảng, đặc biệt là nỗ lực được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tiến hành. Bà Merkel cũng giới hạn nhiệm vụ giám sát đường không của NATO qua việc chia sẻ những nhiệm vụ trong liên minh, khước từ việc giao cho NATO một mục tiêu răn đe. Volker Kauder, trưởng nhóm nghị sĩ phe bảo thủ và dân chủ thiên chúa giáo tại Quốc hội ủng hộ bà Merkel, đã phát biểu thêm ý kiến của mình: “Cuộc khủng hoảng nổ ra từ tình hình ở Crimea đã không tác động nhiều đến các dự án quốc phòng của Quân đội Đức”.

Chính phủ Đức cũng đã chống lại dự án triển khai các lực lượng của NATO tại các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt bác bỏ yêu cầu của Ba Lan mong muốn triển khai trên lãnh thổ của họ hai lữ đoàn bộ binh cơ giới với khoảng 5000 quân cho mỗi lữ đoàn. Thay vì ưu tiên tăng cường năng lực tác chiến với giả định về một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga, Berlin muốn ủng hộ một số biện pháp mang tính biểu tượng, như các biện pháp đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 9/2014: Việc thành lập một lực lượng tác chiến liên quân được chuẩn bị kỹ lưỡng gồm 4000 quân và khả năng triển khai trong 48 tiếng; thúc đẩy năng lực triển khai lực lượng của NATO ở các nước Trung và Đông Âu; thiết lập sự giám sát trên không và trên bộ của NATO; và tăng cường chương trình diễn tập chung của liên minh.

Sự phản đối của Berlin nhằm thông qua các biện pháp quân sự trong cuộc khủng hoảng Ukraine dựa trên hai lập luận: một mang tính khách quan trước bối cảnh tình hình quốc tế; một mang tính chủ quan do tình hình nội bộ. Trước hết, Chính phủ Đức không phải là nước đầu tiên có quan điểm như vậy, và khó có thể bác bỏ được: việc triển khai các lực lượng chiến đấu của NATO tại các nước Trung và Đông Âu, ngay cả khi không đề cập đến Ukraine, được phe cứng rắn trong điện Kremlin xem như là “bằng chứng” rằng sự mở rộng của NATO sang phía Đông là một mối nguy, và họ thường xuyên lặp lại điều này. Một quyết định như vậy cũng có thể làm tăng cường lòng tin, dù là sai lầm, rằng các nước NATO sẵn sàng hy sinh mạng sống binh lính của họ cho Kiev. Lập luận thứ hai dựa vào việc hủy bỏ thời gian biểu của lực lượng quân sự mà Đức đóng góp đa số, vẫn còn gắn với nước Đức và được xem là “sức mạnh công dân”. Nếu ở Mỹ, Anh hay ở Pháp, việc sử dụng vũ lực nhằm mục đích chính trị được xem như một công cụ trong số những công cụ khác của chính sách đối ngoại, thì khả năng này là không thể chấp nhận được ở Đức. Ngay cả khi những lý lẽ mang tính ôn hòa và hợp lý ủng hộ sự tham gia của quân đội Đức vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình gặp phải sự chống đối dai dẳng của Quốc hội, và rộng hơn là công luận. 

Dường như là lôgích để đi đến kết luận, xuất phát từ quan điểm của Chính phủ Đức – khi nói Nga là một cường quốc đang tìm cách lấy lại vị thế, sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự để đạt tới các mục tiêu lớn hơn, song tình hình không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự - rằng Berlin tìm cách làm suy yếu sức mạnh của Nga, và rằng các biện pháp trừng phạt là một phương tiện để đạt tới điều đó. Vậy nên không có chuyện: bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Đức chỉ nhằm tới một mục tiêu duy nhất là chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

 Kết luận

Trong giới ngoại giao Đức, một số cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay trong mối quan hệ Đức-Nga như một cơn ác mộng thực sự. Họ có thể muốn tin rằng đó chỉ là một giấc mơ tồi và đã đến lúc tỉnh giấc, song cơn ác mộng là thực tế: “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Đức và Nga chưa bao giờ thực sự tồn tại; “quan hệ đối tác hiện đại hóa” không được khởi động; “quan hệ chính trị đặc biệt” (theo nghĩa tích cực) đã gắn kết hai nước không còn nữa; những trao đổi thương mại, sau khi đạt mức tăng trưởng ngoạn mục, đang giảm; Đức dẫn đầu các nước đòi hỏi Nga phải trả lời về ý đồ của họ ở Ukraine và trong các khu vực khác thuộc “các nước láng giềng chung châu Âu”, và kiên quyết duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga cho đến khi nước này áp dụng hoàn toàn và đầy đủ các thỏa thuận Minsk; sau cùng, hình ảnh của Nga và các nhà lãnh đạo nước này trong công luận Đức đang ở mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ và mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nước kéo dài. Vậy nên, cần thừa nhận rằng thời điểm Đức dự định có những mối quan hệ với Nga dưới góc độ quan hệ đối tác và hợp tác, với việc ưu tiên cho các lợi ích của Nga, thực sự đã qua. Hình mẫu mới đặc trưng cho mối quan hệ Đức-Nga là cách thức quản lý xung đột.

Liệu người ta có thể hy vọng rằng hai bên đang nối lại mối quan hệ êm ấm hơn? Đâu là những điều kiện cần thiết cho một bước chuyển như vậy? Câu trả lời cho những câu hỏi này phụ thuộc vào tiến trình sắp tới ở Nga. Mục tiêu “hiện đại hóa” từng được Medvedev đưa ra, từ khi Putin trở lại cương vị tổng thống, đã được thay thế bằng. Về chính sách đối ngoại, quan hệ đối tác và hợp tác với EU đã được bổ sung bằng dự án xây dựng một Liên minh Á-Âu. Tuy nhiên, sự thay đổi đường hướng này không phải xuất phát từ những yếu tố bên ngoài như mối đe dọa NATO hay chính sách của EU, mà từ những yếu tố nội tại.

Liệu Kremlin có thể tự cho mình tiến hành xét lại chính sách với bên ngoài chừng nào phương Tây nhận thấy rằng các mối quan hệ kinh tế của Nga với các đối tác quốc tế trở lại bình thường và giá dầu lửa tăng? Ngược lại, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đoán định về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt kinh tế, về sự sụt giảm giá dầu, việc rút vốn đầu tư hàng loạt và sự mất giá của đồng ruble. Thực ra, Putin đã đẩy nước Nga kéo dài trong sự dằn vặt kể từ khi kỷ nguyên Brezhnev chấm dứt, được ghi dấu bằng sự trơ ì và tính bất động của hệ thống quan liêu, sự đình trệ và suy giảm về kinh tế, những khoản chi quá mức dành cho quân đội, an ninh nội địa và các tổ hợp công nghiệp quân sự - một tình trạng quá tải với những chi phí mà một đất nước không thể kham nổi về dài hạn. Có rất ít khả năng Putin sớm thay đổi đường hướng và hướng tới mục tiêu “hiện đại hóa”. Bất chấp những cảnh báo về các biện pháp trừng phạt của Đức, khó có khả năng Nga rơi vào tình trạng “bất ổn định” và kết thúc trong “sự sụp đổ”. Điều có thể tin được là khả năng thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo Nga rằng xu hướng chống phương Tây trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước này sẽ chẳng đi đến đâu, nếu không lựa chọn sự hợp tác với phương Tây và cần chấp nhận từng bước thực tế này và thích nghi với điều đó.

Giáo sư Hannes Adomeit thuộc Viện đại học châu Âu (trụ sở chính tại Bỉ). Bài viết được đăng trên Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI).

Hương Lan (gt)