I. Quan hệ Trung-Ấn trong 10 năm đầu thế kỷ 21 là sự tiếp tục trên cơ sở không ngừng cải thiện, phát triển mối quan hệ từ những năm 90 của thế kỷ 20. Mười năm qua, lãnh đạo hai nước kiên trì xuất phát từ nhu cầu tạo dựng môi trường quốc tế tốt đẹp, đặc biệt là môi trường xung quanh, tập trung sức lực phát triển kinh tế, xác lập chiến lược lấy hợp tác kinh tế thương mại làm “nòng cốt”, thúc đẩy quan hệ hai nước tiến vào con đường phát triển toàn diện nhanh chóng. Việc xác lập vị trí mới của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung-Ấn đã đặt nền móng chính trị cho quan hệ hai nước phát triển nhanh. Tháng 4/2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới thăm Ấn Độ, hai bên xác định dốc sức xây dựng “mối quan hệ đối tác chiến lược hướng tới hòa bình và phồn vinh”. Đây là một sự nâng cấp hơn nữa đối với việc xác định mối quan hệ Trung-Ấn tiếp sau “mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng hướng tới thế kỷ 21” mà hai bên đạt được khi Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tới thăm Ấn Độ năm 1996, phản ánh mong muốn không ngừng thúc đẩy quan hệ Trung-Ấn ổn định, phát triển, càng cho thấy nguyện vọng mới của việc phát triển quan hệ hai nước. Tháng 11/2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới thăm Ấn Độ. Trên cơ sở của “Tuyên bố hợp tác toàn diện và nguyên tắc quan hệ Trung-Ấn” ký tháng 6/2003, hai nước cùng đề ra 10 chiến lược lớn để tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược. Tháng 1/2008, Thủ tướng Manmohan Singh tới thăm Trung Quốc, thủ tướng hai nước đã đưa ra “viễn cảnh chung” trong thế kỷ 21. Tháng 12/2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo một lần nữa tới thăm Ấn Độ, lãnh đạo hai nước đã có quy hoạch chiến lược cho mối quan hệ Trung-Ấn trong 10 năm tiếp theo. Những văn kiện quan trọng được ký giữa hai nước trong 10 năm qua không những đã mô tả quỹ đạo phát triển của quan hệ hai nước, mà còn tập trung những nhận thức chung chiến lược của các nhà chính trị hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ Trung-Ấn phát triển một cách ổn định và lành mạnh. 

Thứ hai, trong quá trình tăng cường các chuyến thăm viếng cấp cao, Trung Quốc và Ấn Độ đã thiết lập được hàng chục cơ chế đối thoại trong nhiều lĩnh vực như kinh tế thương mại, tài chính và phòng vệ, từng bước hình thành cục diện đối thoại toàn diện, nhiều tầng nấc và các lĩnh vực rộng rãi hơn, nâng cao hiệu quả của trao đổi chiến lược giữa hai nước. Ngoài các chuyến thăm viếng lẫn nhau, lãnh đạo hai nước còn duy trì trao đổi chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương. Đặc biệt là mấy năm gần đây, cùng với các hoạt động ngoại giao đa phương của Trung Quốc và Ấn Độ ngày một sôi nổi, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhiều lần hội kiến với Thủ tướng Manmohan Singh bên lề các diễn đàn quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh G-20, cuộc gặp các nhà lãnh đạo BRIC, Hội nghị cấp cao Đông Á, trao đổi ý kiến về quan hệ hai nước, các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế. Các bộ ngành như tài chính, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa của hai nước cũng coi đối thoại Trung-Ấn là sân chơi phối hợp chính sách quan trọng. Trong thời gian Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới thăm Ấn Độ tháng 12/2010, hai nước quyết định thiết lập cơ chế thăm viếng định kỳ của nguyên thủ quốc gia/thủ tướng chính phủ, cơ chế gặp gỡ hàng năm của ngoại trưởng cũng như cơ chế đối thoại kinh tế chiến lược, đồng thời đã khai thông đường dây nóng giữa thủ tướng hai nước, nâng đối thoại chiến lược Trung-Ấn lên một tầm cao mới. 

Thứ ba, lập ra đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới, đạt được nhận thức chung quan trọng về việc giải quyết vấn đề biên giới bằng con đường chính trị, cùng thúc đẩy tiến trình đàm phán về vấn đề này đạt được tiến triển mới. Tháng 6/2003, thủ tướng Ấn Độ và Trung Quốc bàn bạc quyết định, mỗi bên bổ nhiệm đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới của mình, thảo luận về khuôn khổ và con đường giải quyết vấn đề biên giới bằng con đường chính trị. Tháng 4/2005, qua 5 vòng đàm phán, đại diện đặc biệt của hai nước đã đạt được nguyên tắc chỉ đạo chính trị về việc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Sau đó, đại diện đặc biệt của hai nước đã tổ chức 9 vòng đàm phán, tiến hành thảo luận thẳng thắn sâu rộng về khuôn khổ giải quyết vấn đề này. Hai bên đồng ý nhanh chóng đạt được khung giải quyết trên cơ sở nguyên tắc chỉ đạo về chính trị, tìm kiếm phương án giải quyết công bằng hợp lý và hai bên đều có thể chấp nhận. Hai bên nhất trí, trong khi kiên định dốc sức thông qua đàm phán hòa bình giải quyết những bất đồng còn sót lại kể cả vấn đề biên giới, đảm bảo những bất đồng này sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển tích cực trong quan hệ hai nước. Tháng 4/2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Manmohan Singh bàn bạc quyết định, để tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán liên quan tới vấn đề biên giới, hai bên sẽ thiết lập “cơ chế bàn bạc và phối hợp về vấn đề này”. 

Thứ tư, xác lập chiến lược lấy thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại làm nòng cốt của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung-Ấn, hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế thương mại phát triển nhanh, nổi lên nhiều đặc điểm mới. “10 chiến lược lớn” được đưa ra trong “Tuyên bố chung Trung-Ấn” năm 2006 nêu rõ quan hệ kinh tế và thương mại toàn diện là bộ phận cấu thành “cốt lõi” của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Dưới sự chỉ đạo của chiến lược này, quan hệ kinh tế thương mại Trung-Ấn tiến rất nhanh, trở thành lực đẩy của quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều từ gần 2 tỷ USD hồi đầu thế kỷ mới tăng lên 61,7 tỷ USD vào năm 2010, tăng gần 30 lần trong vòng 10 năm, mục tiêu phát triển được lãnh đạo hai nước xác định nhiều lần bị phá vỡ. Tháng 12/2010, hai nước lại xác định mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2015. Lĩnh vực và phương thức hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng liên tục được đổi mới, mở mang. Đoàn đại biểu thương mại tháp tùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 12/2010 lên đến hơn 300 người, trong đó bao gồm các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng công thương Trung Quốc và Tập đoàn Trung Cương Trung Quốc v.v… Các doanh nghiệp này đã ký với Ấn Độ hơn 40 hiệp định hợp tác, góp vốn và cho vay với tổng trị giá lên tới 16 tỷ USD, liên quan tới cơ sở hạ tầng, viễn thông, điện lực, các mặt hàng chủ lực và y dược. Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất của Ấn Độ, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Nam Á, cũng là nơi Trung Quốc thầu công trình lớn nhất ở nước ngoài. Đầu tư song phương cũng tăng trưởng với tốc độ tương đối lớn. Hiện Ấn Độ có hơn 100 công ty triển khai nghiệp vụ công nghệ thông tin, gia công phần mềm và tài chính ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng có hơn 60 công ty nhận thầu các dự án nghiên cứu phát triển, viễn thông và điện lực ở Ấn Độ. Hợp tác kinh tế thương mại cùng có lợi hiện đã bắt đầu mở rộng tới các địa phương, trao đổi kinh tế thương mại địa phương giữa hai nước đã trở thành những điểm sáng mới. Khu vực phía Tây Trung Quốc là Vân Nam, Tứ Xuyên cũng như khu vực ven biển Đông Nam như Quảng Đông, Giang Tô và Thượng Hải đều coi Ấn Độ là một thị trường mới nổi rất có tiềm lực. Rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng trong 10 năm tới Ấn Độ sẽ trở thành một thị trường quan trọng tiếp sau châu Âu và Mỹ. 

Thứ năm, hình thức giao lưu nhân văn giữa hai nước liên tục được đổi mới, lĩnh vực hợp tác tiếp tục được mở rộng. Từ năm 2006, các hoạt động giao lưu nhân văn của hai nước thêm phần đặc sắc. Hoạt động của “Năm hữu nghị du lịch Trung-Ấn” vô cùng sinh động, tăng thêm sự trao đổi của ngành du lịch hai nước. Hàng loạt hoạt động của “Tết Trung Quốc” và “Tết Ấn Độ” trở thành điểm sáng lớn nhất trong số các hoạt động kỷ niệm tròn 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2011 lại là “Năm giao lưu Trung-Ấn”, các giới trong xã hội triển khai giao lưu với quy mô lớn hơn. Các chuyến thăm giao lưu giữa thanh niên hai nước có hiệu quả rõ rệt, chính phủ hai nước cho biết trong 5 năm tới vẫn muốn tiếp tục tiến hành những hoạt động này. Sự trao đổi giữa các cơ quan truyền thông hai nước đã được khởi động, góp phần tích cực vào việc tăng thêm sự tìm hiểu, trao đổi của giới truyền thông. Hợp tác trao đổi giáo dục giữa hai nước cũng có những tiến triển mới. Ấn Độ đã quyết định từ tháng 4/2011 sẽ đưa tiếng Trung Quốc vào làm một trong những ngoại ngữ của các trường học, phía Trung Quốc sẽ hỗ trợ về mặt đào tạo giáo viên và giáo trình tiếng Trung Quốc. Hai nước còn quyết định cùng lập dự án trao đổi những sinh viên đại học xuất sắc của hai nước, thỏa thuận hiệp định thừa nhận học vị của nhau để tăng cường và thúc đẩy sự trao đổi giữa các trường và trao đổi học sinh. Năm 2010, trao đổi nhân viên giữa hai nước lên tới hơn 500.000 lượt người. Chính phủ Ấn Độ cũng hết sức coi trọng Triển lãm thế giới Thượng Hải 2010, cử đoàn đại biểu hùng hậu tham gia triển lãm, thể hiện với Trung Quốc những kỹ thuật công nghiệp tiên tiến nhất và sản phẩm văn hóa tốt nhất. Việc trao đổi giữa các chính đảng truyền thống của hai nước có tiến triển mới. Tháng 1/2011, Chủ tịch Đảng Nhân dân (BJP) Ấn Độ đã tới thăm Trung Quốc theo lời mời. Đây là lần đầu tiên đảng đối lập của Ấn Độ cử lãnh đạo cấp bậc cao nhất tới thăm Trung Quốc. Trong thời gian ở thăm, phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác với các bang do Đảng Nhân dân kiểm soát, đặc biệt là mong muốn hợp tác trong ngành chế tạo, IT, ngành chế tạo thuốc và sản phẩm nông sản. 

Thứ sáu, hai nước đã duy trì sự phối hợp và hợp tác gắn bó trong các công việc của thế giới, trở thành những đối tác quan trọng thúc đẩy công tác quản lý, cải cách kinh tế toàn cầu. Sự phát triển nhanh của quan hệ Trung-Ấn, đặc biệt là những biểu hiện nổi trội trong đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, đã trở thành lực thúc đẩy chủ yếu để chấn hưng kinh tế và tăng trưởng ổn định trên toàn cầu, là các bên tham gia tích cực trong những diễn biến của cục diện quốc tế và cải cách hệ thống quốc tế. Trung Quốc và Ấn Độ nhiều lần nhấn mạnh “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” là những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản của quan hệ quốc tế, tích cực khởi xướng và thúc đẩy thiết lập hệ thống quốc tế mới công bằng, hợp lý, mở cửa và bao dung hơn. Ngoại giao đa phương của Trung Quốc và Ấn Độ mấy năm gần đây hết sức sôi nổi, là bên tham gia và bên xây dựng của nhiều cơ cấu đa phương quốc tế và cơ chế đối thoại song phương quan trọng. Cơ chế đối thoại giữa ngoại trưởng ba nước Trung-Nga-Ấn hiện đã trở thành sân chơi quan trọng của đối thoại chính trị giữa 3 nước; sức ảnh hưởng của cơ chế các nước BRIC trong việc quản lý kinh tế toàn cầu không ngừng mở rộng; sự phối hợp, hợp tác của các nước lớn đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ trong G-20 đã góp phần tích cực trong đối phó có hiệu quả với khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển cân bằng, bền vững, bảo vệ quyền lợi của đông đảo các nước đang phát triển. Lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần bày tỏ hết sức coi trọng địa vị của Ấn Độ - quốc gia đang phát triển trong các công việc quốc tế, hiểu và ủng hộ mong muốn phát huy vai trò lớn hơn của Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc kể cả Hội đồng Bảo an. Trong đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ở Côpenhaghen và Cancun, đoàn đại biểu của Trung Quốc và Ấn Độ đã phối hợp trao đổi với các nước trong nhóm Basic (Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và Nam Phi) như Braxin và Nam Phi, có những đóng góp to lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của đông đảo các nước đang phát triển. Đối phó với biến đối khí hậu đã trở thành ví dụ thành công về việc Trung Quốc và Ấn Độ triển khai hợp tác thiết thực cùng có lợi trong các vấn đề lớn mang tính toàn cầu.

II. 10 năm qua kể từ khi quan hệ Trung-Ấn được thúc đẩy toàn diện thì tính phức tạp của nó cũng không ngừng nổi rõ, những nhân tố mang tính gây thách thức cũng tăng lên. Mặc dù lãnh đạo hai nước nhiều lần nhấn mạnh, hai nước hoan nghênh sự phát triển hòa bình của đối phương, cho rằng “thế giới có đủ không gian để Trung Quốc và Ấn Độ cùng phát triển, cũng có đủ lĩnh vực để cung cấp cho Trung Quốc và Ấn Độ triển khai hợp tác”, nhưng vẫn có người hoài nghi trong quá trình cùng trỗi dậy, hai nước không có cách nào thoát khỏi “lời nguyền” địa chính trị, rất khó vượt qua những vướng mắc của vấn đề lịch sử và hiện thực, xử lý ổn thỏa vấn đề hợp tác và cạnh tranh. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ không những tồn tại cạnh tranh mà còn không thể loại trừ khả năng đối kháng. Trong bối cảnh này, sự can thiệp của nhân tố bên thứ ba đối với quan hệ Trung-Ấn nổi rõ. Nhân tố Mỹ luôn là nhân tố quan hệ Trung-Ấn không thể tránh né. Trong khi quan hệ Trung-Ấn phát triển toàn diện 10 năm qua thì quan hệ Ấn-Mỹ cũng có những thay đổi lớn. Xuất phát từ việc bố trí chiến lược toàn cầu của mình, Mỹ đã đẩy mạnh đầu tư chiến lược đối với Ấn Độ. Qua 10 năm dày công tạo dựng của chính phủ 3 khóa của Mỹ, quan hệ Ấn-Mỹ đã nâng lên thành “mối quan hệ mang tính quyết định thế kỷ 21”, Mỹ cho biết muốn “giúp đỡ” Ấn Độ trở thành nước lớn toàn cầu, hy vọng Ấn Độ phát huy “vai trò lãnh đạo” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã nhiều lần “nhìn nhận bằng con mắt khác” với Ấn Độ trong những vấn đề lớn mà Ấn Độ quan tâm như hợp tác hạt nhân dân dụng, Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an cũng như trong hợp tác phòng vệ quân sự, xuất khẩu khoa học kỹ thuật cao, thậm chí sẵn sàng sửa luật trong nước vì việc này, đồng thời thuyết phục cộng đồng quốc tế làm theo. Nhiều học giả của Ấn Độ và Mỹ cho rằng Ấn Độ là đồng minh tự nhiên của Mỹ để “cân bằng” sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Quan hệ Ấn Độ-Pakixtan lại là một nhân tố chủ yếu khác ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Ấn. Có học giả Ấn Độ cho biết Ấn Độ đã hiểu tính đặc biệt của mối quan hệ chiến lược Trung Quốc-Pakixtan nhưng đồng thời vô cùng lo ngại trước sự hợp tác toàn diện giữa hai nước này. Các phương tiện truyền thông và dư luận Ấn Độ một mặt hy vọng Trung Quốc có thể phân biệt đối xử với Ấn Độ và Pakixtan, yêu cầu Trung Quốc cũng giống như nhiều nước lớn phương Tây khác suy tính thấu đáo về địa vị của nước lớn mới nổi của Ấn Độ, đồng thời lại yêu cầu Trung Quốc gây ảnh hưởng đặc biệt đối với Pakixtan, ép Pakixtan thay đổi chính sách đối với Ấn Độ. Kiểu tâm lý mâu thuẫn này biểu hiện nổi bật ở một số vấn đề cụ thể liên quan tới tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakixtan, phía Ấn Độ đã đưa ra những kỳ vọng và yêu cầu quá cao đối với việc Trung Quốc và Pakixtan phát triển mối quan hệ và hợp tác thông thường. Nhân tố bên thứ ba trong quan hệ Trung-Ấn còn biểu hiện ở phương diện những tác động lẫn nhau giữa các nước khác với Trung Quốc và Ấn Độ ở chừng mực nhất định đã làm dấy lên xu thế cạnh tranh gay gắt giữa hai nước ở các khu vực xung quanh của mình. Đối với Ấn Độ, Nam Á là sân sau và “phạm vi ảnh hưởng” của Ấn Độ, không muốn thấy các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng và sự hiện diện của Trung Quốc tăng lên. Kể từ cuối thế kỷ 20 tới nay, Ấn Độ đã có những điều chỉnh lớn trong chính sách đối với Nam Á, áp dụng chính sách “cho nhiều hơn, lấy ít hơn” đối với các nước láng giềng Nam Á, đẩy mạnh việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Xri Lanca, làm cho mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng được cải thiện tương đối lớn. Mấy năm gần đây, Ấn Độ coi việc phát triển mối quan hệ với các nước xung quanh, củng cố địa vị chủ đạo là trọng điểm của ngoại giao Nam Á. Còn Trung Quốc được coi là nước láng giềng của Nam Á, quan hệ chính trị, kinh tế thương mại với các nước Nam Á trong cùng kỳ cũng đang phát triển nhanh. Trung Quốc hiện đã thay thế Ấn Độ trở thành bạn hàng lớn nhất của Nam Á. Điều này rõ ràng sẽ có tác động tới vị thế chủ đạo Nam Á của Ấn Độ. 

Để mở mang ảnh hưởng ở Đông Nam Á, đáp lên chuyến tàu nhanh trỗi dậy của Đông Á, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Ấn Độ bắt đầu thực hiện chiến lược “Hướng Đông”, tăng cường mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Ảnh hưởng của Ấn Độ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh liên tục được nâng lên. Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ nhiều lần bày tỏ ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực châu Á, đánh giá tích cực việc đối phương tham gia tiến trình hợp tác xuyên khu vực châu Á, hợp tác khu vực và tiểu khu vực, nhưng dư luận Trung Quốc có khá nhiều hoài nghi trước những tác động chiến lược giữa Ấn Độ với các nước Việt Nam, Inđônêxia, đặc biệt là việc Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh với các nước châu Á-Thái Bình Dương như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ôxtrâylia, lo ngại Ấn Độ sẽ trở thành quân cờ để Mỹ “kiềm chế” Trung Quốc. Quan hệ kinh tế thương mại Trung-Ấn mấy năm gần đây cũng có những thay đổi mới, va chạm kinh tế thương mại giữa hai bên tăng lên, tranh chấp lợi ích gia tăng. Phía Ấn Độ liên tiếp khởi kiện điều tra bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trở thành nước liên tục có những vụ kiện chống bán phá giá nhất đối với Trung Quốc. Tuy nhiều cuộc điều tra cuối cùng bị bỏ dở nhưng đã ảnh hưởng tới sự trao đổi thương mại thông thường giữa hai nước. Va chạm kinh tế thương mại tăng lên có khả năng là vấn đề lãnh đạo hai nước không ngờ tới, vì trước đây mối quan hệ này luôn là cỗ máy ổn định và nguồn động lực để quan hệ hai nước phát triển. Tuy nhiên trong quá trình hai nước đẩy nhanh phát triển kinh tế thương mại, tình hình bất cân bằng thương mại lớn quả thực đang trầm trọng hơn. Mấy năm qua, vấn đề thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc đang xấu đi, kim ngạch nhập siêu đã từ 4 tỷ USD năm 2005 tăng lên 16 tỷ USD năm 2009. Ấn Độ cho biết kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 lên tới 61,7 tỷ USD, nhưng Ấn Độ xuất khẩu 20,8 tỷ USD, còn nhập khẩu là 40,8 tỷ USD, nhập siêu tới 20 tỷ USD. Phía Ấn Độ bày tỏ tuy nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này nhưng nhập siêu thương mại lên tới 20 tỷ USD thì gần như đã tương đương với con số thâm hụt của chính phủ. Đây là điều không thể tưởng tượng và không thể chấp nhận. Ngoài ra, phía Ấn Độ cũng có ý kiến về kết cấu thương mại không hợp lý của hai nước, cho rằng không thể tiếp tục phương thức buôn bán Ấn Độ chủ yếu nhập từ Trung Quốc máy móc và các mặt hàng đã hoàn thiện, xuất khẩu nguyên liệu như bông và khoáng sản.

Doanh nghiệp hai nước đều phàn nàn trước việc tiến vào thị trường của đối phương. Ấn Độ phàn nàn việc Trung Quốc bán phá giá đối với các mặt hàng chế tạo vào Ấn Độ, vì vậy phải thu thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc. Ấn Độ cũng có ý kiến đối với các mặt hàng có giá trị phụ gia cao Trung Quốc xuất sang nước này, chẳng hạn thiết lập hàng rào đối với việc chế tạo thuốc và các sản phẩm viễn thông. Phía Trung Quốc tỏ ra không hài lòng trước việc Ấn Độ giám sát quản lý nghiêm ngặt đối với việc mua sắm thiết bị điện lực và viễn thông, trách Ấn Độ áp dụng chính sách phân biệt đối xử với đầu tư của Trung Quốc, lợi dụng điều khoản an ninh và chính sách thị thực hạn chế các doanh nghiệp của Trung Quốc. Vấn đề cơ sở dân ý mỏng yếu trong quan hệ hai nước nổi rõ. Quan hệ Trung-Ấn có đặc điểm chính phủ chủ đạo, lãnh đạo cấp cao tích cực thúc đẩy. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội tụ nhận thức chung chính trị, khai thông cục diện bế tắc. Nhưng kiểu mô hình quan hệ này cũng có vấn đề, đặc biệt là cùng với quan hệ song phương ngày một sâu sắc hơn, lĩnh vực hợp tác được mở rộng, và sự chuyển đổi mô hình phát triển của hai nước, thiên hướng lợi ích của các bên sẽ ngày càng phức tạp đa dạng, chính phủ hai nước nhất định phải được dư luận và dân chúng trong nước hiểu và ủng hộ, nhận thức của họ đối với quan hệ Trung-Ấn phải bắt kịp sự thay đổi, phát triển của thời đại. Mấy năm gần đây phản ứng của một số phương tiện truyền thông và dư luận hai nước đối với những tác động phức tạp trong quan hệ Trung-Ấn đã trở thành vấn đề mới mà chính phủ hai nước phải đối mặt trong khi xử lý mối quan hệ. Về phía Ấn Độ, ở trong nước ít nhất có ba thế lực đang kích động “Trung Quốc ác ý”: Một là những người muốn xích gần quan hệ với phương Tây trong vòng chính sách ngoại giao và an ninh, khá nhiều trong số đó vẫn đang giữ các chức vụ quan trọng; hai là các nhóm lợi ích như quan chức quân đội nghỉ hưu, các nhà buôn vũ khí; ba là, những người theo dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ giáo cánh hữu, mong muốn ghi điểm trong khi phản đối chính phủ tại nhiệm. Vấn đề “thâm nhập” biên giới và vấn đề “thị thực rời” mà họ nhiều lần nhào nặn không những đã phá hoại bầu không khí tốt đẹp trong quan hệ hai nước, mà còn khiến đối thoại quốc phòng Trung-Ấn không suôn sẻ, xu thế tích cực trong hợp tác trao đổi quan sự cũng gặp trở ngại. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại trước việc mấy năm gần đây Ấn Độ tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia trong lĩnh vực an ninh và phòng vệ. Họ không những quan tâm tới chương trình hiện đại hóa quân sự, việc đẩy mạnh mua sắm máy bay chiến đấu và tàu chiến tiên tiến của Ấn Độ mà còn quan tâm tới việc Ấn Độ không ngừng tăng cường bố trí quân sự ở khu vực biên giới Trung-Ấn, cho rằng hành động này là có ý nhằm tăng gây sức ép chiến lược đối với Trung Quốc. Sự thay đổi của các cơ quan truyền thông và dư luận Ấn Độ, ở một chừng mực nhất định đã ảnh hưởng tới việc chính phủ hai nước xử lý những vấn đề nhạy cảm giữa hai bên, gây phiền phức cho sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung-Ấn. 

III. Những thay đổi phức tạp này ở chừng mực rất lớn là do tính không đối xứng và tính khó lường trong quan hệ hai nước tạo ra. Khá nhiều nhà quan sát cho rằng nhân tố mang tính thách thức mà quan hệ Trung-Ấn phải đối mặt là những thay đổi to lớn của cục diện quốc tế hiện nay, trong bối cảnh hệ thống quốc tế có những điều chỉnh sâu sắc, phản ánh nhiều thách thức chồng lấn nhau trong quá trình hai nước cùng trỗi dậy. Hoàn cảnh quốc tế hiện thực của hai nước đều có những khác biệt tương đối lớn. So với Ấn Độ, Trung Quốc là “bên được lợi” của hệ thống quốc tế hiện hành, hy vọng những diễn biến của hệ thống quốc tế là một quá trình tiệm tiến. Còn Ấn Độ do tương đối yếu thế nên chủ trương thay đổi một cách căn bản cục diện và hệ thống quốc tế hiện nay. Kinh tế phát triển nhanh và tiềm lực thị trường lớn của Ấn Độ đã giúp thay đổi căn bản tình cảnh quốc tế của nước này, nâng cao lòng tự tin của đất nước, cũng làm cho những nước tìm kiếm “bao vây” thậm chí kiềm chế Trung Quốc phát triển tìm được đồng minh “tự nhiên”. Tuy Ấn Độ không cho rằng đối trọng với Trung Quốc phù hợp với lợi ích chiến lược của nước này nhưng do được sự “cổ vũ” của Mỹ và các nước lớn phương Tây nên rốt cuộc đã đẩy mạnh việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, mở rộng không gian xoay xở của ngoại giao nước lớn của Ấn Độ. Mâu thuẫn mang tính kết cấu này có khả năng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc và Ấn Độ mất đi lòng tin chiến lược với nhau. Cùng với hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày một khơi sâu, va chạm giữa hai nước bắt đầu không ngừng lan tới một số vấn đề ở tầng nấc sâu hơn, canh bạc lợi ích càng phức tạp hơn. Nền chính trị, văn hóa, trình độ phát triển xã hội của hai nước cũng khác nhau, nhân tố kiềm chế của chính trị trong nước tăng lên nhiều. Nhu cầu tài nguyên do kinh tế tăng trưởng nhanh, đặc biệt là nhu cầu năng lượng, cũng làm cho hai nước ở vào thế cạnh tranh trong việc bảo vệ an ninh nguồn tài nguyên của mỗi bên. Đồng thời, kinh tế, xã hội của Ấn Độ khởi bước phát triển tương đối muộn, cho thấy không đủ tự tin trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc, lo ngại các ngành trong nước khó có thể sinh tồn do bị tác động bởi hàng hóa của Trung Quốc. Hiểu chưa hết về tính phức tạp của quan hệ Trung-Ấn, kỳ vọng quá cao có khả năng cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tháng 4/2005, sau khi Trung Quốc và Ấn Độ đạt được nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề biên giới bằng con đường chính trị, phía Ấn Độ chưa hiểu hết về tính phức tạp của vấn đề biên giới, từng cho rằng rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết kể cả vấn đề biên giới có thể được giải quyết rất nhanh theo ý tưởng của phía Ấn Độ. Do ảnh hưởng bởi tâm lý này, khi việc đàm phán vấn đề biên giới vấp phải khó khăn, Ấn Độ tự nhiên cho rằng đây là thái độ tiêu cực của phía Trung Quốc thậm chí có ý định rút lui. 

Chặng đường phát triển của mối quan hệ Trung-Ấn trong thế kỷ mới cho thấy thúc đẩy quan hệ Trung-Ấn phát triển một cách ổn định, lành mạnh là nhận thức chung chính trị của các giới ở hai nước, là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Sự phát triển trong tương lai không những đòi hỏi hai nước tiếp tục kiên trì những nhận thức chung và nguyên tắc quan trọng đã đạt được, mà còn cần người dân hai nước nhìn nhận một cách có lý trí những thành tựu mà hai bên đã đạt được trong khi phát triển, tiềm lực trong tương lai, triển vọng phát triển và cơ sở dân ý của xã hội. Về phía người dân Trung Quốc, nền văn hóa đa dạng độc đáo, những thành tựu to lớn về phát triển của Ấn Độ đáng để kính phục; đối với người dân Ấn Độ, lịch sử giao lưu hữu nghị hơn 2000 năm cho thấy sự phát triển của Trung Quốc sẽ không tạo thành mối đe dọa “an ninh” đối với Ấn Độ. Để giải quyết sự thiếu hụt niềm tin chiến lược, hai nước cần vượt qua mô hình địa chính trị, xây dựng một khung tư duy mới. Những năm 50 của thế kỷ 20, hai nước có nền văn minh cổ đại được hồi sinh, từ tầm cao “châu Á nắm giữ vận mệnh của mình”, đưa ra “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”, có những thử nghiệm và nỗ lực tích cực cho việc thiết lập mối quan hệ kiểu mới giữa các quốc gia. Trong bối cảnh cục diện và hệ thống quốc tế hiện nay có những thay đổi, điều chỉnh sâu sắc, tinh thần của “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” vẫn là nguyên tắc tiêu chuẩn quan trọng để phát triển mối quan hệ giữa các nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có nền văn minh lâu đời, những di sản văn hóa lịch sử phong phú và quan niệm giá trị đa dạng bao dung, lẽ ra nên cùng tạo ra một “kiểu mẫu” trao đổi mới trong quá trình cùng nhau phát triển và phát triển hài hòa, có đóng góp cho việc xây dựng một thế giới hài hòa cùng phồn vinh và hòa bình mãi mãi. Muốn tăng thêm lòng tin chiến lược thì Trung Quốc và Ấn Độ còn phải tìm kiếm chủ đề đối thoại và lĩnh vực hợp tác mới, không ngừng làm phong phú nội dung của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đặc biệt là phải thúc đẩy quan hệ song phương phát triển từ hai cấp độ khu vực và toàn cầu, tạo không gian tích cực cho mỗi bên phát triển, tranh thủ một trật tự và môi trường quốc tế có lợi. 

Thứ nhất, tạo dựng một không gian phát triển địa kinh tế chung, thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh tế và nhất thể hóa khu vực, để các nước xung quanh cùng được hưởng thành quả từ sự hợp tác và phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ. Nhân tố mang tính thách thức lớn nhất trong quá trình hai nước phát triển đến từ các khu vực xung quanh của mỗi bên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước và khu vực xung quanh này đang trải qua sự chuyển đổi mô hình chính trị, kinh tế và xã hội chưa từng có. Sự ổn định về an ninh và phát triển của những khu vực này cũng như hướng đi của cục diện khu vực ở một chừng mực nhất định được quyết định bởi sự tác động lẫn nhau giữa hai nước. Trung Quốc và Ấn Độ đều chủ trương thiết lập một trật tự khu vực “mở cửa, bao dung, cân bằng”, và muốn tăng cường trao đổi, phối hợp và hợp tác trong các vấn đề khu vực. Trung Quốc và Ấn Độ cũng phát huy vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực liên quan và trong các tổ chức khu vực. Tăng cường hơn nữa sự trao đổi chiến lược giữa hai nước trong tiến trình hợp tác và nhất thể hóa khu vực đã trở thành chủ đề quan trọng của hợp tác song phương. Thứ hai, Trung Quốc và Ấn Độ đều tích cực đẩy mạnh cùng liên kết cùng trao đổi với nhau ở khu vực xung quanh, trong đó năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng là lĩnh vực trọng điểm để hai nước triển khai hợp tác thiết thực cùng có lợi. Hai nước có thể đẩy mạnh sự phối hợp trong việc xây dựng đường ống dẫn dầu khí, mạng lưới điện, mạng lưới đường bộ, đường sắt, cùng vạch ra các quy tắc thương mại có liên quan tới năng lượng, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, hai nước còn có thể thảo luận về việc cùng nhau sử dụng phương tiện của đối phương hoặc quá cảnh cần thuận tiện hơn cho việc trung chuyển. 

Thứ ba, Trung Quốc và Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác ở phương diện cùng liên kết cùng trao đổi, thì phải kiên trì giải quyết vấn đề biên giới với thái độ thiết thực, kiên nhẫn tìm kiếm khuôn khổ và tư duy mới để giải quyết vấn đề một cách công bằng, hợp lý. Tư duy này không những có lợi cho việc từng bước thiết lập sự tin cậy lẫn nhau, mà còn là sự thể hiện cụ thể của mối quan hệ Trung-Ấn ngày càng có xu hướng chín muồi. Hai nước nên tiếp tục kiên trì các cơ chế và nguyên tắc hiện có, cố gắng làm nhạt ảnh hưởng của vấn đề biên giới trong quan hệ hai nước, giảm bớt ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Trong khi nhìn nhận một cách thiết thực vấn đề biên giới còn phải xử lý ổn thỏa những vấn đề mới xuất hiện trong quan hệ hai nước, trước tiên giải quyết vấn đề cụ thể với thái độ thiết thực, đặc biệt là đẩy mạnh mức độ hợp tác xuyên biên giới trong việc kiểm soát chặt chẽ biên giới, khai thác nguồn nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, biến việc phân chia ranh giới giữa hai nước thành cầu nối gắn kết sự hợp tác giữa hai nước. 

Thứ tư, hợp tác kinh tế thương mại cùng có lợi, có thể lan tỏa ra toàn khu vực, thông qua đẩy mạnh thành lập khu mậu dịch tự do khu vực hoặc sắp xếp thương mại khu vực, từng bước tìm cách giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại, tăng cường đầu tư lẫn nhau. Ấn Độ nên tích cực ủng hộ Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng Nam Á với nhiều hình thức, nhiều tầng nấc hơn nữa, ủng hộ Trung Quốc tham gia vào việc sắp xếp mới của cơ chế hợp tác Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á. Việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ và các nước Nam Á khác, sẽ tạo nhiều việc làm mới cho nhiều nước kể cả Ấn Độ. Cùng với việc Trung Quốc chuyển đổi mô hình kinh tế, giá thành lao động trong nước tăng lên, các ngành của Trung Quốc tất sẽ dịch chuyển tới các nước láng giềng. Môi trường đầu tư tương đối có lợi của Ấn Độ sẽ là mảnh đất quan trọng quan trọng để Trung Quốc đầu tư, đồng thời dựa vào đó lan tỏa ra xung quanh. Và điều này tất yếu sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực Nam Á cũng như việc xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm sân bay, cảng, đường cao tốc, đường sắt, làm cho nó kết nối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương, có lợi cho sự phát triển của tiến trình nhất thể hóa châu Á-Thái Bình Dương. Thứ năm, thông qua mỏ rộng lĩnh vực hợp tác mới, giải quyết các vấn đề mới để tăng cường hợp tác. An ninh tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương và vấn đề tuyến đường vận chuyển là chủ đề mới trong hợp tác Trung-Ấn. Việc Trung Quốc tham gia các hoạt động bảo vệ tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương, có hành động tấn công cướp biển Xômali, cũng như lần đầu tiên thử nghiệm tàu sân bay, đã khiến các phương tiện truyền thông Ấn Độ lo ngại. Trung Quốc bày tỏ rõ không tồn tại cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai”, không tìm cách xây dựng căn cứ hải quân ở các nước ven biển Ấn Độ Dương, nhưng bảo vệ an ninh tuyến đường an ninh vận chuyển phù hợp với lợi ích chung của hai nước. Thứ sáu, khu vực châu Phi là lãnh thổ mới để quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung-Ấn mở mang phát triển. Nhân chuyến thăm Ấn Độ tháng 12/2010 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng: đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định liên quan, bao gồm thảo luận xây dựng khu vực hợp tác kinh tế thương mại ngoài biên giới nước đối phương, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, phối hợp chính sách viện trợ đối với châu Phi, đồng thời triển khai hợp tác trong các dự án liên quan, đẩy mạnh việc triển khai hợp tác Nam-Nam. 

Ở cấp độ toàn cầu, việc Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường phối hợp, hợp tác hơn nữa trong các vấn đề toàn cầu đã cho thấy ý nghĩa chiến lược và toàn cầu của mối quan hệ này. Quan trọng nhất nhưng cũng là mang tính thách thức nhất là hợp tác chiến lược Trung-Ấn phải phát huy vai trò, có đột phá trong việc tăng cường quản lý kinh tế toàn cầu, giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu. Đây không những là mong đợi của cộng đồng quốc tế mà còn là trách nhiệm của hai nước. Dưới sự nỗ lực chung của các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, việc cải cách hệ thống tài chính quốc tế đã đạt được thành quả mang tính giai đoạn, nhưng vấn đề không công bằng, không hợp lý trong khi cải cách hệ thống quốc tế, thúc đẩy trật tự mới kinh tế chính trị quốc tế, đặc biệt là việc thiết lập trật tự mới kinh tế tài chính, là một quá trình khó khăn lâu dài. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế đang phát triển lớn nhất, nếu có thể tăng cường phối hợp trong quá trình cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, bao gồm lợi dụng cơ hội do kim ngạch thương mại liên tục tăng lên mang lại, tiến hành trao đổi và giao dịch tiền tệ, thì sẽ có ý nghĩa rất lớn. Ngày 1/1/2011, Ấn Độ bắt đầu đảm nhận nhiệm kỳ hai năm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, tạo cơ hội mới để Trung Quốc và Ấn Độ phối hợp hợp tác trong vấn đề an ninh chính trị toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ đều phản đối việc động một chút là sử dụng vũ lực, kiên trì giải quyết bất đồng và xung đột bằng phương thức hòa bình, cho thấy tiềm lực lớn của hợp tác giữa các nước đang phát triển. Chặng đường phát triển của quan hệ Trung-Ấn trong 10 năm đầu thế kỷ mới cho thấy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược vừa mới bắt đầu. Chỉ cần hai bên cùng cố gắng, kiên trì những nhận thức chung chiến lược đã đạt được, kiên trì tuân theo “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”, Trung Quốc và Ấn Độ nhất định có thể xây dựng thế kỷ 21 thành “thế kỷ của châu Á”, có những đóng góp lớn hơn cho tương lai tốt đẹp của thế giới./. 

Tin gốc: 共创战略合作伙伴关系的新议程——未来10年中印关系前瞻

Theo Tạp chí “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế”-Trung Quốc (số 5/ 2011) 

Mỹ Anh (gt)